QĐND - Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều áp dụng phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đó là một phương thức đào tạo tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, đề cao việc tự học, tự nghiên cứu để phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên. Thế nhưng, tại thư viện các trường đại học, số sinh viên đến đọc sách lại thưa thớt hơn trước.

Khi thư viện trường đại học vắng sinh viên

Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội, được đặt tại nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cơ sở này chủ yếu phục vụ sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, toàn bộ phòng sách tham khảo của trung tâm ở tầng 3 nhà E đã đóng cửa ngừng hoạt động từ tháng 8-2015 để chuẩn bị cho việc chuyển địa điểm sang khu nhà khác. Vì vậy, hiện phòng phục vụ bạn đọc Thượng Đình rất vắng sinh viên đến đọc và mượn sách. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, khác hẳn với sự ồn ào, sôi động ngoài sân trường, trong phòng chỉ có 3 sinh viên đang đọc sách và 2 sinh viên đang đọc tạp chí. Một số sinh viên đến hỏi mượn sách tham khảo thì được cán bộ phụ trách thư viện chỉ đến phòng phục vụ bạn đọc ở ký túc xá Mễ Trì cách đó hơn 1km.

Một phòng thư viện tại ký túc xá Mễ Trì.

Theo chỉ dẫn của một cán bộ phụ trách thư viện, chúng tôi đến thư viện ở ký túc xá Mễ Trì. Đây cũng là một cơ sở thư viện thuộc Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội, phục vụ cho học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia khu vực ký túc xá Mễ Trì. Ban đầu, chúng tôi mường tượng ở đây sẽ đông sinh viên vì thư viện tại trường đang ngừng hoạt động phòng sách tham khảo. Tuy nhiên, vào những ngày giữa tháng 4, thời điểm chuẩn bị đến mùa thi, lượng sinh viên đến đây cũng lác đác. Tại phòng tự học tầng 1 chỉ có chừng hơn chục sinh viên đang ngồi học. Phòng đọc mở có 2, 3 sinh viên. Các phòng khác gần như không có sinh viên nào. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn là một phòng đọc sách của thư viện đã được sửa lại thành quán cà phê với không gian bắt mắt và khá đông khách.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường có nhiều ngành và hệ đào tạo, với khoảng 35.000 sinh viên. Thư viện của trường nằm ở tầng 9 và 10 tòa nhà C, bao gồm: Phòng đọc, phòng máy vi tính và cả phòng học nhóm để phục vụ sinh viên. Tại sân trường, chúng tôi hỏi 5 sinh viên thì có đến 3 người không biết chính xác thư viện ở đâu. 2 bạn còn lại dù biết nhưng lại chưa bao giờ đến thư viện của trường. Lên đến thư viện, chúng tôi chỉ gặp 6 sinh viên ở phòng học nhóm đang ngồi trò chuyện. Các phòng khác đều không có người.

Thư viện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều có tình trạng chung là vắng sinh viên. Qua quan sát chúng tôi thấy, nhiều sinh viên đến thư viện nhưng không đọc sách, cũng không tự học mà để nói chuyện, vào mạng xã hội, chơi game, xem phim, thậm chí để ngủ cho mát.

Phải chăng, chức năng của thư viện các trường đại học đang thay đổi?

Sinh viên đang “ngại” đến thư viện

Hiện nay, phần lớn các trường đại học ở Việt Nam đều đào tạo theo quy chế tín chỉ. Đây là hình thức đào tạo yêu cầu sinh viên nâng cao tính chủ động trong việc tự học và tìm tòi, nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, số sinh viên tìm đọc tài liệu trong thư viện lại rất ít. Dạo qua một số thư viện của các trường đại học tại Hà Nội, có thể thấy hiện nay, các thư viện được trang bị rất nhiều loại sách phong phú, cơ sở vật chất hiện đại, không gian tốt cho việc học tập. Thế nhưng, lượng sinh viên đến thư viện lại tỷ lệ nghịch với tốc độ đầu tư.

Phòng mượn sách giáo trình tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mai, sinh viên lớp K59, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết: “Em thường đến thư viện lúc gần thi hoặc những lúc trống 1 tiết học để đợi học tiếp môn sau. Nhưng bây giờ chỉ cần vào mạng internet gõ nội dung cần tìm là ra rất nhiều thông tin rồi nên cũng không nhất thiết phải đến thư viện đọc sách nhiều”. Mai còn cho biết thêm, các bạn lớp Mai cũng ít đến thư viện. Thậm chí, có nhiều bạn còn chưa đến bao giờ. Có nhiều môn học, giáo viên giới thiệu rất nhiều sách tham khảo nhưng cũng chẳng mấy bạn tìm đọc mà chỉ học theo những kiến thức thầy cô giảng trên lớp.

Hùng, sinh viên Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Các bạn nam cùng lớp em rất ít khi lên thư viện vào thời gian rảnh rỗi. Họ thường rủ nhau chơi trò chơi trực tuyến trên mạng internet. Để rồi đến những lúc gần thi hết môn, các bạn mới bắt đầu lúng túng không biết phải học từ đâu. Em thấy chỉ cần mỗi sinh viên chịu khó nghe giảng trên lớp, cùng một chút thời gian, công sức lên thư viện tìm các tài liệu liên quan đến môn học là đã có thể dễ dàng vượt qua các kỳ thi”.

Bà Vũ Thị Kim Anh, Phó giám đốc phụ trách công tác phục vụ bạn đọc của Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Những năm gần đây, lượng sinh viên đến thư viện có giảm hơn trước và không đều. Sinh viên thường chỉ đến thư viện nhiều vào những lúc gần thi. Hằng năm, trung tâm có tiến hành tổng kết qua phần mềm để lọc ra những sinh viên có lượt mượn sách nhiều nhất. Tuy nhiên, số sinh viên mượn đến 100 lượt rất ít”. 

Thư viện các trường đại học đang vắng sinh viên hơn.

Lý giải tình trạng này, theo bà Kim Anh, nguyên nhân đầu tiên là sinh viên hiện nay thường “ngại” đọc sách hơn. Mặt khác, do hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nên sinh viên có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng qua mạng internet. Cùng đó, nhiều thư viện đang xây dựng thư viện số để phục vụ sinh viên tốt hơn. Sinh viên chỉ cần có tài khoản thư viện thì có thể đọc tài liệu qua mạng internet. Tuy nhiên, lượng tài liệu được số hóa còn rất hạn chế vì liên quan đến vấn đề bản quyền. Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện tại mới chỉ số hóa được những tài liệu của Đại học Quốc gia và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, muốn đọc nhiều sách trong thư viện thì sinh viên vẫn phải đến trực tiếp.

Một trường đại học muốn nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải bảo đảm môi trường học tập cho sinh viên, bao gồm: Thư viện, cơ sở vật chất, môi trường thực tế. Tại nhiều trường đại học nước ngoài, sinh viên lên giảng đường chỉ để giải đáp các thắc mắc của mình, thời gian còn lại là dành cho việc tự học và nghiên cứu. Vì thế, thư viện chính là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tri thức rộng lớn, chính thống cho sinh viên. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn sinh viên chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc tự học tập, nghiên cứu. Để cải thiện được tình trạng này, bản thân mỗi trường đại học phải có thêm những giải pháp để có thể khuyến khích, giúp sinh viên có thêm niềm yêu thích mỗi khi bước chân vào thư viện. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động, tích cực của các bạn sinh viên trong việc học cũng như đọc sách. Bởi, đọc sách không chỉ là để phục vụ học tập mà còn giúp làm dày thêm kiến thức, kỹ năng, vốn sống của mỗi người.

Bài và ảnh: THU HÒA - TIẾN CƯỜNG