QĐND - Mới đây, tôi và NSƯT Anh Phương đã được tham gia một chuyến thăm chiến trường xưa t­hật ấm áp, xúc động và thiêng liêng. Trong đoàn đi có các chiến sĩ của Đoàn Đặc công Hải quân 126: Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân; Đại tá Nguyễn Đình Thi, Đại tá Lê Văn Ức cùng Trung tá Lê Xuân Sênh. Cả bốn vị đã được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, là chiến sĩ đặc công hải quân năm xưa tham gia chiến đấu tại mặt trận Cửa Việt, Cửa Tùng, Đông Hà, Sông Hiếu...

Một số thành viên trong đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại buổi gặp gỡ ở Đông Hà.Ảnh: Quang Tuấn

Đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố cảng Hải Phòng. Trong đoàn  còn có Thượng tá Hoàng Minh Sơn, Đoàn trưởng, cùng Đại tá Đoàn Văn Mạnh, Chính ủy Đoàn Đặc công Hải quân 126 và một số thành viên khác. Dường như mong muốn được trở lại chiến trường xưa đã làm cả 30 người trong đoàn quên đi cái mệt. Mặc dù đều đã tới tuổi thất thập nhưng bốn vị anh hùng luôn vui vẻ, tươi cười rạng rỡ. Giọng nói vẫn sang sảng như đứng trước đoàn quân.

Ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, đúng giờ hẹn, đồng chí Phó chỉ huy trưởng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thanh đã có mặt để đón đoàn. Đồng chí nói giọng xúc động: Vinh dự cho quân dân Quảng Trị được đón những người con thân yêu trở về quê hương, trở về với chiến trường xưa trong những ngày tháng tư lịch sử - kỷ niệm 38 năm giải phóng Quảng Trị.

Từ Bộ Chỉ huy, đoàn đi xuống các xã Gio Hải, Gio Mai, phường Đông Giang, tới đâu cũng tay bắt mặt mừng rưng rưng giọt lệ, tiếng hỏi thăm át cả tiếng loa công cộng. Đồng chí Phạm Văn Phụng, Bí thư huyện ủy huyện Gio Linh xuống tận cầu thang đón chúng tôi, vừa đi anh vừa nói, toàn bộ huyện ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, mặt trận Tổ quốc, chánh phó văn phòng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đang có mặt đông đủ chờ đón các bác, các đồng chí.

Đồng chí bí thư huyện phát biểu: Kính thưa các anh hùng, thưa các đồng chí, hôm nay cán bộ, quân và dân Gio Linh nói riêng, quân dân Quảng Trị nói chung vô cùng vui mừng, hạnh phúc được đón những người anh hùng, đón các đồng chí Đoàn Đặc công Hải quân 126 anh hùng. Thế hệ chúng tôi khi đó còn nhỏ, là thế hệ con cháu của các bác, chúng tôi luôn tự hào về thế hệ cha anh đã chiến đấu để giải phóng quê hương đất nước, để hôm nay chúng ta được hưởng trọn mùa xuân đất nước hòa bình, cùng chung tay dựng xây đất nước, quê hương Gio Linh ngày càng giàu đẹp. Chính vậy mà các thế hệ cán bộ, quân dân Gio Linh mãi mãi ghi sâu, mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ, tri ân các cán bộ, chiến sĩ hải quân 126, trong đó có các anh hùng đang có mặt tại đây”... Những lời nói đượm sâu cảm xúc tận đáy lòng của một người con đất thép kiên cường, cho chúng tôi cảm giác thật ấm áp, thân mật.

Nhớ xưa, những chiến sĩ đặc công hải quân đã cùng quân dân Gio Linh, Quảng Trị làm nên Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu, làm nên trận "ngựa hí trên Biển Đông" làm cho kẻ thù bạt vía kinh hoàng, đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, là bài học quý giá cho hôm nay và mai sau về cách đánh tuyệt vời của trí tuệ, văn hóa Việt Nam.

Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường Chín, chúng tôi thấy các đoàn vào thăm viếng rất đông. Khi chúng tôi đến, Nghĩa trang Đường Chín đang trong giai đoạn hoàn thiện chi tiết. Tượng đài cao lồng lộng trên nền trời xanh, rừng xanh của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Cụm tượng đài có bố cục chặt chẽ, tạo hình chắc khỏe, đẹp về thẩm mỹ hội họa, bền chắc về chất liệu xây dựng, quy hoạch tổng thể kiến trúc hài hòa, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cầu Hiền Lương. Ảnh: Trần Tựa

Ở Thành cổ Quảng Trị, các đoàn ra vào nhiều nên công tác chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cũng mất chút thời gian. Nhân viên hướng dẫn trân trọng mời đoàn đứng vào vị trí trung tâm, tiếng nhạc quen thuộc, trang nghiêm lại vang lên, mọi người lặng yên hướng lên ngôi mộ lớn giữa trung tâm Thành cổ. Tiếng nhạc dứt, lần lượt mọi người bước lên từng bậc, từng bậc tới đỉnh mộ, rồi thắp nén nhang thơm vào bát hương lớn, bên cạnh đó là cây nến hướng thẳng lên trời xanh, như cầu mong linh hồn các anh siêu thoát hòa vào hồn thiêng sông núi, vào lòng Đất Mẹ Tổ quốc yêu thương.

Giọng cô gái Quảng Trị thuyết minh trầm bổng, nghẹn ngào. Mọi người đón nhận âm thanh của cô bằng cả trái tim mình, cúi đầu kính cẩn mà lòng quặn thắt thương đau. 81 ngày đêm đỏ lửa, những người con ưu tú với tuổi đời đôi mươi mười tám, còn đang dang dở bao ước mơ hoài bão, tạm gác bút nghiên, tạm xa bạn gái chưa trọn lời yêu thương… Rồi câu chuyện về lá thư của người lính trẻ trước khi vào trận đánh: Anh biết ra đi là không trở về, anh xin lỗi mẹ, anh xin lỗi cha chưa trọn chữ hiếu. Anh mong người vợ hiền yêu dấu thứ lỗi cho anh chưa trọn nghĩa vợ chồng... Giọng nói của cô hướng dẫn hòa trong tiếng nấc, tiếng sụt sùi.

Ở thôn Mai Xá, huyện Gio Linh, chúng tôi đã được gặp ân nhân của Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình. Ông xúc động nói: Đây là chị Láo, năm nay chị 83 tuổi, người chị nuôi yêu quý nhất của tôi và gia đình tôi! Hằng năm, tôi vẫn đón chị ra chơi vài tháng, muốn đón chị ra ở hẳn ngoài Hà Nội nhưng chị không nghe, vừa qua chị bị ngã nằm mất hơn một năm rồi. Nói tới đây khuôn mặt của vị tướng đượm buồn. Rồi ông kể tiếp: Khi mình ở đây chị nuôi dưỡng chăm sóc che chở cho mình chiến đấu. Tại căn nhà nhỏ này tôi đã thoát khỏi những trận càn, lùng sục của kẻ thù khi chúng phát hiện thấy nghi ngờ, chị rất thông minh nhanh trí nên tôi mới còn đến ngày hôm nay. Chị cũng bị bắt, tra tấn nhưng chị quyết không khai, giờ chị ở một mình không có chồng, không có con, chỉ có o đây là út của chị và các cháu trông nom". Nghe ông nói, chúng tôi lại càng trân trọng sự hy sinh không gì bù đắp được của người dân nơi đây.

Nằm trên giường, tai hơi nặng không nghe rõ nhưng đôi mắt bà Láo vẫn sáng và nhanh nhẹn, bà nói: "Tui cảm ơn đoàn, cảm ơn cậu mợ!". Mọi người đã gửi tặng bà chút quà. Đứng trong căn nhà khang trang mà Quân chủng Hải quân và cá nhân người em nuôi xây tặng bà, chúng tôi thấy ấm lòng và càng tự hào về Gio Linh, về Quảng Trị, về những người như bà Láo…

Một người nữa chúng tôi được gặp là o Tâm ở thị trấn Vĩnh Linh. O Tâm vừa từ Bệnh viện Trung ương Huế trở về, còn phải mổ một lần nữa, người yếu xanh, đi không vững. Nhưng nhìn thấy người thân về thăm, o cố gắng ngồi dậy, ra ngoài bàn đón khách. Bác Nguyễn Đình Thi giới thiệu với o Tâm về chúng tôi, mắt ông đỏ hoe, giọng nghẹn ngào. O Tâm ngồi đối diện cũng sụt sùi đưa tay quệt nước mắt. O Tâm muốn nói đôi lời mà không sao nói được, tiếng nấc xúc động làm khuôn mặt o lại càng thương. Bác trai đỡ lời cho vợ: Ngày xưa bị trúng đạn bẩy lần mất máu nhiều nên bây giờ nhà tôi yếu lắm”. Mọi người gửi tặng quà rồi nắm tay o động viên cố gắng giữ gìn sức khỏe. Đoàn chia tay lưu luyến. O Tâm cùng chồng ra tận đường tiễn đoàn...

NSƯT TRẦN TỰA