Đến với nơi mà rất nhiều vườn “hoa đỏ” cháy lên thành hồn thiêng sông núi. Về với những nơi mà máu, nước mắt và sự hy sinh anh dũng đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam”.
Nghiêng mình nơi Ngã ba Đồng Lộc
Nghệ An-Hà Tĩnh, nơi có những điệu ví, giặm da diết lòng người vẫn căng đầy sức sống sau cơn bão số 2. Tạm gạt những cành cây đổ sang hai bên đường, TP Hà Tĩnh dang rộng vòng tay ôm trọn đoàn đua xe đạp vào mình. Trong tình đất, tình người, tôi chợt nhớ đến bài hát “Hà Tĩnh mình thương” của cố nhạc sĩ An Thuyên: “Hà Tĩnh ơi! Quê mình thương... Đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về”. Mảnh đất của thơ ca, của những danh nhân đất Việt như: Nguyễn Biểu, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Phan Huy Chú... và các nhà cách mạng: Trần Phú, Hà Huy Tập cứ da diết chảy vào tim, khắc vào trí óc.
Có lẽ sự háo hức nhất của chúng tôi khi về Hà Tĩnh là được đến Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc. Chiều hè nắng rát. Ấy vậy mà Ngã ba Đồng Lộc lại mát rượi. Những dòng nước vẫn rí rách chảy từ núi qua đường, cùng với gió nguồn vi vu, hệt như một xứ thần tiên. Gần nửa thế kỷ trước, Ngã ba Đồng Lộc được ví như một trong những túi bom, một “tọa độ chết” của dãy Trường Sơn. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 10-1968, không quân Mỹ đã trút xuống nơi này 48.600 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất phải gánh chịu 3 quả bom của địch. Đón chúng tôi tại Khu di tích, anh Đào Anh Tuân, Phó ban quản lý Khu di tích mừng như gặp người nhà. Theo bước chân các anh, các chị hướng dẫn viên, chúng tôi vào đặt hoa, dâng lễ tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc và Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP.
Trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đội ngũ nhà báo quân đội và các vận động viên nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Lời tri ân do anh Tuân đọc, cũng bật lên thổn thức, xao động vào tận cõi lòng: “Hôm nay, trước linh hồn các anh hùng liệt sĩ, đoàn đua xe đạp “Về Trường Sơn” luôn ghi nhớ và tự hào với những chiến công bất tử của các anh, các chị. Xin dâng lên những nén nhang, những bó hoa tươi thắm, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ...”. Tiếng nhạc, cùng bao lời da diết đã khiến những giọt lệ trào trên khóe mắt chúng tôi.
Đứng trước 10 ngôi mộ của các nữ anh hùng liệt sĩ TNXP, những dòng lệ tiếp tục tuôn chảy trên gương mặt mọi người. Đây Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, kia các chiến sĩ Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hạ. Các chị vẫn như đang sống trong mãi mãi tuổi mười chín, đôi mươi để ca hát, mở đường. Các chị giờ là màu hoa đỏ đang rực cháy ở đầu dãy Trường Sơn hùng vĩ này.
Nghe sông Nhật Lệ kể chuyện xưa
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhà thơ Tố Hữu đã được nghe mẹ Suốt kể về quê hương Quảng Bình, kể về dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Hôm nay, tôi đến bên Tượng đài mẹ Suốt để nghe sông, nghe người Đồng Hới kể chuyện xưa. Những câu chuyện, những ký ức cứ chảy như mạch nguồn về truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình anh hùng. Quê hương của phong trào: “Xe chưa qua, nhà không tiếc/ Đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc xương”.
Nhật Lệ, có nghĩa là sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời. Dòng sông huyền ảo ôm trọn TP Đồng Hới vào lòng và luôn chói sáng vào ban ngày. Nếu như buổi chiều tà màu sông tím đỏ nỗi nhớ mong, thì buổi sáng lại đẹp như gấm hoa. Khi mặt trời nhô lên khỏi cồn cát Bảo Ninh, mặt sông lấp lánh những vảy bạc, vảy vàng. Đứng trên cầu Nhật Lệ mà ngỡ như đang được đứng trên chiếc cầu vồng, tắm mình trong một không gian lung linh, xốn xang như huyền thoại. Chị Võ Thị Thu Thanh, một người bán nước cạnh cầu nói rằng: “Quê mình tự hào về dòng Nhật Lệ. Dòng sông đã đưa bao đoàn quân ra trận, đã hứng chịu bao tấn bom đạn của kẻ thù. Đó cũng là nơi rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nước, vì dân”.
Các cựu chiến binh hát về đồng đội trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Phi Hùng
Sông Nhật Lệ hôm nay trên bến dưới thuyền. Ấy vậy mà ông Hoàng Văn Sáu, 65 tuổi, ở phường Bắc Lý (TP Đồng Hới) vẫn thường đến ngồi để hình dung lại hình ảnh mẹ Suốt chở quân sang sông. Ông bảo: “Ra sông lại nhớ đến mẹ. Những người đi thuyền thì coi mẹ Suốt như một quý nhân phù trợ cho cuộc đời sông nước của mình”. Bình minh, tôi thả bộ trên bến sông. Dân vạn chài đã thức dậy từ lúc nào. Có chỗ họ còn mang cá lên bờ để bán. Đứng bên Tượng đài mẹ Suốt, một cảm giác mênh mang, vời vợi từ biển ùa về khiến tôi lâng lâng, mơ màng. Đây, hình ảnh người mẹ gầy gò, nhỏ bé nhưng vẫn hiên ngang chèo thuyền chở bộ đội, chở vũ khí qua sông giữa làn bom đạn dữ dội của kẻ thù. Những ngày đầu tháng 2 năm 1965, địch tập trung máy bay đến oanh tạc thị xã Đồng Hới. Trong lúc mưa bom, bão đạn đổ xuống dòng Nhật Lệ, mẹ Suốt đã dũng cảm cứu vớt và đưa chị Nguyễn Thị Trang mới sinh con 12 ngày tuổi bị rơi xuống sông vào bờ an toàn. Rồi một lần khác có 10 cháu bé khi sang sông bị bom Mỹ làm lật thuyền, mẹ cũng cứu vớt các cháu. Sau này, mẹ Suốt được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và hy sinh trong một trận bom Mỹ giội xuống bến đò Bảo Ninh. Câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu cứ miết vào lòng, quấn chặt vào tim gan tôi, thổn thức:
Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày... Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ.
Rời Quảng Bình, hình ảnh mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ, hình ảnh Vũng Chùa - Đảo Yến nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh của các LLVT, người “Anh Cả của quân đội” cứ bổi hổi trong tâm hồn tôi. Quê hương của một thời chiến tranh, một thời máu lửa đang muốn gửi gắm rất nhiều điều cho mỗi chúng ta. Đó là làm sao đánh thức được nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội cho mảnh đất thương yêu này.
Vùng đất đẫm máu xương, nặng ân tình
Tỉnh Quảng trị - dải đất được ví như điểm tì vai gánh hai đầu đất nước, rực rỡ nắng vàng. Đi qua sông Bến Hải, bâng khuâng nhìn thấy cầu Hiền Lương ai cũng cảm thấy nao nao trong lòng. Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc ta. Nơi đây có gần 60.000 liệt sĩ đang yên nghỉ ở 72 nghĩa trang trong tỉnh. Hai nghĩa trang quốc gia rất nhiều người biết đến, đó là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Trưa 19-7, khi Đoàn đua xe đạp về đích tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trời Quảng Trị rực rỡ nắng vàng. Rất nhiều đoàn cựu chiến binh, đoàn khách đến thăm viếng và người dân địa phương đã đứng kín hai bên đường chào đón. Giây phút xúc động nhất là khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Ban tổ chức đoàn đua và các vận động viên dâng hương hoa lên đài liệt sĩ. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những dòng nước mắt xúc động, hòa vào những giọt mồ hôi nhỏ xuống và hòa tan vào đất. Biết nói sao cho hết ý, hết lời. Biết tri ân thế nào cho hết tình, hết nghĩa. Chỉ biết hứa với các liệt sĩ sẽ gìn giữ đất nước này trường tồn, xây dựng Tổ quốc này ngày càng tươi đẹp, để sự hy sinh của các thế hệ cha anh không bao giờ uổng phí. Sự hy sinh ấy là bắt đầu cho sự đơm hoa, kết trái, cho hội nhập và phát triển không ngừng của một dân tộc anh hùng.
Trọn ngày đầu ở Quảng Trị, chúng tôi tranh thủ đi thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và một số nghĩa trang liệt sĩ khác. Sáng hôm sau, chúng tôi lại thổn thức, nghiêng mình bên dòng Thạch Hãn đang in dáng thành cổ uy nghi, chất chứa nhiều kỷ niệm đau thương mà oai hùng của cuộc chiến tranh.
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. Đọc lại bốn câu thơ của Lê Bá Dương mà như thấy lại cả một thế hệ hào hoa ra trận. Các anh, các chị đã luôn trẻ với “Mãi mãi tuổi 20” của mình. Rải những bông hoa xuống dòng sông, dâng những nén nhang lên đài Thành cổ Quảng Trị mà thấy nhói tim, quặn lòng. Càng nghĩ về sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, càng thấy trách nhiệm của những người đang sống hôm nay. Dẫu Quảng Trị chưa thoát nghèo, dẫu đau thương vẫn chưa dứt hẳn, nhưng hy vọng mảnh đất này sẽ phát triển mạnh mẽ. Rồi một ngày không xa, cảng Mỹ Thủy (Hải Lăng) sẽ thành một khu kinh tế liên hoàn, thủy điện Rào Quán sẽ thắp sáng niềm tin. Và cả những con đường cao tốc, cùng với các khu công nghiệp sẽ đưa Quảng Trị tới đích đẹp giàu.
Tôi kết thúc chuyến đi bên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Nhìn gương mặt, ánh mắt của người mẹ, tôi càng hiểu vì sao đất nước ta, dân tộc ta lại anh hùng, kiên trung, bất khuất đến như vậy. Những người mẹ Việt Nam đã dâng hiến cho Tổ quốc những người con thương yêu nhất của mình, để cho màu hoa đỏ cháy rực khắp non sông. Màu hoa đỏ ấy đã góp phần to lớn để "Tổ quốc bay lên, bát ngát mùa xuân".
Bút ký của LÊ PHI HÙNG