1. 4 giờ sáng, ngoài trời vẫn mưa rả rích, Thảo trở dậy ngồi trầm ngâm bên ấm trà nóng. Rừng núi tĩnh mịch. Nơi đây, ở những điểm cao còn biết bao trận địa, chứng tích của chiến tranh đã bị đất đá, cây xanh bao phủ. Từng mét đất, dưới rễ cây, hốc đá ẩn giấu bom, mìn, lựu đạn. Thời bình mà công việc rà phá bom, mìn của các chiến sĩ công binh nguy hiểm như những người lính trên chiến trường!

Khoác thêm chiếc áo, đi về phía Thảo, tôi hỏi chuyện:

- Thảo làm công việc nguy hiểm này, đã có lúc nào cảm thấy lo sợ không?

- 12 năm làm nhiệm vụ này, nói chưa có thời khắc nào lo sợ thì không đúng. Tôi bắt đầu từ năm 2011, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây từng là mặt trận ác liệt trong chiến tranh, lượng bom, mìn sót lại trong lòng đất vô cùng lớn, nhiều chủng loại. Nếu quá trình xử lý không cẩn trọng, có thể phải trả giá bằng tính mạng.

Chợt nét mặt Thảo ngưng lại để những kỷ niệm ùa về. Thảo xúc động kể:

- Lần đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ cũng là lần tôi được trải nghiệm cảm giác chết hụt.

Năm đó, vùng đất mà đơn vị Thảo đảm nhiệm rà phá bom, mìn tại một địa phương khác cũng thuộc huyện Vị Xuyên, lượng mìn sót lại nhiều không kể siết. Theo lời Thảo thì đơn vị đo không tính bằng số quả mà phải tính bằng mét khối. Nhất là các đường giao thông hào, lô cốt, một bước cũng có thể giẫm phải mìn. Mìn bố trí tầng tầng, lớp lớp. Có những vị trí cảm giác như cả túi mìn, đạn dược đổ xuống đất, gồm cả đạn cối 60, cối 82, mìn 652A, K58, PPM2, MD82B... Sợ nhất là mìn 652B có cấu tạo mà chỉ cần nghiêng mặt mìn là gây nổ, không có cơ hội để gỡ. Nhiều vị trí bom, mìn còn sót lại sâu dưới lòng đất đến 1,5m. Có ngày kỷ lục một chiến sĩ gỡ được gần 200 quả bom, mìn các loại.

leftcenterrightdel

Trung tá Nguyễn Văn Thảo (đội mũ xanh) kiểm tra, phân loại lượng bom, mìn thu được sau quá trình rà phá. 

Một lần, Thảo theo lối đi đã được làm sạch để lên bãi mìn. Khi bước đến cạnh một gốc cây bỗng vang lên dưới chân tiếng nổ trầm đục. Giữa lúc trời quang, mọi người đang hăng say làm việc, tiếng nổ khiến tất cả đều kinh hãi. Thảo ngã vật ra đất... Sau vài giây trấn tĩnh, anh nhìn xuống chân không thấy có vết máu, không có dấu hiệu bị thương. Không tin vào mắt mình, Thảo quay xuống sờ nắn bàn chân. Sự may mắn hy hữu trong đời. Quả mìn Thảo giẫm phải chỉ nổ kíp do chưa liên kết với thân mìn. Thoát chết! Ngay hôm đó, anh xuống bản mua một con lợn mổ khao bộ đội.

Sau sự cố, phân tích, rút kinh nghiệm, nguyên nhân đã được làm rõ. Thì ra, dù lối đi đã được bộ đội dò tìm kỹ, nhưng quả mìn này lại bị rễ cây vầu mọc trùm kín nên bộ đội hay chính Thảo đã dùng mũi dao cắt rễ, vạch đất cũng không thể phát hiện ra. Sau lần chết hụt đó, Thảo rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là tính cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc của mình.

Nghe Thảo kể chuyện, tôi hỏi: “Đơn vị đi rà phá bom, mìn nhiều lần, đã bao giờ xảy ra mất an toàn chưa?”. Thoáng một nét buồn, Thảo chậm rãi: “Lượng bom, mìn sót lại sau chiến tranh còn nhiều, do phong hóa, xê dịch của môi trường theo thời gian, luôn tiềm ẩn nguy hiểm nên mất mát, hy sinh là điều khó tránh khỏi”. Ngay trong năm 2011, Thảo may mắn thoát nạn thì hai đồng đội của Thảo đã để lại một phần thân thể nơi thực địa. Một đồng chí bị mìn nổ cụt chân, một đồng chí bị giảm thị lực mắt 80%. Thảo còn nhớ mãi, chính anh là người trực tiếp cõng đồng đội đi cấp cứu. Vừa chạy, Thảo vừa khóc gọi tên đồng đội, nói chuyện để bạn không bị lịm đi do mất máu.

Lúc này, mắt Thảo đã rớm lệ. Nhưng chuyện đáng buồn hơn là vào năm 2020, khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn ở điểm cao 685, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, trong quá trình dọn và phát thực bì, Binh nhất Bàn Văn Thủy vô tình chạm vào ngòi nổ cối 60 gây nổ. Đồng chí Thủy hy sinh tại chỗ. Đồng chí Hoàng Văn Huỳnh lúc đó đang làm nhiệm vụ cách đồng chí Thủy 4,5m bị chấn thương nặng. Hỏng mắt bên phải, dập nát và phải cắt bỏ 1/3 cẳng chân trái.

Kể đến đây Thảo bật khóc. Tiếng khóc xót xa như thấu tận rừng xanh biên cương. Và cũng từ thời điểm đó đến nay, Thảo bị mắc hội chứng ám ảnh tiếng nổ. Thảo quán triệt bộ đội, dù ở vị trí nhà ở hay trên thực địa cũng phải hết sức chú ý, tránh gây tiếng nổ dù là rất nhỏ. Có tình huống cần gây nổ phải báo trước với Thảo. Bởi nếu bất thình lình nghe tiếng nổ, Thảo sẽ rơi vào tâm trạng hốt hoảng, lo lắng.

2. Bước vào nhiệm vụ rà phá vật cản như bước vào trận chiến thực sự, sai một ly cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất thương vong, tranh thủ mọi lúc, Thảo đều tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội. Đêm hôm qua mưa to, sáng nay trời vẫn còn u ám nên Thảo quyết định cho bộ đội ở lại doanh trại huấn luyện. Các chiến sĩ được phân công theo nhóm, cử cán bộ cùng các đồng chí QNCN lâu năm, nhiều kinh nghiệm sử dụng mọi công cụ cùng mìn các loại đã thu gom được thực hành những động tác từ cơ bản như dò, thuốn... đến nhiều hành động tinh vi, phức tạp như tháo gỡ, vô hiệu hóa các loại bom, mìn. Vừa quan sát, theo dõi bộ đội luyện tập, Thảo thường xuyên nhắc nhở mọi người phải chú trọng làm tốt “3 thật”: Huấn luyện thật sát thực tế; thực hành thật chắc chắn; kiểm tra thật kỹ lưỡng. Để đạt được “3 thật”, chỉ có một cách duy nhất là cán bộ, chiến sĩ phải “đội nắng thắng mưa” huấn luyện công phu, tỉ mỉ, bền bỉ, nhẫn nại trên bãi tập, tích cực truyền thụ kinh nghiệm của người đi trước với người đi sau, tăng cường kèm cặp giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, bảo đảm thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với những kinh nghiệm tích lũy được, Thảo thường xuyên làm các buổi huấn luyện bổ sung cho bộ đội kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, thiết thực, quý báu mà không có trong sách vở.

leftcenterrightdel
Trung tá Nguyễn Văn Thảo hướng dẫn bộ đội vô hiệu hóa mìn thu được trong quá trình rà phá. 

3. Chiều tà, tranh thủ lúc bộ đội tăng gia sản xuất, chúng tôi cùng Thảo đi xuống nhà anh Hầu Mý Tráng. Vừa thấy Thảo, anh Tráng hồ hởi ra đón tận cửa. Anh Tráng nói một câu bằng tiếng Mông. Hỏi Thảo, tôi biết được câu đó đại ý là: “Chào chú bộ đội bắt ma trên đỉnh núi”. “Ma”, theo ý Tráng chính là bom, mìn ẩn nấp nơi hang cùng ngõ hẻm trên núi, luôn rình rập có thể gây hại, cướp sinh mạng của người dân bất cứ khi nào nếu vô ý chạm phải.

Gia đình Tráng nhiều thế hệ gắn bó với mảnh đất biên giới nơi đây. Tráng kể, những năm chiến tranh, núi ở thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân bị bom đạn bắn phá, đá bị nghiền thành bột trắng xóa. Nhiều năm sau đó, khi chiến tranh đã lùi xa, người dân lên lúi lấy củi thỉnh thoảng vẫn vướng phải mìn. Có một chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm nhưng vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của Tráng.

Vào một sáng sớm, khi một người dân lên núi không may vướng phải mìn nổ, bị cụt chân. Anh ta kêu thảm thiết vang vọng núi rừng nhưng do thiếu hiểu biết về bom, mìn và e sợ địa hình nguy hiểm nên dân bản mãi mới dám tiếp cận người bị thương. Vách núi đá hiểm trở, vận chuyển người bị thương khó khăn nên đến chiều mới đưa được nạn nhân xuống núi. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn và do mất máu nhiều, nạn nhân đã không qua khỏi. Cái chết bi thương đó được mọi người truyền tai nhau. Sau đó còn thêm một số vụ người dân lên núi chăn thả gia súc, trồng trọt bị mìn nổ mù mắt, cụt chân, ai cũng sợ hãi.

Ngày Thảo dẫn bộ đội về rà phá bom, mìn, người dân nơi đây vui lắm. Sắp có thêm đất sạch để trồng trọt, chăn nuôi. Mùa màng no ấm đang đến gần. Tráng nói và nghĩ đến những điều tươi sáng trong tương lai.

Những điều Tráng mơ ước nay đã trở thành hiện thực đối với người dân xã Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai); xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang)..., nơi đã được Thảo cùng đồng đội dọn sạch bom, mìn hơn 200ha đất.

Lặng thầm với công việc bắt sống tử thần trong lòng đất, Thảo cùng các đồng đội đang làm hồi sinh sự sống nơi dải đất biên cương. Mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh đổ xuống góp phần để nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bám đất, bám biên giới bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Bài và ảnh: VĂN TUẤN - HẢI LÝ