Gian khó giữa rừng già

Chúng tôi đã vuột mấy lần hẹn mới có dịp đi dọc tuyến biên giới Tây Nam phía đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông. Các đồn biên phòng đóng quân ở mạn này khá biệt lập bởi nằm hun hút trong vùng lõi của Rừng quốc gia Lò Gò-Xa Mát, đường sá lại cách trở, khó khăn. Anh lái xe chở chúng tôi đi lần này bắt chuyện:

- Các anh là một trong những đoàn công tác đầu tiên đi trên con đường xuyên rừng vừa nên hình hài, trải đá dăm và bằng phẳng sau hơn một năm thi công. Những năm trước, vào mùa mưa, “ổ voi”, “ổ gà”, cống nước chằng chịt, không có phương tiện nào có thể qua được. Các đồn biên phòng ở phía trong gần biên giới Campuchia đều trở thành “ốc đảo” giữa rừng già.

leftcenterrightdel
Đồn Biên phòng Tân Bình và Đội quản lý Rừng quốc gia Lò Gò-Xa Mát tuần tra bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Ảnh: BẢO MINH

Rừng già Lò Gò-Xa Mát là một khu rừng đặc biệt. Các đồn biên phòng ở tuyến biên giới nằm giữa khu rừng này phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết:

- Các đồn biên phòng ở tuyến đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông có nhiều khó khăn, không chỉ là đường sá gập ghềnh, biệt lập, nơi đây còn thiếu thốn đủ bề. Mùa khô thì nắng chang chang như đổ lửa. Đi ngoài bìa rừng xanh ngắt hoang hoải như thế cũng không đủ làm mát cho cái nắng đổ trên con đường tuần tra dọc các tuyến sông. Mực nước ngầm hạ thấp nên công tác phòng, chống cháy rừng luôn đặt trong trạng thái báo động. Cao điểm mùa khô, rừng có lớp thực bì dày tầng tầng khắp nơi nên rất dễ cháy. Nền nhiệt cao, điện cũng thiếu, nước phục vụ sinh hoạt, tăng gia và phòng, chống cháy rừng cũng khan hiếm. Nắng hạn đã khổ, mưa lụt cũng lắm gian nan. Mùa lụt, nước từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông đổ mạnh về gây ngập lụt ở nhiều khu vực tuyến biên giới nên Bộ chỉ huy BĐBP Tây Ninh luôn thường trực chế độ trực sẵn sàng phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt là những đoạn biên giới bị ngập sâu để bảo đảm hệ thống đường tuần tra, cột mốc, cột dấu được bảo vệ nguyên trạng, an ninh trật tự được giữ vững; cảnh báo, di dời người dân sinh sống dọc tuyến sông lên khu vực an toàn.

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nguy cơ cháy rừng được ngành chức năng nâng cảnh báo cấp 4, cấp 5. Chúng tôi đến thăm đồn Tân Bình đúng vào dịp nắng nóng cao độ, cán bộ, chiến sĩ thay phiên phối hợp với Đội quản lý rừng thuộc Rừng quốc gia Lò Gò-Xa Mát tuần tra. Nắng rát, thực bì khô vỡ gãy lốp bốp dưới chân. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội quản lý rừng Lò Gò-Xa Mát kể: “Chỉ cần một đốm lửa nhỏ rơi vào lớp thực bì giữa rừng do bất cẩn, đám cháy sẽ bùng lên lan rộng. Công tác phối hợp giữa đội quản lý với Đồn Biên phòng Tân Bình luôn chặt chẽ, thường xuyên, bám sát các kế hoạch cao điểm”.

Đồn Biên phòng Tân Bình quản lý 4 cột mốc chính, 1 cột mốc phụ, 3 cọc dấu trên tuyến biên giới. Hoạt động tuần tra trên sông, trên bộ, trong rừng nguyên sinh được tổ chức chặt chẽ theo kế hoạch và đột xuất khi có nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ đồn Tân Bình vừa tuần tra xử lý vi phạm, vừa kết hợp tuyên truyền những đối tượng xâm nhập đánh bắt thú rừng, cây rừng trái phép. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Tân Bình còn phối hợp với lực lượng kiểm lâm triển khai đốt đường băng thực bì để chia cắt lửa, phòng khi xảy ra cháy rừng, xây dựng các hố, bồn chứa nước trong rừng để kịp thời huy động, xác định những điểm lấy nước từ sông Vàm Cỏ Đông khi xảy ra cháy rừng.

Thượng tá Đặng Văn Kiểm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Bình chia sẻ niềm vui mới của đồn: “Suốt 10 năm qua, vào mùa mưa, đồn được ví như ốc đảo vì đường sá xuống cấp, hư hỏng. Năm nay thì khác rồi, con đường xuyên rừng đã được mở rộng, dù chưa hoàn thiện nhưng đã rộng mở và trải đá dăm, chỉ chờ ngày đổ nhựa. Nhiều cây cầu bắc qua các nhánh sông nhỏ nối với sông Vàm Cỏ Đông cũng đã được xây dựng và sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020. Lúc ấy, con đường xuyên rừng rộng mở, nhựa trải bằng phẳng, thẳng tắp sẽ giúp cho định hướng phát triển Cửa khẩu Tân Nam thuộc đồn quản lý có nhiều hoạt động giao thương, đi lại giữa nước ta và nước bạn Campuchia”.

Tình quân-dân bên cột mốc

Con sông Vàm Cỏ Đông ở phía đầu nguồn khi đổ vào địa phận của Việt Nam mang một nét đặc biệt. Vì được chọn là lằn phân định biên giới tự nhiên hai nước nên con sông này uốn lượn đến đâu thì những cột mốc, cột dấu của hai quốc gia được dựng và xác lập đến đó. Ở đồn Tân Bình không có dân, bộ đội chủ yếu bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ rừng, phòng, chống buôn lậu, còn đoạn dưới của sông Vàm Cỏ Đông, Đồn Biên phòng Lò Gò lại có nhiều cụm dân cư, sóc của đồng bào Khmer thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Xã có hơn 1.800 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, đánh bắt cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Đây là xã vùng sâu, còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh và Đồn Biên phòng Lò Gò luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bà con nơi đây với các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, trao quà, học bổng cho học sinh tiểu học, tổ chức các chương trình lễ, tết với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu gắn kết nghĩa tình quân dân nơi biên giới. Vừa qua, đúng vào dịp đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp đón Tết Chol Thnam Thmay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh cùng Đồn Biên phòng Lò Gò tổ chức chương trình “Biên phòng-ấm lòng dân bản” tại chùa Chùng Rục, ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp với các hoạt động gói bánh tét, trao tặng 110 phần quà cho học sinh dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, tặng quà 15 già làng, trưởng bản… Nhờ sự đỡ đầu, quan tâm đặc biệt của lực lượng BĐBP, trong tháng 4-2019, Hòa Hiệp đã hoàn thành các mục tiêu và được công nhận xã nông thôn mới, trở thành một trong những địa bàn ở biên giới Tây Nam đạt chuẩn này.

Trung tá Hoàng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lò Gò cho biết: Lãnh đạo, chỉ huy đồn luôn phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình giúp dân phát triển kinh tế, đưa 8 cán bộ, đảng viên của đồn về sinh hoạt Đảng ở các khóm ấp, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được triển khai sinh động, gắn liền với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương ở cơ sở nên luôn phát huy hiệu quả rất cao trong bảo đảm an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn biên phòng.

leftcenterrightdel
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tổ chức trao quà tặng người dân ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên. Ảnh: TRUNG QUÂN

Trong 15 đồn biên phòng ở tuyến biên giới Tây Ninh, Đồn Biên phòng Lò Gò được xem là “địa chỉ đỏ” về nguồn vì nơi đây in đậm dấu tích hào hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngày 22-1-1978, Khmer Đỏ đưa lực lượng cùng trang bị hỏa lực mạnh tấn công Đồn Biên phòng Lò Gò. Cán bộ, chiến sĩ đã phản kháng, đánh trả quyết liệt trong điều kiện trang bị, vũ khí, đạn dược hạn chế, công sự tạm bợ. Địch phải rút sau một ngày vây hãm đánh đồn không thành. Trong những năm tháng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ đồn Lò Gò đã chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, gọi hàng 26 tên; thu và phá hủy 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn. 13 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh trước làn đạn của địch trong suốt những năm tháng khốc liệt, có nhiều khó khăn, thiếu thốn, trở thành tượng đài bất tử bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam. Hiện nay, nơi đây đã xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò để tưởng nhớ sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ năm xưa, khu tưởng niệm rộng 1.200m2, với kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Rời Rừng quốc gia Lò Gò-Xa Mát, tuyến sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi bịn rịn bởi những câu hát trong đêm giao lưu với cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Lò Gò. Câu hát trong bài hát “Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục) vang đêm rừng thẳm: “…Vàm Cỏ Đông đây/ Vàm Cỏ Đông đây/ Ta quyết giữ từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa...”. Tiếng hát vút cao giữa miền rừng biên giới. Phía không xa cổng đồn biên phòng, con sông Vàm Cỏ Đông ăm ắp nước đầu mùa mưa vẫn cuồn cuộn chảy về xuôi. Mến yêu sao một miền biên viễn Tây Nam có những tâm hồn da diết đầy rung cảm, lãng mạn, lạc quan giữa muôn trùng gian khó. Chính nhờ niềm tự hào, lạc quan ấy đã giúp cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi qua những khó khăn, thử thách trong thăm thẳm rừng già…

HUY KIÊN