Bài 1: Dân vận ở thị trấn Abyei                       

Đội Công binh số 1 của chúng tôi đã đi được một nửa chặng đường mùa mưa ở Phái bộ UNISFA với đủ các cung bậc cảm xúc, từ mỏi mệt, căng thẳng cho đến vui mừng, phấn khởi, hân hoan.

Thị trấn Abyei là một phần của khu phi quân sự được thiết lập làm nơi giải quyết tranh chấp giữa Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan. Ở đây, mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 10 hằng năm. Đối với chúng tôi, những người lần đầu đến đây làm nhiệm vụ, mùa mưa quả là khốc liệt. Đầu mùa mưa, trời tối sầm sập, rồi mưa như trút và kéo dài lê thê hai ngày. Những ngày sau, cứ cách một ngày lại có một trận mưa kéo dài tới 12 giờ đồng hồ.

leftcenterrightdel
Thị trưởng Hon cùng chỉ huy Đội Công binh số 1 Việt Nam khảo sát tình trạng ngập úng ở thị trấn Abyei. Ảnh: THẾ HƯNG

Mưa khiến mọi hoạt động của Đội Công binh số 1 Việt Nam tại Phái bộ UNISFA bị đình trệ. Lúc ấy, từ phái bộ phóng tầm mắt ra ngoài chỉ thấy thị trấn rộng khoảng 20km2, nơi cư trú của khoảng 50.000 dân, là bãi lầy. Những ngôi nhà của người dân thấp lè tè nằm sát nhau ở các khu dân cư ngập trong mưa, bùn đất lầy lội, khiến thị trấn càng u tịch, buồn tẻ hơn. Khổ nhất là bọn trẻ phải đến trường, chơi đùa, chạy nhảy trên những bãi lầy để chống lại sự cuồng cẳng sau nhiều giờ bị nhốt trong căn nhà chật chội, ẩm thấp vì mưa.

Theo người dân địa phương, thị trấn Abyei vốn là một đầm lầy khá bằng phẳng. Khi mưa xuống, đất bùn đen ở đây nhão nhoét, còn khi nắng thì chai cứng. Người dân ở đây sống giản dị trong thiếu thốn. Nhà của họ được làm bằng vật liệu có sẵn. Phổ biến là kết cỏ làm mái, làm tường rồi trát đất bên ngoài. Trong nhà họ chẳng có vật dụng đáng giá. Nhà khá giả thì có chiếc giường nhỏ. Mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên nền đất. Ở đây, đàn ông được lấy nhiều vợ. Muốn cưới vợ, người đàn ông chỉ phải bỏ ra 50 con bò. Có người lấy tới 6 vợ. Thế nên nhà của người dân trong thị trấn Abyei thường rất nhiều trẻ con.

leftcenterrightdel
 Đội Công binh số 1 Việt Nam khảo sát tình trạng ngập úng trong các khu dân cư tại thị trấn Abyei. Ảnh: THẾ HƯNG

Mùa mưa, do không có kênh thoát nước nên tình trạng ngập úng, lầy lội trong thị trấn càng nặng nề hơn và nó có thể là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, kéo theo các loại bệnh dịch. Ông Hon Apech Deng Biong mà chúng tôi vẫn gọi là Hon, Thị trưởng của thị trấn Abyei đã đến Phái bộ UNISFA nhờ giúp đỡ.

Sáng 13-7, Đội Công binh số 1 chúng tôi nhận lệnh của phái bộ, tiến hành khảo sát kỹ thuật thi công kênh thoát nước ở thị trấn Abyei. Các phương án được đưa ra, bàn luận sôi nổi trong chỉ huy. Cuối cùng, phương án khả thi nhất được trình và phê duyệt. Trước khi triển khai nhiệm vụ, Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Đội Công binh số 1 quán triệt rằng phải thi công kênh sao cho nước thoát, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

leftcenterrightdel
Đội Công binh số 1 Việt Nam thi công đường giúp người dân thị trấn Abyei.  Ảnh: THẾ HƯNG

Chiều 13-7, theo hiệp đồng với Thị trưởng Hon, những chiếc máy xúc, ủi, gạt, lu, cẩu và 4 xe tự đổ đồng loạt nổ máy. Thiếu tá Nguyễn Công Được, Phó phân đội trưởng Phân đội Công binh công trình 1 được giao tổ chức thi công kênh mương phát lệnh hành quân. 20 phút sau, Được báo tin không vui, nhân dân thị trấn Abyei kéo ra rất đông, ngăn trở hoạt động thi công.

Tôi cùng Đại tá Mạc Đức Trọng và Thượng tá Nguyễn Thị Liên, Trợ lý Điều phối quân-dân tức tốc ra hiện trường. Lúc này, trước mặt chúng tôi, rất đông đàn ông, phụ nữ, trẻ em đứng lố nhố ở đầu máy xúc với vẻ mặt căng thẳng. Sau một hồi trò chuyện với người dân, chị Liên và anh Trọng đã hiểu ra nguyên nhân. Do chưa bao giờ thấy máy thi công đến sát nơi ở nên họ sợ thần linh trách phạt. Nửa tiếng sau thì trợ lý của Thị trưởng Hon cũng đến. Anh Trọng và chị Liên giải thích cho anh này tác dụng của việc làm kênh mương. Chị Liên còn lấy sơ đồ tuyến kênh đi qua để chứng minh cho dễ hiểu. Sau một hồi lắng nghe và gật gù, trợ lý Thị trưởng Hon trực tiếp vào nhà thuyết phục các trưởng tộc, người có tiếng nói quyết định. Mãi sau đám đông mới giải tán, các máy thi công được giải phóng, việc thi công được bắt đầu.

Anh Trọng bảo tôi, hy vọng đầu xuôi đuôi sẽ lọt. Bởi theo dự tính của anh, chỉ vài ngày sau, khi hệ thống kênh dẫn nước tới khu vực hồ chứa của phái bộ và đầm lầy ở cuối thị trấn được khơi thông, người dân không bị ngập trong nước thì công việc của đội sẽ rất ổn. Tuy nhiên, điều không ngờ đã xảy ra. Người dân kéo đến phản đối chúng tôi. Họ bì tị nhau vì nhà có cống dẫn thẳng vào cửa rất tiện lợi còn nhà thì lại không được đặc ân ấy. Bài toán làm kênh mương thoát nước lại được bổ sung những dữ kiện mới khó hơn. Chị Liên lại vất vả chạy đôn đáo khắp nơi trong phái bộ để xin những ống cống bằng thép bỏ đi rồi mang về sửa chữa và lắp đặt, nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ đến những thùng gỗ đựng thiết bị rất nhiều trong phái bộ. Lấy về, chúng tôi phá dỡ chúng ra và ghép lại thành những chiếc cầu vượt qua kênh mương. Phía trên thanh gỗ, chúng tôi xếp một lớp bao cát để trống trơn trượt. Anh Trọng, chị Liên lại cùng trợ lý của thị trưởng đến thuyết phục người dân nhiều ngày thì công việc làm cống, làm cầu qua kênh mương mới được tiến hành trơn tru. Rất nhanh sau đó, các chiến sĩ công binh đã lắp đặt được 138m cống tròn, 36 cầu qua đường để người dân đi lại thuận lợi.

leftcenterrightdel
Con đường mới được hình thành trong niềm vui của người dân thị trấn Abyei. Ảnh: THẾ HƯNG

Con đường hai bên bờ kênh đã hình thành nhưng để đi được thì rất khó. Khi mưa xuống, mặt đường lại lầy lội và trơn như đổ mỡ. Muốn đường cứng thì phải rải một lớp đất đá murran (giống như đá ong ở Việt Nam) rồi lu lèn. Tuy nhiên, loại vật liệu này ở đây có giá tới 65USD/m3. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng chị Liên khoe nhìn thấy trong phái bộ có một container xi măng chết.

Chị hỏi Thiếu tá Nguyễn Văn Tú, Phó đội trưởng phụ trách kỹ thuật rằng, loại vật liệu bỏ đi này có thể giúp gì khi làm mặt đường? Tú bảo, nếu xi măng đã chết, chai cứng thành khối lớn thì phải đập nhỏ rồi rải lên mặt đường, rất mất công. Nếu ở dạng cục nhỏ thì có thể rải ngay lên mặt đường và lu lèn, giống như rải đá mạt ở Việt Nam. Chị Liên vào phái bộ xin thùng container ấy về. Thế là chất lượng mặt đường được bộ đội công binh Việt Nam xử lý hiệu quả vượt mong đợi. Thị trưởng Hon cười tít mắt khi đi trên con đường ấy và không ngớt: “Thank you, thank you Vietnam”. Trước cảnh trẻ em đến trường bị ngập, dù Thị trưởng Hon không đề xuất nhưng Đại tá Mạc Đức Trọng bảo với ông rằng sẽ làm giúp một con đường và sân trường cho trẻ em vui chơi. Ông gật đầu lia lịa và bắt tay anh Trọng đầy cảm kích.

Thế là, sau khi xong công việc làm kênh mương, Phân đội Công binh công trình 1 lại tiếp tục thi công đường vào cùng hơn 400m2 sân trường. Để có hơn 100m3 đất nâng cốt nền sân trường, chúng tôi lại phải đi từng nhà để vận động người dân cho đất. Đây là công việc khó khăn vì người dân địa phương quen với cuộc sống du mục, tạm bợ, gắn với thiên nhiên, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc ăn ở vệ sinh. Với họ, múc đất lên sẽ khiến cỏ chết và bò, dê, lừa, la, cừu không có cái ăn. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, chúng tôi cũng hoàn thành việc nâng cấp cốt nền 400msân trường. Giờ đây, mưa xuống, sân trường không còn lầy lội bởi chúng tôi đã tạo độ dốc để nước thoát dễ dàng.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhân một hôm trời không mưa, Thị trưởng Hon và các trợ lý đến mừng thành công công trình chưa từng có ở thị trấn này. Chúng tôi thống kê với Thị trưởng Hon về kết quả công việc, trong đó nổi bật là đã huy động hơn 700 ngày công của cán bộ, nhân viên để đào đắp, vận chuyển hơn 3.000m3 đất; nạo vét hơn 20km kênh mương thoát nước cho người dân thị trấn Abyei.

Thị trưởng Hon mang tới tặng Đội Công binh số 1 hai con dê. Nhưng khi nghe bộ đội chúng tôi bảo, hai con thì không đủ. Ngay lập tức, ông ra lệnh cho lái xe cùng hai trợ lý của mình về nhà mang ra hai con dê nữa. Dê ở đây không to và có giá hơn 1 triệu đồng tiền Việt Nam/con. Ngày chủ nhật tuần đầu tháng 8, chúng tôi được một bữa tươi với các món dê xào lăn, hấp, tái chanh, nướng...

Anh Trọng bảo, thành công lớn nhất của toàn đội là công trình thoát nước và đường đã hoàn thành, mang tới cho nhân dân thị trấn niềm tin vào Phái bộ UNISFA. Qua việc này, chúng tôi càng thấm thía phương châm dân vận "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin". Trong điều kiện bất đồng ngôn ngữ và ở nơi phong tục, tập quán khác biệt, dân trí thấp như Abyei, muốn thực hiện phương châm ấy thì phải hết lòng, hết sức và thực sự tận tụy. Nếu tận tâm, sẽ có cách làm hiệu quả và được dân mến, dân tin. Kết quả đó khiến mọi người trong chúng tôi không khỏi lâng lâng niềm tự hào. 

(Còn nữa) 

MẠNH THẮNG - QUANG TUYỂN*

(*) Trung tá NGUYỄN QUANG TUYỂN, Chính trị viên Đội Công binh số 1 Việt Nam tại Phái bộ UNISFA