Hành trình chế tạo đàn đá

Một chiều muộn tháng 5-2019, chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông trên đường 2-4, TP Nha Trang. Căn nhà rộng chừng 80m2 với khoảng sân nhỏ phía trước. Từ sân vào trong nhà chúng tôi thấy toàn đá là đá. Có cả tảng đá dài cả mét, cũng có tảng dài chỉ vài chục phân. Điểm chung của chúng là đều phát ra tiếng kêu như chuông.

leftcenterrightdel
Ông giới thiệu một chi tiết trong mô hình Thạch Thuỷ Cầm thu nhỏ.

Tại đây, người nhạc sĩ 59 tuổi với hơn 30 năm say mê nghiên cứu, chế tác, biểu diễn đàn đá - thứ nhạc cụ đặc sắc của người dân tộc Raglai kể cho chúng tôi những gì một đời ông nghiên cứu, thu nhận được.

Câu chuyện bắt nguồn từ cuối năm 1978, khi Nguyễn Phương Đông vừa tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), được phân công về Nha Trang làm nhạc công của Đoàn Ca múa nhân dân Phú Khánh. Tình cờ, một năm sau đó, nước ta công bố phát hiện ra đàn đá Khánh Sơn. Khi đàn đá ngân lên, những âm trầm như tiếng vọng của các vách đá sâu thẳm giữa đại ngàn, âm bổng như tiếng suối chảy rì rào. Nghệ sĩ Nguyễn Phương Đông và nghệ sĩ Hải Đường, sau này có thêm NSND Đỗ Lộc là những người đầu tiên được phân công tập, đánh biểu diễn để báo cáo Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đến thập niên 1990, tỉnh Khánh Hòa thành lập Đoàn Ca múa nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông được cử làm Phó trưởng đoàn. Lúc này ông xung phong tìm kiếm đá để làm bộ đàn đá biểu diễn cho đoàn (nay đã hợp nhất với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) bởi bộ đàn đá Khánh Sơn phát hiện năm 1979 đã được mang đi nghiên cứu.

Theo các tài liệu từ trước đến nay, có hai loại đá kêu: Rhyolit Porphyre và đá sừng (hay còn gọi đá đen). Cả hai dạng này đều có nguồn gốc là nham thạch phun trào. Hai loại đá kêu này chủ yếu có ở vùng Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và một số vùng phụ cận. Chúng thường có màu xám đen, độ cứng khá cao, thường bị tách thành dạng phiến, dạng thanh dài do tác động của kiến tạo, của nước và thời tiết. Khi có vật thể tác động vào thì chúng phát ra tiếng kêu vang như chuông. Những thanh càng dài, nặng thì âm càng trầm, các thanh đàn càng ngắn, mỏng thì âm càng cao, càng trong trẻo.

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông nhớ lại: “Những năm đầu tìm kiếm, không thấy nguồn đá ở Khánh Hòa, tôi đi vào Ninh Thuận rồi sang cả Phú Yên để tìm nhưng cũng không thấy. Lúc nản lòng, tưởng như đã thất bại, thế rồi trời thương, tôi tìm được nguồn đá đen rồi bắt đầu vào chế tác”.

leftcenterrightdel
Những viên đá kêu phiên bản thu nhỏ sẽ sử dụng trong mô hình Thạch Thuỷ Cầm của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông.

“Nguyên tắc khi sưu tầm đá là cứ lựa những viên đá kêu có hình gần giống đàn, gõ vào có âm thanh là mang về. Sau đó chế tác, cảm nhận nó nằm tương đồng ở nốt gì của quy định chuẩn âm quốc tế thì xếp lại thành bộ” - nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông nói. Bộ đầu tiên ông làm hiện vẫn còn lưu tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, tỉnh Khánh Hòa.

Khi chế tác đàn, tùy theo các yêu cầu của người đánh đàn, người đặt đàn đặt ở cung bậc nào, âm vực nào, những nốt gì mà ông làm theo những yêu cầu đó. Ngoài ra những người làm với mục đích trưng bày, gõ có tiếng kêu thì ông có thể chế tác nhanh hơn. Khó nhất là khâu tìm đá và chỉnh âm vực đá. Thanh dài nhất nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông từng tìm được là 1,2m. Ông ước chừng thanh có độ dài để kêu được nốt thấp nhất phải dài khoảng 1,6m.

Trước khi chế tác đá, ông thử cắt một thanh ra để tìm thớ đá. Xem thớ đá nằm ngang hay dọc, kiểm tra độ vang, âm bậc rồi thử nghiệm, gõ cách nào để nó kêu, gõ cách nào để không bể đá... Tôi hỏi ông rằng, có người nói phải tìm được rốn đá. Ông cười bảo chẳng có cái rốn nào cả, có chăng chỉ thớ đá mà thôi.

Việc chế tác cũng không thể nhanh. Trung bình một ngày chỉ được một thanh. Nhiều khi đã làm đến 13 trên tổng số 15 thanh thì lại không làm được bởi đá bị vỡ do đục ngược thớ, đá bị dính, đá bị câm tiếng hoặc do không thể điều chỉnh được âm thanh trùng với yêu cầu. Ông lại phải chờ một đợt đá khác về.

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông kể: “Thời gian đầu vợ tôi cũng khó chịu lắm, bởi chồng cứ mang tiền đi rồi khuân đá ở đâu về để ngổn ngang trong nhà, đục gõ inh ỏi suốt ngày. Rồi dần dần bà ấy cũng hiểu, sau đó còn phụ giúp tôi chế tác”...

Khát khao của một nghệ sĩ

Trải qua rất nhiều vị trí công tác, làm đến Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa nhưng tâm hồn của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông lúc nào cũng chỉ chuyên tâm vào thứ nhạc cụ huyền thoại của người Raglai. Đến nay ông đã chế tác hơn 50 bộ đàn đá, đưa đi khắp nơi trên cả nước, trưng bày ở Trung tâm Văn hóa huyện Khánh Sơn, Bảo tàng Khánh Hòa, Bảo tàng Bình Phước, đồi Mộng Mơ-Đà Lạt, Hội quán Hòn Chồng-Nha Trang, Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen-TP Hồ Chí Minh…

“Hơn 30 năm gắn bó, là nghệ sĩ, tôi muốn có cái gì để lại” - nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông tâm sự. Ông muốn phục hồi đàn đá nước của người Raglai nhưng cải tiến, nâng cấp ở chỗ những thanh đá có thể đánh được những bản nhạc hiện đại, đánh theo hình thức phức điệu chứ không chỉ còn là đơn điệu. Xưa kia đá chỉ kêu trong vòng 2 quãng 8 thì nay ông đã chế tạo được lên 4 quãng 8.

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông đã nghiên cứu xong quy trình. Đó là sự kết hợp giữa guồng xe nước Trung Bộ, cối gạo nương Bắc Bộ và đá kêu Khánh Hòa. Ông gọi đó là “hệ thống đàn đá nước (thạch thủy cầm) có một không hai trên thế giới”. Một hệ thống như thế sẽ có 9 guồng xe nước với đường kính 6m và cao 9m, có thể chơi được từ 9 đến 12 tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế, với độ ngân vang hơn 200m. Số thanh đá từ 100 đến 120 thanh trong đó có những thanh kêu được từ nốt đồ 3 đến đô 7 của piano, có nghĩa trên 4 octa. Khi bơm bởi một dòng nước nhân tạo hoặc tự nhiên, đàn sẽ tự động vận hành.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, hệ thống thạch thủy cầm này phải được lắp đặt như một công trình văn hóa công cộng với yêu cầu có mặt bằng tối thiểu từ 200m2 trở lên. Ông đang tiến hành làm mô hình thu nhỏ của công trình này. Ông cũng cho biết mô hình đầu tiên ông nghiên cứu từ năm 2001 và đã lắp một bộ ở Công viên Văn hóa Đầm Sen, TP Hồ Chí Minh. Bộ này chỉ có một guồng dài 2m và chỉ đánh được giai điệu chứ không đánh được phức điệu, nhưng hiện nay bộ này đã không còn ở đó nữa.

Ông cũng đã gõ cửa một số khu vui chơi, trung tâm văn hóa về công trình này của mình, tuy nhiên chưa có đơn vị nào tài trợ. Ông tâm sự: Hình ảnh phác thảo sơ sơ về công trình này thì không thể hiện được, nhưng phác thảo cụ thể thì lại phô ra hết và như thế thì khá bất tiện bởi trong đó có những thứ mọi người không nghĩ tới. Nếu người ta nghĩ tới thì lại thành quá đơn giản.

Ước mơ công trình nghiên cứu cả một đời của mình được hòa tấu với trống đồng Ngọc Lũ, cồng chiêng Tây Nguyên, gióng lên trở thành một biểu tượng văn hóa của ông đến nay như ông nói “có lẽ chưa có duyên phận, chưa gõ được đúng cửa”. Ông vẫn cứ đau đáu chờ…

(còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT