QĐND - Những gương mặt rắn rỏi, sạm nắng, những khối cơ bắp săn chắc cuồn cuộn, đó là những hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về với những người thầy Khoa Vũä thuật-Đặc nhiệm, Học viện Biên phòng. Đằng sau sự thành công của mỗi giảng viên là sự khổ luyện, kiên trì và bền bỉ! “Văn ôn võ luyện”, những người thầy áo xanh đã chọn cái khổ về với cả cuộc đời mình...
Sống chung với... khổ luyện!
Dịp này về thăm trường, tôi may mắn gặp lại các anh, những giảng viên mà tôi từng đặt câu hỏi về họ, băn khoăn tấm tắc về họ? Chuyện gần một năm rồi, đó là những ngày miền Bắc rét nhất trong năm, tôi cùng đồng đội đến Học viện Biên phòng. Hôm ấy, chúng tôi mặc đến năm, bảy lớp áo mà chân tay cứ run cầm cập. Đúng lúc ấy tôi gặp các anh, trên người chỉ mặc chiếc quần đùi, đang trên đường chạy ra bể bơi để rèn luyện sức khỏe, chúng tôi không khỏi kinh ngạc và trầm trồ về các anh... “Tưởng chuyện gì, chứ chuyện ấy với các võ sư ở đây là chuyện vặt”-anh trợ lý tuyên huấn đi cùng tôi khẳng định điều đó.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, động viên các giảng viên sau màn biểu diễn khí công. |
|
Đoàn sĩ quan Nhật Bản gặp gỡ các đồng chí giảng viên sau khi biễu diễn võ thuật.
|
Trò chuyện với các anh, tôi mới giật mình, hóa ra tình yêu với võ thuật lại phải kiên trì, kiên cường, kiên quyết... đến vậy. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trường, Trưởng bộ môn Võ thuật, chia sẻ: “Chúng tôi ngày nào mà không ra bãi tập thì bữa đó cơm ăn cũng chẳng ngon, tay chân ngứa ngáy, người bần thần! Nhà ở cách trường không xa, nhưng ngoài tập luyện ở đơn vị, chúng tôi vẫn phải sắm cho niềm đam mê của mình những trang thiết bị cần thiết tại nhà để thường xuyên được luyện tập, chứ không thể bỏ được một buổi”.
Tận mắt chứng kiến những bài biểu diễn khí công của các anh, chúng tôi cứ rùng mình, lo sợ và không khỏi băn khoăn những hiểm nguy, rủi ro! Từng mũi giáo sắc lẹm, chọc thẳng vào yết hầu, võ sư dùng khí công từ từ bẻ công một lúc 2 cán giáo và trên đầu là một khối đá lớn, một người dùng búa tạ đập vỡ vụn; hay nằm lên những mảnh vỡ thủy tinh sắc lẹm, trên bụng là khối đá hàng trăm cân rồi hai thanh niên thay nhau đập liên tục đến vỡ. Không ít người rùng mình khi xem tiết mục này và rất lo lắng đến những hiểm nguy! Để có được những bài biểu diễn bằng khí công ấy, các anh phải trải qua, tối thiểu chục năm ròng rã khổ luyện. Câu chuyện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Học viện Biên phòng - nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập vừa qua còn đọng mãi trong tình cảm của thầy và trò học viện. Hôm ấy, xong màn biểu diễn nằm trên thủy tinh, đập vỡ khối đá lớn trên bụng và chiếc xe chở 5 người vượt qua cơ thể. Khi các giảng viên vừa biểu diễn xong thì Chủ tịch nước đến động viên và kiểm tra sau lưng Đại tá Đinh Ngọc Hòa, xem anh có bị trầy xước, chảy máu không? Và Chủ tịch nước đã rất ngạc nhiên, thán phục.
Hiện nay, cán bộ huấn luyện võ thuật của học viện chỉ khoảng 10 người, với lưu lượng học viên hằng năm, cả trong trường và lực lượng phối hợp đào tạo, các thầy phải giảng dạy hơn 3 ngàn học viên, sinh viên.
“Thương hiệu” võ Biên phòng
Võ thuật Biên phòng được hình thành và phát triển từ sự kế thừa các trường phái võ thuật cổ truyền của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa các môn phái võ thuật trên thế giới như: Quyền Anh, Thiếu lâm, Karate, Judo, Taekwondo... đã hoàn thiện để trở thành môn phái có tính tổng hợp cao, khẳng định và mang phong cách riêng biệt của võ cổ truyền dân tộc. Nhiều giảng viên đã không ngừng khổ luyện, khẳng định tên tuổi mình như: Đại tá Đinh Ngọc Hòa; Thượng tá Nguyễn Mạnh Trường; Thiếu tá Tạ Hữu Hoàn... Với lưu lượng hơn 3 ngàn học viên mỗi năm, mỗi học viên học 200 tiết mỗi năm là một thời lượng lao động không hề nhỏ với các giảng viên.
|
Màn biểu diễn khí công bẻ cong 2 cán giáo của giảng viên Nguyễn Mạnh Trường.
|
|
Câu lạc bộ võ thuật của học viện luôn thu hút đông đảo học viên tham gia luyện tập.
|
|
Đồng diễn võ thuật của Câu lạc bộ võ thuật tại học viện. Ảnh: TRIỆU QUANG - PHÙNG THÀNH |
Để có sự tinh thông về võ thuật, mưu lược, quả cảm, sắc bén, ý chí chiến đấu cao, đòi hỏi mỗi giảng viên là tấm gương về tinh thần và ý chí quyết tâm trong luyện tập. Nhiều giảng viên đã được đào tạo cơ bản, không ngừng khổ luyện để đạt tới những khả năng đặc biệt, truyền thụ tinh hoa, căn cốt võ thuật đến với học viên. Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng về kiểm tra công tác huấn luyện, sau khi xem các màn biểu diễn võ thuật từng đặt câu hỏi: “Nếu như tội phạm không đánh theo quy ước, liệu các đồng chí có chiến thắng được không?”. Câu hỏi của Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh cũng là vấn đề luôn được coi trọng trong chọn lọc tinh hoa của các môn phái, sáng tạo nên nét đặc trưng của võ thuật Biên phòng. Và sự sáng tạo ấy luôn hướng tới hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Các thầy “võ biên phòng” đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều cách đánh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, trong điều kiện tác chiến độc lập, nhiều đối tượng tội phạm sử dụng hung khí khác nhau, sự liều lĩnh hung hãn cũng khác nhau. Trong trường hợp nào, người lính biên phòng cũng phải có võ thuật để đối mặt, chiến thắng tội phạm...
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Phó chủ nhiệm Khoa Vũ thuật-Đặc nhiệm, bày tỏ: “Đến với võ thuật là những con người dũng cảm, có tình yêu cháy bỏng và luôn sống chung với nó! Chúng tôi rất vững tin vào thế hệ trẻ, các bạn đã ý thức được sự cần thiết về vấn đề sức khỏe và đặc thù nhiệm vụ. Cả đời mình sống chung với khổ luyện, những giảng viên Học viện Biên phòng đã đào tạo ra hàng ngàn học viên ra trường đạt chuẩn về võ thuật và được cấp chứng chỉ của học viện. Sau khi tốt nghiệp các học viên sẽ trở thành những giáo viên ở các đơn vị cơ sở, là những hạt nhân nòng cốt, luôn đảm đương những nhiệm vụ nguy hiểm, đối mặt với tội phạm nơi rừng sâu biên giới”.
Nhìn thầy trò khổ luyện, mồ hôi đầm đìa dưới nắng, ít ai biết rằng, chế độ đãi ngộ cho những con người đặc biệt nơi đây lại “khiêm tốn” đến vậy?! Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết, các thầy chỉ hưởng chế độ bồi dưỡng thêm không quá 300 ngàn mỗi tháng! Với học viên, nhiều người tập cường độ cao phải tự bỏ tiền ăn thêm, mới đủ năng lượng để luyện tập.
Yêu võ, sống chung với võ, giảng viên và các môn sinh ở Học viện Biên phòng luôn mang trong mình truyền thống thượng võ của dân tộc, truyền thống phẩm chất Anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ.
NGUYỄN VĂN HẠNH