Nhắc đến tên ông, rất nhiều người ở tỉnh Quảng Ninh đều biết. Hỏi về nơi ông đang ở, hầu như người dân nào đang sinh sống ở TP Cẩm Phả cũng có thể chỉ đường. Chắc phải có những việc làm ấn tượng, sâu sắc và nhân văn lắm, hình ảnh của ông mới đi vào lòng người dân đất mỏ đến như vậy. Ông là Phạm Văn Tuyển, 90 tuổi, cựu danh thủ vô địch cờ tướng toàn miền Bắc năm 1969.

Nhiệt huyết vì thể thao vùng mỏ

Nghe kể về ông từ lâu nhưng giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tôi mới được gặp cựu danh thủ cờ tướng Phạm Văn Tuyển trong ngày “hội báo xuân” của tỉnh Quảng Ninh, được tổ chức ở chính khuôn viên căn nhà của ông. Trong cái rét căm căm 100C, ông vẫn hăng hái hướng dẫn con cháu và mọi người trang trí phòng sách, báo, kê bàn ghế và giăng băng rôn, khẩu hiệu chuẩn bị cho ngày hội. Thấy tôi ôm một sấp các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân-Xuân Mậu Tuất đến tặng, ông cười lớn: “Có tờ báo xuân của người chiến sĩ là tăng thêm khí thế cho hội báo xuân tỉnh Quảng Ninh rồi”.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Tuyển (thứ hai, từ phải sang) nhận sự chúc mừng của mọi người trong Hội báo xuân tỉnh Quảng Ninh năm 2018. Ảnh: AN MIÊN

Người Quảng Ninh thường gọi ông với cái tên thân mật: Ông Tuyển “cờ”. Có tên gọi này phần vì ông là cựu danh thủ cờ tướng năm xưa, nhưng phần nhiều là để ghi nhận những cống hiến, công sức của ông đối với sự nghiệp phát triển thể thao nước nhà nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Ông dí dỏm bảo tôi: “Bố mê thể thao từ ngày còn bé. Rất may là ngày xưa có người chị gái biết chơi cờ tướng và hướng dẫn nên bố mê nó đến tận bây giờ”.

Bắt đầu chơi cờ từ năm 9 tuổi, ông yêu và đam mê môn thể thao này đến cháy bỏng. Bao năm tháng ăn ngủ, trăn trở và khát khao với quân cờ tròn, năm 1969, danh thủ Phạm Văn Tuyển đã đoạt ngôi quán quân cờ tướng toàn miền Bắc. Đến năm 1979, ông bắt đầu sự nghiệp làm thầy của mình. Người thầy này không kén chọn học trò. Bất cứ ai có tình yêu với thể thao, muốn chinh phục nghệ thuật chơi cờ là ông dìu dắt, dạy dỗ. Những người có đam mê, khát vọng lớn hơn thì ông quan tâm, đào tạo bài bản, kỹ lưỡng. Hai trong số nhiều học trò “cưng” của ông đã thành danh là đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng-Trưởng bộ môn cờ vua của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Ninh và kiện tướng FIDE Phạm Thị Ngọc Thanh-cô con gái cưng của ông.

Hầu hết những học trò được thầy Tuyển dạy dỗ đều cảm nhận được một tình cảm và trách nhiệm lớn lao từ ông. Anh Nguyễn Anh Dũng nói: “Thầy Tuyển dạy chúng tôi bằng cả trái tim của mình. Không chỉ dạy về kiến thức, nghệ thuật chơi cờ mà thầy dạy chúng tôi cả về nhân cách sống, ý chí phấn đấu vươn lên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh”. Nhiều tay cờ trẻ của Quảng Ninh được thầy Tuyển đào tạo cũng đã tạo dấu ấn trong làng cờ vua trong nước như: Đào Thúy Nga, Trịnh Thủy Tiên.

Thầy Phạm Văn Tuyển thường nói với học trò: “Môn cờ không dành cho những người có trái tim yếu đuối”. Và ông đã đem trái tim nồng cháy của mình để truyền lửa nhiệt huyết cũng như sức mạnh cho các thế hệ yêu cờ sau này. Ông dạy học trò từ những nước đi đầu tiên đến những nước đi mang đầy khát vọng, sáng tạo để chinh phục các đỉnh cao. Chả thế mà hầu như ngày nào ở căn nhà của ông cũng có người đến học, hoặc chơi cờ miễn phí. Chơi cờ nhiều nhất là các cháu thiếu nhi. Các cháu đến nhà ông Tuyển không chỉ để chơi cờ mà còn được chơi bóng bàn và nghe ông kể chuyện, dạy dỗ về đạo đức.

Với tình yêu cháy bỏng cùng thể thao và môn cờ, dù đã giải nghệ nhiều năm nay, cựu danh thủ Phạm Văn Tuyển vẫn nhiệt tình tham gia phong trào thể thao của địa phương. Đến nay, ông vẫn giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ TP Cẩm Phả, cố vấn đặc biệt của Liên đoàn Cờ tỉnh Quảng Ninh và tổ chức nhiều giải cờ danh giá ở địa phương.   

Xây dựng ngôi nhà văn hóa, thể thao

Nhà ông Phạm Văn Tuyển ở đường Thanh Niên, thuộc khu phố 6, phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả. Người dân đất mỏ không chỉ biết đây là một nơi ươm mầm, giải trí về thể thao mà còn là nơi cảm nhận văn hóa đọc cũng như học tập về đạo đức. Nhiều gia đình ở TP Cẩm Phả đã đưa con đến nhà ông Tuyển trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ để các cháu được chơi cờ, đánh bóng bàn, đọc sách. Với mô hình “Học mà chơi-chơi mà học”, căn nhà của cựu danh thủ cờ một thời trở thành địa điểm lý tưởng để vui chơi, giải trí, đàm đạo hữu ích của người dân Cẩm Phả.

Ông Tuyển kể: “Hồi còn trẻ, bố đã có khát vọng xây dựng gia đình mình trở thành ngôi nhà thể thao, văn hóa. Chính khát vọng ấy đã truyền nhiệt huyết sang con cháu sau này”. Sinh được 7 người con thì tất cả các con của ông đều đam mê cháy bỏng với thể thao. Hai người con trở thành kiện tướng bóng bàn quốc gia và một người con là kiện tướng cờ vua quốc tế. Giờ đây, các con ông đều là những người thành đạt. Trước tiên phải kể đến Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng. Là một doanh nhân nhưng anh Phạm Thanh Hùng luôn gắn bó với thể thao, đặc biệt là bóng đá. Đội bóng Than Quảng Ninh đã đạt nhiều thành tích cao ở các giải bóng đá trong nước và là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh, đều nhờ sự quan tâm đáng kể từ anh. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp của Phạm Thanh Hùng còn tài trợ cho đội bóng đá nữ Việt Nam. Anh từng chia sẻ với tôi: “Mình mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Ngoài kinh doanh, mình có thể ăn với bóng đá, ngủ với bóng đá và mơ màng với bóng đá. Cái “máu” thể thao này là do cụ Tuyển truyền sang đấy”.

Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 16. Lăn lộn nhiều năm với công việc ở Tổng công ty Than Đông Bắc, rồi dầm mình trong nắng lửa Tây Nguyên cùng bà con các dân tộc ở các khu kinh tế-quốc phòng, nhưng Phạm Ngọc Tuấn không bao giờ “tắt lửa” với thể thao. Dù bận đến cỡ nào, anh cũng dành thời gian để chơi bóng bàn hay bóng đá. Rất nhiều lần anh đã gọi bộ đội ở các đơn vị trực thuộc và các đơn vị kết nghĩa đến sân vận động của binh đoàn “so chân”. Và vị Thiếu tướng, tiền đạo hay mang áo số 9 cũng không ít lần bị “đối phương” đốn ngã vì đi bóng quá dẻo. Phạm Ngọc Tuấn bật mí: “Tôi mê bóng đá, bóng bàn là vì thấm cái “lửa” của bố Tuyển. Ông cụ thường dạy con cái: Yêu thể thao tức là yêu cuộc sống. Có sức khỏe thì việc gì cũng có thể làm được”. Tìm hiểu thêm tôi mới biết, Phạm Ngọc Tuấn cùng hai em là Phạm Thanh Thủy, Phạm Thanh Thúy đã từng vô địch giải bóng bàn trẻ tỉnh Quảng Ninh trước đây...

Hàng chục năm qua, những người con của ông Phạm Văn Tuyển lớn lên, trưởng thành có một phần không nhỏ từ tình yêu với thể thao, văn hóa và tình yêu ấy luôn được lan tỏa, truyền lửa cho nhiều thế hệ người dân ở TP Cẩm Phả. Anh Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả, tâm đắc: “Hàng chục năm qua, bác Tuyển đã quyên góp được khá nhiều tiền giúp các tài năng trẻ môn cờ của tỉnh Quảng Ninh được đi học tập và tập huấn ở nước ngoài. Căn nhà của bác có thư viện văn học Bái Tử Long với hơn 3.000 đầu sách các thể loại để cho bà con, học sinh đến đọc mỗi ngày. Không những thế, nơi đây nhiều lần được chọn làm địa điểm bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và tổ chức hội sách, hội báo xuân cấp tỉnh, cấp thành phố”.      

Khát vọng tuổi 90

Thời gian này, sức khỏe của ông Phạm Văn Tuyển khá yếu. Hằng ngày, ông phải uống thuốc và điều trị bệnh tuổi già theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, mỗi khi có ai đến chơi và nói chuyện về thể thao, ông vẫn cố ngồi dậy vài phút để đàm đạo, đưa ra những ý kiến của mình. Run run bàn tay chỉ lên tấm bằng khen mà Thủ tướng Chính phủ trao tặng năm 2007 vì có thành tích trong xây dựng và phát triển sự nghiệp thể thao, ông nói chậm rãi với tôi: “Bố ước gì mình còn thật khỏe để có thể góp sức nhiều hơn nữa cho các phong trào bề nổi của địa phương. Tiềm năng văn hóa, thể thao của Quảng Ninh dồi dào lắm, nhất là về môn cờ, bóng đá và ca hát. Nếu được quan tâm đúng mức và sâu sắc, đất mỏ sẽ đạt được nhiều thành tích cao trong những năm tới”.

Nghe câu nói của ông, tôi thấy rạo rực trong lòng. Ở cái tuổi rất “gần đất xa trời” mà ông vẫn lạc quan, vẫn khao khát được cống hiến công sức của mình cho quê hương. Hơn nửa thế kỷ “tiếp lửa” cho văn hóa, thể thao vùng mỏ, ông đã để lại trong lòng người dân Quảng Ninh bao tình cảm thân thương, quý trọng. Đó không chỉ là tấm gương về nghị lực phấn đấu, về tấm lòng dành cho quê hương, đất nước mà còn là một nhân cách đẹp để tất cả chúng ta phải ngưỡng mộ và học tập.

Tôi tạm biệt Cẩm Phả trong một buổi sáng long lanh nắng biển. Hình ảnh cụ già 90 tuổi lưng cong cong, chống gậy ba toong đi đi lại lại để dạy các cháu thiếu nhi chơi cờ, đọc sách, hay cho đàn cá trong hồ ăn, cứ theo tôi suốt con đường cao tốc Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội. Chắc là tôi cũng đã ngấm cái “lửa” nhiệt huyết của ông Phạm Văn Tuyển, để thêm yêu thương, trân trọng cuộc sống này hơn, rồi hăng say luyện rèn thân thể và tin vào sự phát triển của nền thể thao nước nhà cũng như tỉnh Quảng Ninh sau này.

Cẩm Phả - TP Hồ Chí Minh, tháng 8-2020 

LÊ PHI HÙNG