Có lệnh là lên đường

Sau nhiều lần từ chối, lần này Thượng tá Trần Văn Chúng không thể từ chối chúng tôi thêm nữa. Anh vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Trước lý do xác đáng của chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Chúng ngượng ngùng đồng ý một buổi nói chuyện qua ứng dụng Facetime vì anh vẫn đang cơ động chỉ huy bộ đội trên một địa bàn rất rộng.

leftcenterrightdel
Thượng tá Trần Văn Chúng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

"Nhiệm vụ của chúng tôi vẫn vậy, tôi thực không có gì để kể"-anh Chúng thật thà nói. Đó là câu nói chân tình, không khách sáo. Vì bộ đội hóa học, nếu không làm nhiệm vụ chống dịch, thì vẫn quá quen với những lệnh báo động SSCĐ trong đêm (như bao lực lượng chủ lực khác), với việc tiếp xúc các loại chất độc, nào chất da cam, phốt pho, CS... Những chất "kịch độc" ấy, nếu một chút chủ quan, lơ là là "chết dễ như chơi". Có lẽ, sống cảnh "lính chiến thời bình" quen rồi nên anh Chúng và đồng đội, dù lao vào vùng dịch bệnh nguy hiểm, sử dụng hóa chất độc hại, làm việc nhiều giờ liền trong bộ quần áo phòng hóa, khí tài ngột ngạt thì các anh vẫn xem là bình thường. 

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở một vài nước trên thế giới, Lữ đoàn 86 đã tổ chức diễn tập phương án tiêu tẩy trên địa bàn mô hình cửa khẩu biên giới nhiễm Covid-19. Một trong những người vất vả nhất trong nhiệm vụ ấy là Trần Văn Chúng. Vừa diễn tập xong, anh nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng cơ động tiêu tẩy tại địa bàn phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội), nơi có bệnh nhân Covid-19 cư trú. "Virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trong không khí", thông tin này gây tâm lý lo lắng cho một số chiến sĩ trẻ. "Chấp hành nghiêm quy tắc, các đồng chí sẽ an toàn"-Trần Văn Chúng động viên bộ đội và đi cùng xe, cùng làm nhiệm vụ với chiến sĩ. Thế là, những chiếc xe đặc chủng, với trang bị và dung dịch khử khuẩn pha sẵn đã "tung hoành" trên thực địa. Các chiến sĩ rất vững tâm vì trên xe có những người chỉ huy giỏi nghiệp vụ đi cùng. Hình ảnh những chiếc xe đặc chủng và những chiến sĩ hóa học "khổng lồ" trong bộ quần áo phòng hóa thực sự khiến người dân Hà Nội khâm phục và an tâm. Những lần tiếp theo, Trần Văn Chúng tiếp tục chỉ huy bộ đội phun khử khuẩn tại khắp các điểm nóng: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh), tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang... Có lúc, vừa rời khu vực này thì đã nhận lệnh làm nhiệm vụ ở khu khác, gần như không được nghỉ, nhưng Trần Văn Chúng động viên anh em: "Chống dịch như chống giặc. Có lệnh là lên đường”.

Liên tục vì dân phục vụ

Mỗi lần xuất quân đi phun khử khuẩn PCD Covid-19 tại các điểm nóng, Thượng tá Trần Văn Chúng chỉ huy rất đông cán bộ, chiến sĩ, hàng chục xe đặc chủng cùng các phương tiện tiêu tẩy đa năng hiện đại, hàng tấn hóa chất. Vì vậy, trách nhiệm rất lớn, đòi hỏi người chỉ huy phải có phương pháp tốt. Muốn vậy, trước hết phải trinh sát nắm chắc thực địa. Nhờ trinh sát tốt, các phương án tác chiến anh lập ra đều rất sát thực tế, giải quyết tốt các yêu cầu đặt ra. Ví dụ, do địa hình bệnh viện phân nhiều khu, nhiều nơi nhỏ hẹp, xe cơ động khó nên anh chủ động điều bộ đội mang thêm bình tiêu độc cá nhân cỡ trung. Dự kiến sẽ phải làm việc trong điều kiện đêm tối nên anh nhắc bộ đội chú ý trang bị bảo đảm ánh sáng trong điều kiện bất trắc. 18 giờ, đơn vị hành quân đến nơi, lập tức anh chỉ huy bộ đội bắt tay thực hiện ngay nhiệm vụ. Sâu sát bám nắm bộ đội đến từng ngách nhỏ, đến 22 giờ, anh Chúng chỉ huy đơn vị thực hiện xong nhiệm vụ. Người và trang bị bảo đảm an toàn. Về đến đơn vị cũng gần 24 giờ, nhờ hiệp đồng tốt nên bếp ăn nấu rất muộn, bộ đội được ăn cơm nóng...

leftcenterrightdel
Thượng tá Trần Văn Chúng giao nhiệm vụ cho bộ đội dập dịch Covid-19 tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thiếu tá Trịnh Quang Phú, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 902, Lữ đoàn 86 là người nhiều lần đi thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn PCD Covid-19 với Thượng tá Trần Văn Chúng, cho biết: “Anh Chúng đã trải qua tất cả các chức vụ chỉ huy cấp phân đội nên kinh nghiệm thực tế rất phong phú. Trong chỉ huy bộ đội, anh rất gần gũi, thân mật nhưng vẫn giữ được sự nghiêm khắc. Khi tiếp xúc với nhân dân, anh lại chững chạc và quý trọng, lắng nghe dân nên đi đến đâu, bộ đội hóa học cũng được dân quý, dân tin yêu”.

leftcenterrightdel
Bộ đội hóa học phun khử khuẩn tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp. 

 

Lần làm nhiệm vụ ở Thuận Thành (Bắc Ninh), công việc đã xong theo hiệp đồng với địa phương nhưng một số hộ dân kéo ra đề nghị khử khuẩn ở một số ngõ nhỏ, gia đình có người nhiễm Covid-19. Lúc này đã muộn, bộ đội đã rất mệt, nhưng thấy ý kiến người dân hợp lý, anh Chúng điện thoại xin chỉ thị của thủ trưởng Binh chủng Hóa học cử một lực lượng ở lại tiếp tục khử khuẩn. Bộ phận còn lại do anh trực tiếp chỉ huy đến TP Bắc Ninh làm nhiệm vụ. Hôm đó, gần 22 giờ đơn vị mới hoàn thành công việc, dù rất mệt nhưng bộ đội rất vui vì người dân huyện Thuận Thành rất hồ hởi, cảm ơn hành động hết mình vì dân của những chiến sĩ hóa học.

Còn nhiều lắm những câu chuyện về Thượng tá Trần Văn Chúng và bộ đội hóa học trên tuyến đầu chống dịch, nhưng chúng tôi đành khép lại bài viết tại đây bởi đã đồng ý với giao kèo "viết ngắn" của anh. Ngắn, nhưng vẫn vượt quá định mức mà anh mong muốn.

PHẠM VĂN TUẤN

-----------------

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP