Chạy đua với nắng, với bão

QĐND - Đường vào Tiểu đoàn Tên lửa Volga 62, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đi qua đầm sen khá rộng. Giữa mùa hè, sen nở bung. Cánh sen phớt hồng vốn đẹp là thế lại xòe rộng, rủ xuống vì nắng hơn 40 độ C và hơi nước nóng bốc lên kéo dài nhiều ngày. Nhị sen nhỏ như sợi chỉ màu vàng nhạt mềm oặt, héo quắt vì nắng. Trái với cảnh ấy là sự sôi động, khẩn trương ở kíp chiến đấu thuộc Đại đội 1 của Tiểu đoàn 62 trước giờ kiểm tra kết quả tiến hành công tác định kỳ năm của các cán bộ chuyên môn Phòng Tên lửa (Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ). Thiếu tá Phạm Huy Cường, Tiểu đoàn trưởng, cao hơn 1,7m, khom người hết cỡ, lách vào phòng của đài điều khiển đặc sắt thép, thiết bị điện tử để quan sát, chỉ huy kíp chiến đấu kiểm tra thông số kỹ thuật.

Huy Cường sinh năm 1982, quê ở Ý Yên (Nam Định) và tốt nghiệp Học viện PK-KQ loại khá năm 2005. Tuy trẻ tuổi so với cương vị công tác nhưng Cường rất chững chạc khi cầm tổ hợp chỉ huy các trắc thủ tác nghiệp trong đài điều khiển. Kết thúc buổi kiểm tra, Cường rành mạch bộc bạch: Để công tác định kỳ năm có chất lượng tốt, tiểu đoàn trưởng phải lập kế hoạch chi tiết và được sự phê duyệt của trung đoàn. Kế hoạch định kỳ năm mà Cường làm gồm nhiều kế hoạch nhỏ, được xây dựng trên khổ giấy A0 và A4 rất công phu, chi tiết đến từng đầu công việc của các kíp xe, trắc thủ. Cường kể: Hôm làm định kỳ năm, đúng dịp nắng nóng kéo dài nên cán bộ, chiến sĩ rất căng thẳng. Cả tiểu đoàn như một xưởng sửa chữa lớn. Cán bộ, chiến sĩ đầm đìa mồ hôi, hối hả tháo linh kiện ở tủ đài điều khiển, ra-đa P18, bệ phóng... rồi mang ra xếp vào các vị trí quy định. Khổ nhất là khi lau chùi, kiểm tra mạch điện, công suất các đèn, đo cơ cấu chuyển động của các linh kiện, thiết bị đã được tháo rời trong nhà bạt dựng trên nền bê tông. Cái nóng từ trên mái bạt hắt xuống mặt bê tông khiến người ngồi cảm tưởng như đứng trong chiếc chảo rang bị đậy vung.

Lau chùi, bảo quản tên lửa ở Tiểu đoàn 62 (Trung đoàn 236, Sư đoàn 361).

Cường kể tiếp, đúng lúc công việc đang dở dang thì bão số 1 sắp ập đến. Quân số tiểu đoàn được huy động tối đa. Ngay cả các đồng chí làm nhiệm vụ nuôi quân, quân y... cũng được huy động phụ việc. Trưa ấy, cán bộ, chiến sĩ ăn bánh mì, làm thông tầm, chạy đua với nắng, cố lắp thiết bị, linh kiện vào các vị trí trong tủ đài điều khiển, bệ phóng và ra-đa xong trước giờ bão số 1 đổ bộ. Bởi theo như Cường phân tích, khi bão đến, mưa nhiều, nếu thiết bị, linh kiện là các mạch điện tử không kịp lắp vào vị trí sẽ dễ nhiễm ẩm, hư hỏng, ảnh hưởng đến tính đồng bộ của khí tài và hiệu suất chiến đấu của tên lửa. Thật may, lắp xong 15 phút thì trời tối đen, mưa suốt gần hai ngày. Cuối câu chuyện, Cường cười rất tươi, thân thiện khiến mọi mệt nhọc trong anh như trôi tuột, chẳng còn hiện diện. Cường dí dỏm đùa vui: “Khí tài tên lửa phòng không (TLPK) là vợ, là con của lính tên lửa từ lâu rồi anh ạ!”. Mãi sau này tìm hiểu chúng tôi mới biết, từ tháng 3 đến nay, Cường và rất nhiều đồng đội trong đơn vị chưa về thăm vợ con, bố mẹ.  

Chủ động, đi trước

Trong thời gian cùng các cán bộ của Phòng Tên lửa (Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ) kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tổ hợp TLPK Volga ở Tiểu đoàn 62, chúng tôi được biết thêm một số kiến thức thú vị về công tác bảo đảm kỹ thuật cho loại khí tài này. Đại tá Vi Văn Anh, Phó trưởng Phòng Tên lửa, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ: Các tổ hợp TLPK có điều khiển là sản phẩm của khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại, tích hợp hàm lượng chất xám cao, đòi hỏi khắt khe về quy trình công tác bảo đảm kỹ thuật.

Đại tá Vi Văn Anh đã có hơn 30 năm công tác trong ngành TLPK và làm việc ở Phòng Tên lửa cũng đã hơn 15 năm. Quá trình công tác, anh cùng các kỹ sư, kỹ thuật viên đi khắp các tiểu đoàn tên lửa trong quân chủng để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của khí tài. Anh chia sẻ, công tác bảo đảm kỹ thuật cho tên lửa là một mặt của công tác chỉ huy. Để tên lửa hoạt động tốt, phải luôn chủ động, đi trước một bước về công tác bảo đảm kỹ thuật. Đó là công việc tỉ mẩn, cẩn trọng và yêu cầu cao vì khí tài rất dễ xảy ra các sai số; khi bắn, tên lửa sẽ mất điều khiển và đi không đúng quỹ đạo. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ dễ ảnh hưởng đến tính mạng kíp chiến đấu; tính mạng, tài sản của người dân ở cách xa hàng ki-lô-mét. Do tính chất nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nên mỗi trung đoàn TLPK đều có một tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 62 (Trung đoàn 236, Sư đoàn 361) phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ năm cho khí tài tên lửa.      Ảnh: Huy Cường

Đối với chiến sĩ TLPK, công tác bảo quản, bảo dưỡng khí tài hằng ngày, hằng tuần hay định kỳ tháng, định kỳ năm là nhiệm vụ thuộc như lòng bàn tay và đã ăn sâu vào máu thịt. Họ làm nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng linh kiện điện tử trong các tủ đài như chăm chút người bạn, đứa con thân yêu của chính mình. Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Sinh, Kíp trưởng của xe AKKOPD (xe tạo tình huống giả) chia sẻ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao, nếu không kiểm tra, lau chùi, bảo quản, hút ẩm, sấy khô thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của các tham số và tính đồng bộ của khí tài.

Anh Sinh quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh và là kíp trưởng xe tạo tình huống giả đã có kinh nghiệm nhiều năm. Chiếc xe đồ sộ của anh có thể tạo ra bất cứ mục tiêu bay nào để kíp trắc thủ luyện tập. Trong cùng một thời điểm, anh Sinh có thể điều chỉnh để tạo ra rất nhiều các mục tiêu bay có vận tốc, cự ly, độ cao giống như các vật thể bay thật, kể cả tạo ra tên lửa chống ra-đa; đồng thời có thể tạo ra nhiễu tích cực, tiêu cực để che mắt các trắc thủ. Chính vì việc này mà đồng đội gọi anh và chiến sĩ trong kíp xe một cách tếu táo là “giặc trời”. Anh chia sẻ, hằng ngày, kíp xe phải làm công tác bảo quản rất tỉ mỉ để phần cơ, điện hoạt động ổn định, cho tham số chính xác. Phải đặc biệt chú ý khi trời nồm, độ ẩm cao. Trong hoàn cảnh ấy, phải luôn bảo đảm độ ấm trong xe theo tiêu chuẩn thông qua nhiều biện pháp, đơn giản như việc hình thành thói quen đóng kín cửa gió khi xuống xe và mở cửa gió khi tác nghiệp.

Tìm hiểu qua Thượng tá Hoàng Chí Hùng, Trợ lý Phòng Tên lửa, chúng tôi được biết, ngoài công tác bảo đảm kỹ thuật cho đài điều khiển, ra-đa, bệ phóng... thì một nội dung bảo đảm rất quan trọng nữa không thể không nhắc đến đó là bảo đảm đạn tên lửa. Công việc này được tiến hành định kỳ 6 tháng/lần. Đó là những công việc được thực hiện theo một quy trình khép kín, tuân thủ từng khâu, từng bước, đòi hỏi tính chính xác cao trong hiệp đồng. Những người thợ kỹ thuật phải vận chuyển các thùng đạn to kềnh càng từ trong kho ra bãi rộng, sau đó mở thùng, đưa tên lửa ra ngoài. Tiếp đó, họ lại cẩn trọng lắp tầng số 1, lắp cánh và kiểm tra các thông số rồi hiệu chỉnh. Khi công việc kiểm tra đã xong, họ lại phải tháo rời tên lửa và đưa nó vào “ngủ” trong hộp. Đối với đạn tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, khi đưa đạn vào chiến đấu còn phải nạp nhiên liệu. Đây là công việc phức tạp, nguy hiểm. Người nạp nhiên liệu tên lửa phải mặc bộ quần áo bảo hộ bằng cao su đặc biệt, rộng thùng thình, kín mít và phải đeo mặt nạ phòng độc. Bởi nếu để loại hợp chất này rơi ra ngoài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể ăn mòn các vật liệu khác nhanh chóng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội tên lửa của Quân đội ta đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh bại các chiến dịch không kích miền Bắc của quân đội Mỹ. Chiến công vang dội ấy có phần đóng góp to lớn của công tác bảo đảm kỹ thuật. Chứng kiến công việc bảo quản, bảo dưỡng khí tài theo định kỳ năm của bộ đội tên lửa, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần trách nhiệm, khả năng chuyên môn của họ. Họ chính là “điểm tựa” để tên lửa diệt mục tiêu bay, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

MẠNH THẮNG