QĐND - Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng Tám mưa ướt sũng từng con phố, thế mà hôm nay trời lại trong xanh và thoáng đãng đến lạ. Buổi sáng, Đại lộ Lê Duẩn nhuộm đỏ màu cờ Tổ quốc và rực rỡ sắc hoa. Ngước nhìn cờ bay phấp phới hai bên đường mà cứ ngỡ như được sống lại hào khí của 73 năm về trước, những ngày miền Nam cùng cả nước sục sôi Tổng khởi nghĩa. Tôi ghé lại ngồi uống cà phê bệt ở Công viên 30-4, nơi tấm bia đá ghi dấu sự kiện lịch sử ngày 2-9-1945, hơn một triệu người dân Sài Gòn-Gia Định đã tập hợp tại đây để đón nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

leftcenterrightdel
Đại lộ Lê Duẩn đi qua Công viên 30-4 (TP Hồ Chí Minh)

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, công viên rợp mát cả một khoảng trời bởi những cây cổ thụ tán rộng và xanh tươi. Công viên 30-4 được xem như là một nhân chứng sống xanh giữa lòng Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Tại thành phố này, mỗi góc phố, tòa nhà đều mang đậm dấu ấn của thời gian. Nhà thờ Đức Bà trang nghiêm cổ kính được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc. Bên cạnh là Quảng trường Norodom, nơi hàng triệu người tập trung hò reo trong niềm vui độc lập ngày 2-9-1945. Trụ sở Tổng hội Sinh viên số 4 Duy Tân (nay là Nhà văn hóa Thanh niên trên đường Phạm Ngọc Thạch), chính là nơi lưu dấu những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của trí thức trẻ Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để rồi ngày 30-4-1975, đoàn quân chiến thắng của chúng ta với khúc khải hoàn ca tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tôi không được chứng kiến những thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy của dân tộc, nhưng mỗi dịp Lễ Quốc khánh, khi xem lại từng thước phim vô giá có tên “Ngày Độc lập 2-9-1945”, ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trên Quảng trường Ba Đình, đều thấy lâng lâng, tự hào khôn tả. Hay mỗi lần có dịp đến tham quan Bảo tàng TP Hồ Chí Minh (quận 1), tôi đều không thể rời mắt khỏi bức ảnh chụp không khí mít tinh mừng Ngày Độc lập 2-9-1945 ở Sài Gòn, cùng những hình ảnh khác về Ngày lễ Độc lập năm ấy, được trưng bày tại phòng chủ đề “Đấu tranh Cách mạng giai đoạn 1930-1945”. Tất cả được phục dựng một cách công phu, khiến cho người xem cảm nhận được không khí tưng bừng, nô nức và hừng hực quyết tâm của hàng triệu triệu đồng bào Nam Bộ đứng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất.

Hít căng lồng ngực không khí mát rượi, dưới gốc cây cổ thụ, tôi ngồi xuống bên cạnh, hỏi chuyện bà cụ bán nước đã ngoài 80 tuổi, ở Công viên 30-4. Cụ tên là Nguyễn Thị Bé, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Hằng ngày, cụ được người con trai đưa ra công viên ngồi bán nước cho đỡ buồn, vừa kiếm thêm chút thu nhập. Thấy tôi chăm chú đọc từng dòng chữ khắc trên tấm bia đá kỷ niệm ngày 2-9-1945, cụ Bé vỗ vai tôi cười nói: “Con uống cà phê đi, coi chừng đá tan hết. Nếu muốn nghe chuyện về Ngày Độc lập thì bà kể cho nghe”. 

Chỉ tay ra đường Lê Duẩn, giọng cụ Bé nhẹ ấm: Năm ấy, bà mới chỉ là đứa trẻ 10 tuổi, ngồi phía sau xe đạp của cha và đứng đợi nghe bài đọc diễn văn của Cụ Hồ ở Hà Nội được truyền vào Sài Gòn qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Dưới cái nắng chói chang lúc 12 giờ trưa, hàng triệu người dân Sài Gòn-Gia Định tập trung về Quảng trường Norodom tham gia mít tinh, diễu hành trong niềm vui nước nhà được độc lập. Bà còn nhớ rất rõ bầu không khí nóng dần lên vì đông đúc, khi các đoàn thể, dân quân, thanh niên, học sinh từ các vùng ngoại ô kéo về nội thành, cả đại lộ Cộng Hòa thành một biển người. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc kỳ. Ngày đại lễ của dân tộc, ai cũng ăn mặc chỉnh tề và trang trọng hơn mọi ngày. Thanh niên tiền phong gọn gàng trong đồng phục quần soóc, áo sơ mi ngắn tay, tay cầm tầm vông vạt nhọn, thắt lưng đeo dao găm và cuộn dây thừng, đi nhịp nhàng theo tiếng hô. Tiếp theo là đoàn viên Tổng công đoàn Nam Bộ, đoàn quân nhân cách mạng rồi đến tầng lớp nhân dân ở nhiều nơi đổ về, đông đúc nhưng đều ngay ngắn.

Khoảng 14 giờ, cả quảng trường đã rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Theo dự kiến, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ tại Hà Nội vào Sài Gòn để mọi người cùng nghe. Nhưng do trục trặc nên việc tiếp sóng không thành công. Ông Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa và là Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã nhanh chóng lên lễ đài ứng khẩu bài diễn văn. Cả quảng trường im phăng phắc, thỉnh thoảng lại rộ lớn tiếng hô vang khẩu hiệu. Kể xong, cụ Bé cười hóm hỉnh: “Giá mà lúc ấy có điện thoại như bây giờ, bà sẽ quay lại để mỗi lần nhớ thì lôi ra xem”. Lúc này, tôi nhìn thấy trong đôi mắt già nua của cụ, có ngấn nước dâng lên. Và tôi tin rằng đó là nước mắt hạnh phúc. Tôi có cảm giác, không chỉ cụ Bé mà những người lớn tuổi đang thả hồn trong khuôn viên Công viên 30-4 này, hay cả những bạn trẻ đang thưởng thức cà phê “bệt” kia, đều có thể kể cho tôi nghe những câu chuyện về Tết Độc lập ở Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh.

Niềm tự hào ấy mang đầy hào khí của hàng triệu người dân Nam Bộ trong ngày 2-9-1945 và mang niềm tin sắt son của miền Nam hôm nay đối với Đảng, với Tổ quốc. Có lẽ chính vì thế, Ngày Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn đã trở thành một dấu son quan trọng, giúp đoàn kết nhân dân miền Nam xung quanh mặt trận Việt Minh, liên tiếp giành thắng lợi trong những cao trào đấu tranh cách mạng sau này.

Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm độc lập, quảng trường đầy nắng năm ấy nay đã đổi mới và phát triển bội phần. Bao công trình mới đã mọc lên và vươn cao, như chính sức sống của thành phố trẻ anh hùng trên con đường hội nhập, phát triển.

Công viên 30-4 bây giờ đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách thập phương. Qua bao cuộc chiến tranh, thành phố này đã chứng kiến những chiến công hiển hách của quân và dân Sài Gòn-Gia Định trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Đó là những chiến công thể hiện khí phách và sức mạnh Việt Nam, để Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hôm nay trở thành nơi “đất lành chim đậu”, hội tụ con dân nước Việt về chung tay xây dựng thành phố đẹp giàu.

Có nhiều người đã nói với tôi, thành phố luôn kiên cường, phóng khoáng và bao dung để dung nạp và đón nhận rất nhiều dòng lao động từ mọi miền đất nước về với mình. Tất cả những dấu ấn riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán đều hòa quyện với nhau theo thời gian, tạo nên một cộng đồng người có nhiều điểm chung và có những điều khác biệt. Nó giống như một đại gia đình Việt Nam thu nhỏ ở đất Sài thành. Dù có khác dân tộc, khác giọng nói, nhưng đều là “con Lạc, cháu Hồng”, có chung mục đích là xây dựng đất nước giàu mạnh, Tổ quốc trường tồn. 

73 năm kể từ Tết Độc lập đầu tiên, nhất là 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Người dân thành phố, người dân đến từ các tỉnh đã chung tay xây dựng đô thị trẻ trung này bằng lòng yêu nước, bằng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và bằng cả lòng tự trọng, lòng yêu thương Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh của mình nữa.

Những ngày đầu năm 2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Thành phố sẽ tập trung các giải pháp phát huy nguồn lực sáng tạo, đột phá của người lao động, đóng góp vào sự phát triển thành phố. Quyết tâm xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh phát triển”. Để thực hiện được quyết tâm này, thành phố rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bằng chứng là cuối tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố đã thông qua đề án “Thu hút, sử dụng và phát triển người có tài năng đặc biệt”, với những chính sách ưu đãi cao và tạo môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp...

Tôi nhìn về phía tấm bia đá kỷ niệm, khẽ nhắm mắt rồi mường tượng ra cái không khí của ngày Tết Độc lập năm xưa. Hàng cây vẫn rợp bóng mát như che bớt cái nắng chói chang của đất phương Nam. Bên kia đường, đoàn du khách nước ngoài qua đường với sự trợ giúp của các bạn thanh niên tình nguyện. Họ đang hòa cùng niềm vui với người dân thành phố trong dịp mừng Lễ Quốc khánh. Còn tôi chỉ muốn đến bên họ, kể cho họ những câu chuyện về thành phố của mình. Tôi cũng muốn đưa du khách trong và ngoài nước đến tòa nhà Bitexco, đường Nguyễn Huệ, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm chui Thủ Thiêm, hay giới thiệu với mọi người về cảng Cát Lái, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và những công trình đô thị hiện đại, hoành tráng khác. Sự thay đổi ấy là công sức của bao thế hệ người Việt Nam nói chung, người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nhưng điều cốt lõi ở đây là nó bắt nguồn từ tinh thần của Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2-9-1945. Đó là sức mạnh của dân tộc, đã tạo nên cuộc cách mạng thần thánh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại.

Ngày nay, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Dẫu cho còn nhiều khó khăn, thử thách, dẫu cho còn những điều phải sửa chữa, khắc phục, nhưng với khí thế của Ngày Tết Độc lập năm xưa, truyền thống đấu tranh anh dũng của mình, Đảng bộ và nhân dân thành phố sẽ làm được điều mong muốn là “TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” luôn xứng đáng với miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, xứng đáng với dân tộc Việt Nam “ngàn lần anh hùng” và xứng đáng với niềm tin yêu của chúng ta hôm nay, cũng như của các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: LÊ CÚC