Gặp Sáu Khầm trong ngôi nhà đầy chất thiên nhiên ở thị xã Hà Tiên, nay dù đã về nghỉ, nhưng ông vẫn đau đáu với biết bao thứ mà ông và đồng đội đã gây dựng.

Xây dựng đường biên bình yên, no ấm

Dù là một địa phương có cửa khẩu quốc tế, nhưng đời sống nhân dân khu vực Hà Tiên vẫn còn nghèo. Nguyên nhân là do lượng hàng hóa giao thương giữa hai nước không lớn, lại chủ yếu là hàng nông sản có giá trị thấp; nhân dân cũng chưa biết cách làm ăn hiệu quả.

Giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chính là một trong những quyết sách quan trọng nhằm bảo vệ an ninh, trật tự khu vực. Vì thế, khi còn công tác, Sáu Khầm đã bàn với anh em ở Đồn Biên phòng Hà Tiên đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho các hộ nghèo vay để đầu tư chăn nuôi bò, heo...phát triển kinh tế. Nhiều lúc ngẫm lại, ông cũng thấy mình hơi liều, nhưng nếu không thử, với “cái khó bó cái khôn”, người nông dân lấy đâu ra vốn mà sản xuất, nuôi sống gia đình. Dưới sự bảo lãnh của đồn, hàng chục hộ đã được vay vốn. Có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhiều gia đình nghèo đã trở nên khá giả, trả nợ ngân hàng đầy đủ.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Hồng Khầm (Sáu Khầm). 

Trước đây, người nông dân ở Hà Tiên mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa với năng suất thấp, thời gian còn lại ruộng đất bị bỏ hoang. Sáu Khầm thấy phí “đất” quá! Mày mò tìm đọc qua sách báo và học hỏi những người có kinh nghiệm, từ năm 2008, 2009, tại ấp Mỹ Lộ và ấp Thạch Động, Sáu Khầm và anh em cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hà Tiên mạnh dạn đứng ra trực tiếp cấy thử 3 ha lúa cao sản. Ông kể, vừa cấy vừa lo ngay ngáy, không phải sợ không đạt hiệu quả vì không được lần này còn có lần khác, nhưng cái chính là sợ bà con lại lỡ mất một vụ mùa, trong khi nhiều gia đình cả năm thóc ăn chỉ trông vào đó. Nhờ trời, giống lúa mới đạt hiệu quả kinh tế cao ngay trong lần thử nghiệm. Mọi người ai cũng mừng, tiếp tục mở rộng diện tích trồng thí điểm. Dần dần đến nay, giống lúa này được nhân rộng trên toàn địa bàn.

Thế nhưng thu hoạch lúa xong thì đất lại bỏ không, rất phí phạm. Với phương châm "không cho đất nghỉ", Sáu Khầm bàn với cán bộ Đồn Biên phòng Hà Tiên để đưa anh em trực tiếp xuống hướng dẫn người dân tiến hành trồng khoai, bắp, dưa hấu vào thời gian không trồng lúa. Kết quả thu được rất khả quan, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, không còn cảnh thiếu ăn như trước. Thậm chí, nhiều hộ còn có thể tích lũy được tiền mua sắm ti-vi, sửa chữa nhà cửa.

Từ việc chăm lo đời sống vật chất, Đồn Biên phòng Hà Tiên tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực đời sống tinh thần cho bà con. Tại hai ấp sát biên giới là ấp Mỹ Lộ và ấp Xà Xía, do địa bàn xa xôi, hẻo lánh, các sản phẩm văn hóa tinh thần như sách, báo không đưa được tới nơi, nên đời sống tinh thần của bà con còn rất nghèo nàn, lạc hậu. Trước thực trạng ấy, Đồn Biên phòng Hà Tiên đã quyết định xây dựng hai điểm đọc báo. Cũng tại ấp Xà Xía, vì đi lại khó khăn nên trẻ em không đủ điều kiện đến trường. Đồn đã xin địa phương hơn 200m2 đất, đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang xây trường cho các cháu với kinh phí 240 triệu đồng.

Trước đây, cứ thứ Năm hàng tuần, cán bộ của đồn đến đọc báo cho bà con. Đến hiện tại, có trường, được đi học, trẻ em trong ấp đã biết chữ, đọc cho mọi người nghe.

“Đừng có nhìn tôi như thế!”

Thời tiết Hà Tiên đỏng đảnh như một cô gái, mưa đấy rồi lại nắng ngay được. Đứng nơi cột mốc biên giới lồng lộng gió, nhìn trời xanh mây trắng Hà Tiên, nghe ông Sáu Khầm rủ rỉ kể câu chuyện về tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, mới thấy hết cái “tâm”, cái “tình” của anh em biên phòng nơi đây.

Song song với việc đấu tranh làm giảm nạn cờ bạc và làm công tác xã hội tại địa phương, Đồn Biên phòng Hà Tiên luôn đặt trọng tâm vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển do đơn vị phụ trách. Nhưng cũng ít người biết, Đồn Biên phòng Hà Tiên từ nhiều năm qua đã trở thành một tác nhân chủ chốt tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Sáu Khầm vẫn thường đùa rằng, đằng sau cái “danh xưng nổi tiếng” này là một câu chuyện dài.

Từ năm 2012, được sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Hà Tiên đã làm kế hoạch phối hợp với Đồn Cảnh sát biên giới Prek Chak, Cam-pu-chia, để bảo vệ chủ quyền an ninh và giữ gìn trật tự vùng biên. Ngay sau khi kế hoạch được đưa ra, bên bạn nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực hợp tác. Hiện hai đồn cùng thực hiện kế hoạch bảo vệ tình hình an ninh chung trên đoạn biên giới, từ cột mốc 314 đến 306.

Nói đến sự phối hợp “ăn ý” giữa hai bên thì rất nhiều, nhưng ông Sáu Khầm đặc biệt nhớ những lần cảnh sát cửa khẩu Cam-pu-chia cùng Đồn Biên phòng Hà Tiên và lực lượng công an của tỉnh Kiên Giang phối hợp “hốt gọn” cả đường dây ăn cắp xe mang qua casino bên biên giới để cầm cố. “Nhớ nhất là có những lần đã 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, phía bên mình phát hiện ra kẻ gian trộm xe bên Việt Nam chạy qua Cam-pu-chia cầm cố. Mình lập tức báo với đồn bạn để kịp thời phối hợp ngăn chặn. Tuy đêm khuya, mưa gió như thế nhưng hai lực lượng phối hợp với nhau ngăn chặn kịp thời, bắt được kẻ gian trong thời gian ngắn nhất”, Sáu Khầm sôi nổi kể.

Cơ quan chức năng phối hợp với nhau là việc đương nhiên, nhưng Sáu Khầm hiểu, để phát huy tình hữu nghị, đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nơi vùng biên thì cần có sự tham gia của người dân. Chính vì thế, Sáu Khầm đề xuất với cấp trên và với phía bạn là hàng quý, thậm chí hàng tháng, lực lượng biên phòng hai nước cùng tổ chức các hội nghị giao ban để trao đổi thông tin và xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho bà con sinh sống ở hai bên biên giới. Tất nhiên là những đề xuất của Sáu Khầm được “hưởng ứng nhiệt liệt”. Nhờ sự thống nhất cao giữa lực lượng chức năng hai nước nên những nội dung, quy định đưa ra đều được bà con nhận thức và hoàn toàn tự giác trong việc thực hiện, tình trạng qua lại biên giới trái phép hầu như không có trong thời gian này. Thêm vào đó, khu vực biên giới Hà Tiên có một đặc điểm khá thú vị. Đó là, tuy cách nhau một đường biên giới, nhưng nhân dân hai nước, nhiều người còn có quan hệ họ hàng, thậm chí còn thông gia với nhau. Vì thế, công tác tuyên truyền của các lực lượng chức năng rất thuận lợi. 

leftcenterrightdel
Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. 
Một trong những minh chứng tốt đẹp nhất về tình hữu nghị giữa hai bên là việc đưa bệnh nhân Cam-pu-chia sang Việt Nam cấp cứu. Các tỉnh giáp với biên giới Việt Nam ở khu vực này của Cam-pu-chia không có các bệnh viện lớn. Trong khi đó, phía Việt Nam đã xây dựng được một bệnh viện đa khoa khá lớn ở thị xã Hà Tiên. “Vì thế, có lúc  nửa đêm, mình vẫn điều xe cấp cứu đến đón dân bạn khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên”, Sáu Khầm kể.

Cùng Sáu Khầm đi thăm cửa khẩu Xà Xía, chúng tôi phát hiện có một anh cảnh sát Cam-pu-chia đang hát một bài hát của Việt Nam bằng tiếng…Cam-pu-chia. Thấy cánh nhà báo mặt “nghệt” ra, Sáu Khầm cười cười: “Đấy là ngoại giao văn hóa”. Dường như thấy chúng tôi vẫn “chưa thông”, ông giải thích:  “Không chỉ dừng lại ở sự phối hợp chặt chẽ trong công việc, hàng năm lực lượng biên phòng hai bên đều có giao lưu văn hóa, đặc biệt là trong những dịp lễ Tết. Vào những dịp này, hai bên đều có các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Chúng tôi đã chọn những bài hát Cam-pu-chia để dịch lời Việt và hát. Phía bạn cũng vậy. Dần dần, việc hát một bài hát nước bạn bằng ngôn ngữ của mình đã không phải là chuyện lạ ở đây nữa. Đó là một dấu ấn của tình hữu nghị giữa hai nước. Nên đừng có ngạc nhiên nhìn tôi như thế!”, Sáu Khầm hóm hỉnh.

Nhắc đến những dấu ấn, những kỷ niệm về tình hữu nghị giữa lực lượng biên phòng hai nước, Thiếu tá Som Vuthy, Đồn trưởng Đồn Cảnh sát biên giới Prek Chak, Cam-pu-chia hào hứng: "Có rất nhiều kỷ niệm không thể nói hết. Các bạn Việt Nam rất nhiệt tình, nghiêm túc với công việc và đã hỗ trợ nhiều cho chúng tôi, giúp cho bên Cam-pu-chia hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không bao giờ quên những lần cùng hát chung các bài hát của Việt Nam, của Cam-pu-chia và cả những bài hát Việt Nam được dịch ra lời Cam-pu-chia".

Khi được hỏi về Sáu Khầm, Đồn trưởng Som Vuthy làm động tác đưa ngón tay cái cao lên tỏ ý tán thưởng. Chúng tôi hỏi chuyện tiếp, viên cảnh sát Cam-pu-chia cười và nói: "Việc hôm nay chúng tôi đứng cùng nhau ở đây, không phải tự nhiên mà có được. Đó là cả một quá trình gắn bó, đoàn kết của anh em đối với nhau, trân trọng nhau trong quá trình thực thi pháp luật trên đoạn biên giới này".

Bài và ảnh: TRANG ANH