Một ngày cuối năm, Quảng trường Ba Đình đầy ắp nắng vàng. Gặp chúng tôi phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thượng tá Phạm Văn Vương nhẹ nhàng nói: “Hôm nay, tôi đến làm việc sớm hơn để kiểm tra công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ chuyên môn. Xong việc tôi sẽ dành thời gian làm việc với các đồng chí”. Biết nhau từ hơn 6 năm về trước nên chúng tôi rất hiểu tính anh Vương. Trong mọi công việc, anh luôn cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu. Lần đầu gặp anh khi chúng tôi đến Viện 69 tìm hiểu một số tư liệu về Bác Hồ. Buổi làm việc hôm đó diễn ra từ sáng đến quá trưa nhưng anh vẫn ân cần, nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm thu thập tư liệu. Khi về nhà anh còn gọi điện, nhắn tin hỏi thăm chúng tôi đã có đủ thông tin chưa, cần thêm gì anh sẽ giúp đỡ. Lòng nhiệt huyết, tận tâm trong công việc đã gắn kết chúng tôi với anh từ đó.

Vốn là người trầm tính, ít nói nhưng mỗi khi kể chuyện về Bác Hồ, anh Vương luôn thể hiện một nguồn năng lượng nhiệt huyết, tươi sáng. Anh tâm tình, năm 1989, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có hai anh trai đang phục vụ trong Quân đội nhưng anh vẫn tình nguyện xin nhập ngũ. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi đợt tuyển quân năm ấy, xã Chân Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) chỉ có mình anh đủ tiêu chuẩn nhập ngũ vào Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết tin, mẹ anh đã bật khóc trong niềm hạnh phúc và tự hào.

Đến giờ đã 54 tuổi, có hơn 30 năm làm nhiệm vụ chăm sóc thi hài Bác, anh vẫn nhớ như in lời mẹ căn dặn: “Con được trở thành người chiến sĩ phục vụ bên Lăng Bác Hồ là niềm vinh dự, hồng phúc của gia đình nên phải chịu khó rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thật trong sáng”. Lời căn dặn mộc mạc của mẹ đã thấm sâu vào tâm trí và trở thành động lực để anh phấn đấu. Buổi đầu nhập ngũ, còn bao bỡ ngỡ nhưng anh luôn chấp hành nghiêm quy định, kỷ luật. Khi được cấp trên giao nhiệm vụ, anh đều tận tâm, tận lực thực hiện nhanh chóng và chính xác. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh không ngừng phấn đấu rèn luyện, được lãnh đạo Viện cử đi học trung cấp quân y. Khi ra trường, anh lại được về công tác tại Viện 69.

Nhớ lại kỷ niệm lần đầu được làm việc trong Lăng Bác Hồ, anh Vương kể: “Về Viện 69, tôi được giao nhiệm vụ làm việc ở Đội Y tế đặc biệt. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị trang bị, vật tư, phục vụ công tác chăm sóc thi hài Bác. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng lần đầu tiên được đến gần Bác, thấy đôi mắt Bác khép nhẹ, miệng như đang mỉm cười. Hình ảnh đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi phải đứng lặng vài phút để giữ bình tĩnh, sau đó mới tiếp tục làm việc. Hình ảnh, thần thái của Bác bừng sáng, liêng thiêng in sâu vào trái tim, khối óc của tôi”. Chăm sóc thi hài Bác là một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, ngoài tay nghề giỏi còn phải có tâm lý vững vàng, tình cảm sâu sắc. Công việc này không chỉ được thực hiện bằng bàn tay và khối óc mà còn bằng cả con tim kính trọng, lòng biết ơn vô bờ bến trước công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

May mắn được lựa chọn là một trong những người phục vụ trực tiếp chăm sóc thi hài Bác nên hơn 30 năm qua, anh Vương luôn cố gắng cùng đồng đội, đồng nghiệp thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ gìn thi hài của Bác ở trạng thái tốt nhất.

Trên giá sách trong căn phòng nhỏ đơn sơ ở Viện 69, chúng tôi thấy Thượng tá Phạm Văn Vương có nhiều loại sách, tài liệu gồm cả sách tiếng Việt và sách tiếng nước ngoài. Đoán được ánh mắt tò mò của chúng tôi, anh Vương giãi bày: “Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi tự học thêm tiếng Anh và tiếng Nga, học tại chức ở Trường Đại học Bách khoa để nâng cao trình độ phục vụ nhiệm vụ được tốt hơn”.

Trước năm 1992, công việc giữ gìn thi hài Bác do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm nhiều phần việc. Chúng ta đã hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow, mời chuyên gia sang giảng dạy và hướng dẫn kinh nghiệm về chuyên ngành bảo quản thi hài. Sau nhiều năm được sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga, cán bộ, nhân viên Viện 69 đã nỗ lực học hỏi, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt công nghệ, vừa làm chuyên môn vừa nghiên cứu khoa học phục vụ giữ gìn thi hài. Trên cương vị Đội trưởng Đội Y tế đặc biệt, phụ trách những phần việc quan trọng của Viện 69, theo anh Vương, để việc chăm sóc, bảo quản thi hài Bác đạt kết quả cao nhất, công tác chuẩn bị về mọi mặt phải hết sức kỹ càng, thận trọng.

leftcenterrightdel

 Thượng tá, Thầy thuốc Ưu tú Phạm Văn Vương (người ngồi) bồi dưỡng nghiệp vụ cho đồng nghiệp.

Công việc làm thuốc thường xuyên được Viện 69 thực hiện đều đặn hằng tuần. Đây là công việc đặc biệt, yêu cầu an toàn tuyệt đối, không thể để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất nên trên cương vị Đội trưởng Đội Y tế đặc biệt, anh Vương thường xuyên quán triệt và nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong Đội ghi nhớ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “Nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác”. Bên cạnh nội dung về chuyên môn, anh cũng thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tình trạng sức khỏe của đội ngũ cán bộ y tế khi chuẩn bị được giao nhiệm vụ chăm sóc thi hài Bác; kịp thời điều chỉnh, thay thế lực lượng nếu ai có biểu hiện ốm đau hay tâm lý mệt mỏi, thiếu tập trung.

Sự nghiệp gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bước sang năm thứ 55. Nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác. Với tất cả tấm lòng kính yêu Bác, anh Vương đã cùng đồng nghiệp chủ động nghiên cứu, triển khai thực nghiệm, đề xuất với thủ trưởng đơn vị về ý tưởng cải tiến vật liệu, dụng cụ, quy trình làm việc... Vì thế, anh cùng với đồng đội trong Đội Y tế đặc biệt đã có nhiều sáng kiến góp phần trực tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của đơn vị.

Theo anh Vương, nhiệm vụ của Đội Y tế đặc biệt cũng như của Viện 69 không có nhà trường hay cơ sở đào tạo nào trong cả nước giảng dạy, vì thế, công tác huấn luyện, đào tạo tại chỗ được thủ trưởng các cấp và Đội đặc biệt coi trọng. Từ các nội dung học tập được chuyên gia Nga hướng dẫn, những kinh nghiệm quý báu của nhiều thế hệ, anh Vương và đồng đội đã chắt lọc, đúc rút, biên soạn thành các tài liệu huấn luyện của đơn vị, giúp cán bộ, nhân viên mới về học tập, rèn luyện cả về lý thuyết và thực hành.

Với những đóng góp và thành tích đã đạt được, nhiều năm liền anh Vương được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2007, Đội trưởng Phạm Văn Vương được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân. Năm 2022, Thượng tá Phạm Văn Vương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đạt được những thành tích rất đáng trân trọng nhưng khi trò chuyện, anh Vương luôn bày tỏ thái độ khiêm tốn. Với anh, niềm vui lớn nhất là qua các lần kiểm tra, đánh giá thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội đồng khoa học đều kết luận: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt.

Đặc biệt, Năm 2019, tại Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Khoa học cấp nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Khoa học y tế cấp nhà nước kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các hội đồng trước đây”. Đó là thành tích mà anh và các đồng đội, đồng nghiệp luôn tự hào vì đã góp phần công sức nhỏ bé của mình để gìn giữ lâu dài thi hài Bác Hồ kính yêu.

Bài và ảnh: ĐỖ NỤ - HẢI ĐĂNG