Đã có những lúc là “chúa chổm”
Tôi quen thân với ông Đỗ Quang Hiển từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Khi đó, ông Hiển mới thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (gọi tắt là Công ty T&T, nay là Tập đoàn T&T). Công ty của ông lúc đó chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông của Nhật Bản.
Đang “ăn nên làm ra” thì làn sóng hàng nhập lậu và hàng kém chất lượng nhưng giá cực rẻ đã tạo ra sức ép lớn đến sản phẩm của T&T. Hàng nhập về không bán được, nhưng vẫn phải chịu thuế khiến cho T&T vô cùng khó khăn. Thời kỳ cao nhất, nợ thuế của T&T lên tới 7 tỷ đồng, một tờ báo lúc bấy giờ đã đưa Đỗ Quang Hiển lên trang nhất với cái tựa đề đầy chua chát: “Chúa chổm". Rất may sau đó hải quan và thuế vụ đã xuống tận nơi xác nhận việc nợ thuế của T&T là do hàng còn tồn kho nên đã cho nợ và cũng chỉ một thời gian ngắn, sau khi người tiêu dùng đã bão hòa với hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng siết lại hàng rào nhập khẩu, hàng hóa của T&T đã được giải tỏa và khoản thuế nợ được hoàn trả.
Làm nhiều, nói ít
Khác với nhiều doanh nhân của Việt Nam, Đỗ Quang Hiển có đặc điểm là “làm nhiều, nói ít”, đó cũng là một trong những bí quyết kinh doanh thành công của ông. Ông âm thầm nghiên cứu, đón bắt nhu cầu thị trường để rồi tung ra những sản phẩm mà thị trường phải chấp nhận. Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đang “hái ra tiền” với những chiếc mô tô, xe máy lắp ráp, Đỗ Quang Hiển lại tập trung tiền đầu tư nhà máy chế tạo xe máy, mô tô. Quả nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, các dây chuyền lắp ráp mô tô, xe máy trong nước phải thu hẹp sản xuất, nhưng nhà máy chế tạo của ông lại hoạt động hết công suất vì chất lượng tốt, giá thành hạ.
 |
Ông Đỗ Quang Hiển trao đổi cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nghệ An, tháng 3-2018. Ảnh: Hồng Nhung. |
Đang thành công với việc sản xuất xe máy, ông Hiển lặng lẽ chuyển sang lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bất động sản và bóng đá. Đầu năm nay, ông “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư mạng lưới siêu thị. Không chỉ đầu tư trong nước, bầu Hiển còn đầu tư ra nước ngoài. Lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được nhiều "trái ngọt" đáng kính nể. Chỉ tính riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã lọt vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất, top 10 ngân hàng uy tín nhất Việt Nam, top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, ngân hàng nước ngoài tiêu biểu Campuchia, ngân hàng có sản phẩm tiền gửi tốt nhất Việt Nam và sáng kiến thương hiệu tốt nhất, ngân hàng có dịch vụ internet banking tốt nhất... Bản thân ông Hiển năm qua đã được Tạp chí uy tín Enterprise Asia trao tặng Giải thưởng "Doanh nhân châu Á 2017" (Asia Pacific Entrepreneurship Awards-APEA). Ông cũng là doanh nhân duy nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này.
Kinh doanh thành công như vậy, nhưng Đỗ Quang Hiển lại khá kín tiếng. Bạn bè của bầu Hiển làm báo khá đông. Hễ thấy ai đặt vấn đề phỏng vấn, viết bài là ông lại tìm cách lảng chuyện. Ngay cả lĩnh vực sôi động nhất là bóng đá, bầu Hiển cũng ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đầu năm nay, khi đội bóng đá U.23 Việt Nam thành công lớn tại Vòng chung kết Giải bóng đá U.23 châu Á, báo chí nói nhiều đến huấn luyện viên Park Hang-seo và các cầu thủ, thế nhưng ít người biết rằng, đội Hà Nội FC, tiền thân là Hà Nội T&T của bầu Hiển đã đóng góp 6/23 cầu thủ trong đội tuyển U.23 Việt Nam, trong đó những trụ cột như: Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Hậu... Nếu tính thêm quân được đội bóng Thủ đô cho mượn ở Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, tất cả có 10 cầu thủ trẻ trong đội hình U.23 Việt Nam giành ngôi Á quân U.23 châu Á là “quân nhà bầu Hiển”.
Trước chiến thắng vang dội của đội tuyển U.23 Việt Nam, bầu Hiển chia sẻ: “Tôi vui, vui lắm vì U.23 Việt Nam tạo ra thành công vang dội như vậy ở Vòng chung kết U.23 châu Á. Đó là vinh dự, hãnh diện của quốc gia, của bóng đá Việt Nam chứ không phải niềm vui cho riêng một đội bóng nào của tôi”.
Mang cốt cách của người chiến sĩ
Có lẽ ít người biết rằng, trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông bầu của các đội bóng có tên tuổi, Đỗ Quang Hiển đã từng là chiến sĩ. Ông từng rèn luyện qua ba tháng đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Pháo binh, sau khi tốt nghiệp ngành vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). "Ba tháng làm người chiến sĩ đối với tôi thật ngắn so với cuộc đời nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để đến khi bước vào thương trường “thắng không kiêu, bại không nản”. Hiện nay tôi vẫn mang cốt cách của người chiến sĩ”-bầu Hiển tâm sự.
Cũng bởi mang bản chất của người chiến sĩ mà cuộc sống bầu Hiển có những điều giản dị đến khó tin. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, nhưng vị đại gia này thỉnh thoảng vẫn uống bia hơi vỉa hè với bạn bè và có khi đi làm bằng xe máy. Phòng làm việc của ông luôn mở rộng cửa, bất cứ cán bộ, nhân viên nào có khúc mắc, cần cho ý kiến, ông đều tiếp thu.
DOANH NHÂN ĐỖ QUANG HIỂN (BẦU HIỂN)
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB).
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS).
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH).
Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Sài Gòn-Hà Nội.
|
Bầu Hiển luôn nói với cán bộ, nhân viên dưới quyền rằng: “Các bạn đừng nghĩ tôi là chủ tịch mà cứ coi tôi như thành viên trong một gia đình. Ai nhiều tuổi hơn tôi thì làm anh, làm chị; ít tuổi hơn thì làm em, làm cháu. Chúng ta đều có trách nhiệm, tận tâm cống hiến, không phải chỉ cho chúng ta mà cho các thế hệ con cháu sau này, cho cộng đồng và xã hội".
Chia sẻ về sự thành công của SHB hay T&T, bầu Hiển không nhận công lao về mình mà nói rằng, ấy là sự tổng hợp của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực lớn nhất là xây dựng thành công nền tảng văn hóa doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là tính nhân văn trong hoạt động. “Chúng tôi luôn kinh doanh, thu lợi nhuận trên cơ sở nền tảng văn hóa, tính nhân văn chứ không đạt lợi nhuận bằng mọi giá. Nếu không có nền tảng văn hóa, chúng tôi không thể có những thành công hôm nay"-bầu Hiển khẳng định.
Mùa xuân này, bầu Hiển bước sang tuổi 56 với sự khởi đầu năm mới khá thuận lợi khi Tập đoàn T&T-Việt Nam và Tập đoàn Boskalis-Hà Lan vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực cảng biển. Đầu năm nay, tại Hà Nội, T.Vita-một thương hiệu nông sản an toàn được sản xuất theo công nghệ cao của Tập đoàn T&T đã chính thức ra đời trước sự chứng kiến của Đại sứ Israel, Tham tán nông nghiệp Hà Lan cùng các khách hàng, đối tác. Cũng tại buổi lễ, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong việc tạo dựng và phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững, Công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T-Công ty Quản lý Thương hiệu T.Vita cũng đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với các đối tác hàng đầu của Israel, Hà Lan.
Vào đầu năm nay, hàng loạt dự án bất động sản của Tập đoàn T&T được triển khai. Trong khi đó, Ngân hàng SHB hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên hơn 12.036 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân dẫn đầu.
Bầu Hiển nói với tôi: “Năm nay “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, phải tăng tốc phát triển...”.
ĐỖ PHÚ THỌ