Lời thề ấy hơn 7 thập niên qua được bà con Pa Kô, Vân Kiều luôn nhắc nhớ, truyền dạy cho con cháu, nguyện một lòng thành kính, son sắt với Đảng, Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 
leftcenterrightdel
Huyện Hướng Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 72 năm người Pa Kô, Vân Kiều mang họ Hồ của Bác.

Một lòng theo Đảng, theo Bác

Đường về làng Ralu, xã Hướng Nghiệp, huyện Đăkrông (Quảng Trị) hôm nay được nhuộm đỏ bởi cờ đỏ sao vàng tung bay mừng những ngày lễ lớn của đất nước. Dẫn chúng tôi về thăm làng, Trung úy Hồ Sỹ Tiến, Đồn Biên phòng Hướng Phùng, như muốn khoe về ngôi làng của mình. Anh đưa tay chỉ ra trước đường làng, nơi những lá cờ đỏ sao vàng, cờ phướn đang tung bay trong sắc nắng: “Ở đây việc treo cờ bà con tự giác rất cao, nhà nào cũng có cờ và ảnh Bác”. Bước vào nhà CCB Hồ Sỹ Tâm, dù tuổi ngoài 70 nhưng khi nhắc đến Bác Hồ, ông hào hứng, nói: “Được mang họ Hồ của Bác là quý lắm, là trân trọng lắm! Thế hệ chúng tôi từng cắt máu ăn thề ra trận, nguyện một lòng trọn đời theo Đảng, theo Bác. Còn ngày nay tôi luôn căn dặn con cháu, dù khó khăn đến đâu cũng phải học tập, lao động bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm của mình. Như vậy là đã học tập Bác, xứng danh được mang họ Hồ của Bác”.

Ông có 5 người con thì 4 người là giáo viên, cán bộ quân đội, công an, bác sĩ. Ông nổi tiếng là người nghiêm khắc với các con trong việc học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách. Ông luôn dặn các con phải nhớ mình được mang họ của Bác Hồ.

Ông Hồ Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Hướng Nghiệp khoe với chúng tôi: “Nếu như thập niên trước đây các anh về Hướng Nghiệp gặp cảnh bà con đốt nương làm rẫy, thì nay hoàn toàn khác. Bà con đã bỏ lúa rẫy tập trung trồng lúa nước và cây công nghiệp. Hướng Nghiệp hôm nay đã sang trang mới, làng quê được khởi sắc, nhà cửa bà con hầu hết đã kiên cố, khang trang, nhiều người sắm được phương tiện đi lại,  vật dụng sinh hoạt có giá trị...”.

Trở lại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi tìm đến CCB Hồ Xang, người từng cắt máu ăn thề cùng lớp trai làng năm xưa để ôm súng ra trận. Trong căn phòng khách là những huân huy chương, những tấm ảnh của Bác và ban thờ Bác Hồ, ông hào hứng kể: “Tôi sinh sau không may mắn được chứng kiến buổi lễ của người Pa Kô, Vân Kiều thề khi được mang họ Hồ của Bác, nhưng tôi được lớp đi trước luôn nhắc nhở truyền lại buổi lễ thiêng liêng đó. Bởi vậy, người Pa Kô, Vân Kiều luôn một lòng son sắt thủy chung đi theo Đảng, học theo tấm gương của Người. Và tình cảm, sự thủy chung ấy là bất diệt”.

leftcenterrightdel
Ông Hồ Văn Tôn cùng con học tập.

Nhìn lại chặng đường lịch sử, nhiều tấm gương của người Pa Kô, Vân Kiều đã đi vào sử sách, trở thành những tấm gương cho lớp trẻ hôm nay noi theo, như: Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ Ray, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Hồ Cam, Hồ Hương... Họ là những người con của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã đóng góp công sức, xương máu giải phóng dân tộc, khẳng định sự kiên trung, bất khuất trọn đời với Đảng, với Bác...

Mang họ Bác, học tấm gương Bác

Ngược miền tây huyện Hướng Hóa, chúng tôi đến với xã Hướng Phùng, một địa danh nổi tiếng về những tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hướng Phùng hôm nay không chỉ có những căn nhà hai tầng khang trang, những trí thức trẻ đang cống hiến xây dựng Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, mà bà con nơi đây còn hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới... Ông Hồ Doi kể: “Chúng tôi rất tự hào được mang họ của Bác Hồ và luôn học tập tấm gương của Người theo cách riêng của mình. Mấy năm trước địa phương vận động hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới chúng tôi không một chút do dự, chủ trương cần đến đâu thì chúng tôi hiến tặng đến đấy. Làm được như vậy bà con Pa Kô, Vân Kiều tôi mới xứng là những người được mang họ Hồ của Bác”. Được biết ông, bà Hồ Doi, Hồ Thị Sen, Hồ Tà Rực, Hồ Pôn... mỗi người đều hiến từ 400m2 đến 600m2 đất để mở đường...

Thật ngỡ ngàng nơi miền núi cao, hiểm trở như xã Hướng Phùng lại có tinh thần hiếu học đến như vậy? Không ít người về Hướng Phùng đã nói lên điều đó. Ông Hồ Văn Tôn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hướng Phùng dẫn chúng tôi về ngôi nhà của mình. Trong ngôi nhà ấy, không có gì đáng giá, ngoài những bằng, giấy khen của ông và các con. Vợ chồng ông có 3 người con, con gái đầu học Đại học Nông lâm Huế, con trai thứ hai học ở Trường Văn hóa 3 của Bộ Công an và con gái út đang theo học lớp 8, Trường THCS Hướng Phùng. Ông cũng là người tốt nghiệp đại học từ rất sớm về địa phương cống hiến. Ông Tôn cho hay: “Năm xưa Bác Hồ cũng nhờ học, tự học mà có tri thức để cứu nước, nay muốn cống hiến xây dựng quê hương đất nước và gia đình, mỗi chúng ta đều phải nỗ lực học tập, có tri thức mới hy vọng làm được điều có ích”.

Ông Tôn còn cho biết, nếu như năm xưa bà con Pa Kô, Vân Kiều ở đây quan niệm “người đi học là người lười lao động!” thì nay hoàn toàn khác, hầu hết các gia đình đều rất quan tâm đến việc học hành của con em. Sự quan tâm, đồng hành cùng với con em mình nên nhiều gia đình đã thu hái được những quả ngọt như gia đình: Ông Hồ Phúc, Hồ Hoan ở thôn Xari có con trúng tuyển và theo học tại Đại học Y khoa Huế; ông Hồ Khưn nuôi hai con học đại học, một người học Học viện Biên phòng, một người học Đại học Huế; bà Hồ Thị Nga có hai người con theo học đại học...

leftcenterrightdel
Ông Hồ Doi đã hiến hơn 400m2 đất mở đường.

Trong những căn nhà kiên cố, khang trang của bà con người Pa Kô, Vân Kiều ở Hướng Phùng hôm nay hiện lên những tia nắng mới về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; sự chăm chỉ lao động và tinh thần hiếu học. Bà con Pa Kô, Vân Kiều nơi đây không chỉ là những lao động giỏi mà còn có những cán bộ, những y sĩ, bác sĩ, cán bộ lực lượng vũ trang, giáo viên... ngày đêm nỗ lực học tập, lao động, một lòng đoàn kết, son sắt, thủy chung với Đảng, Bác Hồ kính yêu. Người Pa Kô, Vân Kiều đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, nhiều gia đình miền tây Hướng Hóa đã có nhà cửa kiên cố, khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, các con được học hành đến nơi đến chốn như: Hồ Doi, Hồ Thị Nga, Hồ Phúc, Hồ Thô, Hồ Mơi... nhiều người trở thành những tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ...

73 năm qua, từ buổi nghi lễ đầu tiên ấy, dần dần sau này bà con người Pa Kô, Vân Kiều ở các huyện như: Hướng Hóa, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hay đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở trên dãy Đông Trường Sơn như Thừa Thiên-Huế đều trân trọng chọn họ Hồ của Bác làm họ của mình. Bà con luôn tự hào vì được mang họ Hồ của Bác, với tấm lòng thành kính biết ơn và nguyện cả đời sống lao động, học tập và chiến đấu theo gương Bác, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ấm no, quê hương giàu đẹp như nguyện vọng sinh thời của Bác Hồ kính yêu...

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hướng Hóa, Quảng Trị: “Tháng 6-1957, Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lúc ấy người Pa Kô, Vân Kiều ở Vĩnh Linh đã cử đại biểu là ông Hồ Ray ra gặp Bác Hồ để xin cho người Pa Kô, Vân Kiều mang họ của Người. Được Bác Hồ tặng họ, người Pa Kô, Vân Kiều đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề, đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác...”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH