Chỉ chậm vài hôm nữa thôi là đơn vị lại tổ chức các chuyến công tác mới, lúc đó nhà báo chẳng gặp được họ đâu”-Thiếu tá Hoàng Đình Ngà, Chính trị viên Hải đội 922 (Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn) giới thiệu khi dẫn chúng tôi xuống tàu gặp các thuyền trưởng trẻ tuổi, kiên cường của đơn vị.

Bản lĩnh, kiên cường giúp ngư dân bám biển

Xuân này, Thượng úy Hoàng Văn Nguyên, 30 tuổi, Thuyền trưởng Tàu 745 được đón xuân mới cùng gia đình nhỏ thân thương. Sau hơn 200 ngày liên tục làm nhiệm vụ trên biển, anh vừa trở về bờ được ít ngày. Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh an toàn giàn khoan dầu khí…, Thuyền trưởng Hoàng Văn Nguyên cùng đồng đội kiên cường canh trực gần khu vực đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa); đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ luật biển quốc tế khi đánh bắt xa bờ về. Quãng thời gian dài dằng dặc ấy, cán bộ, chiến sĩ Tàu 745 phải hứng chịu bao sóng gió, hiểm nguy. Thế nhưng, Thuyền trưởng Hoàng Văn Nguyên không chỉ bản lĩnh vững vàng, làm chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, mà Tàu 745 còn trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Cũng trong những ngày canh trực ấy, Tàu 745 đã kịp thời cứu giúp ngư dân Nguyễn Văn Niểng, 34 tuổi, quê ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), thuyền viên tàu cá BV 98739TS gặp nạn trên biển. Thượng úy Hoàng Văn Nguyên kể: “Hôm đó là ngày 16-8-2019, trời mưa dông, sóng biển cấp 5, cấp 6. Khoảng 16 giờ, khi tàu tôi đang trực tại khu vực mỏ Đại Hùng thì nhận được lệnh từ chỉ huy hải đoàn yêu cầu khẩn trương cứu nạn ngư dân. Lập tức, tôi phát lệnh nhổ neo, xác định tọa độ tàu cá rồi tăng tốc tiếp cận hiện trường. Do thời tiết xấu nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh”, chúng tôi đã có mặt tại nơi xảy ra sự cố chỉ trong vòng 30 phút. Lúc đó, ngư dân Nguyễn Văn Niểng mặt mũi bê bết máu, do bị dây tời đứt quật vào mặt, tình trạng sức khỏe không ổn định. Chúng tôi tiến hành sơ cứu ban đầu, rồi phối hợp cùng tàu cá đưa ngư dân bị nạn lên giàn khoan mỏ Đại Hùng để tiếp tục điều trị. Khoảng 2 tiếng sau, Tàu 745 lại tiếp nhận ngư dân Niểng từ giàn khoan xuống tàu để chuyển về đất liền chữa trị”.

leftcenterrightdel

Hiếm khi các thuyền trưởng ở Hải đoàn 129 mới có dịp gặp nhau trò chuyện.

Kể tới đây, Thượng úy Hoàng Văn Nguyên quay sang đồng đội và cũng là bạn học cùng khóa-Thượng úy Nguyễn Xuân Bách, Thuyền trưởng Tàu 739, giới thiệu: “Nếu nói về bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ và cứu giúp ngư dân thì Tàu 739 mới đáng nể”. Qua gợi ý của anh Nguyên, tôi được biết, năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Tàu 739 cũng có 109 ngày liên tục làm nhiệm vụ trên biển, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh với tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo lời kể của Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bách: Trong khi Tàu 739 đang làm nhiệm vụ bảo vệ âu tàu Trường Sa thì nhận được lệnh của cấp trên điều ra tuần tra, giám sát bảo vệ chủ quyền, đấu tranh ngăn chặn tàu Hải Dương địa chất 8 xâm phạm chủ quyền Tổ quốc. Mặc dù nhận nhiệm vụ đột xuất, phải cơ động khẩn trương trong điều kiện thời tiết biển không thuận lợi, cường độ làm việc căng thẳng, nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn tàu khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh, triển khai canh trực ngay tại “điểm nóng”. Bất chấp hiểm nguy rình rập, các anh vừa làm nhiệm vụ trực chiến, vừa triển khai huấn luyện tăng cường; đồng thời xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Phải thực sự bản lĩnh, kiên cường và ý chí quyết tâm cao độ, những người lính ấy mới vững tâm bám trụ, vượt qua mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thượng úy Nguyễn Xuân Bách chia sẻ: “Trong suốt thời gian đấu tranh với tàu Trung Quốc, cán bộ, chiến sĩ Tàu 739 luôn trong trạng thái SSCĐ cao nhất, liên tục ngày đêm”.

Trước khi làm nhiệm vụ đấu tranh với tàu Hải Dương địa chất 8, trong quá trình canh trực bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cán bộ, chiến sĩ Tàu 739 đã nhiều lần hỗ trợ cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển. Điển hình là lần hỗ trợ cấp cứu ngư dân tàu cá BTh 98617TS bị tai nạn bất ngờ do san hô rơi vào đầu. Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bách kể: “Khoảng 12 giờ ngày 14-5-2019, tôi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ từ tàu cá BTh 98617TS. Lập tức, tôi phát lệnh cơ động, tiếp cận tàu cá. Đến nơi, thuyền trưởng tàu cá thông báo tình hình thuyền viên Trần Quốc Tuấn do bất cẩn nên vừa bị cục san hô bám theo lưới rơi vào đầu gây chảy máu nhiều và bất tỉnh. Tôi liền phân công tổ cứu hộ đưa ngư dân Tuấn sang Tàu 739 để nhân viên quân y sơ cứu. Do vết thương đỉnh đầu dài hơn 5cm, lại khá sâu, rất nguy hiểm, tôi liên lạc với giàn khoan Tam Đảo 3 để chuyển nạn nhân lên giàn khoan cấp cứu. Sau hơn 2 giờ được các y sĩ, bác sĩ trên giàn khoan Tam Đảo 3 cứu chữa, hồi sức tích cực, tình trạng sức khỏe nạn nhân dần hồi phục. Tàu 739 lại đón ngư dân Tuấn đưa về tàu cá, cấp thêm thuốc và hỗ trợ nước ngọt để tàu cá tiếp tục hải trình”.

Việc hỗ trợ ngư dân không chỉ là nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân mà còn là chương trình công tác dân vận được quân chủng chỉ đạo thực hiện với chủ đề “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Bởi vậy, các tàu của Hải đoàn 129 hầu hết đều đã từng tham gia cứu trợ ngư dân gặp nạn trên biển, trở thành điểm tựa cho ngư dân khi gặp hoạn nạn và cả khi bị tàu nước ngoài tấn công trong quá trình đánh bắt xa bờ.

Hậu phương đảm đang, vững lòng biển, đảo

Xuân này, con đầu lòng của Đại úy Phạm Hồng Vũ (30 tuổi), Thuyền trưởng Tàu 743, bước sang tuổi thứ hai. Giáp Tết, Vũ gọi điện cho tôi thông báo: “Có thể ra Giêng vợ chồng em sẽ chuyển về TP Vũng Tàu định cư cho thuận tiện công tác và hợp lý hóa gia đình. Hiện tại, em chỉ đợi xin được việc cho bà xã là nguyện vọng của gia đình em thành hiện thực”. Nghe vậy, tôi thầm mừng cho Vũ, bởi nếu chuyển được thì vợ chồng Vũ sẽ bớt đi khoản chi phí thuê nhà đắt đỏ tại TP Hồ Chí Minh cùng nhiều khoản chi sinh hoạt khác; nhưng điều quan trọng hơn là họ có thêm thời gian gần nhau để động viên, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Vợ Vũ, chị Đậu Tiểu Linh, 30 tuổi, hiện là kế toán của một doanh nghiệp nhà nước tại TP Hồ Chí Minh. Hai người quen nhau do một người bạn của Vũ giới thiệu. Sau hơn hai năm tìm hiểu chủ yếu qua điện thoại và một vài lần hiếm hoi gặp mặt, năm 2018, chàng thuyền trưởng và cô kế toán nên duyên chồng vợ. Tiểu Linh tâm sự: “Suốt thời gian yêu nhau, phần lớn là em chủ động xuống Vũng Tàu để gặp anh ấy sau mỗi chuyến đi biển dài ngày. Nói là gọi điện tìm hiểu nhưng phải cả tháng, thậm chí 10 tuần anh ấy mới gọi điện cho em, bởi làm nhiệm vụ trên biển không có sóng điện thoại. Hơn hai năm cưới nhau, chúng em chỉ được gần nhau mỗi năm không quá 40 ngày”.

Với 5 chuyến đi biển làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan, hỗ trợ âu tàu, làng chài thuộc quần đảo Trường Sa trong năm 2019, có 40 ngày ở nhà cùng vợ con cũng là niềm hạnh phúc với Vũ và các thuyền trưởng ở Hải đoàn 129. Dù vậy, những người vợ tảo tần, thủy chung vẫn vui vẻ động viên chồng “chân cứng đá mềm” hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129 chia sẻ: “Mỗi người một gia đình, một cuộc sống riêng, nhưng ít ai biết rằng, trong đời sống thường ngày, các thuyền trưởng trẻ tuổi ở Hải đoàn 129 đều khá vất vả. Người thì thuê nhà ở trọ, vợ con ở xa, người thì thuê nhà công vụ của đơn vị, tất bật lo kiếm việc làm cho vợ để cuộc sống gia đình bớt khó khăn… Thế nhưng vượt lên tất cả, họ đều lạc quan, gắn bó với công việc, một phần không nhỏ nhờ hậu phương vững chắc”.

Trường hợp của Thượng úy Nguyễn Xuân Bách, Thuyền trưởng Tàu 739 là một điển hình. Bách có vợ và hai con đang thuê nhà ở trọ tại TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian vợ bụng mang dạ chửa, Bách phải đi công tác trên biển. Trở về đất liền sắp đến ngày vợ sinh nở, anh tranh thủ đưa vợ đến bệnh viện khám thai, nhưng đơn vị có nhiệm vụ đột xuất, Bách phải đi công tác gấp. Thấy vậy, anh bạn bác sĩ của Bách nói đùa: “Cậu cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, vợ cậu ở nhà đã có tớ lo”. Kết thúc chuyến công tác trở về, con anh đã gần 3 tháng tuổi. Thượng úy Nguyễn Xuân Bách giãi bày: “Hai lần vợ em “vượt cạn” đều tự bắt xe đến bệnh viện, rồi lại tự bắt xe về nhà. Bố mẹ hai bên ở tận ngoài Bắc, đơn vị lại xa nên vợ em phải tự lo mọi việc. Thật may khi em có người vợ đảm đang, tháo vát, thực sự là hậu phương vững chắc để em yên tâm trong những chuyến đi biển dài ngày”.

Không chỉ Thượng úy Nguyễn Xuân Bách mà Đại úy Phạm Viết Đức, Thuyền trưởng Tàu 788 cũng có người vợ đảm đang, một mình gánh vác công việc gia đình, tảo tần nuôi dạy hai con nhỏ để chồng yên tâm công tác… Bởi vậy, những ngày về bờ, mỗi khi được đơn vị cho nghỉ tranh thủ, các anh đều dành hết thời gian chăm lo gia đình, vợ con để bù đắp khoảng trống cho những ngày canh trực làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…

Xuân này, khi những cội mai vàng bung nở, Thuyền trưởng Phạm Viết Đức và Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bách lại xa gia đình đi làm nhiệm vụ canh trực trên biển. Trước khi tàu rời bến, họ đã kịp gọi điện về chúc Tết sớm cha mẹ, vợ con, bởi giữa đại dương bao la chỉ toàn là sóng biển… Chị Nguyễn Thị Lệ, vợ của Thuyền trưởng Phạm Viết Đức tâm sự: “Vắng chồng ngày Tết với vợ lính biển là chuyện bình thường. Thương nhớ chồng, chúng em chỉ biết cố gắng chu toàn mọi việc ở nhà để các anh vững lòng nơi đầu sóng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG