QĐND - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Kể từ khi ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, ngày 11-6-1948, Người đã rất nhiều lần nói về thi đua yêu nước, với mọi giới, mọi tầng lớp nhân dân...
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước” ngày 1-5-1948, Người viết: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”.
Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Người đã cổ vũ cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, phấn đấu không mệt mỏi trong mọi con người, mọi tổ chức, mọi gia đình, không kể già, trẻ, gái, trai, nam phụ lão ấu… Phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp, trở thành động lực to lớn, luôn cháy sáng cùng toàn dân, toàn Đảng, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, thác ghềnh, đi đến thắng lợi ngày hôm nay.
|
Sắc lệnh số 195/SL ngày 1-6-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, các cấp và quy định thành phần của Ban Vận động thi đua ái quốc các cấp.
|
Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.
Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm” và sau này, Bác Hồ nhấn mạnh: “Cán bộ xung trước-Làng nước theo sau-Việc khó đến đâu-Cũng làm được hết”.
Trong dịp khai mạc “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc”, ngày 1-5-1952, Bác đã nhấn mạnh ý nghĩa của phong trào thi đua:
“Thi đua là đoàn kết: Trong phong trào thi đua chúng ta thấy đủ các dân tộc Kinh, Thổ, Mán, Mường... đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ các người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: Tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công.
Trước kia anh em trí thức thì xa lao động chân tay. Công nông binh thì ai chỉ lo việc ấy. Giữa các hạng người, các tầng lớp, cảm tình chưa được thân mật.
Nay phong trào thi đua đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các tầng lớp nhân dân. Thí dụ: Muốn bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa nhiều bông, công nhân thi đua sản xuất súng đạn. Trong lúc thi đua diệt giặc lập công, thì bộ đội luôn luôn nhớ đến đồng bào và khuyến khích lẫn nhau: Diệt sạch giặc đi để đồng bào làm ăn yên ổn.
|
Sắc lệnh 196-SL ngày 1-6-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nhân sự của Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Ảnh tư liệu
|
Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thực sự và rất chặt chẽ.
Tôi muốn nhắc vài chuyện nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất to:
- Bà cụ Nam (Cao Bằng) 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói: “Càng già càng phải giúp kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận...”.
- Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên (ngành quân dược) khuyến khích chị em: “Chúng ta phải thi đua chuẩn bị thuốc men cho mau và cho cẩn thận, cho anh em bộ đội yên tâm đánh giặc...”
Đó là những lời mộc mạc, do lòng tương thân tương ái, do tinh thần đoàn kết tự đáy lòng thốt ra. Đó là những đoạn văn chương mới mẻ và tươi sáng do phong trào thi đua và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta nảy nở ra.
Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đã đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng, mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp hai. Nếu tất cả những người lao động nước ta- bộ đội, công, nông, lao động trí óc- đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào?
Cho nên chúng ta nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Ngày 2-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư “Gửi đồng bào các tỉnh có đê”, trong đó có đoạn:
“Mấy năm qua, đồng bào đã thắng lợi trong việc giữ đê. Năm nay đồng bào phải ra sức cố gắng hơn nữa để đánh thắng giặc lụt.
Đồng bào nên tỉnh táo, đề phòng âm mưu của địch phá đê.
Tôi kêu gọi đồng bào và bộ đội ra sức giữ vững đê điều...
Mấy năm trước, chúng ta đã thắng giặc lụt. Năm nay chúng ta cũng quyết đánh thắng giặc lụt.
Tôi mong rằng đến dịp tổng kết thi đua năm nay, sẽ nêu lên nhiều chiến sĩ cá nhân và đơn vị có thành tích đắp đê, hộ đê. Chính phủ sẽ khen thưởng những nơi và những chiến sĩ có thành tích lớn”.
Ngày 23-9-1953, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “Gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ”. Thư có đoạn:
“Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam Bộ thật xứng đáng là bức thành đồng của Tổ quốc, bền bỉ chống cự bọn thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ Việt gian buôn dân bán nước....
Cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, song phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh.
Địch càng gần ngày thất bại, chúng càng độc ác hung hăng. Vậy tôi nhắc nhở mấy điều sau đây, mọi người phải ghi nhớ và thực hiện cho kỳ được:
- Đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua tăng gia sản xuất, ra sức tham gia kháng chiến.
- Bộ đội ta phải thi đua chỉnh quân, tổ chức lưới du kích vững chắc và rộng khắp các vùng, địch mò đến đâu thì cũng tiêu hao và tiêu chúng chúng đến đó.
- Cán bộ quân, dân, chính, đảng thì phải đoàn kết chặt chẽ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự kháng chiến đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách cảu Đảng và Chính phủ”.
Căn dặn cụ thể cán bộ, nhân dân từng vùng miền, các tầng lớp, nhân dân cả nước, năm 1958,Bác viết trong “Lời chúc năm mới”, có đoạn:
“Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thống nhất nước nhà, chúng ta có nhiều thuận lợi ở trong nước và trên thế giới. Cũng như phong trào cách mạng trên thế giới, như công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, ở Trung Quốc và ở các nước anh em khác, phong trào cách mạng ở nước ta đã liên tiếp thắng lợi trong công cuộc chống đế quốc và phong kiến. Dựa vào thuận lợi ấy, phát huy truyền thống cần kiệm và anh dũng của nhân dân ta, chúng ta sẽ vượt được mọi khó khăn và giành được thắng lợi mới.
Đồng bào cả nước hãy đoàn kết và đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi lập quan hệ bình thường giữa hai miền, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và cho hòa bình thế giới.
Đồng bào miền Bắc, nhất là anh chị em công nhân, nông dân, thợ thủ công, mỗi người hãy ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, ra sức sản xuất nhiều, nhanh, tốt và rẻ; do tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm mà xây dựng nước nhà và dần dần cải thiện đời sống.
Cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ở miền Bắc hãy đoàn kết chặt chẽ với nhau và đoàn kết với đồng bào miền Bắc, ra sức làm việc góp phần vẻ vang vào việc xây dựng và củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Quân đội và công an ta hãy cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật, ra sức bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an ninh, ra sức tham gia phong trào sản xuất và tiết kiệm.
Anh chị em lao động trí óc hãy cố gắng học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tùy theo khả năng mà tham gia lao động chân tay, để tự rèn luyện mình và để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Các cụ phụ lão hãy làm gương “lão đương ích tráng”, đôn đốc con cháu thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
Để xứng đáng là người chủ của nước nhà mai sau, các cháu thanh niên hãy xung phong trong mọi việc: Đoàn kết, học tập, lao động.
Các cháu nhi đồng hãy chăm lo học tập và tùy sức mình mà tham gia lao động cho quen.
Đảng viên, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng hãy cố gắng công tác và học tập để tiến bộ không ngừng. Tăng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư tưởng Mác - Lê-nin, nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ. Nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.
Kiều bào ở nước ngoài giàu lòng yêu nước, luôn luôn hướng về Tổ quốc, hãy đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, hãy tôn trọng pháp luật của Chính phủ và tăng cường tình cảm với nhân dân nước mình ở.
Chúng ta đoàn kết nhất trí; cả nước một lòng, ra sức phấn đấu thì chúng ta nhất định thắng lợi!
Năm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới!”.
Hơn 6 thập kỷ đã qua, nhưng “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh mới, lời hiệu triệu của Bác một lần nữa làm cho tất cả mọi người đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh khổng lồ, chiến thắng trên mọi mặt trận xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN LONG (tổng hợp)