Giữa cả một “rừng” thông tin về những thành công rực rỡ, người đàn ông giản dị ấy vẫn tay chống cằm, mắt nhìn xa và chậm rãi nói rằng: “Cũng là nguồn động viên đôi chút, nhưng con đường mình muốn đi, muốn làm còn dài lắm!”.
Kiến trúc sư của những công trình vì cộng đồng
Hồ sơ ứng viên giải SIA-Getz của KTS Hoàng Thúc Hào bao gồm 5 công trình cộng đồng trong nước: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình); Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai); Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang); Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (TP Hội An); Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên). Khi được hỏi, công trình nào để lại trong anh ấn tượng đặc biệt nhất, anh Hào cho biết: Mỗi công trình đều đem lại những kỷ niệm, những cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Công trình cộng đồng đầu tiên tôi bắt tay vào thực hiện là Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hoà Bình), có rất nhiều kỷ niệm về sự khởi đầu, loay hoay, tìm tòi, mò mẫm. Đến nay, công trình này vẫn giữ kỷ lục phải thiết kế lại nhiều nhất và chi phí phát sinh lên tới 400%.
Nhà cộng đồng Tả Phìn rực rỡ giữa núi rừng Sa Pa, Lào Cai.
Khác với Nhà cộng đồng Suối Rè, Nhà cộng đồng tại xã Cẩm Thanh (TP Hội An) gặp thách thức lớn về điều kiện thời tiết và thời điểm xây dựng. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, Hội An có thời tiết đặc trưng khô nóng nên công trình xây dựng cần nhiều bóng đổ, bóng râm để cải thiện sự ảnh hưởng của khí hậu. Chính điều này làm anh rất trăn trở trong việc xây dựng ý tưởng và quy hoạch tổng thể. Hơn nữa, Nhà cộng đồng Cẩm Thanh được xây dựng vào mùa mưa bão, gây khó khăn trong bảo đảm chất lượng. Vì vậy, KTS Hoàng Thúc Hào đã phải chỉnh sửa thiết kế nhiều lần nhằm tăng sức chịu đựng của công trình.
Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) là một điểm sáng trong thử nghiệm kỹ thuật mới. Từ khảo sát thực tế địa hình, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã nhận định: Địa hình nơi đây bị chia cắt hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu xây dựng sẽ vô cùng đắt đỏ nên chi phí đội lên lớn (gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu), chưa kể những ngày mưa gió, lũ quét, đường dẫn vào khu đất xây dựng gần như bị cô lập. Anh Hào ngẫm lại: “Thời điểm đó, lúc nào tôi cũng chăm chăm nghĩ xem làm cách nào cắt giảm chi phí và cuối cùng đi đến quyết định có phần mạo hiểm là tự làm gạch xây từ chính nguyên liệu đất tại chỗ”. Anh đã miệt mài cùng người bạn kỹ sư suốt 7 tháng chế tạo máy ép gạch không nung bằng phương pháp thủy lực. Chiếc máy đã góp phần giảm đáng kể chi phí xây dựng, tạo ra viên gạch có độ cứng đáp ứng tiêu chuẩn.
Từ năm 2009 đến hết năm 2016, KTS Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự tại Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã hoàn thành hơn 20 dự án cộng đồng khắp cả nước. Trong quá trình triển khai, việc thu hút nguồn tài trợ không dễ dàng. “Đầu tiên, chúng tôi tin rằng mục đích chúng tôi theo đuổi là đúng và cố gắng truyền cảm hứng cho người khác. Từ đó, bằng cách này hay cách khác, sẽ có những người ủng hộ mình”, anh Hào chia sẻ. Anh cho biết, để nguồn vốn được huy động ổn định và đều đặn, anh phải tiếp xúc với những nhà hoạt động xã hội nhằm tạo ra một mạng lưới rộng hơn, liên kết được nhiều người hơn. Việc quyên tiền có nhiều hình thức như: Đấu giá tranh, ảnh, tượng; tổ chức hòa nhạc từ thiện; làm hồ sơ thuyết phục các quỹ…
Mọi sự bắt đầu từ chữ “duyên”
KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ, anh bắt tay vào làm dự án cộng đồng đầu tiên với mục đích thuần túy về chuyên môn. Anh muốn làm nên một công trình vừa mang đậm bản sắc Việt Nam, vừa mang hơi thở đương đại. Do vậy, anh tìm về những vùng quê, những mảnh đất đậm văn hóa dân tộc, từng bước nghiên cứu, lọ mọ thử nghiệm.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào tại Hạng mục "Đại sứ truyền cảm hứng 2016" do WeChoice bình chọn.
Càng làm càng gắn bó với vùng sâu, vùng xa-những miền quê giàu văn hóa, anh càng nhận thấy: “Những người nông dân, những tầng lớp lao động thu nhập thấp trong xã hội luôn chiếm số đông và chính không gian họ sinh sống chứa đựng sự đa dạng văn hóa. Ấy vậy mà họ không hề có KTS chuyên nghiệp thiết kế cho mình chỉ vì họ không đủ nguồn tài chính để chi trả thiết kế phí. Thế là đáng tiếc thay, những kiến trúc thành thị xấu xí cứ mặc nhiên được xây dựng và xâm chiếm những không gian văn hóa quý giá ở nông thôn”. Như một cái “duyên”, KTS Hoàng Thúc Hào cứ thế “lì lợm” với những dự án cộng đồng trong nhiều năm. Hơn thế, anh đã tạo ra sự ảnh hưởng và không ngừng lan tỏa tới mọi người những điều anh tin tưởng.
Thời gian tới, anh và cộng sự tiếp tục xây những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng ở Mộc Châu (Sơn La) cho đồng bào Mông, Thái và một vài trường học vùng cao, cũng như tiếp tục nghiên cứu các mô hình nhà chống lũ.
Bên cạnh các tác phẩm trong nước, dấu ấn của KTS Hoàng Thúc Hào còn thể hiện ở một công trình đặc biệt là Trung tâm Hạnh phúc tại đất nước Phật giáo Bhutan. Trung tâm là nơi tổ chức các khóa tu, thiền, tập huấn bảo vệ môi trường hay sâu hơn là các khóa giải tỏa tinh thần, chia sẻ quan điểm cá nhân, cách chung sống hướng đến hạnh phúc. “Nói về công trình này, có lẽ vẫn chỉ là chữ duyên!”, anh Hào tâm sự. Một người bạn thân của anh, trong dịp tu tập thiền tại Pháp, đã quen biết với một vị giám đốc của Dự án xây dựng Trung tâm Hạnh phúc Bhutan. Cô đã giới thiệu cho ban giám đốc những công trình cộng đồng mang xu hướng thiết kế xanh, đoạt nhiều giải quốc tế của KTS Hoàng Thúc Hào. Qua giới thiệu và tìm hiểu, Ban giám đốc dự án nhận thấy sự tương đồng trong quan điểm về kiến trúc bền vững, phát huy nguồn lực bản địa. Họ đã mời KTS Hoàng Thúc Hào sang Bhutan chủ trì thiết kế trung tâm.
Với dự án đặc biệt này, anh đảm nhận phần xây dựng ý tưởng, bản vẽ cấu trúc và quy hoạch, riêng phần trang trí như phối màu, họa tiết… chủ yếu do người Bhutan-những nghệ sĩ mang sẵn trong mình gen nghệ thuật Phật giáo tuyệt vời-hoàn thành. Yêu cầu trước tiên của Ban giám đốc dự án là tôn trọng tối đa địa hình, thảm thực vật và mặt công trình hướng ra sông. KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã nghiên cứu giảm các hoạt động chặt phá, thay đổi hay can thiệp vào thảm thực vật nơi đây. “Chúng tôi muốn tạo ra một công trình mới, hiện đại nhưng phải đồng bộ trong không gian văn hóa đậm đặc”, anh Hào chia sẻ. Một khối vuông đặt trên khối tròn cùng với những họa tiết đậm bản sắc Bhutan đã tạo ra nét lạ, hiện đại cho nhà thiền chính.
Làm dự án này, bản thân anh Hào cũng cảm thấy vui, hạnh phúc bởi quan điểm và triết lý thiết kế của anh rất phù hợp với một công trình hướng đến hạnh phúc con người như vậy.
Triết lý “kiến trúc hạnh phúc”
KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, thiết kế là tạo nên cái hồn, cái tình cho công trình. Khi bước vào, con người có thể cảm nhận sự thân thiện, nhân văn chứ không bị khô trơ hay chai lỳ cảm xúc. Đó là điều kiện tiên quyết để bảo đảm triết lý “kiến trúc hạnh phúc” của anh.
Với Hoàng Thúc Hào, kiến trúc hạnh phúc phải được tạo nên từ một KTS tận tâm-người muốn thổi hồn, truyền lửa vào công trình. Khi KTS đam mê công việc, người ấy sẽ là một KTS hạnh phúc. Và chỉ những con người hạnh phúc mới có thể làm nên một “kiến trúc hạnh phúc”.
"Xét ở góc độ tâm lý học, hạnh phúc luôn cần có tính bền vững. Khi một người dành cả đời theo đuổi mục tiêu thì ta gọi đó là hành động có chủ ý. Như họa sĩ Bùi Xuân Phái dành cả đời để vẽ những góc phố Hà Nội, nhạc sĩ Văn Cao đến già vẫn cặm cụi sáng tác những nét nhạc cho đời. Chính say mê cuồng nhiệt trong thời gian rất dài ấy đã tạo thành và bảo đảm hạnh phúc bền vững cho đời người", KTS Hoàng Thúc Hào chiêm nghiệm. Theo anh, KTS cũng vậy, muốn công trình của mình bền vững thì phải đầu tư tâm huyết, tạo ra những tương tác liên tục giữa tri thức hàn lâm và cốt lõi văn hóa dân gian. Tuy nhiên, những tương tác ấy luôn chịu sự kiểm soát, chi phối từ hai yếu tố chủ chốt: Hệ sinh thái và công bằng-hiệu quả.
Luôn bảo đảm hệ sinh thái địa phương giàu có, đa dạng là cốt yếu để bảo tồn và phát triển không gian văn hóa. Ngoài ra, thước đo công bằng-hiệu quả được sử dụng nhằm thúc đẩy sự bền vững xã hội. Dựa trên thu nhập bình quân từng khu vực, KTS quy hoạch thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu sao cho phù hợp bối cảnh kinh tế-xã hội. “Ví dụ, với cộng đồng vùng cao, thu nhập thấp thì cần ưu tiên những vật liệu thiên nhiên sẵn có như tre, nứa, gỗ, đất... vừa tạo ra sự hòa đồng với quần thể xung quanh, vừa dễ dàng sửa chữa, thay mới. Công bằng và hiệu quả được thể hiện như vậy!”, KTS Hoàng Thúc Hào giải thích. Có những yếu tố kiểm soát này, công trình sẽ thân thuộc trong sự mới mẻ, người sử dụng sẽ cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc và có nhu cầu gắn bó lâu dài với nó. Họ sẽ thấy cả lịch sử và tương lai của họ trong tác phẩm ấy.
Cuối cùng, bản thân công trình-một vật thể, một khối vật chất-cũng phải hạnh phúc. Anh Hào gọi đó là sự “ngạc nhiên bền vững”. Khi KTS thiết kế, xây dựng xong, mọi chuyện không dừng ở đó, công trình tiếp tục có khả năng gây ngạc nhiên trong một thời gian dài-một sự “ngạc nhiên chậm”. Đó không phải là những công trình gây sốc ban đầu, khiến ta phải trầm trồ, mà nó phải mang đến những tiếp biến văn hóa, xa hơn là luôn góp phần tạo ra những nét văn hóa mới. Dần dần, những tác phẩm như vậy sẽ tác động vào cả một khu vực, tạo nên hình mẫu định hướng cho các công trình về sau, bảo đảm kế thừa và phát huy văn hóa bản địa.
“Kiến trúc hạnh phúc” làm nên từ 3 cột trụ: KTS hạnh phúc, người sử dụng hạnh phúc và công trình đem lại sự “ngạc nhiên bền vững”. Như vậy, một ngôi nhà mới có số phận cho riêng mình, mới tồn tại được những nét văn hóa đặc sắc trong thời kỳ toàn cầu hóa. Nó sẽ luôn tạo ra những giá trị mới, những ngạc nhiên nối tiếp nhau trong một thời gian dài. Đấy chính là kiến trúc vì hạnh phúc bền vững của KTS Hoàng Thúc Hào.
Bài và ảnh: TỐNG HOÀNG HÀ MY