Dưới cái nắng nóng mùa hè 37-38 độ C, 12 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam trong bộ đồ dã chiến nai nịt gọn gàng nhưng hầu như không được trang bị gì nhiều để thực hành các kỹ năng sinh tồn trong môi trường sát thực tiễn nhất có thể. Khu vực huấn luyện khá rậm rạp, cây cối mọc um tùm, khá ẩm thấp, nhiều muỗi đói và không một bóng người. Khi các tổ học viên phân công nhau thực hành nội dung tìm kiếm thức ăn trong rừng và tỏa ra các hướng cũng là lúc bầy muỗi đói bắt đầu “săn mồi”. Hai nữ Trung tá Vũ Thị Kim Oanh và Vũ Thị Liên nhanh chóng tìm hái lá cỏ lào chà xát lên các vùng hở, cũng là thực hành luôn bài huấn luyện đầu tiên làm sao để tránh bị muỗi đốt. 

Trung tá Vũ Thị Liên chia sẻ, cách phòng tránh côn trùng cắn là nội dung huấn luyện rất thiết thực với các sĩ quan chuẩn bị triển khai tới Phái bộ Trung Phi và Nam Sudan, nơi căn bệnh sốt rét là “cơn ác mộng” với lực lượng mũ nồi xanh. “Chúng tôi cũng được huấn luyện cách đuổi muỗi bằng cách đốt một đống lửa, lấy lá ẩm chất lên, khói bốc lên sẽ xua đuổi muỗi, côn trùng và thú dữ”, chị cho biết thêm. 

Đại tá Lê Đại Dương, Chủ nhiệm Khoa Quân sự chung, Trường Sĩ quan Đặc công, chỉ huy huấn luyện cho biết, bài huấn luyện dành cho các sĩ quan mũ nồi xanh tương lai sẽ triển khai theo hình thức cá nhân, hoạt động tương đối độc lập. Huấn luyện càng kỹ bao nhiêu, họ sẽ càng nhanh chóng thích nghi với thực tế công việc ở địa bàn khắc nghiệt bấy nhiêu.  

leftcenterrightdel
Các học viên trong giờ học cách phân biệt các loại rau quả an toàn. 

Ở các vùng đất châu Phi khô cằn, biết cách tìm nguồn nước, phân biệt loại rau an toàn là một kỹ năng sinh tồn. Các học viên được hướng dẫn cách chọn một điểm cao nhất trong rừng, cơ động đến đó để có thể quan sát bao quát cả khu vực xung quanh. Nếu giữa thảm thực vật rộng lớn xuất hiện khoảng xanh đậm khác biệt thì chắc chắn đó là nơi tụ thủy, vì phải có nước, cây cối mới xanh tốt như vậy. Còn nếu thấy một vạt mềm màu đen chạy dài về cùng một hướng, nơi đó có thể là con sông hoặc suối. 

Giữa một lùm cây um tùm, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng phát hiện ra loại rau rừng có vẻ an toàn. Trước một loại lá cây lạ không biết có độc hay không, ngoài quan sát bằng mắt thường còn có thể dùng mũi để ngửi và nếu thấy chim, thú ăn được thì người cũng ăn được. Nếu không có mùi lạ, mùi hắc thì nhiều khả năng không có độc. Lấy nắm lá vò nát bôi một chút lên mu bàn tay, nếu không có biểu hiện dị ứng hay tấy đỏ, chứng tỏ không có độc, có thể sơ chế làm thức ăn. Theo chị Liên, “với những cây ăn được, chúng tôi vẫn nếm thử một chút để nghe ngóng cơ địa phản ứng thế nào trong vòng 15-20 phút, nếu không thấy phản ứng mới hái đem về”. Một số học viên khác còn tìm được cua, ốc, cá nhỏ ở các vũng bùn lầy, rau tàu bay, cây ăn quả mọc tự nhiên như chuối rừng, đu đủ... Tất cả đều được đem về báo cáo các giảng viên huấn luyện để xem họ đã tìm kiếm đúng các thức ăn an toàn hay chưa. 

Thực hành kỹ năng nấu chín thức ăn là một thử thách không nhỏ với các học viên. Gạo và nước được nấu trong ống tre. Muối được tạo từ đốt cỏ tranh, lấy tro dùng thay muối hoặc ngâm than củi trong nước, để lắng phần nước trong phía trên, bởi trong than có một lượng muối nhất định. Các dụng cụ lấy nước, đựng nước cũng được làm từ tre, nứa... Nội dung huấn luyện tưởng đơn giản, nhưng nếu không tinh ý và vội vàng, vẫn có thể bị nhầm lẫn, chọn phải những loại rau quả gây ngộ độc nếu ăn phải. Trong số các loại chuối xanh, rau rừng, măng... các học viên tìm được vẫn bị lẫn quả ngái, bởi nhìn bề ngoài rất giống với quả sung, quả vả, là hai loại quả có thể ăn được. Giảng viên Nguyễn Thành Trường, Trường Sĩ quan Đặc công, lưu ý các học viên quả ngái rất độc nếu ăn sống, gây nôn mửa hoặc tiêu chảy, nhưng nếu biết cách sơ chế vẫn có thể sử dụng ăn được trong trường hợp khẩn cấp.

leftcenterrightdel
Giảng viên Trường Sĩ quan Đặc công hướng dẫn cách nấu cơm bằng ống tre. 

Bài huấn luyện cách nhóm lửa từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên như dùng hai thanh nứa chà xát vào nhau cũng không phải đơn giản. Sau một số lần khá chật vật do chưa làm đúng cách, các học viên đã dần thành thạo kỹ năng sinh tồn cơ bản này. Xác định phương hướng theo địa hình tự nhiên là một trong những bài học. Trong trường hợp đi lạc, họ phải quan sát mặt trời, địa hình, địa vật xung quanh để xác định phương hướng. Quan sát cây ngả đồng loạt về hướng nào, hoặc rêu mọc phía nào trên thân cây cổ thụ thì đó là hướng đông, hoặc nhìn tổ chim, tổ kiến hướng về phía nào thì đó là hướng nam. 

Trao đổi với Thượng tá Trương Anh Tuấn, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện, Cục GGHB Việt Nam, với kinh nghiệm công tác thực tế tại địa bàn Phái bộ Nam Sudan, anh cho biết, khi đi tuần tra có lúc phải xác định phương hướng để đối chiếu định vị (GPS) nhằm tránh nhầm hướng, đi lạc. Do tính chất đặc thù công việc, các quan sát viên quân sự hay sĩ quan liên lạc sẽ phải tuần tra tới các địa bàn, kể cả những nơi hẻo lánh, ít nguồn lực hỗ trợ, hoặc đi hộ tống đoàn, hộ tống phà trên sông Nile Trắng, tuần tra bằng trực thăng tùy theo thời gian dài ngắn khác nhau... Vì vậy, các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm tùy từng nhiệm vụ được sử dụng khác nhau.

Sau những giờ miệt mài trên thao trường huấn luyện, trán vẫn lấm tấm mồ hôi, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng cho biết, qua chia sẻ kinh nghiệm của các sĩ quan đi trước và các buổi huấn luyện tiền triển khai, anh đã nắm được một số tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi làm nhiệm vụ xa căn cứ LHQ và cách xử trí, như xe hỏng, mắc kẹt giữa đầm lầy, thiên tai khiến người lính không thể cơ động được, thậm chí thất lạc đơn vị trong một thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, nếu không duy trì được các trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết thì kinh nghiệm và kiến thức về kỹ năng sinh tồn sẽ vô cùng hữu ích, quyết định tình trạng sức khỏe cũng như khả năng sống sót của quân nhân.

Thượng tá Trương Anh Tuấn, với vai trò sĩ quan liên lạc trước đây, từng trải qua các chuyến tuần tra dài ngày và không ít lần phải xác định phương hướng di chuyển cho đoàn công tác của phái bộ. Có những kỹ năng huấn luyện không hề được dùng đến, nhưng không vì thế mà không cần huấn luyện cho bộ đội trước khi triển khai. Theo anh, trong huấn luyện kỹ năng sinh tồn, huấn luyện 3 năm nhưng có thể chỉ sử dụng vài giờ. Thành thục kỹ năng quý giá trong vài giờ sinh tử đó cũng đủ để bảo đảm sức khỏe và giữ tính mạng cho quân nhân trong trường hợp xấu. Phải chuẩn bị tốt nhất cho các sĩ quan về mọi mặt, nhất là kỹ năng sinh tồn để có thể hoạt động độc lập, xử trí tình huống hợp lý, đạt mục tiêu nhiệm vụ. Rất tốt nếu huấn luyện kỹ năng sinh tồn mà không phải sử dụng tới vì không ai mong muốn các trường hợp bất trắc xảy ra.

leftcenterrightdel
Giảng viên Trường Sĩ quan Đặc công hướng dẫn cách nấu cơm bằng ống tre.

Huấn luyện tiền triển khai trong điều kiện sát thực tiễn, tuân thủ các quy định huấn luyện nghiêm ngặt là dịp để các sĩ quan củng cố, trau dồi kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau này ở các phái bộ. Học viên Nguyễn Xuân Thứ cho biết: “Được huấn luyện các kỹ năng nâng cao giúp chúng tôi càng tự tin thực hiện nhiệm vụ tương lai tại môi trường khắc nghiệt ở địa bàn phái bộ”. Về phần mình, Đại úy Nguyễn Thành Trung bày tỏ: “Trong quá trình huấn luyện, bản thân mỗi người sẽ biết khả năng của mình đến đâu. Qua những đợt huấn luyện kỹ năng sinh tồn như thế này, chúng tôi nhận thấy tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ của đồng chí, đồng đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là vô cùng giá trị”.

Tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ tạo môi trường thử thách để bộ đội làm quen và cũng là lần kiểm tra hữu hiệu xem khả năng ứng phó và thích nghi của bộ đội ta tới đâu. Cán bộ, sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng GGHB có những kỹ năng tốt, được LHQ đánh giá cao và đồng nghiệp quốc tế khâm phục là niềm tự hào của lực lượng GGHB Việt Nam. Khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, tổ chức cuộc sống... của bộ đội ta là các kỹ năng mà không phải lực lượng GGHB nào cũng được chuẩn bị và có được.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH