|
Thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ TNXP Truông Bồn. |
40 năm, một khoảng thời gian đủ để màu xanh phủ kín những dấu tích của bom đạn. Nhưng 40 năm, xem ra lại quá ngắn để ký ức về những người con Truông Bồn nhạt phai. Tôi về tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày kỷ niệm chiến thắng Truông Bồn, địa danh anh hùng mà tôi được nghe đã nhiều nhưng chưa một lần được đặt chân tới. Truông Bồn với những khẩu hiệu “
Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường huyết mạch giao thông không thể tắc”…
3 giờ sáng, nằm nghe mưa thành Vinh mà lòng thao thức. Chỉ mấy tiếng nữa thôi, em sẽ được thắp hương tưởng nhớ các anh, các chị. Chị Doãn, chị Đang, chị Nhung, chị Tâm, chị Hiên, anh Hạp, anh Hòa… ơi, em sẽ được gặp các anh, các chị như các chị ở Ngã ba Đồng Lộc năm xưa!
8 giờ sáng, trước khu nhà tưởng niệm 13 anh chị liệt sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn, cả nghìn người chung một cảm xúc bùi ngùi tiếc thương. Khói hương nghi ngút, mưa lích rích bay ngày càng nặng hạt hơn. Mắt tôi nhòa đi, tên các chị, các anh trên tấm bia Tổ quốc ghi công chưa đủ để nói hết tội ác đế quốc Mỹ đã giày nát mảnh đất thân thương này. Mỗi mét vuông đất nơi đây từng phải chịu hàng tấn bom của chúng, hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến.
Bồi hồi lần giở những trang hồi ký, ngày 19-2-1967, Đại đội 317 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ chốt giữ đoạn đường chiến lược 15A qua Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Đại đội 317 chọn 14 cán bộ, chiến sĩ ưu tú, quả cảm nhất của đơn vị vào Tiểu đội cảm tử trực chiến nơi hiểm trở, khốc liệt nhất của Truông Bồn. Hầu hết họ là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, ở các miền quê Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên… Tiểu đội có 12 nữ và 2 nam.
Nhiệm vụ của tiểu đội đặc biệt này là bám tọa độ lửa để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường; làm “cọc tiêu sống” ban đêm cho các đoàn xe vượt trọng điểm. Trong thời gian bám trụ ở Truông Bồn, tiểu đội đã cùng đại đội và các lực lượng khác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt cho hàng vạn lượt bộ đội, hàng nghìn lượt phương tiện qua lại trên tuyến đường.
|
|
Tái hiện “Những cô gái Truông Bồn”. Ảnh: Huy Đăng |
Đêm 30, rạng sáng ngày 31-10-1968, Đại đội 317 được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn vào Nam. Đến 6 giờ 10 phút sáng 31-10, khi chiếc xe cuối cùng vừa rời khỏi tọa độ lửa thì một tốp máy bay Mỹ lao đến trút một loạt bom vào trận địa. Ngay khi khói bom thù còn khét lẹt, những đồng đội ở các tiểu đội khác, dân quân và nhiều người dân xã Mỹ Sơn lao vào trọng điểm tìm kiếm các chị, các anh dưới lớp đất đá bị băm nát, xới tung. 13 trong số 14 cán bộ, chiến sĩ cảm tử đã hy sinh, chỉ có chị Trần Thị Thông may mắn sống sót. Các anh chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, một người mới 17 tuổi, một người vừa tròn 18. Vì đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cả 13 người đều chưa kịp xây dựng gia đình. Chiều hôm trước, bốn người trong số họ đã làm xong thủ tục để ra quân. Cầm trong tay giấy báo vào trường đại học và trung cấp, hai người dự định sẽ về quê làm lễ cưới ngay sau đó…
Từng người tay cầm nén hương trân trọng nguyện cầu cho các chị, các anh được thanh thản yên giấc ngàn thu. Trong tiếng nhạc trầm hùng, một phút mặc niệm, cả nghìn người nín lặng, tất cả cùng nhìn về lá cờ Tổ quốc. Vài tiếng nấc phát ra từ hàng ghế những cựu Thanh niên xung phong. 40 năm trước, họ cũng trẻ trung, cũng phơi phới một niềm tin vào sự thống nhất đất nước. Họ cũng vượt qua mưa bom bão đạn. Hôm nay, trở lại chiến trường, những tiếng nấc hay là lòng tiếc thương những đồng đội cũ đã ngã xuống.
Mưa xứ Nghệ sụt sùi cả tuần, Ban tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn đã dự kiến 700 chiếc ô để phát cho đại biểu tham dự. Vậy mà, kỳ lạ thay, ngay khi lễ kỷ niệm bắt đầu, trời chợt hửng nắng. Ai nấy bùi ngùi: “Các o thiêng quá!”, “Các chị, các anh về để nhận danh hiệu anh hùng đấy!”.
Các chị, các anh ơi! 40 năm rồi, máu anh chị đổ xuống không uổng. Tuổi trẻ của anh chị, những thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh cho tuổi trẻ chúng tôi hôm nay được học hành, cho xã hội những bác sĩ, những kỹ sư, những anh hùng lao động tài năng đang tiếp bước cống hiến cho quê hương giàu mạnh hơn, to đẹp hơn.
Chiến tranh đã lùi xa, Truông Bồn đã xanh màu cây cối, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất năm xưa các chiến sĩ Thanh niên xung phong đêm đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho các đoàn xe ra tiền tuyến. Nơi đây đã và sẽ là một mốc son chói ngời, một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
DƯƠNG TUẤN