Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là màu vàng, màu đỏ của những bó nhang. Chúng rực sáng dưới ánh nắng chói chang của mùa khô phương Nam. Xen vào đó là mùi thơm thoảng bay dọc theo tuyến đường Mai Bá Hương, khiến lòng người cảm thấy lâng lâng, bồi hồi như được về nơi quê cha đất tổ để nhớ lại thời thơ ấu cùng bao kỷ niệm với quê hương. Trong bức tranh đậm sắc xuân đó, những người thợ vẫn đang miệt mài làm hàng với đôi tay nhanh thoăn thoắt. Họ rải từng bó nhang vàng óng, đều tăm tắp trên từng chiếc sạp, mỗi sạp chia thành từng thiên (mỗi thiên là 1.000 cây). Đắm chìm trong mùi nhang dìu dịu ấy, tôi bỗng thấy lòng mình nôn nao lạ thường. Dường như ngày Tết đang đến rất gần. Những âm thanh xôn xao, thánh thót của mùa xuân như đang len lỏi trong từng góc xóm, từng căn nhà và làm rạo rực tâm hồn bao người đang làm ra những thẻ nhang thơm.
Được UBND TP Hồ Chí Minh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2014, nhưng làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân đã có từ xa xưa. Ban đầu chỉ có một gia đình làm. Dần dần người này chỉ người kia, nhà này bày cho nhà khác để tạo ra các hộ làm nhang nhiều như bây giờ. Cho đến hôm nay, làng nhang Lê Minh Xuân đã có 3 tổ hợp tác xe nhang, với hơn 150 hộ tham gia. Ngoài ra, còn có nhiều hộ tự mở cơ sở sản xuất, đầu tư máy móc để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống này. So với các làng nghề làm nhang, làng nhang ở xã Lê Minh Xuân được coi là cơ sở sản xuất lớn nhất khu vực Nam Bộ hiện nay.
 |
Phơi nhang ở làng nhang Lê Minh Xuân |
Cùng với những phong tục truyền thống ngày xuân, nén tâm nhang đã góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Và những người làm nhang cũng là những người góp phần giữ nét truyền thống, giữ hồn Việt trong những ngày lễ, Tết, cũng như các hoạt động tâm linh khác. Tôi ghé thăm gia đình ông Huỳnh Văn Tính (51 tuổi), một hộ làm nhang lâu đời ở xã Lê Minh Xuân. Ông Tính vừa thoăn thoắt đôi bàn tay rám nắng xe hương, vừa gọn gàng bó những thiên nhang một cách thuần thục, gọn gàng, lại luôn miệng cười nói cùng tôi về cách làm nhang và việc giữ nghề truyền thống của gia đình mình. Ông kể: “Tôi không biết gia đình bắt đầu làm nhang từ đời nào, nhưng chỉ nhớ lúc nhỏ đã thấy cha mẹ xe nhang ngày đêm. Sau này lớn lên, tôi cũng tiếp tục nối nghiệp cho đến nay”. Cũng theo ông Tính, người dân xe nhang quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào các dịp như giáp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch.
Có đến mới biết, để tạo ra được một nén tâm nhang thơm là quá trình miệt mài và gửi gắm nhiều tâm tư của những người thợ vào sản phẩm của mình. Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Lê Minh Xuân là bột nhang được làm từ hai hỗn hợp chính: Bột quế hoặc bột trầm, trấu và mùn cưa lấy từ gỗ cao su hay từ cây bời lời. Tùy vào công thức tinh chế, nhào trộn của mỗi gia đình mà người làm sẽ tạo nên các loại nhang đặc hiệu cho riêng mình, như: Hương trầm, hương quế, hương bách tùng... Nghề làm nhang cũng thật công phu. Ông Tính hơ cây nhang về phía ánh nắng đang rọi xuống chiếc sạp đầy ắp nhang rồi nói: “Những năm trước, người dân ở địa phương làm hương bằng cách xe tay thủ công, cây hương thành phẩm không đẹp, năng suất lại thấp. Một vài năm trở lại đây, máy móc hiện đại ra đời được người dân áp dụng nên cây hương đẹp hơn nhiều và năng suất cũng cao hơn. Mọi thứ từ vật liệu đến công đoạn sản xuất đều do máy làm, thợ chỉ việc đem nhang đi phơi nắng, chia thành bó rồi nhập cho người ta thôi”.
 |
Sắc đỏ làng nghề |
Kỳ thực, trước đây tôi cũng chưa biết cây nhang được làm như thế nào, giờ mới thấy sự cầu kỳ và công phu khi chứng kiến từng công đoạn để làm nên cây nhang. Đầu tiên, người thợ phải nhúng một đầu tăm vào nước pha màu đỏ, sau đó chân hương được phơi dưới nắng gắt cho khô. Nếu tăm bị ẩm, cây nhang sẽ mốc không cháy được, sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Tiếp theo, người thợ rưới nước vào bột nhang và keo, cho vào máy trộn đều, rồi bỏ cả tăm và bột vào từng bộ phận của “máy lười” vận hành. Khi cây nhang đã hình thành, chỉ việc đem hương ra phơi trên các vỉ tre trước nhà cho khô và thu gom chúng để chia thành từng bó. Nghe thì có vẻ đơn giản vậy, nhưng ông Tính lắc đầu bảo: “Công việc này không nặng nhọc, nhưng mất nhiều thời gian. Khi sản xuất nhang, người làm phải luôn túc trực bên “máy lười”, cho tăm và bột vào liên tục. Nếu máy bị nghẽn tăm thì rút ra và cho máy tiếp tục chạy lại. Nhà chủ cũng cần một người đem nhang thành phẩm đi phơi nắng cho khô và một người bó hương thành từng thiên. Cứ mỗi thiên nhang giao cho công ty thì tiền công của họ được trả 5.000 đồng. Tính ra thu nhập một ngày cũng hơn 300.000 đồng/người”.
Hiện nay, hầu hết hộ làm nhang tại nhà ở xã Lê Minh Xuân đều sắm một bộ 3 thiết bị, gồm: Máy phóng, máy lừa tăm và máy trộn bột để tăng năng suất. Để thấy được sự hiện đại đó, tôi còn đến thăm cơ sở sản xuất của chị Lê Cát Bụi Thúy. Đây là một trong những cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhất xã, với gần 100 nhân công và tồn tại suốt hơn 20 năm qua. Chị Thúy chia sẻ: “Máy lừa tăm kết hợp với máy phóng cho năng suất cao gấp 4-5 lần so với làm thủ công trước đây. Các công đoạn từ cho tăm vào máy, ép cây nhang thành phẩm đều được làm tự động. Người xe nhang chỉ việc ngồi hoặc đứng tại chỗ chờ lấy nhang thành phẩm ra mà thôi”. Ở cơ sở của chị Thúy, nhân công nhận được bình quân mỗi tháng từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Tuy thu nhập không cao so với mức sống ở TP Hồ Chí Minh, nhưng nghề làm nhang đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhờ làm nhang mà nhiều gia đình có thêm thu nhập, cái đói, cái nghèo cũng bị đẩy lùi theo thời gian.
Tôi rời làng nghề Lê Minh Xuân lúc xế chiều. Phía tây, những tia nắng đã giảm nhiệt và độ sáng cũng bớt dần đi. Ấy vậy mà tiếng máy xe nhang vẫn chạy ro ro như tiếng sáo diều no gió. Ngoảnh nhìn lại bức tranh làng nhang trải đều một màu vàng óng, thấy từng thiên hương xòe ra trước hiên nhà, mà ngỡ như thấy những bó hoa xuân rực rỡ đang khoe sắc vàng, đỏ. Vẫn còn đó hình ảnh những người thợ cần mẫn, khéo tay, nhanh chóng thu gom từng bó nhang đóng vào thùng, nó toát lên cái thần thái của những người giữ hồn cốt làng nghề trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.
Thắp nén nhang thơm ngày Tết là một tục lệ từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Khói nhang để con người sống giao hòa với thiên nhiên, tri ân công đức của tổ tiên, ông bà mỗi khi mùa xuân về. Khó ai có thể diễn tả được cảm xúc khi vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ vài nén nhang thơm để thờ cúng trời phật và những người đã khuất. Những lúc ấy, không biết có ai nhớ đến những người đang ngày đêm xe nhang như ở làng nhang Lê Minh Xuân không. Nhưng tôi tin rằng, những người làm nhang cũng sẽ tự hào vì mình đã góp phần làm nên hương sắc của ngày xuân, đánh thức những hoài niệm sâu lắng của con người. Chính điều đó cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời và cái tình, cái nghĩa của người Việt trong cuộc sống hiện tại và tương lai sau này.
Bài và ảnh: LÊ CÚC