Nhóm tác phẩm âm nhạc của ông được chọn xét trao giải là 5 bài hát: "Người Mèo ơn Đảng", “Nhớ giọng hát Bác Hồ”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, “Hà Giang quê tôi” và “Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”. 43 năm phục vụ quân đội, ông đã cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam hàng trăm ca khúc và có nhiều bài vẫn “đi cùng năm tháng”...

Ông đã “cháy” hết mình cùng âm nhạc

Phải nói như vậy mới lột tả đúng khí chất của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc. Suốt cuộc đời mình, ở giai đoạn nào Thanh Phúc cũng bừng bừng khí thế, bám sát cuộc sống người lính để bật ra những nốt nhạc, những dòng âm thanh hào hùng, lôi cuốn lòng người. Tôi có 10 năm công tác cùng ông ở Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân (QĐND) nên chứng kiến được phong cách sống và làm việc của ông, sự “cháy” hết mình của ông cùng âm nhạc.

Là người con của làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Nguyễn Thanh Phúc gia nhập quân đội từ khi ông mới 13 tuổi. Ông có mặt ở các mặt trận, mang lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội bên các chiến hào chống Pháp. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong buổi lễ mừng công do Bộ Tổng tư lệnh tổ chức ở Mường Phăng, ông là người được vinh dự khoác đàn Accordion lên cử bản nhạc “Tiến quân ca”, mở đầu buổi lễ. Chiếc phong cầm ấy là chiến lợi phẩm ta thu được của quân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguyễn Thanh Phúc khi đó là diễn viên của Đoàn Văn công Đại đoàn 312. Ông rất mừng khi được giữ chiếc đàn ấy bởi là niềm mơ ước từ lâu của ông. Và khi các đại đoàn về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, nhạc sĩ Thanh Phúc là người có mặt trong đoàn quân, ông chơi đàn Accordion và hát vang những ca khúc cách mạng: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Ngày nay, mỗi khi chúng ta xem lại những thước phim tư liệu về ngày 10-10-1954 thì thấy hình ảnh nhạc sĩ Thanh Phúc tươi cười ôm đàn vừa đi vừa hát tiến trên phố phường Hà Nội rất hào hứng.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Thanh Phúc

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Thanh Phúc về nhận công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị. Từ đây ông có điều kiện học hỏi và bắt đầu sáng tác ca khúc. Năm 1956, bài hát đầu tiên của ông ra đời là “Người Mèo ơn Đảng”. Đây là ca khúc đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Nhờ có gần 10 năm sống và chiến đấu ở vùng Tây Bắc, ông có vốn sống thực tế, hiểu biết phong tục tập quán cũng như văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nên trong bài hát của ông thấm đẫm bản sắc và âm hưởng của dân ca vùng Tây Bắc. Trong bài “Người Mèo ơn Đảng”, giai điệu dân ca cùng tiếng khèn của người Mông thể hiện rất sinh động.

Thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thanh Phúc chuyển về công tác tại Đoàn văn công Quân chủng Phòng không-Không quân. Ông đã có mặt ở nhiều trận địa cao xạ, tên lửa, sân bay để vừa biểu diễn vừa sáng tác ca khúc. Những ca khúc ra đời ngay bên trận địa có sức cổ vũ động viên rất kịp thời đối với cán bộ và chiến sĩ.

Năm 1968 với nhạc sĩ Thanh Phúc là bước ngoặt quan trọng. Ông được điều về công tác tại Chương trình Phát thanh QĐND. Từ thời điểm này, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam xuất hiện một chương trình văn nghệ mới, hấp dẫn, thu hút không chỉ thính giả LLVT mà còn cả đông đảo nhân dân. Đó là Chương trình “Chiến sĩ ta ca hát” do nhạc sĩ Thanh Phúc làm biên tập viên suốt 21 năm cho tới khi ông nghỉ hưu. Ông là biên tập viên lâu nhất của chương trình này.

Cũng từ khi về làm “báo nói”, nhà báo, nhạc sĩ Thanh Phúc càng có điều kiện thâm nhập thực tế cuộc sống chiến sĩ nhiều hơn. Hàng trăm ca khúc của ông đã ra đời trong khoảng thời gian này. Năm 1969, ông có bài “Nhớ giọng hát Bác Hồ” dành cho thiếu nhi. Năm 1972 ông sáng tác “Hà Giang quê hương tôi”, bài hát được đồng bào 27 dân tộc tỉnh Hà Giang mến mộ, coi như “tỉnh ca” của họ. Đặc biệt, cũng năm 1972, sau những chiến thắng vang dội từ chiến dịch Quảng Trị, ông “trình làng” khúc quân hành “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Bài hát với giai điệu hành khúc hừng hực khí thế cách mạng tiến công, như lời thúc giục đoàn quân ra trận. Và từ đây, trong các cuộc hành quân, trong các cuộc diễu, duyệt binh của LLVT, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” đều được cất lên hùng tráng, với niềm kiêu hãnh, tự hào. Điệp khúc “Tiến lên đi, tiến lên đi, cùng tiến lên đi…” thực sự lôi cuốn lòng người. Ông đưa vào bài hát hai khẩu hiệu “Không gì quý hơn độc lập, tự do” và “Vì chủ nghĩa xã hội” mà rất nhuần nhuyễn, không hề gượng ép. Và đó cũng chính là khí chất riêng trong nhạc Thanh Phúc. Một số ca khúc khác của ông cũng mang cái hào khí ấy, luôn cháy hết mình.

Từ khi Quảng Trị giải phóng, ông có ca khúc “Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng” và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông có loạt bài hát về các tỉnh, thành phố dọc dài miền Trung. Đặc biệt, khi 5 cánh quân đang cùng hướng về giải phóng Sài Gòn thì ngày 29-4-1975, ông đã có bài hát “Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”, phác họa khung cảnh náo nhiệt, hân hoan của quân và dân ta trong ngày đại thắng. Lời ca có đoạn: “Sài Gòn ơi, ba mươi năm mới có một ngày. Bài hát mùa thu nay điệp khúc mùa xuân… Sài Gòn hát ca tên Người: Hồ Chí Minh muôn năm-Hồ Chí Minh muôn năm”. Bài hát dành cho đồng ca, như khúc hoan ca mừng ngày đại thắng. Và ngay sau giờ phút toàn thắng, bài hát đã vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã ghi dấu ấn của mình trong từng thời điểm lịch sử của dân tộc bằng âm nhạc.

Người sáng tạo cách thu thanh độc đáo

Làm biên tập viên chương trình văn nghệ “Chiến sĩ ta ca hát”, nhạc sĩ Thanh Phúc vừa dàn dựng, thu thanh, viết lời bình vừa đạo diễn. Thời kỳ chống Mỹ, nhiều khó khăn chồng chất, mỗi khi đi thu thanh chương trình ca nhạc ở các đơn vị quân đội, ông phải xin xe kỹ thuật với máy thu 4 micro và 3 nhân viên kỹ thuật đi cùng. Thấy sự phiền hà và gây tốn kém cho đài, ông liền nghĩ ra cách dùng máy ghi âm xách tay Sony TC400 để thu thanh ca nhạc. Loại máy này dùng tới 8 quả pin con Thỏ. Điều đó thì các biên tập viên âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam chưa ai làm bao giờ. Và không chỉ thu thanh những tiết mục đơn ca, tốp ca mà ông đã mạnh dạn thử nghiệm thành công thu thanh được cả dàn quân nhạc. Ông kể lại cách thu rất độc đáo này một cách mộc mạc, dễ hiểu rằng: Những nhạc cụ “to mồm” có âm thanh lớn thì để nó đứng ở xa, những nhạc cụ nhỏ nhẹ, âm thanh êm dịu thì cho nó gần micro nhất. Nghĩa là đội hình của dàn nhạc không bố trí như thường lệ mà được đảo hết vị trí. Với cách làm ấy, ông đã thu thanh được nhiều bản nhạc hành khúc rất chuẩn dùng cho đài. Sự công phu nghiên cứu và thử nghiệm thành công ấy của nhạc sĩ Thanh Phúc được ông Trần Lâm, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy khen ngợi, biểu dương nhiều lần.

Một bước đột phá nữa do nhạc sĩ Thanh Phúc đề xuất và được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đồng ý cho ông thể nghiệm hiệu quả. Số là trước đó, các lời dẫn chương trình văn nghệ do ông biên soạn, được các phát thanh viên của đài đọc. Qua theo dõi, ông chợt nảy ra ý nghĩ là nếu để biên tập viên thể hiện thì phù hợp hơn, biết cần nhấn nhá ở những cụm từ nào, tăng sức hấp dẫn thuyết phục. Và từ đó, nhạc sĩ Thanh Phúc đảm nhận tròn khâu cả từ biên soạn kịch bản, đi thu thanh, về dàn dựng cùng kỹ thuật viên và thể hiện lời bình trên sóng. Giọng nói sôi nổi, cuốn hút của ông trở thành quen thuộc với bạn nghe đài suốt mấy chục năm là thế.

Mỗi tuần một Chương trình “Chiến sĩ ta ca hát” dài 30 phút được phát vào 21 giờ tối thứ bảy. Vậy mà chỉ có một mình nhạc sĩ Thanh Phúc đảm nhiệm. Những hội diễn nghệ thuật của các quân khu, tổng cục, quân đoàn, binh chủng toàn quân đều có mặt ông với chiếc máy ghi âm xách tay. Lăn lộn với đời sống văn hóa văn nghệ chiến sĩ, ông đã mang lại cho cán bộ, chiến sĩ món ăn tinh thần suốt 21 năm qua sóng phát thanh quân đội.

Không chỉ sáng tác ca khúc và biên tập chương trình phát thanh, nhạc sĩ Thanh Phúc còn có công phát hiện và đào tạo được nhiều ca sĩ trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng toàn quân. Trong số đó có các ca sĩ Dương Minh Đức, Hồng Liên, Thành Vinh, Quỳnh Hợp…

Đầu xuân Canh Tý 2020, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc đã từ giã cõi trần, về với tiên tổ ở tuổi 88. Cả cuộc đời ông đã cống hiến hết mình cho nền âm nhạc cách mạng. Bạn bè, đồng đội, người thân vẫn mãi nhớ ông-một người vui vẻ, nhiệt tình trong cuộc sống, một nhạc sĩ tài ba còn để lại cho đời những khúc ca đi cùng năm tháng.

Ghi chép của ĐỨC TOÀN