“Em đang ở gần Xín Chải. Anh lên ngay đi!”-giọng Sơn reo vui trong máy điện thoại. Xã Xín Chải của huyện Vị Xuyên cách trung tâm thành phố Hà Giang chừng 50 cây số. Đường lên đó khá đẹp nhưng dốc gắt, vực sâu; nhiều góc cua tay áo thoai thoải rệ về phía tà luy âm, nói chung là nếu đi không quen thì rất… ớn; nắng thì đã ngả về chiều. Tôi cố thu mình vào trong chăn dưới cái không khí lành lạnh của miền sơn cước, giọng ngập ngừng: “Có lẽ anh chỉ hỏi thăm chú thế thôi”. “Ôi anh ơi, lên ngay đi, trăng trên này đẹp lắm!”. Câu nói cuối của Sơn đã phá tan mọi sự “phòng vệ cuối cùng”. Tôi phóng xe theo hướng ngược dòng sông Lô về Cửa khẩu Thanh Thủy. Trước khi lên đèo, ánh nắng đã tắt ngấm sau điểm cao 1.509.
Đến Xín Chải thì đã 7 giờ tối. Trung tâm xã vắng hoe. Tối không rõ mặt người. Mảnh trăng như cái vung đã nhô lên sau điểm cao 1.800. Sơn chờ trên đường từ bao giờ. Hai anh em tay bắt mặt mừng, rồi hắn chỉ lên đốm sáng nhỏ như con đom đóm giữa lưng chừng núi: “Công trình của bọn em ở trên kia”. Tôi xốn xang nhớ lại những lần lên chốt cùng Đại đội Công binh 19 (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) của Sơn. Lúc đó anh Vũ Hồng Mạnh còn là đại đội trưởng, giờ thì anh Mạnh đã về làm Tham mưu trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Những kỷ niệm với anh ở đỉnh Mã Tẻn (Bản Máy, Hoàng Su Phì), bản Tả Mù Cán (xã Xín Mần, huyện Xín Mần) lại ùa về. Cuộc sống của anh “lính” công binh nay đây mai đó, chưa hề nguôi vợi nỗi vất vả, nhọc nhằn.
Công trình của Đại đội Công binh 19 là Nhà văn hóa bản Nhìu San-một trong ba công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh. Bản Nhìu San có 30 hộ dân, 100% dân tộc Dao; trưởng bản, phó bí thư chi bộ là ông Bàn Văn Hồng; chi bộ gồm 26 đồng chí đảng viên, trước cũng là “lính tỉnh đội”. Bản Nhìu San ngoài công trình nhà văn hóa đang được bộ đội xây sửa còn được tỉnh “tặng” một con đường dài 4km nối với trung tâm xã, đường cũng sắp hoàn thành. Ông Hồng bộc bạch: “Bản mình được Đảng, Nhà nước và quân đội ưu tiên nhiều quá, nhân dân rất phấn khởi, cảm ơn khôn xiết”. Vui chuyện, tôi kể với các đảng viên trong bản về cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang mà chúng tôi vừa thực hiện. Theo đó, Hà Giang sẽ tập trung triển khai ba mục tiêu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết là hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối tỉnh với cao tốc Nội Bài-Lào Cai và nước bạn, nâng cấp hệ thống giao thông trong tỉnh. Sau đó là đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Giải pháp thứ ba là chuyện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Không chờ đến Đại hội Đảng bộ tỉnh mà ngay thời điểm này, Tỉnh ủy Hà Giang đang chỉ đạo các cơ quan xây dựng các đề án phát triển kinh tế và triển khai sớm.
Vui lây, Đại úy Nguyễn Kim Sơn cũng kể chuyện hôm trước vừa được “chào báo cáo” Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, nhân dịp đồng chí lên dự lễ cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Tới đây, theo chủ trương của Tỉnh ủy Hà Giang, mọi hoạt động cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh (trước đó là cấp huyện). Anh Lỳ Văn Sảng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Xín Chải, cũng kể lại rằng vừa được tham quan mô hình V.A.C của Ban CHQS huyện Quản Bạ. Mô hình này mới được thực hiện nhưng đã cho thấy hiệu quả cao. Số là, anh em bộ đội mình tăng gia sản xuất đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để cây xanh hơn, con to hơn lại tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sắp tới, có mấy đợt dân quân tập trung về huấn luyện sẽ kết hợp tham quan, học hỏi. Cái hay ở đây là việc học hỏi và tham quan diễn ra rất thực chất và nhiều anh em dân quân về đã áp dụng được mô hình V.A.C tại gia đình.
Một hoạt động lớn nữa đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, đó là xây, sửa nhà giúp các gia đình có công với nước. Vào thời điểm hiện tại đã hoàn thành xây dựng 2.260 căn nhà thuộc 34 xã biên giới trên địa bàn tỉnh; con số này sẽ tiếp tục tăng lên vì tỉnh đang triển khai làm hắt vào các xã sâu trong nội địa. Số lượng nhà không hạn chế, huyện, xã đăng ký bao nhiêu cũng được nhưng phải đúng người, đúng đối tượng. Đối tượng là bất cứ cựu chiến binh nào có hoàn cảnh khó khăn, có nhà dột nát sống trên địa bàn do xã, huyện quản lý đều được hưởng chính sách hỗ trợ này. Tôi cũng đã được tham quan một căn nhà như thế, đó là căn nhà của cựu chiến binh Hầu Mí Vàng ở huyện Quản Bạ. Nhà xây rộng chừng 100m2, kiến trúc theo đúng bản sắc của dân tộc Mông, mái lợp bằng tôn cách nhiệt rất chắc chắn. Đồng chí Hoàng Đình Phới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ nói đây là sáng kiến của huyện. Theo tiêu chuẩn của tỉnh thì nhà chỉ có “ba cứng” (nghĩa là sàn, tường, mái cứng), nhưng huyện đưa thêm hai tiêu chuẩn nữa là “hai sạch” (sạch nền, sạch trần). Thêm hai tiêu chuẩn này đồng nghĩa là ngôi nhà phải có nền đá hoa, tôn cách nhiệt. Âu tất cả những chủ trương, chính sách, mục tiêu, tiêu chuẩn cũng đều vì lợi ích của người dân, nhằm tri ân những người có công với nước... Đi trong ngôi nhà mới của các cựu chiến binh mà lòng ai nấy đều mát rượi.
Mải chuyện trò mà trăng lên quá đầu không ai hay. Khi bóng trăng ngà đã liếm vào mép hiên, mọi người mới ồ lên: Trăng đẹp quá! Chúng tôi ùa ra sân say sưa ngắm một vùng đất trời dấu yêu của Tổ quốc. Trong đêm, tiếng thú kêu hoang nghe rạo rực; tiếng con bìm bịp mơ hoảng cứ “bù huýt” trầm trầm; côn trùng kêu rỉ rả; ếch nhái gọi mưa rào… cả một vùng thung lũng phía dưới đã phủ đầy sương mù. Lâu lắm mới thấy một ánh đèn pha xe máy cô đơn, lẻ loi giữa rừng đêm. Ánh trăng bàng bạc như dát vàng lên mỗi ngọn cây, bờ cỏ, trên con đường mới mở còn tươi màu đất mới. Lúc này tôi mới để ý bản Nhìu San không nằm dựa lưng vào núi như lúc đầu tôi tưởng. Nó như một cao điểm độc lập nằm trên một vùng bình địa hẹp về chiều ngang. Tôi hỏi Lý Văn Sảng: “Người Dao đến bản này lâu chưa?”, thì anh kể: “Từ đời tổ tiên lâu lắm rồi. Cái tên Nhìu San có nghĩa là bãi thả trâu. Người Dao thuở trước sinh hoạt khép kín, thực phẩm hầu hết tự cung tự cấp; những nhu yếu phẩm như muối ăn, đá lửa đều phải chờ người đi buôn. Ấy là cũng chỉ nghe cha mẹ kể lại thế”.
Tôi đã đi nhiều nơi trên dãy Tây Côn Lĩnh này, đến cả xã Chí Cà-nơi có đông đồng bào La Chí sinh sống. Theo truyền thuyết, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi thiêng của người La Chí, trong đó đỉnh núi Chiêu Lầu Thi là đỉnh thiêng của núi thiêng. Chiêu Lầu Thi được dân “phượt”, khách “du lịch bụi” coi là một trong những địa danh cần phải đến và đã có rất nhiều tour du lịch tổ chức đến đây. Dưới Chiêu Lầu Thi còn có tảng đá thiêng đầu xã Xín Mần. Chẳng hiểu sao người ta lại gọi vậy nhưng quả thực “tảng đá” rất lạ, nó như một quả núi bằng đá nguyên khối, nằm hiên ngang, cao sừng sững trên đỉnh núi. Mỗi lần đi ngang qua tảng đá này, tôi cứ có cảm giác nó sắp đổ ập xuống đầu, hơi đá tỏa ra lạnh sởn gai ốc. Theo dự thảo báo cáo chính trị của Tỉnh ủy Hà Giang chuẩn bị trình đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tới đây Hà Giang sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch. Rồi những nơi thiên nhiên kỳ thú của Tây Côn Lĩnh sẽ được khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.
Tôi không phải dân “phượt” nên chưa bao giờ có ý định cần phải chinh phục những đỉnh núi ấy. Tôi là nhà báo, đến và ghi lại cuộc sống của người dân sinh sống quanh địa danh này. Cuộc sống của người dân đã được cải thiện nhiều, rất nhiều so với trước. Đấy là chính người dân nói thế và điều ấy cũng có thể chứng minh bằng báo cáo về thu nhập đầu người tăng lên hằng năm, như xu thế tất yếu của đất nước ta đang chuyển mình đi lên. Điều mà những vị khách du lịch kia chưa biết, hoặc ít biết, đó là công sức của bao nhiêu lớp người, bao thế hệ bộ đội đến hồi sinh cho đất. Tôi nhớ những cô gái trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 (Quân khu 2), hễ nghe có đoàn công tác lên lại nhắn nhờ mua lọ kem dưỡng da. Mỗi lần như vậy, anh em bộ đội lại đùa “ở trên núi thì làm đẹp với ai”. Các cô tấm tức nói: “Anh không biết ở núi đá da sạm nhanh đến thế nào đâu”. Đùa vậy thôi, chứ làm sao chúng tôi không biết, gương mặt của anh em sĩ quan, chiến sĩ ở các đơn vị tiến vào Tây Côn Lĩnh cũng sạm đen vì sương gió. Nhưng dù có đen đúa, vất vả, gian khó, luôn đối mặt với hiểm nguy… họ vẫn luôn xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, để đất đai hồi sinh, để nhân dân no ấm... Những con người ấy đẹp như ánh trăng rằm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh vậy.
NGUYÊN PHONG