Trong sóng gió đại dương, những tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của trẻ thơ, những tiếng đánh vần ê, a trong lớp học cùng nhịp chuông chùa thánh thót vang xa… khiến đảo tiền tiêu thêm thanh bình, thơ mộng, nặng nghĩa tình quân dân.
“Quê con ở Trường Sa”
Đảo Song Tử Tây (xã đảo Song Tử, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nhìn từ xa như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Ở một góc “khu rừng” ấy là khu dân cư của xã đảo, hầu hết là gia đình ngư dân, sống quây quần, ấm áp bên nhau. Những bức tường sơn vàng hòa cùng màu xanh của cây lá tạo nên một gam màu sáng tươi hy vọng. Rảo bước dưới bóng cây bàng quả vuông, phong ba rợp mát, chúng tôi tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, một trong những hộ dân của đảo. Chồng chị Trang là anh Đào Văn Trí, 34 tuổi, đang cùng hàng xóm vươn khơi đánh cá. Ba mẹ con chị ở nhà ríu rít bên vườn rau, giàn mướp sai trĩu quả. Chị Trang kể: “Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác sinh cơ lập nghiệp trên đảo, lúc nào cũng giữ gìn quan hệ quân dân thật trong sáng, nghĩa tình. Chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ trên đảo động viên, giúp đỡ tăng gia sản xuất, tạo thuận lợi cho ra khơi đánh bắt hải sản phục vụ đời sống nên kinh tế gia đình ngày thêm khấm khá”.
Vợ chồng chị Trang có 2 con nhỏ, cháu lớn vừa học xong lớp 1, cháu nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Nhớ lúc sắp đến ngày “vượt cạn” sinh con thứ hai, chị lo lắng, muốn về đất liền sinh nở. Chồng chị cũng sốt ruột nhưng được các bác sĩ quân y thăm khám, động viên, anh chị yên tâm ở lại. Ngày trở dạ, chị được đưa sang bệnh xá hộ sinh. Hôm ấy, cả đảo nín thở, hồi hộp chờ đợi. Và, chỉ vài giờ sau, công dân tí hon của đảo Song Tử Tây đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng của quân dân xã đảo. Đứa bé ấy, giờ đã ngày ngày bi bô, lon ton chơi cùng các anh, các chị trong xóm ngư dân.
Phụ nữ và trẻ em trên xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị đón khách từ đất liền ra thăm.
Ở đảo Sinh Tồn (xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa), “ngôi làng” của ngư dân nằm gần UBND xã và trường tiểu học; có cả nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Những cặp vợ chồng định cư ở đây rất phấn khởi, bởi cơ sở vật chất khá tươm tất. Vợ chồng anh Võ Kim Toàn và chị Trần Thị Tiệm đã có nhiều năm gắn bó với quần đảo Trường Sa. Chị Tiệm hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Kể về cái duyên đưa anh chị chọn Trường Sa làm nơi lập nghiệp, anh Toàn tâm sự: Từ nhỏ tôi đã sống trên đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa), làm nghề đánh bắt cá, giỏi chịu sóng gió nên tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con ngư dân trong mỗi chuyến đi biển. Nhờ vậy được bà con quý mến, tin yêu. Giờ làm ăn, sinh sống ở đây, quen với cuộc sống và công việc trên đảo, chẳng muốn rời xa nữa…
Nghe cha mẹ nói chuyện, cậu con trai Võ Trung Tín, 10 tuổi, vừa học xong lớp 4, mừng rỡ tiếp lời: “Con muốn học với thầy Đức và các bạn. Quê con ở đây mà”. Chưa đầy 6 tuổi, Tín đã cùng cha mẹ vượt sóng gió đến đảo Sinh Tồn. Hàng ngày, Tín được thầy giáo Lê Anh Đức dạy học, được thầy hướng dẫn các trò chơi và chiều chiều dẫn ra biển ngắm mặt trời hụp lặn lúc hoàng hôn. "Quê con ở Trường Sa" là lời khoe đầy kiêu hãnh, tự hào của Võ Trung Tín cùng hàng chục đứa trẻ khác khi nghe chúng tôi hỏi thăm về quê hương của những người lính biển.
Đùm bọc như anh em ruột
Mặt trời lên chừng một con sào cũng là lúc những chiếc thuyền của ngư dân đảo Sinh Tồn về tới âu tàu. Những người phụ nữ đã đứng sẵn trên bờ đợi chồng để thu, giặt lưới và chia nhau thành quả của một đêm đi biển. Tất cả cá, tôm đều được chia cho các hộ gia đình mỗi nhà một ít; còn một phần dành tặng bộ đội cải thiện bữa ăn. Dường như, ở nơi biển đảo xa xôi này, tình nghĩa láng giềng, tình cảm quân dân càng thêm gắn bó. Họ giúp đỡ nhau trong công việc thường ngày, sẻ chia miếng ngon vật lạ và thường xuyên động viên nhau những lúc khó khăn.
Anh Võ Thanh Hoàng, cư dân xã đảo Sinh Tồn, kể: “Cuối năm 2015, mùa khô kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng trong đất liền. Ngoài này, chúng tôi cũng thiếu nước ngọt trầm trọng. Bộ đội cũng khan hiếm nước ngọt để sử dụng hằng ngày nhưng Ban CHQS đảo vẫn quyết định ưu tiên cung cấp nước ngọt cho các hộ dân. Nhận từng thùng nước được các chiến sĩ chắt chiu, dành dụm chuyển tới các hộ dân trong lúc khó khăn, chúng tôi càng thêm thấm thía, trân trọng tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã thôi thúc chúng tôi thêm vững tâm bám biển, bám làng, cùng các anh bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo xanh tươi, vững mạnh”.
Các hộ dân trên đảo Song Tử Tây chia nhau những phần quà từ đất liền gửi ra.
Xóm ngư dân trên đảo Sinh Tồn khá trù phú. Nhà nào cũng đầy đủ ti vi, tủ lạnh, thậm chí có cả giàn ka-ra-ô-kê để cả xóm quây quần thư giãn vào những buổi cuối tuần. Ban ngày, đàn ông trong xóm tham gia tuần tra giữ gìn an ninh trật tự trên đảo; phụ nữ thì ở nhà nội trợ, trồng rau, chăn nuôi và chăm sóc con. Ban đêm hoặc lúc gần sáng, những người chồng rủ nhau ra khơi đánh bắt hải sản ven bờ. Khi trở về họ lại chia nhau những đặc sản mà biển khơi trao tặng. Cuộc sống của những hộ dân trên đảo thật yên bình, ấm áp. Anh Võ Xuân Bảo, dân quân xã Sinh Tồn, chia sẻ: “Mọi người ở đây đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt. Đàn ông vừa tham gia dân quân xã, vừa tranh thủ ra khơi giăng lưới đánh bắt cá, tôm. Chúng tôi xác định rõ tư tưởng, đi biển không chỉ cải thiện đời sống mà sự hiện diện của những con thuyền đánh cá hay những ánh đèn câu mực ban đêm còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Đó là những hoạt động bình thường của ngư dân trên ngư trường Tổ quốc”.
Tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, tình cảm quân dân trên huyện đảo Trường Sa thật là đặc biệt. Ở đảo Song Tử Tây, các hộ dân bảo nhau mỗi nhà trồng một loại rau để có được nguồn thực phẩm đa dạng san sẻ cho nhau; nuôi được nhiều loại gia súc, gia cầm như bò, lợn, chó, gà, vịt… chẳng khác gì ở trong đất liền. Những lúc rảnh rỗi, chị em tranh thủ giúp đỡ bộ đội làm công tác hậu cần bảo đảm đời sống. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng tích cực tăng gia phủ xanh đất trống; lựa chọn những vạt đất được che chắn bởi cây xanh, tường nhà để trồng rau, gieo hạt. Mùa mưa, rau xanh khan hiếm, vườn tăng gia của bộ đội và những hộ dân trở thành tài sản chung, cung cấp cho cả đảo.
Chúng tôi may mắn được chứng kiến chuyến tàu chở quà từ đất liền gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây. Những thùng hàng được chia đều cho các lực lượng đứng chân trên đảo. Cụm chiến đấu 1 và bộ phận bệnh xá quân y gần khu dân cư nên anh em lựa chọn những mặt hàng tươi ngon ưu tiên cho các hộ dân, nhất là những hộ đang nuôi con nhỏ. Ngay trong xóm dân cư, chị em cũng nhường nhau, ưu tiên phần ngon chia cho thầy giáo, mong thầy mạnh khỏe để dạy dỗ con trẻ nên người. Thế mới biết, trong khó khăn, vất vả giữa ngàn trùng đại dương, tình người càng thêm tỏa sáng.
Chị Phạm Thị Bích Luyện, cư dân đảo Song Tử Tây bộc bạch: “Cuộc sống trên đảo chẳng thua kém đất liền là mấy, có chăng chỉ hạn chế hơn ở phương tiện đi lại nhưng về mặt tình cảm thì ấm áp hơn nhiều. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”. Đồng cảm với suy nghĩ của chị Luyện, Thượng tá Trương Sĩ Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây khẳng định: “Ở bất cứ nơi đâu, dù thời chiến hay thời bình, tình nghĩa quân dân vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng, thân thiết, nhất là nơi đầu sóng ngọn gió. Mỗi người lính Hải quân làm nhiệm vụ trên đảo tiền tiêu nguyện đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con yên tâm xây dựng cuộc sống trên quần đảo Trường Sa”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH