Đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi đón chúng tôi trong căn “Nhà đồng đội” được xây tặng cách đây 15 năm. Ông mở đầu câu chuyện bằng những năm tháng tuổi thơ ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). “Tôi sinh năm 1953 và là học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Tôi từng giành giải nhì môn Toán (không có giải nhất) và giải khuyến khích môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 1965. Với thành tích đó, năm 1966,  tôi là học sinh duy nhất của tỉnh được Bác Hồ viết thư khen và tặng cuốn sổ có chữ ký của Người”, ông Lợi kể.

Cuối năm 1972, khi chiến tranh diễn ra ác liệt, cậu học sinh Trường cấp 3 Long Châu Sa (Lâm Thao, Phú Thọ) Nguyễn Ngọc Lợi thuộc diện tạm hoãn nhưng đã viết đơn có chữ ký bằng máu, tình nguyện nhập ngũ. Chàng thanh niên đất Tổ được biên chế về Tiểu đoàn 71, Sư đoàn 304B, sau đó được gửi đào tạo tại Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc. Với kết quả tốt nghiệp loại giỏi, người lính trẻ này được tuyển đi B, phục vụ Đoàn X3/2 Khu ủy Khu V.

 Ông Nguyễn Ngọc Lợi. 

Theo hồ sơ mà chúng tôi nắm được, ông Lợi nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phú tại Quyết định số 628 ngày 11-4-1976 và tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở Trường cấp 3 Hùng Vương (Vĩnh Phú). Sau khi tốt nghiệp cấp 3 (tháng 6-1977), Ban Tuyển sinh Vĩnh Phú đã phê duyệt cho ông Lợi đi học; đồng thời, Ủy ban Thống nhất của Chính phủ ra Quyết định số 54/QĐ ngày 12-10-1977 điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau này là Trường Đại học Y Bắc Thái và nay là Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên-gọi tắt là nhà trường), hưởng lương 100%. Từ đây, sinh viên Lợi mắc vào những oan trái. Theo ông Lợi, trong 6 năm học tại trường, ông là lớp phó học tập, có 4 năm liên tiếp là sinh viên giỏi nhưng có nhiều quan điểm trái chiều, khúc mắc trong học tập và sinh hoạt với một số cán bộ lãnh đạo của nhà trường. Nhà trường luôn đặt câu hỏi: “Là học sinh Trường cấp 3 Hùng Vương sao Nguyễn Ngọc Lợi lại được hưởng lương?”, hay “Nguyễn Ngọc Lợi là quân nhân sao cơ quan dân sự lại cử đi học?”... Vì thế, nhà trường nghi ngờ ông Lợi làm giả hồ sơ nên ra quyết định kỷ luật, đuổi sinh viên này về địa phương năm 1983.

Phản ứng với quyết định vô lý trên, ông Lợi đã nhiều lần khiếu nại và 5 năm sau mới được minh oan (năm 1988). Theo đó, nhà trường buộc phải ra quyết định thu hồi bản án kỷ luật đối với ông Lợi, đồng thời bồi thường tiền lương, chế độ (5 năm) và công nhận kết quả thi tốt nghiệp cho Nguyễn Ngọc Lợi. Cùng với đó, nhà trường chuyển hồ sơ của ông Lợi về Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú nhưng không bàn giao các tài liệu là bản gốc, bản chính liên quan đến nhân thân của ông Lợi mà chỉ bàn giao một số tài liệu gây bất lợi cho ông Lợi (không có hồ sơ cán bộ, chỉ có 2 bản kỷ luật, mặc dù đã bị hủy). Như vậy, theo hồ sơ này, ông Lợi là học sinh phổ thông và hiện đang bị kỷ luật. Điều đó khiến Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú không thể bố trí việc làm cho ông Lợi theo quy định và buộc trả lại hồ sơ về nhà trường.

 “Quả bóng” trách nhiệm cứ thế đẩy từ nhà trường sang Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và ngược lại. Bất bình với cách làm trên, ông Lợi tiếp tục khiếu nại đòi quyền lợi chính đáng. “Hàng chục cuộc thanh tra, qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 5 nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Y tế, 7 nhiệm kỳ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú (nay là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ)... nhưng không có hồi kết bởi một góc khuất do nhà trường tạo ra”, ông Lợi buồn bã nói.

Do việc bàn giao hồ sơ cán bộ không đúng quy trình, nguyên tắc, đùn đẩy trách nhiệm giữa nhà trường và Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú khiến ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức (do nhân thân không rõ), không được hưởng các quyền lợi, chính sách theo quy định pháp luật... “Bảo bối” duy nhất của ông là chứng minh thư nhân dân nhưng hết hạn vào năm 1991 và không làm lại được vì không có hộ khẩu. Như vậy, vô hình trung ông Nguyễn Ngọc Lợi mất quyền công dân, tuy không bị ngồi tù.

Không có hộ khẩu, nhân thân không rõ ràng khiến chuyện kết hôn của ông Lợi “dở khóc, dở cười” khi gia đình vợ yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn mới cho tổ chức đám cưới. Vì thế, ông phải “cưới chui”. Năm 1995, anh em ở đơn vị cũ hỗ trợ, quyên góp mua đất, xây “Nhà đồng đội” tặng ông. “Ngặt nỗi, có nhà nhưng tôi không thể đăng ký quyền sử dụng đất, không đăng ký được hộ khẩu ở Hà Nội, con cái phải học trái tuyến”, ông Lợi than thở.

Gian nan mưu sinh, đi tìm công lý

Để mưu sinh, ông Lợi đã bươn chải làm nhiều nghề như viết báo, làm thuê ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Từ năm 1992, ông ký hợp đồng khoán việc và làm cộng tác viên của nhiều tờ báo, tạp chí như: Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Lao động và Xã hội... Ông từng giành giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi viết “Chân dung doanh nghiệp trên đường đổi mới” toàn quốc năm 1999. Năm 2014, sau khi có ý kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về việc bảo lãnh thân nhân, ông được cấp đổi lại chứng minh nhân dân, đăng ký hộ khẩu tại Hà Nội. Cũng năm đó, ông được đề bạt làm Phó tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường (nhưng cũng không được biên chế Nhà nước).

Yêu nghề báo nhưng bác sĩ Lợi vẫn tranh thủ thời gian tham gia các khóa học về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, siêu âm.... Thu nhập từ viết báo và khám bệnh tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân đã giúp ông tiếp tục hành trình đi tìm công lý cho mình.

Dù khiếu nại kéo dài nhiều năm nhưng ông Lợi luôn giữ tinh thần lạc quan của một cựu quân nhân, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và minh bạch của pháp luật, sự thật sẽ được làm sáng tỏ. Gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-11-2020, TTCP ban hành Quyết định số 686/QĐ-TTCP “Về việc kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu  nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi”. Tại quyết định này, ông Nguyễn Mạnh Cường, thanh tra viên cao cấp, Vụ III, TTCP là tổ trưởng.

Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho biết: “1. Vụ việc của ông Lợi đã có vi phạm, sai sót ngay từ khâu đầu tiên, đó là nhà trường đã bàn giao tài liệu, hồ sơ cho Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú không đầy đủ, không đúng nguyên tắc; Sở Y tế cũng có thiếu sót vì không kiểm tra kỹ nội dung, tài liệu trong hồ sơ được nhận bàn giao, sau đó lại làm thất lạc bộ hồ sơ đã nhận bàn giao, tạo cớ cho nhà trường không giải quyết các khiếu nại sau đó của ông Lợi. 2. Để vụ việc của ông Lợi kéo dài là do cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp giải quyết khiếu nại chưa công tâm, khách quan, làm chưa hết trách nhiệm. 3. Vụ việc của ông Lợi đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý, TTCP sẽ giám sát để yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Đồng tình với ý kiến của ông Cường, bác sĩ Hoàng Tiến Mạnh, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho rằng, nhà trường bàn giao hồ sơ cho Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú vừa thừa, vừa thiếu, vừa làm giả, vừa không đúng pháp luật. “Nó giống như bàn giao bao xi măng mà không biết trong đó chứa đầy đất”, ông Mạnh làm phép so sánh.

Đến ngày 23-2-2021, TTCP đã ra Thông báo số 262/TB-TTCP, theo đó TTCP xác định: Việc để xảy ra khiếu nại và việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi suốt 32 năm qua là do một số cơ quan, tổ chức làm việc thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan. Trước đó, ngày 26-1-2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 194/VPCP-V.I “Về khiếu nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi, TP Hà Nội” ghi rõ: “... Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên thực hiện kiến nghị của TTCP tại Báo cáo số 07/BC-TTCP ngày 11-1-2021; gửi báo cáo kết quả thực hiện đến TTCP trước ngày 31-3-2021 để TTCP tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...”.

Trước đây từng xảy ra nhiều vụ khiếu nại oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang, cụ Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh... Để không tái diễn việc tương tự, các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết vụ việc trên tinh thần “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển”; không nên suy đoán chủ quan, quan liêu; cán bộ khi tiếp xúc với người khiếu kiện nên tôn trọng, lắng nghe dân nói, dân trình bày, từ đó tìm ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý... Đối với người đi khiếu kiện cần bỏ quan niệm “con kiến đi kiện củ khoai”, phải bình tĩnh, tin tưởng vào cơ quan chức năng và hành xử theo đúng pháp luật.

Với kết luận của TTCP, chúng ta tin tưởng rằng, hành trình đi tìm công lý của cựu cán bộ đi B, bác sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Lợi sẽ có cái kết có hậu. Ông Lợi sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách và đền bù thỏa đáng. Đây cũng là bài học quý để các cơ quan chức năng, người trực tiếp xử lý đơn, thư khiếu kiện rút kinh nghiệm về trách nhiệm, thái độ, năng lực, đạo đức... khi giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để không xảy ra oan sai, cũng như bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ ta.

Bài và ảnh: THÁI KIÊN - YÊN BÌNH