Những bông mai rừng ven đường vàng rực trong nắng. Đến địa phận huyện Châu Thành (Tây Ninh), đất trời miền biên viễn như mênh mông hơn, làng mạc thưa thớt. Nổi bật trên nền trời xanh ngắt là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Điểm dân cư (ĐDC) liền kề Chốt dân quân (CDQ) biên giới Bến Cừ hiện ra. Chúng tôi có chỗ nghỉ ngơi sau chặng hành trình gần nửa ngày...

An dân giữ đất biên cương

Dẫn chúng tôi tham quan ĐDC Bến Cừ, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh nói rằng, đề án xây dựng ĐDC liền kề CDQ biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 2019-2025 như một cú hích đánh thức vùng biên rộng lớn. Đề án tạo tiền đề để địa phương xây dựng các cụm, tuyến dân cư trên toàn tuyến biên giới, bảo đảm nguồn lực tại chỗ, khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội. Các đơn vị của quân khu có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An... tổ chức xây dựng 34 ĐDC liền kề CDQ biên giới, làm cơ sở cho địa phương phát triển thành các cụm, tuyến dân cư. Các ĐDC được xây dựng cách CDQ từ 200m đến 1,5km. Triển khai thi công từ tháng 4-2019, đến nay, đề án đã hoàn thành giai đoạn 1, xây dựng 7 ĐDC. Mỗi ĐDC có 5 căn nhà cấp 4, diện tích mỗi căn từ 66m2 đến 100m2, có một phòng khách, hai phòng ngủ, một phòng bếp, một phòng vệ sinh, có điện, nước, trang bị sinh hoạt gia đình đầy đủ. Với những tiện ích và cơ sở hạ tầng mới được xây dựng, ĐDC đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các hộ gia đình sinh sống và làm việc ổn định trên tuyến biên giới. Tiếp tục thực hiện chủ trương này, Quân khu 7 triển khai xây dựng thêm 3 ĐDC giai đoạn 2, vượt kế hoạch thời gian gần 4 tháng.

leftcenterrightdel
Điểm dân cư có 5 hộ dân lập nghiệp liền kề Chốt dân quân ấp Bến Cừ.

Trời biên giới Tây Ninh buổi sáng se lạnh. Khi chúng tôi đến CDQ biên giới Bến Cừ thì mặt trời đã lên cao, những tia nắng chiếu xuống mái nhà lợp tôn lấp lánh như hoa nắng. Anh Lê Văn Lòng, Chốt trưởng CDQ biên giới Bến Cừ đã có thâm niên 16 năm làm công tác quân sự ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Khi chúng tôi hỏi về công việc của lực lượng dân quân nơi biên giới xa xôi này, anh nói ngắn gọn:

- Chốt này có 7 anh em dân quân thường trực. Chúng tôi đồng cam cộng khổ với nhau phối hợp với bà con và Bộ đội Biên phòng quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Hằng tuần, chúng tôi kết hợp với công an, Bộ đội Biên phòng tuần tra đường biên, cột mốc, ổn định tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới dài 8km.

Ngày ĐDC liền kề CDQ biên giới Bến Cừ được hoàn thành, bàn giao, anh em dân quân và Bộ đội Biên phòng vui lắm. Vậy là từ đây, vùng đất biên cương này không chỉ có sự hiện diện của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà đã bắt đầu hình thành làng mạc từ những nếp nhà dân đầu tiên. Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: ĐDC đầu tiên này đánh dấu quá trình hiện thực hóa đề án xây dựng ĐDC biên giới liền kề CDQ biên giới do Quân khu 7 triển khai, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”. Đây là quyết sách chiến lược đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn ủng hộ, thống nhất cao. Khi đề án hoàn thành sẽ góp phần xây dựng lực lượng tại chỗ, xây dựng thế trận phòng thủ, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường hiệu quả quản lý biên giới, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới. Những ĐDC liền kề CDQ tạo nên bức tường thành, tuyến phòng thủ vững chắc trên tuyến biên giới Tây Nam dài gần 616km, chiếm một nửa toàn tuyến biên giới trên bộ Việt Nam-Campuchia.

Ươm “hạt giống” cho văn hóa ấp, làng

Gia đình anh Huỳnh Văn Hưởng, chiến sĩ dân quân thuộc CDQ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh là một trong những hộ được chọn bám biên, lập làng. Trước đây, mỗi lần từ nhà lên chốt làm nhiệm vụ, anh phải cơ động gần 9km đường rừng, rất vất vả. Anh được nhận bàn giao một căn nhà tại ĐDC, cách CDQ ấp Bến Cừ chỉ 200m, đưa vợ con lên đây sản xuất, canh tác. Từ đây, anh Hưởng có điều kiện thuận lợi để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ dân quân thường trực, vừa có hậu phương gần gũi, vững chắc. Anh thường xuyên bám địa bàn, tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Thời gian qua, anh Hưởng cùng đồng đội đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn 3 vụ vi phạm an ninh biên giới.

Giống như gia đình anh Hưởng, vợ chồng anh Điểu Hanh (sinh năm 1992), chiến sĩ dân quân người dân tộc S’tiêng, được chọn nhận bàn giao nhà tại ĐDC xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Có được căn nhà cấp 4 khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt làm nơi an cư, lập nghiệp cho gia đình, anh Điểu Hanh rất phấn khởi. Ngày mới đến sống tại ĐDC biên giới xã Đăk Ơ, vợ chồng anh được đơn vị, địa phương tặng lương thực cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt. Trong nắng ấm miền sơn cước, Điểu Hanh vui vẻ nói như khoe với chúng tôi:

- Mỗi hộ gia đình ở đây được địa phương bàn giao quản lý, sử dụng gần 10.000m2 đất sản xuất. Chúng tôi tổ chức vỡ đất trồng bắp (ngô), mì (sắn), hồ tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình. Hy vọng trong tương lai không xa, ĐDC này sẽ phát triển thành ấp, thành làng để vùng rừng núi hoang vu miền biên giới có đời sống sung túc, đông vui. 

Để những ĐDC liền kề CDQ phát triển ổn định, vững chắc, Quân khu 7 phối hợp với các địa phương triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình quân dân y kết hợp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục… Với mục tiêu “an dân giữ đất biên cương”, các địa phương tập trung hướng dẫn người dân trồng những loại cây thế mạnh, như: Hồ tiêu, mía, mì, cao su… gắn với phát triển các ngành, nghề truyền thống. Mỗi địa phương có quy hoạch khu dân cư, cụm công nghiệp gần các ĐDC, CDQ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đất đai, thuế, vốn vay ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng biên giới, từng bước xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Các hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Những nơi chưa có điện lưới quốc gia thì tổ chức lắp đặt điện mặt trời. Những công trình, việc làm thiết thực và định hướng phát triển rõ ràng ấy đã tiếp thêm niềm tin cho bà con nhân dân, giúp họ an tâm bám biên cương ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

 Đại tá Ngô Thành Đồng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh cho biết: “Các đối tượng thụ hưởng từ đề án này được các đơn vị, địa phương lựa chọn, bình xét theo các tiêu chí: Là những người tình nguyện lên sinh sống lâu dài tại ĐDC, chấp hành tốt pháp luật; có khả năng, điều kiện bảo đảm cuộc sống, định cư bền vững. Đối tượng ưu tiên là cán bộ, chiến sĩ dân quân tại các chốt biên giới, dân quân thường trực, quân nhân dự bị động viên, gia đình cán bộ, QNCN, công nhân viên của các đơn vị quân đội, công an, Bộ đội Biên phòng... Gia đình cán bộ, chiến sĩ là nòng cốt, cầu nối giữa đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, giúp cho mỗi người dân mang trong mình phẩm chất người chiến sĩ, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ. Thực hiện đề án này, chúng ta giải quyết hài hòa mối quan hệ quân ở trong dân và dân ở trong quân, quân dân nương tựa vào nhau để xây dựng, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Mỗi người dân, mỗi gia đình như “cột mốc sống” bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với cách nghĩ, cách làm mới, làm từng bước vững chắc, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 quyết tâm phối hợp với các địa phương thực hiện tốt đề án, hoàn thành thêm 27 ĐDC nữa. Đây là những “hạt giống” ban đầu để ươm trồng và phát triển thành các cụm dân cư, hình thành các ấp, làng trong tương lai, tạo thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc, dựng bức tường thành trên tuyến biên cương miền Đông Nam Bộ.

Ngắm nhìn 35 ngôi nhà mới xây khang trang xuất hiện ở 7 ĐDC liền kề CDQ vươn mình bên những rừng cây, ruộng mía, cả một vùng biên cương từ Bình Phước đến Long An như vừa được khoác lên mình tấm áo mới. Trong tiết trời xuân miền biên viễn, những tia nắng ấm áp bừng lên trên mỗi nếp nhà, mảnh vườn. Hình hài những cụm, tuyến dân cư liên ấp, liên xã đang từng ngày được khắc tạc trên vùng biên cương Tổ quốc. Cả một dải biên cương rộng dài của miền Đông Nam Bộ đẹp như một bức tranh với nét chấm phá tươi mới từ những ĐDC liền kề CDQ đã được kết dệt nên bởi đề án tâm huyết của Bộ đội Cụ Hồ trên vùng đất gian lao mà anh dũng.

Bài và ảnh: HUY VÕ - DUY HIỂN