Tháng 3-1989, lứa chúng tôi có 50 nam và 20 nữ đến từ các làng quê của các huyện: Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội) lên đường nhập ngũ.
Trước ngày nhập ngũ, chúng tôi đã trải qua các bước khám sức khỏe và cán bộ, chỉ huy các cấp hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, trình độ và nguyện vọng. Các nữ thanh niên khi trúng tuyển được “chăm sóc” kỹ hơn khi cán bộ tuyển quân gặp gỡ đến hai lần để biết được ước mơ sau khi xung phong lên đường nhập ngũ. Trình độ văn hóa cũng được chọn lựa, điều kiện bắt buộc là các thanh niên đều phải tốt nghiệp phổ thông trung học...
Làng quê luôn rộn ràng tiếng nói của phát thanh viên đài truyền thanh xã. Những gương điển hình, những cựu chiến binh có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc luôn được nhắc đến như thúc giục thanh niên lên đường nhập ngũ viết tiếp truyền thống cha anh. Vui nhất là lúc nhận được quà của Ủy ban nhân dân xã. Không được như bây giờ là có tiền, có quà, có hoa, có sổ tiết kiệm, nhiều gia đình còn được tặng nhà tình thương, nhà đồng đội; khi chúng tôi nhập ngũ chỉ có chiếc khăn mùi xoa, vài bao thuốc lá, cân đường, hộp sữa và sự động viên chân thành của thế hệ đi trước, sự hứa hẹn thủy chung của bạn gái, sự mạnh mẽ của tuổi trẻ quyết tâm tiếp nối truyền thống của quê hương Chiếc gậy Trường Sơn, …
Sau hơn 1 giờ ngồi xe ô tô, chúng tôi được lệnh xuống xe hành quân vào doanh trại để tập trung, nghe những lời huấn thị đầu tiên của các cấp lãnh đạo… Mọi thứ đều mới mẻ với những chàng trai, cô gái đang ở độ mười tám, đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Nào là những nội quy, quy định trong quân đội; 11 chế độ trong ngày, rồi các chế độ trong tuần; giờ nào việc nấy, mọi chế độ, quy định được cấp trên giảng giải cụ thể.
Đơn vị huấn luyện đóng quân tại làng Mai, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai. Chúng tôi được chia ra thành 6 tiểu đội, trong đó có hai tiểu đội nữ, ở trong những căn nhà ngói, bên những ao cá, vườn rau xanh ngắt. Đêm đầu tiên thật ấn tượng khi đến giờ sinh hoạt văn nghệ, ai cũng rụt rè, nhút nhát, không ai dám xung phong tham gia văn nghệ. Được sự động viên của cán bộ đại đội, cuối cùng cũng có Kim Chung, quê xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai xung phong góp vui bài hát “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), tôi tham gia bài “Mùa xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng) … Và rồi đêm đầu tiên mặc áo lính, trong sâu thẳm, ai cũng hướng nỗi nhớ về quê hương, về cha, mẹ, ruộng vườn gần gũi nơi quê nhà.
    |
 |
Tiểu đội nữ của Đại đội huấn luyện năm 1989 |
Ngày đầu tiên chúng tôi được dạy gấp nội vụ, nào là gấp sao cho vuông thành sắc cạnh; buộc màn, cách để giày, dép, ba lô sao cho lúc báo động thì ai nấy đều có thể thu dọn nhanh, gọn, dễ dàng. Khi thực hành có bạn khéo tay sau mấy lần gấp đã thành công, có bạn gấp mãi mà nội vụ vẫn chưa đẹp, ba lô để không đúng chỗ, giày, dép mỗi chiếc quay về một hướng, màn buộc xong muốn tháo phải mất tới 15 phút… Tiếp theo, chúng tôi được học tháo lắp súng AK, ngắm bắn, tập đi đều, đi nghiêm, tập chiến thuật và tập võ tay không… Cả mấy tháng huấn luyện cùng nhau ăn nghỉ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, có nhiều kỷ niệm vui, buồn, đặc biệt là những trận cười ra nước mắt trên thao trường.
Kỷ niệm nhớ nhất những ngày đầu sống trong môi trường quân đội đối với chúng tôi là những đêm thay nhau ca gác. Mỗi ca hai tiếng đồng hồ, bên các bạn tiểu đội nam thì các phiên gác có vẻ ổn, chỉ rắc rối khi các bạn nữ thay ca gác đêm. Một lần, đêm cuối tháng 3, trời tối đen, gió to, rít từng cơn, vào khoảng 1 giờ sáng tôi đang đứng gác bên nhà nam thì thấy tiếng kêu cứ to dần, to dần. Rồi một tiếng khóc, tiếng la thất thanh vang lên “Ôi, ma! ma!”. Rồi các cánh tay chỉ về hướng có ánh sáng đom đóm lập lòe, bên một bóng hình đung đưa... Chúng tôi chạy lại hỏi han, soi đèn pin thì ôi thôi, bóng ma theo tưởng tượng của các bạn nữ lại chỉ là một tàu lá chuối khô gẫy gập một nửa đang đung đưa trong gió.
Cũng một đêm gác, trời mưa lâm thâm, gió rét, cả đại đội đang chìm trong giấc ngủ thì tiếng còi báo động chiến đấu của Đại úy Đỗ Khắc Nghĩa, Đại đội phó vang lên. Toàn bộ anh chị em xỏ giày, mặc quân phục bật dậy. Cả đại đội tập trung chỉnh tề trước sân nghe thông báo, tiếng đại đội phó ra chỉ lệnh: Đơn vị đã bị “kẻ gian” lấy mất súng, yêu cầu cả đại đội đi tìm cho được vũ khí bị mất. Ôi, có lẽ đây là mệnh lệnh mà chúng tôi nghe xong ai cũng lo lắng, biết ở đâu mà tìm? Lại vài tình huống đại đội phó đưa ra, cho rằng có khả năng súng được giấu ở chỗ X, chỗ Y nào đó! Vậy là hơn chục anh em được lệnh tỏa đi hết các ngóc ngách tìm kiếm. Sau một hồi tìm kiếm, đại đội phó lại thông báo, lý do chúng tôi bị báo động và phải giải quyết hàng loạt tình huống, đó là trong đại đội có người gác ngủ gật nên chỉ huy mới báo động và cũng là cơ hội để rèn luyện cho những thanh niên mới bước chân vào môi trường mới. Một môi trường cần sự tỉnh táo, nhanh nhẹn, mưu trí và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ...
Có những đêm, chúng tôi đang say giấc thì tiếng còi báo động lại vang lên, đây là báo động di chuyển chiến đấu, chúng tôi chỉ có 5 phút để gập màn, chiếu, quân tư trang cá nhân và trang bị, vũ khí để lên đường. Lệnh của đại đội trưởng thông báo: Hiện nay “địch” đang ở cách chúng ta 15km, các đồng chí chuẩn bị đầy đủ quân tư trang để lên đường hành quân đánh địch. Vậy là cả đại đội theo một hàng di chuyển từng người một ra bờ sông của làng Mai, băng qua các kênh mương nội đồng, vòng qua các ruộng lúa, bờ rau. Đêm giữa tháng, trăng sáng vằng vặc, hiện lên những bóng dáng của những chiến sĩ với ba lô trên vai hành quân đến điểm đã định. Cánh đồng lúa đang thì con gái rì rào, reo vui như chào đón những tân binh đang bước đi với lòng hãnh diện quyết tâm học tốt, rèn nghiêm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi còn có không ít kỷ niệm về các buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, nghe thời sự, học chính trị, học bắn súng và cả những bữa liên hoan được ăn ngon, ăn no, những bữa ăn mà hồi đó các gia đình nghèo khó ở nông thôn chưa bao giờ có được.
Hơn 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được Thiếu tá Ngô Khắc Ký, Đại đội trưởng thông báo khóa học đã kết thúc và chúng tôi chuẩn bị làm lễ tổng kết khóa huấn luyện để được phân công về các đơn vị mới. Hôm chia tay, trời mưa tầm tã, những chiếc xe đang chuẩn bị chở chúng tôi đi khắp các đơn vị, người thì ở lại Hà Nội, nội thành, ngoại thành, có người lên Bất Bạt, Sơn Tây, còn xa nhất như chúng tôi thì được phân công vào các đơn vị phía Nam.
Mới đó mà đã 30 năm quân ngũ, cũng là bấy nhiêu năm tôi xa quê, gắn bó với vùng sông nước Cần Thơ gạo trắng nước trong, không phải lúc nào muốn gặp các bạn đồng ngũ cũng có thể gặp được. Sáng mồng Ba Tết Kỷ Hợi vừa rồi, tôi nhận được điện thoại của Tiến Cương, người cùng Tiểu đội 2 với tôi bảo rằng, muốn họp hội đồng ngũ để ôn lại kỷ niệm xưa!
Sau cuộc điện thoại của Cương là điện thoại của Quang Sáng, của Hùng, của Thịnh, của Sinh, của Triệu tới tấp, ai cũng mong gặp lại bạn đồng ngũ để hàn huyên tâm sự. Tôi và Thiệp (người bạn đồng ngũ hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) rủ nhau cùng đi đến điểm hẹn. Có lẽ điều hạnh phúc nhất của những người lính chúng tôi là được gặp lại bạn bè đồng ngũ sau bao năm xa cách. Thật vui khi những nữ chiến sĩ khi xưa, nay đều có cuộc sống ổn định, người làm nội trợ, người làm ruộng, người buôn bán, người là sĩ quan cao cấp trong quân đội... Và điều đặc biệt, các bạn của tôi, dù có người rất thành đạt hay chỉ có cuộc sống bình thường, nhưng mỗi khi nghe tin có bạn gặp khó khăn hay có chuyện vui-buồn đều thu xếp công việc để đến bên nhau, động viên, chia sẻ với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Mọi lời nói, hành động của các bạn đều xuất phát từ một từ, đó là “đồng đội”, những người có một thời học tập và rèn luyện trong quân ngũ!
NGUYỄN BÁ