Và tháng 10-2019, tôi lại có dịp sang Nga trong một chuyến công tác có ý nghĩa tiền trạm cho “Những ngày văn hóa Hà Nội ở Moscow” vào năm nay. Vì thế mà trong tôi, cái ý nghĩ trở về chốn xưa cứ thầm thì mách bảo một điều gì đó mơ hồ, vừa bâng khuâng, vừa háo hức. 5 anh em chúng tôi đều đã có những năm tháng ăn học, làm việc ở nước Nga nên chuyến đi được chuẩn bị nhanh nhưng cũng khá đầy đủ.
Suốt chuyến đi, lòng tôi luôn nhớ về những kỷ niệm êm đềm dưới mái trường xưa, với những người thầy và những người bạn một thời tôi yêu mến, ngưỡng mộ. Ngôi trường tôi học nằm ngay bên bờ sông Neva, chỉ cần đi bộ dăm phút qua một cây cầu là tới Cung điện Mùa Đông nổi tiếng, nằm đối diện phía bên kia dòng Neva là Quảng trường Tháng Chạp lịch sử và tượng kỵ sĩ đồng nổi tiếng-pho tượng về vị vua khai sinh thành Saint Petersburg đẹp như cổ tích: Vua Pyotr Đại đế. Thấp thoáng đâu đó trong mớ hồi ức đã ít nhiều được làm cho trở nên mờ ảo và hấp dẫn hơn là những năm tháng làm việc và học hành thực sự, khổ mà vui và hừng hực khát vọng. Những năm tháng ấy, đất nước đã “thắt lưng buộc bụng” để dành cho nhiều thế hệ, trong đó có chúng tôi, những điều kiện thuận lợi nhất để học hành, để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Như lời của một anh bạn tôi thì những năm tháng ấy, đất nước đã tiễn những người con ưu tú nhất của mình đi theo hai hướng khác nhau mà hướng nào cũng đặt trên vai họ những trọng trách: Hướng ra trận là vì sự tồn tại của đất nước, sự sống còn của dân tộc, là cái đích giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; còn hướng ra nước ngoài là sứ mạng nhận lấy tri thức khoa học tiên tiến của nhân dân, bầu bạn anh em để sau này hết giặc trở về dựng xây đất nước.
    |
 |
Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng những người bạn trong lần trở lại nước Nga, tháng 10-2019. |
Đã cuối mùa thu nên Moscow se se lạnh, có mưa và tuyết đầu mùa đã rơi. Những bông tuyết đầu mùa bay mịt mờ suốt hai ngày chúng tôi ở đây đem lại cho người dân Nga những dấu hiệu tốt lành: Tuyết sớm và ẩm như thế sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu...
Quảng trường Hồ Chí Minh ở một khu phố vừa phải, phía tây Moscow. Chúng tôi đến thăm nơi này với mấy người bạn Nga đã có vài chục năm làm việc với Việt Nam và yêu Việt Nam bằng một tình yêu sắt son đến cảm động. Ngồi trên xe, người phiên dịch Nga đã cao tuổi kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm cảm động về những lần đến Việt Nam, những lần gặp Bác Hồ với một thái độ thành kính. Ông bảo tôi: “Long ơi, Bác Hồ được người Nga yêu mến lắm. Rồi tôi sẽ kể Long nghe những lần tôi dịch cho Bác và Bác đã hỏi chuyện, động viên tôi thế nào”.
Đoàn chúng tôi chuẩn bị những thủ tục thông thường cho một cuộc dâng hương. Tuyết vẫn bay mịt mờ. Mua một ít hoa cúc, hoa phăng, chúng tôi thành kính và lặng lẽ đặt dưới chân tượng đài Bác. Tôi cứ miên man trong ý nghĩ về 83 năm trước, giữa mùa đông nước Nga tang tóc và lạnh giá, Người đã đến đây, đã đi trong tuyết lạnh nơi này, phong phanh áo mỏng, nhức nhối nỗi đau vì không gặp được vị lãnh tụ mình yêu mến và ngưỡng mộ, không được sẻ chia những tâm sự đang chất chồng về nỗi nhà, nỗi nước. Nỗi cô đơn và những nỗi đau nào đã làm Người không ngủ? Những bông tuyết lạnh nào đã vương trên má Người và băng giá của những ngày lạnh nhất nước Nga năm ấy đã để lại những tàn nhang trên gương mặt Người sau này? Những băng giá nào của người đời đã xát muối vào nỗi đau của Người khi ấy? Câu thơ của Chế Lan Viên: Tuyết Moscow sáng ấy lạnh trăm lần/ Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt chắc cũng có những giọt nước mắt của Người rơi xuống cùng nhân loại khi tiễn đưa V.Lênin về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi hiểu thêm rằng vì sao lúc ấy có những người chỉ gặp Bác của chúng ta lần đầu, khi ấy Người mới chỉ là Văn Ba, là Vương, là một người yêu nước, nhưng đã nhận ra rằng con người ấy thuộc về tương lai. Và sau này, ba tiếng Hồ Chí Minh lại được bạn bè khắp năm châu đón nhận như là biểu tượng của một dân tộc được tất cả những người có lương tri yêu mến và cảm phục.
Trời lạnh, lại là ngày nghỉ nên chuyến đi thăm Bảo tàng Lênin ở thành phố Gorky của chúng tôi khá vất vả. Nhà Lênin ở Gorky. Tôi đã biết điều này và bao điều khác nữa về nước Nga Xô viết chỉ từ sách vở, nhưng sao những điều đó cứ găm mãi vào trí nhớ và tình yêu của mình dù qua bao năm tháng và những đổi thay của thời cuộc. Cảnh vật nơi đây đẹp đến nao lòng. Vườn sên khi xưa vẫn còn, chiếc ghế sơn xanh Lênin thường ngồi nghỉ ngày nào cũng vẫn còn đây. Và gần như còn nguyên vẹn những đồ dùng của Lênin khi còn sống: Chiếc gậy cầm tay vẫn gác cạnh bàn, chiếc mũ cát-két vẫn nằm ở một góc bàn làm việc khiến tôi có cảm giác Người như đang dạo đâu đó dọc theo những con đường nhỏ, bản thảo trên bàn với những dòng chữ xiêu xiêu, khó đọc như xô nhau vì không theo kịp tốc độ tư duy, đang chờ chủ nhân về viết tiếp. Nhắm mắt lại, tôi cứ hình dung Lênin như trong câu thơ của Tố Hữu, đẹp một cách dung dị mà sâu sắc: Ba mươi bốn năm xưa/ Ngồi dưới mặt trời/ Viết những dòng/ Ánh sáng. Toàn bộ những hiện vật nơi này, theo như vị phụ trách bảo tàng là hiện vật gốc, sau khi Lênin qua đời được vợ, hai người em của Lênin trông nom, bảo quản và thể theo ý nguyện của gia đình, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây) đã giữ y nguyên như lúc Người còn sống. Bức chân dung Chekhov trên bìa lịch và ngày 21-4-1924 vẫn lặng lẽ trên tường như từ trước đến nay vẫn thế, nhắc nhủ: Lịch sử không thể bị lãng quên vì lịch sử là máu và nước mắt, lãng quên bất cứ điều gì đều là có tội vì lịch sử không phải chỉ thuộc về một người, của một người dù người đó là vĩ nhân.
Chúng tôi có cuộc tham quan Saint Petersburg trong một ngày. Đã cuối thu nên những cây bạch dương trở nên tiêu điều, còn những cây phong thì đã bớt đi cái màu vàng rực tươi tắn đầy quyến rũ. Chúng tôi đi dọc theo đại lộ Nevski về phía cầu Bốn ngựa, về sông Moyka, hướng về phía Quảng trường Cung điện Mùa Đông. Không có nắng nên những nóc dát vàng của nhà thờ Kandan và Isa Kiep không rực lên nhưng vẫn đẹp lạ lùng. Các bạn tôi không ngớt lời khen thành phố đẹp và luôn nhắc tôi kể chuyện năm xưa. Vâng, chính ở thành phố này, tôi đã có 4 năm ăn học với bao kỷ niệm êm đềm có, cay đắng có, nhưng cái chính là tôi đã học được nhiều điều. Những năm tháng ấy, tuy không đi nhiều nhưng ở những nơi tôi đến, những con người tôi gặp, dù là người Nga, Ukraina, Belarus… đều thể hiện sự nhân ái, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi với một tinh thần hào hiệp. Tôi nghĩ rằng giáo dục cho cả một đất nước tinh thần nhân văn như thế là một thành quả vĩ đại, không phải nơi nào, chính thể nào cũng làm được. Bây giờ, những người Nga thế hệ 70 tuổi vẫn mang đậm tinh thần ấy.
Tôi bồi hồi đi dọc “con đường của tôi” xưa. Tôi gọi thế vì từ nhà tôi đến trường có mấy lối đi và phần lớn sinh viên đi bằng xe buýt hoặc tàu điện; còn tôi chỉ đi bộ dọc theo bờ sông, dù là mùa đông rét buốt hay mùa xuân đẹp mê hồn cũng vậy, qua mấy gốc sồi, qua mấy ngọn đèn đường chẳng biết làm từ hồi nào nhưng mang dáng dấp của những ngọn đèn dầu từ thời Pyotr Đại đế. Hỏi qua bao nhiêu người mới tìm được nơi thầy giáo của tôi đang làm việc. Thời cuộc đã khác nên ông cũng không còn làm việc ở bộ môn xưa. Qua khuôn cửa, thấy ông đang giảng bài mà ngực tôi như hẫng đi, một cảm xúc lạ lùng lần đầu tôi mới gặp. Ông chỉ nhỉnh hơn tôi dăm tuổi nhưng tôi đã học được ở ông nhiều điều: Thái độ đối với công việc, không được nản lòng trước khó khăn ở đời. Khi biết tôi có ý định bỏ dở công việc đang làm vì thất vọng cũng có, khó khăn cũng có, ông đã nói với tôi rất nghiêm túc nhưng giản dị: “Nước anh đã thắng Mỹ thì anh cũng phải thắng trong trận chiến đấu này của riêng anh. Tôi sẽ giúp anh. Tôi tin là anh sẽ đến đích. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi sẽ giúp anh theo tinh thần cộng sản. Chỉ cần anh có quyết tâm, anh sẽ thắng”. Chính ông đã làm cho tôi tin vào mình, đã giúp tôi vượt qua được chính mình ở những giờ phút khủng hoảng. Tôi biết ơn ông không chỉ vì ông đã giúp tôi hoàn thành công việc mà còn vì những động viên để tôi không ngã lòng những lúc cam go.
Hai thầy trò tôi ôm lấy nhau. Cả hai cùng rưng rưng vì cuộc gặp không ngờ. Giọng ông ngàn ngạt: “Vợ con anh thế nào? Vẫn là cô gái đeo kính ấy đấy chứ?”... Tôi cũng rưng rưng: “Không được tin thầy nhưng trong tôi...”. Ông cướp lời: “Tôi luôn nhớ đến anh và những người bạn Việt Nam. Họ luôn ở trong tim tôi. Tôi nhớ”. Và giọng ông trở nên xa xăm: “Anh còn 3 tiếng ở đây nữa à? Tôi thì đang dạy, không bỏ được. Biết đến bao giờ ta lại gặp nhau?”…
Tôi và ông trao đổi với nhau vài thông tin nữa rồi đành chia tay. Tôi biết, sau năm 1991, ông gặp nhiều khó khăn, phải chuyển bộ môn, đổi việc. Thế rồi, ông đã vượt qua được những năm tháng ấy và đã đứng vững. Biết thế nhưng vẫn cứ có cảm giác nuối tiếc, xót xa, thấy như mất đi một cái gì rất lớn, cứ man mác, thấm thía buồn. Hơn hai mươi hai năm cách xa mới có một lần trở lại. Công việc chung đã hoàn thành, việc riêng cũng đã mãn nguyện... May mắn thì đã đành rồi nhưng sao tôi không có được cái thỏa mãn lúc trở về mà cứ bâng khuâng như vừa đánh mất một thứ gì rất quý.
PGS, TS PHẠM QUANG LONG