Trung tướng Đặng Quân Thụy chờ chúng tôi với tâm trạng suy tư. Từng là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Hóa học và sau này là Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông hiểu hơn ai hết những hậu quả nặng nề của chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ đã giội xuống đất nước ta.

Bám trụ giữa những khu rừng chết

Đế quốc Mỹ đã rải hơn 74 triệu lít chất độc da cam (trong đó có khoảng 170 kg chất độc đi-ô-xin) và hơn 9.000 tấn chất độc CS trên khắp chiến trường miền Nam. Theo tài liệu chính thức của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) trước đây thì hóa chất diệt cây đã sử dụng ở Việt Nam khoảng 72 triệu lít. Còn tại hội thảo khoa học Việt- Mỹ tổ chức tại Hà Nội tháng 8-2007, Mỹ đã công bố số hóa chất diệt cây rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 là 74,13 triệu lít.

Trong hồi ức của ông, những cánh rừng Tây Ninh, Đồng Nai, Củ Chi, Bà Rịa - Vũng Tàu… vừa ngày hôm trước là bạt ngàn cây cối sum suê, nhưng chỉ một đêm, hàng chục tấn chất độc hóa học đế quốc Mỹ rải xuống đã tàn phá, làm chết cả khu rừng. Vài hôm sau, chỉ còn khu rừng trụi lá, màu xanh mơn mởn thay bằng thảm lá úa vàng rồi… đen đặc. Chưa hết, dưới các khu rừng ấy, những chiến sĩ quân giải phóng đang trú quân. Kẻ thù muốn giết chết những cánh rừng để chúng ta phải bộc lộ lực lượng. Nhưng chính kẻ thù cũng không ngờ rằng: Rừng của Việt Nam là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Chính nơi cánh rừng mà chúng giết chết cây cỏ ấy, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ bằng cách đào những công sự, hầm hào và rồi từ đây, các cánh quân đổ về tiêu diệt địch.

 “Với Việt Nam, đất không rộng như Trung Quốc, Liên Xô để có thể liên tục di chuyển lực lượng. Chúng ta chủ trương bám trụ kiên cường. Chúng ta đánh vào đúng nơi địch chủ quan và bất ngờ nhất. Chúng ta đã trụ vững, đã thắng lợi chính là biết dựa vào dân, phòng hóa nhân dân” – ông tâm sự.

Trung tướng Đặng Quân Thụy kể chuyện những ngày chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Tư tưởng “phòng hóa nhân dân”

Trung tướng Đặng Quân Thụy kể lại: Bước sang những năm 1965, 1966, 1967… địch sử dụng chất độc hóa học một cách ồ ạt trên khắp các chiến trường. Nguồn nước cũng là mục tiêu bị địch rải chất độc. Tuy nhiên, âm mưu ấy của địch đã không dập tắt được ý chí của quân và dân ta. Hàng loạt những tờ rơi được bộ đội hóa học đưa xuống giải thích cho các đơn vị, cho nhân dân hiểu biết cách phòng, chống chất độc hóa học. Nói là thế, nhưng quả thực, việc phòng chống nó ban đầu cũng gặp vô vàn khó khăn. Lúc đầu, để sử dụng được nguồn nước bị nhiễm độc ấy, lực lượng quân y phải sử dụng các thiết bị để lọc, chưng cất. Tuy nhiên, việc này rất khó để lọc được nguồn nước với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu cho bộ đội và nhân dân. Cùng với lọc nước, chúng ta sử dụng đào nhiều giếng nước mới. Sau khi hiểu được khá toàn diện về việc sử dụng chất độc hóa học của địch, để đối phó với kẻ thù, bộ đội hóa học là nòng cốt, cùng với các đơn vị trên khắp mặt trận và nhân dân tổ chức đào hầm, ngụy trang để chiến đấu với kẻ thù và phòng, chống chất độc hóa học. Trên khắp các chiến trường miền Nam, hệ thống hầm hào được xây dựng với số lượng lớn. Việc đào hầm, xây dựng địa đạo ở Việt Nam là một kỳ tích. Các hoạt động, sinh hoạt đều có thể được tổ chức ở dưới hầm. Tất cả các hầm hào đều có cửa che đậy, nó vừa che mắt kẻ thù vừa chống được các chất độc hóa học.   

Một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra lúc bấy giờ đòi hỏi phải có khí tài phòng hóa để phòng, chống chất độc hóa học cho bộ đội và nhân dân. Vấn đề đặt ra là tổ chức sản xuất như thế nào? Trung tướng Đặng Quân Thủy cho biết, lúc đó nguyên vật liệu chúng ta không có, việc tiếp tế từ miền Bắc hay những nơi khác vào là rất khó khăn, nếu bộ đội ta đi mua thì rất dễ bị địch phát hiện. Thế là việc mua nguyên liệu phải nhờ vào người dân. Một điều hết sức bất ngờ là bà con mua ngay trong lòng địch. Những người dân đi mua nguyên vật liệu tỏa ra đi mua ở nhiều chợ, nhiều địa điểm để tránh bị nghi ngờ. Lúc đó cũng phải nhờ cả các cơ sở của ta trong lòng địch đi mua. Địch không ngờ ta chống chất độc hoá học từ những hóa chất dân dụng. Việc tổ chức sản xuất được thực hiện như sau: Bộ chỉ huy Miền có một xưởng sản xuất, các quân khu cũng có xưởng. Trong các xưởng sản xuất có các bộ phận như bộ phận may mặt trùm, bộ phận sản xuất hóa chất tiêu độc, bộ phận cấp phát. Các khí tài phòng hóa được sản xuất và cấp phát đến bộ đội, nhân dân. Cứ thế, khí tài hóa học đã có mặt ở khắp các chiến trường, góp phần quan trọng để chống chọi với kẻ thù. Chính chiến lược phòng hóa nhân dân là sức mạnh lớn nhất đưa chúng ta từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần tiến tới làm chủ và đập tan mọi chiến thuật, chiến lược sử dụng chiến tranh hóa học của địch.

Ông say sưa câu chuyện với chúng tôi cho tới trưa. Lúc chia tay, ông nói về trăn trở khi cuộc đấu tranh để đòi lại công lý của ta vẫn còn khó khăn, trên khắp đất nước Việt Nam vẫn còn hàng vạn cựu chiến binh và người dân đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng ở Việt Nam...

Bài và ảnh: Nguyễn Tuấn-Minh Hưng