Giờ thì chỉ còn rất ít phụ nữ Mông mặc những chiếc váy được dệt, may, thêu thuần túy thủ công truyền thống. Quá vất vả để xong một bộ váy áo, và quá mất thời gian. Trong khi có thể mua ở chợ, hàng may sẵn, cũng rực rỡ không kém, mà lại rẻ. Dù thế nào, tôi vẫn thấy buồn buồn mỗi khi nhìn một cô gái Mông thật xinh tươi trong bộ váy áo mua sẵn lấp lánh kim tuyến. Và cũng tương tự, bỗng dưng thấy lòng mình chợt tưng bừng rộn rã mỗi khi ánh mắt vấp phải một chiếc váy Mông truyền thống phơi trên cây sào, trong một mảnh sân, sau cái cánh cổng cũ kỹ.
Người Mông ngày càng ít dùng vải lanh, nhưng nhà nào cũng vẫn có một mảnh nương gieo lanh. Rồi đến mùa thu hoạch, vẫn còn nguyên đó hình ảnh tuyệt đẹp trong mắt tôi: Người phụ nữ Mông vừa bước đi thoăn thoắt, vừa cuộn những bó sợi lanh vào một chiếc trục gỗ.
Tôi còn nhớ nguyên cái không gian mờ tối trong một căn nhà cổ ở thôn Há Súng, một trong những căn nhà được cho là cổ nhất ở cao nguyên đá Đồng Văn. Giữa nhà, một người phụ nữ Mông đang vần cuộn lanh to hơn quả bí ngô. Nói là vần, bởi vì nó dường như rất nặng. Mỗi khi cuốn thêm một vòng thì cô ấy phải lăn cuộn lanh trên mặt đất. Người ta nói, người Mông lúc sống mặc đơn giản cũng được, giờ không mặc đồ thủ công nữa thì mua sẵn cũng được, nhưng khi chết, nhất định phải được nằm trong một tấm lanh trắng. Người Mông cũng như nhiều tộc người thiểu số khác ở miền núi phía Bắc, rất coi trọng đời sống tâm linh. Cái chết là sự kết thúc ở thế giới này và là sự bắt đầu ở thế giới khác. Và người thường thì không bao giờ biết được để đi sang thế giới khác ấy sẽ phải làm gì và hành trình ra sao. Người bắc cầu giữa hai thế giới là các thầy mo, then, tào... Tại sao khi sang thế giới khác người ta lại phải được quấn trong một tấm lanh trắng thì tôi chưa hỏi được. Nó, như mọi quy định ngặt nghèo khác, chắc chắn phải có lý do.
Tôi có chị bạn thân, chúng tôi thân nhau đầu tiên vì cùng yêu miền núi, yêu văn hóa Mông, và yêu thổ cẩm của người Mông. Chị ấy thậm chí còn “nghiện” thổ cẩm. Thế giới thực và thế giới tinh thần của chị ấy thấm đẫm thổ cẩm Mông. Võ Thi Nhung, tên chị ấy-một nhà thơ, một nhà thiết kế thời trang, và tôi gọi chị là “nàng thơ thổ cẩm”. Có lẽ rồi chẳng mấy chốc đâu, ít thời gian nữa thôi, chúng ta sẽ thấy cả một tập thơ mang tinh thần thổ cẩm xuất hiện trong đời sống văn chương nước nhà. Chị Nhung là người gắn bó hàng chục năm trời với những địa bàn người Mông sinh sống nằm sâu tít trên Sa Pa. Chị lặn lội khắp các bản làng để dạy cho bà con người Mông làm những món đồ mang tính ứng dụng cao từ chính vải lanh của họ. Một nghề truyền thống, một nền văn hóa đồ sộ phía sau cái nghề ấy, muốn tồn tại thì nó phải ở trong đời sống. Nếu như nó chỉ có ở trong các bảo tàng, các cuốn sách nghiên cứu, phim tài liệu hay ảnh tư liệu... thì có thể xem như nó đã hóa thạch rồi. Cách mà chị Nhung khiến cho vải lanh, cho hoa văn thổ cẩm của người Mông sống trong đời sống là nó phải có tính ứng dụng. Nghĩa là, không phải chỉ người Mông dùng vải lanh nữa, mà người Kinh cũng dùng nó, đặc biệt là khách du lịch. Hơn thế nữa, là xuất khẩu. Điều này cũng không phải cái gì mới lắm, người ta đã làm từ lâu rồi. Có điều, trên thị trường đang “bị” bày bán những món gọi là thổ cẩm, nhưng lại không phải thổ cẩm đích thực của người Mông. Muốn người Mông tiếp tục duy trì nghề truyền thống thì phải cho thổ cẩm đời sống, nó phải mang lại lợi ích về kinh tế, nó phải đánh thức niềm đam mê cũng như lòng tự hào của những cô gái Mông, người phụ nữ dân tộc Mông.
    |
 |
Chị Võ Thi Nhung (áo đen) hướng dẫn bà con làm các sản phẩm thủ công tháng 4-2021. |
Gần đây, một hợp tác xã (HTX) chuyên dệt lanh truyền thống ở Hà Giang nhờ tôi tìm người giúp họ may một vài món đồ gì đó, nhằm giải quyết được đống vải lanh rất lớn bị tồn đọng do Covid-19 ập đến làm vỡ mất mấy hợp đồng với khách nước ngoài. Làm gì với đống vải lanh mà mấy chục con người đã tốn bao nhiêu công sức để dệt ra đó? Tôi nghĩ ngay đến chị Nhung. HTX Lanh Cán Tỷ thuộc huyện Quản Bạ cũng đã có đến 10 năm hoạt động, nhưng cho đến giờ thì thương hiệu Lanh Cán Tỷ cũng chưa có dấu ấn gì lắm. Gọi là HTX nhưng ngày ngày chị em vẫn đi nương, làm việc nhà, còn đâu tranh thủ lúc rỗi rãi để làm thêm cái nghề đã gắn liền với bao nhiêu đời bà, đời mẹ. Tôi lên lúc khóa training của chị Nhung đang ở buổi cuối cùng. Có chừng hơn chục chị em đang tranh thủ hỏi nốt chị Nhung vài chi tiết trước khi chị về xuôi.
Tôi là người gắn bó với những vùng mà đồng bào Mông sinh sống, đặc biệt yêu thích văn hóa dân tộc Mông, nên cũng dành nhiều thương cảm nhất đối với phụ nữ Mông. So với những dân tộc khác như Tày, Thái, Nùng... ở vùng thấp, thì phụ nữ Mông không đẹp bằng. Họ sinh ra, lớn lên trong điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt. Núi cao, lạnh giá, thiếu nước sinh hoạt, đời sống vật chất khó khăn, lao động khổ cực... thế nên phụ nữ Mông thường thấp, đậm, khắc khổ. Ấy vậy mà, sẽ thật khó hình dung khi những đôi tay khô cằn thô mộc lại có thể khéo léo tạo ra những món đồ hết sức xinh xắn, tinh tế. Tôi hỏi họ cái điều mà tôi đã hình dung được câu trả lời, khó khăn nhất bây giờ là gì, để có thể duy trì cái nghề mà họ đã được thừa hưởng từ khi lọt lòng mẹ? Là tiêu thụ. Làm ra bao nhiêu món đồ đẹp đẽ xinh xắn nhường kia mà chưa biết bán đi đâu. May ra có vài tốp khách du lịch vãng lai tạt qua, mua về làm kỷ niệm.
Không mấy ai biết rằng, để một món đồ nhỏ nhắn như một con thú nhồi bông với đủ loại họa tiết đặc trưng của thổ cẩm Mông, hay là vẽ sáp ong trên vải lanh, người ta phải trải qua vài chục công đoạn. Thu hoạch cây lanh về phải phơi khô, tước vỏ, giã, giặt, phơi, lăn, nhuộm, tách sợi... rồi mới tới dệt, tới thêu, tới cắt may... Và để hoàn thiện một bộ váy áo truyền thống thì phải lên tới 40 công đoạn. Mà có những công đoạn rất nặng nhọc, ví đứng trên một cái trục bằng đá rồi lăn qua lăn lại cho sợi lanh mềm ra, mỏng đi, chỉ còn phần dai nhất, mảnh nhất. Người nào nhẹ quá, yếu quá không làm nổi.
    |
 |
Chị Sùng Thị Máy, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Lanh Cán Tỷ bên những sản phẩm thủ công do chị em người Mông làm. |
Điều đáng kể nhất bắt gặp ở vùng lanh Cán Tỷ lần này, tới mức tôi cảm thấy ngỡ ngàng, là người ta đã tìm ra một loại cây mà khi dùng chung nó với những cây, lá để nhuộm màu cho vải lanh, thì có tác dụng hãm màu, khiến vải chỉ còn phai rất ít. Ai cũng biết một trong những nhược điểm lớn nhất của vải lanh truyền thống chính là màu nhuộm dễ phai, vì thuần túy là màu tự nhiên lấy từ cỏ cây hoa lá. Nó phai đến nỗi nếu như tay ướt cầm vào món đồ cũng có thể khiến màu lem ra tay, hoặc mặc một chiếc áo mà mồ hôi ra cũng phai luôn ra người.
Tôi mua một vài món đồ của bà con, và mua thêm mấy miếng vải đã nhuộm thứ màu thân thuộc nhất là màu chàm, trên đó vẽ sáp ong với những họa tiết đặc trưng màu trắng. Trước khi may, để tránh việc sau này vải bị co, tôi giặt trước. Màu xanh chỉ thôi ra rất ít trong chậu nước.
Tôi gọi điện cho chị Nhung để nói mỗi một câu rằng: "Vải lanh không phai chị ơi!". Trong hình dung của tôi, đấy là điều tuyệt vời nhất đối với cái nghề truyền thống đặc sắc bậc nhất trong vùng văn hóa của đồng bào Mông mà tôi luôn say đắm.
Con đường để vải lanh, thổ cẩm của người Mông đến với một thứ gọi là thị trường thật quá dài, quá khó khăn. Mà không có thị trường thì sớm muộn gì nó cũng sẽ mai một đi và chỉ còn tồn tại trong... bảo tàng. Tôi thật không hình dung nổi nếu có một ngày nào đó vải lanh, thổ cẩm biến mất khỏi đời sống của người Mông. Nó không khác gì một phần lớn cái đời sống văn hóa của đồng bào Mông cũng biến mất.
Ghi chép của ĐỖ BÍCH THÚY