Vượt lên số phận

Ngôi nhà cấp bốn của thương binh Phạm Hồng Tư không khác gì một xưởng sửa chữa thu nhỏ. Các thiết bị, đồ điện dân dụng được ông “trang trí” khắp trên bờ tường, góc nhà, thậm chí là cả trong gậm giường. Khi chúng tôi đến, ông Tư đang cặm cụi sửa chiếc bếp từ. “Bác có học thêm để sửa chữa được những loại đồ gia dụng này không?”, tôi mở đầu câu chuyện. “Ồ không! Tôi tự mày mò học qua sách vở và nghiên cứu thực tế”.

Ngay phía trên chiếc giường, cũng là góc làm việc của ông Tư, đặt một chiếc quạt treo tường. Điều đặc biệt của chiếc quạt này là được gắn thêm hệ thống phun sương. Linh kiện của hệ thống này lấy từ ống nước, bình nhựa bán sẵn trên thị trường với giá rất rẻ. Ông Tư tự hào: “Nó vận hành như nguyên lý của những chiếc quạt phun sương hiện đại bán trên thị trường, chỉ khác là tôi chế tạo từ vật liệu sẵn có, ghép với chiếc quạt điện thông thường”.

Cứ như vậy, ngay từ phút đầu gặp gỡ, câu chuyện giữa chủ và khách đã rôm rả.

leftcenterrightdel

Thương binh Phạm Hồng Tư miệt mài sửa chữa đồ điện tử. 

Ông Tư sinh năm 1955, quê ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tròn 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Tư tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Năm 1979, khi đang thực hiện nhiệm vụ dò phá bom, mở đường, ông bị trúng mìn, mảnh mìn găm vào xương sống, làm liệt hai chân và mất sức 91%. Nhớ lại giây phút đó, ông Tư khẽ rùng mình: “Sau tiếng nổ, tôi nghe văng vẳng tiếng người nói “chết hết cả rồi”. Nghe thấy mà tôi không thể cử động, không cất lời được. Rồi tôi ngất lịm đi. Tỉnh dậy thì biết mình đã bị liệt hai chân”.

Từ một chàng trai tuổi ngoài 20 căng tràn sức sống, ông Tư trở thành người mất khả năng vận động, được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông kể: “Ngày đó, tôi đã mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống. Mỗi ngày trôi qua đều mòn mỏi trong nỗi buồn”. Nhưng rồi, cô hộ lý Nguyễn Thị Thanh Phương đã thắp lại ngọn lửa hy vọng cho ông Tư. Cô Phương luôn động viên ông. Cô không ngại ngần bày tỏ lòng cảm phục trước sự hy sinh của ông vì Tổ quốc. Dần dần, ông Tư lấy lại được niềm tin. Và, được sự ủng hộ, giúp đỡ của hai bên gia đình, hai người đã nên duyên vợ chồng.

Trước cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bản lĩnh, ý chí của anh Bộ đội Cụ Hồ trong ông Tư lại lên tiếng. Với một chút kiến thức về kỹ thuật điện tử học trong quân đội, ông Tư mua sách vở tự nghiên cứu, rồi thực hành sửa chữa những thiết bị đơn giản như bình ắc-quy, quạt điện… Khách hàng ban đầu là hàng xóm quanh nhà. Dần dần, tay nghề của ông nâng cao, có thể sửa chữa được các bảng mạch điện tử phức tạp, khách mở rộng ra cả các xã lân cận. Nhớ những ngày mới học nghề, ông Tư kể: “Tôi bị liệt nửa người nên việc di chuyển rất khó khăn. Một thời gian dài lê lết dưới nền nhà mày mò sửa chữa, có hôm tới hai, ba giờ sáng. Đồ điện dân dụng ngày càng hiện đại, muốn sửa được phải học, thực hành thật nhiều. Làm đi làm lại, dám chấp nhận thất bại, không bao giờ được nản chí và cần một chút sáng tạo”.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, hình ảnh người thương binh Phạm Hồng Tư ngồi trên xe lăn đi sửa điện ở khắp các xã trong huyện Thuận Thành đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Không chỉ mến đôi bàn tay tài hoa của ông, họ còn khâm phục nghị lực kiên cường của người thương binh “tàn nhưng không phế”. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các vùng lân cận tìm đến nhờ ông Tư truyền nghề. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của ông Tư, đến nay đã có hơn 10 thợ sửa chữa điện dân dụng ra nghề, có thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Văn Chinh ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, kể về người thầy với lòng biết ơn: “Thầy Tư dạy bảo chúng tôi rất ân cần. Phương pháp cầm tay chỉ việc giúp cho học trò học nhanh, nhớ lâu. Thương học trò, thầy Tư chỉ thu tiền mua sắm dụng cụ học tập chứ không thu học phí”. Còn anh Hoàng Văn Năm ở xã Hữu Đô, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nói về người thầy với tấm lòng cảm phục: “Tôi học được ở thầy Tư không chỉ là cái nghề mà quan trọng hơn là bản lĩnh, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chính điều đó đã giúp tôi vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề, có thu nhập ổn định”.

Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam, thương binh Trần Quý Quyền được mọi người rất mực kính trọng. Là một thương binh nặng nhưng ông Quyền luôn sống rất mẫu mực, lạc quan và tràn đầy nghị lực.

Biết chúng tôi đến thăm, ông Quyền lần theo thành giường, ngồi vào chiếc xe lăn. Bị mù cả hai mắt nhưng từng động tác của ông rất nhanh và chuẩn xác. Đẩy chiếc xe lại gần bàn uống nước, ông pha ấm chè. Thấy vậy, tôi nhanh nhẹn: “Bác để cháu giúp!”. Ông Quyền cười hiền lành, rồi lắc đầu: “Việc này tôi làm thường xuyên”. Tất cả các đồ vật trên bàn như đã được định vị sẵn ở trong đầu, ông lấy phích, đổ nước vào ấm, hãm chè rồi rót ra từng chén mời khách. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, nỗ lực làm những việc tưởng chừng như đơn giản của ông Quyền khiến chúng tôi rất cảm phục. Cô hộ lý Nguyễn Thúy Hà còn khoe: “Không chỉ biết tự đun nước pha chè, bác Quyền còn tự nấu ăn và làm rất nhiều việc khác. Ở đây ai cũng phục tài của bác, người đàn ông đảm đang”. Câu nói có phần dí dỏm của Hà làm không khí buổi gặp mặt trở nên vui vẻ. Cứ thế câu chuyện mở ra.

leftcenterrightdel
 Thương binh Trần Quý Quyền kể về những nỗ lực của ông trong cuộc sống.
Ông Quyền sinh năm 1954, quê ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 1974, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1976, trong một lần làm nhiệm vụ tại căn cứ La Khê, ông Quyền và các đồng đội bị vướng phải mìn. Hai đồng chí cùng đi hy sinh, còn ông bị mù hai mắt, cụt hai chân, cắt 1/3 lá gan và một phần ruột. Nhớ lại thời gian điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn 4, ông Quyền kể: “Khi tỉnh dậy, tôi thấy toàn thân đau nhức, mắt bị băng. Đợi mãi không thấy tháo ra, tôi hỏi bác sĩ: “Sao không tháo băng ra cho tôi?”. Khi được thông báo đã bị hỏng hai mắt, tôi hốt hoảng toan vùng đứng dậy thì mới biết hai chân đã bị cụt. Ngoài hai mươi tuổi, từ một người khỏe mạnh bình thường, bỗng chốc mù lòa, mãi mãi không thể đứng trên đôi chân của mình được nữa, cảm giác thật xót xa”. “Động lực nào đã giúp bác vượt qua được nhưng khó khăn, mặc cảm đó?”, tôi hỏi thăm với tấm lòng cảm thông và chia sẻ. “Chính là các đồng đội đã giúp tôi vượt qua. Ở bệnh viện, tôi gặp anh Lợi quê ở Củ Chi. Anh ấy tham gia chiến đấu và cũng bị cụt cả hai tay, hai chân. Khi ngồi uống nước, anh ấy động viên: “Số mình không may, nhưng cũng có nhiều đồng đội còn khổ hơn, có anh Kế quê ở Vĩnh Phúc bị cụt cả hai chân, một tay và mù cả hai mắt. Còn rất nhiều đồng đội nữa mãi mãi nằm lại…, mình còn được sống, phải sống xứng đáng với những sự hy sinh đó”. 

Buổi chiều, chúng tôi lại theo vòng bánh xe của ông Quyền ra khu hồ nước của trung tâm, nơi các thương binh thường ngồi trò chuyện và đánh cờ. Dù không nhìn thấy đường, nhưng mọi nơi trong trung tâm, ông Quyền đều có thể tự đến. Ông cũng có khả năng đến từng phòng của các thương binh khác để thăm hỏi mà không cần ai dẫn đường. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói cười rôm rả của các thương binh. Tại đây, chúng tôi được trò chuyện với thương binh Nguyễn Tiến Lực, người hai lần bị thương trong chiến đấu. Lần cuối cùng, ông bị đạn của kẻ thù bắn xuyên qua cột sống, bị liệt nửa người. Ngồi nói chuyện được một lúc, ông lại run lên cầm cập, vã mồ hôi vì đau. Mỗi lần như vậy, ông lại phải quắp hai chân qua đầu lên cổ. Rồi thương binh Nguyễn Văn Lục, bị thương tật 97%, cũng bị đạn của địch bắn vào cột sống, liệt nửa người. Ông Lục còn cho chúng tôi sờ lên những mảnh đạn đóng thành cục ở tay, ngực và chân ông. Nói chuyện mấy tiếng đồng hồ mà không sao chúng tôi dứt ra được. Những câu chuyện chiến đấu, phong cách sống lạc quan, tin tưởng của các thương binh như truyền cho tôi một nguồn cảm hứng phải sống có ý nghĩa và trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.

Chia tay các thương binh ở hai tỉnh Bắc Ninh và Hà Nam, chúng tôi nhận thấy họ chính là những nhân chứng sống của lịch sử, là người trực tiếp viết nên bản hùng ca cách mạng. Những hy sinh của họ vì đất nước thật lớn lao!

Bài và ảnh: VĂN TUẤN