Tháng 11-1788, quân Thanh ồ ạt tràn qua biên giới phía Bắc đánh nước ta. Tin gấp báo về Thăng Long. Trước thế giặc mạnh như bão, Ngô Thì Nhậm đã dâng kế nhử địch: “… Ta tạm rút lui quân về đóng giữ ở phòng tuyến Tam Điệp, để bảo toàn lực lượng, cho quân giặc vào Thăng Long. Cho người vào cấp báo với Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, đem đại quân ra tiêu diệt chúng”…

Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn (1745 – 1803), người làng Tả Thanh Oai, nay là Thanh Trì, Hà Nội. Ông là con trai của bậc danh nho Ngô Thời Sĩ, nhà sử học và nhà văn thời Lê. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), được chúa Trịnh Sâm cử làm quan Tùy giản, dạy cho thế tử Trịnh Khải.

Tượng Ngô Thì Nhậm tại đền thờ Quang Trung ở Quy Nhơn. Ảnh: Internet

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc để diệt Trịnh phù Lê, Ngô Thì Nhậm được quan Trung thư lệnh – danh sĩ Trần Văn Kỷ tiến cử, ông được Nguyễn Huệ phong làm Tả thị lang tước Trịnh Phái hầu, làm mưu thần ở trong quan, chuyên trách về từ hàn. Trước khi rút quân về Nam, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ có dặn dò Đại tư mã, Trấn thủ Thăng Long – Ngô Văn Sở: “… Ngô Thì Nhậm không phải như các người chỉ là thần hạ của ta. Người đó dù phải quy phục, nhưng ta vẫn coi như khách, như thầy. Có lẽ ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng… Vậy gặp việc gì khó giải quyết, người phải bàn luận cho chín cùng Nhậm rồi hãy làm. Trong nhân sĩ Bắc Hà ngày nay, ta nhận thấy duy có Nhậm là có tài, thông hiểu tận tường mọi việc. Nhậm chính là cánh tay phải để giúp ta làm nên đại sự sau này…”. (Theo: “Danh nhân từ điển Việt Nam”, tác giả: Nguyễn Huyền Anh).

Ngày 17-12-1788, quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị kéo vào chiếm đóng thành Thăng Long, cho quân đóng dọc theo đường 1 ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Văn Điển và Khương Thượng, Đống Đa, Sơn Tây, Thanh Quyết… Nhận được tin báo gấp, ngày 22-12-1788 (ngày 25 tháng 11 Mậu Thân) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, lập tức lên đường mang quân ra Bắc đánh quân xâm lược. Ngày 15-1-1789, đại quân Tây Sơn tập kết ở tuyến phòng thủ Tam Điệp (Ninh Bình), Biện Sơn (Thanh Hóa). Nghe báo cáo của tướng Ngô Văn Sở, Quang Trung đã tán thành chủ trương của Ngô Thì Nhậm, nhưng vẫn khiển trách tướng Ngô Văn Sở và Phạm Văn Lân: “Binh pháp dạy rằng, quân thua chém tướng, tội của các ngươi đáng chết một vạn lần. Song ta nghe  các người đều thuộc hạng võ dòng, chỉ biết giặc đến là đánh, đến như việc tùy cơ ứng biến thì không có tài…”. Ngày 3 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đánh đồn Hạ Hồi (Thường Tín) cách Thăng Long 14km. Ngày 5 Tết, hạ đồn Ngọc Hồi và đồn Khương Thượng, Đống Đa. Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, áo bào xạm đen khói súng, dẫn đầu đại quân tiến vào giải phóng thành Thăng Long.

Quang Trung từng nói với Ngô Thì Nhậm: “… Nay ta đến đây, tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi. Nhưng nước Thanh lớn hơn ta đến 10 lần, bị thua chắc phải tìm cách rửa hờn… Vì vậy, sau khi thắng trận, ta phải khéo dùng từ lệnh thì mới dập tắt được lửa binh…”. Giải phóng xong thành Thăng Long, Ngô Thì Nhậm đã giúp Quang Trung dùng ngoại giao để hòa hiếu với nhà Thanh (như mua chuộc Phúc Khang An được cử thay Tôn Sĩ Nghị và tể tướng Hòa Thân, để họ tâu xin nhà Thanh bãi binh sang phục thù). Nhờ tài văn của ông (bài biểu trần tình gửi vua Thanh lời lẽ khôn khéo, bài biểu yêu sách đòi lập nhà hàng ở phủ Nam Ninh, đòi đất 7 châu ở Hưng Hóa, xin cầu hôn với nhà Thanh, thư phản kháng việc bắt cống người, vàng…). Ông soạn ra những văn bản ngoại giao làm nhà Thanh phải kiêng nể, không dám mang quân sang phục thù sau bại trận Đống Đa nữa. Quang Trung đã khen Ngô Thì Nhậm: “… Ngòi bút của Ngô Thì Nhậm có sức mạnh phi thường, ngăn được 20 vạn quân sĩ…”.

Vua Quang Trung ra Bắc đại phá quân Thanh, phá tan được quân của Tôn Sĩ Nghị, chính là nhờ cách không đánh của ông, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa nuôi sự hoang tưởng, kiêu ngạo chủ quan của giặc.  Theo ông, tướng giỏi đời xưa lượng thế giặc rồi mới tiến, liệu cơ rồi mới đánh, cũng ví như đánh cờ, phải nghĩ cao hơn người một nước…  Bây giờ ta kéo quân về, không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu đào, cho quân giặc ngủ nhờ một giấc rồi lại đuổi nó đi, ngọc và ngựa của ta lại về ta, có đi đâu mà thiệt.

Sau này nhà Tây Sơn bị thua nhà Nguyễn, Ngô Thì Nhậm bị bắt giải về Kinh đô ở Phú Xuân, Huế, sau đó ông bị đưa ra Bắc Thành và bị đem đánh ở trước Văn Miếu, Thăng Long. Chuyện kể lại ngày trước, ông vốn có hiềm thù với Đặng Trần Thường, nay Thường ra làm quan cho nhà Nguyễn (trước kia Thường cũng làm quan cho Tây Sơn).  Thấy ông bị bắt, Thường đọc kháy một câu thơ đầy vẻ tự đắc: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết  ai”.  Ngô Thì Nhậm đã đối lại: “Thế chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.  Đặng Trần Thường không bằng lòng, sai người đánh ông đến chết.  Ông mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (1803).

Ngô Thì Nhậm là một nhà ngoại giao tài giỏi.  Những văn kiện ngoại giao của Tây Sơn với nhà Thanh do ông soạn thảo, về sau được tập hợp lại trong tập “Bang giao hảo thoại”, những bài thảo này thể hiện tính nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia.  Ông đã 2 lần trực tiếp đi sứ vào những dịp quan trọng như: Năm 1790, bàn với Phúc Khang An chuẩn bị cho vua Quang Trung (giả) sang mừng thọ vua Càn Long; lần thứ 2 vào năm 1792 – 1793 khi vua Quang Trung mất.  Văn thơ của ông để lại: Hoa trình gia ấn thi tập, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tôn chỉ… 6 tập thơ: Búi hải tùng dám, Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiến, Cúc hoa thi trận… 2 tập thơ ông sáng tác trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc: Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đỗ phả… Ông là danh sĩ, mưu sĩ Bắc Hà đại trí và đại tài. Tên của ông được đặt cho đường phố và trường học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

VINH HIỂN (Sưu tầm và biên soạn)