Nhắc lại những giây phút sinh tử, Đại úy Lê Văn Dùy nhìn lên trần nhà, mắt ngân ngấn lệ, giọng chùng xuống: “Đoàn có nhiều người, trong đó 7 người đi trước thành một nhóm và một số anh em đi sau. Khi nghe thấy tiếng đất đá đổ xuống thì một số anh em đi phía sau đã chạy quay lại. Tôi thì chạy về phía trước. Đồng chí Hồ Văn Sinh (Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đồng chí Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã (sau này truy thăng Đại úy, liệt sĩ Trương Văn Thắng) và một số đồng chí nữa chạy về phía sau thì bị đất đá vùi lấp hai lần, bị thương nặng. Tôi chỉ bị đất vùi một lần. Sau khi thoát ra khỏi đống đất vùi, tôi hô hoán kêu cứu, có hai anh em chạy tới, cõng tôi đi theo đường rừng về trụ sở UBND xã Hướng Việt, về đến nơi lúc khoảng 18 giờ 30 phút. Đồng chí Thắng bị thương quá nặng nên đã hy sinh, còn tôi thì được quân y của Đồn Biên phòng Hướng Lập và nhân viên của Trạm Y tế xã sơ cứu, băng bó vết thương, cho thuốc kháng sinh. Trước khi ra Huế, tôi nằm điều trị ở Quảng Trị 6 ngày. Thời gian đó, vết thương đau nhức. Cũng nhờ bài thuốc của đồng bào Vân Kiều, vết thương của tôi tuy chưa lành hẳn nhưng cũng giảm đau nhiều, cầm được máu”.

leftcenterrightdel

Các lực lượng tích cực tìm kiếm tại khu vực sạt lở ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Chia sẻ với chúng tôi gần một giờ đồng hồ, anh Dùy kể về những việc thường làm tại xã Hướng Việt. Nằm trên giường bệnh nhưng anh Dùy không nghĩ nhiều đến vết thương của mình mà chỉ lo những việc còn dang dở ở xã. Anh Dùy cho biết, anh về xã công tác theo Đề án “Chỉ định cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy huyện, thị xã và tăng cường cán bộ đồn biên phòng là phó bí thư đảng ủy các xã biên giới nhiệm kỳ 2020-2025”. “Nguyện vọng của tôi sau khi điều trị khỏi là tiếp tục về xã công tác. Vì hiện tại, xã Hướng Việt nơi tôi đang công tác là địa bàn còn nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt hại do mưa, lũ vừa qua, nhà của nhiều hộ gia đình bị lũ cuốn trôi hoặc đất đá vùi lấp. Nằm viện điều trị, tôi rất lo lắng cho bà con ở xã. Tôi thường xuyên gọi điện cho đồng chí Bí thư Đảng ủy xã để nắm tình hình, bởi đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng bị thương trong khi tìm kiếm cứu nạn và đang nằm viện điều trị giống tôi. Nhiều công việc dồn lại chưa làm được, cũng sốt ruột lắm”, anh Dùy chia sẻ.

Bản thân là sĩ quan biên phòng, lại có chức vụ quản lý, nhưng Đại úy Lê Văn Dùy vẫn xung phong đi các xã biên giới, giúp bà con phát triển kinh tế-xã hội. Anh cũng mới về nhận công tác tại địa phương, ngày 28-5-2020, được bầu giữ chức Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt nhiệm kỳ 2020-2025. “Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi cảm thấy bỡ ngỡ. Nhưng được các đồng chí đi trước chia sẻ kinh nghiệm nên cũng dần nắm bắt được công việc, đến hiện tại thì đã ổn định, đi vào nền nếp, nhất là được người dân và lãnh đạo xã tin tưởng, bà con nhiệt tình, phấn khởi khi địa phương được tăng cường cán bộ sĩ quan biên phòng. Người dân địa phương phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Vân Kiều), vì thế tôi phải tranh thủ học hỏi, tìm hiểu phong tục, tập quán và ngôn ngữ của đồng bào. Hiểu bà con, hiểu được ngôn ngữ của bà con rồi, mình sẽ biết được tâm tư, tình cảm của họ. Và mỗi việc làm đều xuất phát từ sự chân thành thì sẽ nhận lại sự chân thành của đồng bào, công việc vì thế đỡ vất vả đi rất nhiều. Giờ cấp ủy đảng và chính quyền xã chỉ lo nghĩ cách nào giúp bà con được nhiều nhất”, Đại úy Lê Văn Dùy chân thành tâm sự với chúng tôi.

Hỏi chuyện một bác sĩ vào khám cho anh Dùy, chúng tôi được biết vết thương của anh đang tốt lên rất nhiều. Chắc chắn ít ngày nữa khi vết thương lành hẳn, anh sẽ quay trở lại với những công việc dang dở... Vết thương dù chưa lành nhưng giờ đây bên anh đã có người vợ tần tảo-một cô giáo công tác ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị-đang lo cho anh từng li từng tí, chăm sóc để anh nhanh khỏe và sớm được trở lại với đồng bào còn khó khăn như ước muốn của anh. Chị chia sẻ, chị may mắn hơn rất nhiều người vợ bộ đội khác khi còn cơ hội chăm sóc chồng.

3. Chia tay Đại úy Lê Văn Dùy, hôm sau, đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tới hiện trường vụ sạt lở ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, nhằm thực hiện nốt những phần việc còn dang dở.

Công việc tìm kiếm 12 công nhân mất tích còn lại vô cùng khó khăn khi thời tiết cứ mưa liên tục. Nguy cơ sạt lở đất đá luôn trực chờ. Rút kinh nghiệm các chuyến công tác trước đó, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được xuất phát. Và khi biết trời sẽ nắng trong hai ngày liên tiếp, Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 nhanh chóng tiếp tục tổ chức đoàn công tác với đầy đủ thành phần vào hiện trường vụ sạt lở để triển khai công việc.

leftcenterrightdel

Các lực lượng tích cực tìm kiếm tại khu vực sạt lở ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Thế nhưng, như thông tin trong các bài báo trước đã phản ánh, khi một quả đồi lớn sạt xuống, với ước tính tổng khối lượng hàng triệu mét khối đất đá lổn nhổn, tính tổng chiều cao lên tới cả trăm mét, chiều rộng cũng khoảng 200m, trong khu vực địa hình phức tạp gần bờ suối, tiếp tục có nguy cơ sạt lở... mọi công việc vô cùng khó khăn.

Có từ 6 đến 10 máy xúc làm việc liên tục trong những ngày thời tiết thuận lợi đã giúp bóc đi toàn bộ lớp đất đá vài chục mét, trải rộng suốt triền núi tới tận bờ suối, song vẫn không tìm thấy thêm một ai trong số 12 công nhân còn lại đang mất tích. Một phương án mới đã được xây dựng và chỉ chờ quyết định. Đó là đào một con suối bên cạnh con suối ở chân đồi, tại điểm cuối của vụ sạt lở để dẫn dòng nước qua suối mới. Lực lượng tại công trường sẽ múc đất ở con suối cũ lên để kiểm tra xem có thi thể nào trôi xuống suối không.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế, người được giao chỉ huy tại hiện trường ngay từ những ngày đầu cho biết, mặc dù việc tìm kiếm cứu nạn vô cùng khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các phương án an toàn đã được chuẩn bị đầy đủ, từ cảnh báo cho tới các phương án cứu nạn nếu xảy ra tình huống xấu nhất. Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế hạ quyết tâm gấp rút trong một vài tuần tới, tổng lực tìm kiếm những người còn mất tích. Hiện các bước công việc của giai đoạn 3 đang được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong quá trình tìm kiếm người mất tích, lực lượng tại hiện trường đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của người dân cả nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là sự thông cảm, sẻ chia của thân nhân những người bị nạn. Họ đã tới tận hiện trường, tận mắt nhìn thấy khối lượng công việc khổng lồ, được lắng nghe lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ về công việc cũng như các phương án tiếp theo. Tất cả người nhà đều bày tỏ cảm thông với công việc của lực lượng tìm kiếm, xúc động trước sự tích cực và nỗ lực lao động quên mình của tất cả các lực lượng tìm kiếm tại hiện trường. Hầu hết thân nhân đều bày tỏ bức xúc trước việc nhiều trang mạng thông tin sai sự thật về tiến trình công việc tại hiện trường vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Ông Ngô Viết Cường, thân nhân của anh Ngô Viết Huy, người đang mất tích cho biết, có tới đây mới thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm các nạn nhân.

Trong câu chuyện của hầu hết những gia đình vừa tới khu vực sạt lở, sau sự bàng hoàng trước thiên tai thảm họa quá khủng khiếp... phần lắng lại trong mỗi câu chuyện họ kể cho chúng tôi chính là những ước mơ còn dang dở của mỗi công nhân đang còn nằm đâu đó quanh khu vực sạt lở. Những người mới 25, 26 tuổi thì mơ ước gom đủ tiền để cha mẹ tích cóp sửa nhà... nay họ đã không còn làm được nữa; những người 28, 29 tuổi... đang chuẩn bị lễ cưới cho mình cũng đã không thể hưởng trọn hạnh phúc. Chị Lê Thị Hương Thủy, chị gái của anh Lê Đình Hà (ở TP Huế, một trong 12 người còn mất tích) cho biết, Hà đang chuẩn bị lấy vợ: “Do bố mẹ mới mất, đang trong thời gian chịu tang, đám cưới chưa kịp tổ chức, các em chỉ đợi mãn tang là tổ chức đám cưới. Nào ngờ... Thật tiếc cho em tôi, thương cho em dâu chưa kịp mặc áo cưới. Bão lũ đã cướp đi cơ hội hạnh phúc của biết bao người như em tôi, làm lỡ dở biết bao dự định...”.

Bài và ảnh: HÒA HIẾU - HẢI CHUNG