Sau chiến tranh họ là những người bạn

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy được người dân Nam Bộ yêu mến gọi là “Anh hùng Bảy lúa”. Biết có đoàn khách tới thăm, ông đi xe gắn máy len lỏi qua con đường nhỏ ven kênh ra tận đầu ngõ để đón. Chàng phi công, anh hùng không quân ngày xưa, giờ đã 83 tuổi, dáng người quắc thước, râu tóc bạc phơ với chiếc khăn rằn đặc trưng của người Nam Bộ và giọng nói thì vẫn sang sảng...

Rời binh nghiệp, ông về vùng quê ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá, trồng cây, sống giữa bà con xóm ấp. Sống chan hòa, đồng cam cộng khổ với người dân miệt vườn, ít ai biết rằng, lão nông này từng là phi công huyền thoại với thành tích bắn rơi 5 chiếc F4 và 2 chiếc F-105 của không quân Mỹ.

leftcenterrightdel
Cuộc sống đời thường của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy

Năm 1965, người Mỹ bị chấn động bởi những chiếc MiG-17 của Không quân nhân dân Việt Nam, bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích-ném bom siêu thanh F-105 Thunderchief (Thần sấm) của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. MiG-17 của ta khi đó chỉ được trang bị pháo 37mm ngắm bắn, không có tên lửa và tốc độ đương nhiên không thể sánh với những "Thần sấm", "Con ma" (F4) của Mỹ.

Còn Marshall L.Michel III, dù đã có 321 phi vụ bay trinh sát bằng F4 trên bầu trời Việt Nam nhưng cũng chỉ được nghe có những phi công Việt Nam giỏi như thế. Họ không biết tên cũng không biết mặt nhau. Kết thúc chiến tranh, từ những cuốn sách về không chiến, đặc biệt là cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía”, do tác giả Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm các cựu phi công biên soạn (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản tháng 12-2013), ông Marshall L.Michel III mới biết đến phi công Nguyễn Văn Bảy.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Bảy lấy trái cây trong vườn đã được chuẩn bị sẵn để tiếp đoàn khách đặc biệt.

Vào tháng 4-2016, đoàn khách 11 cựu phi công Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam. Đáp lại chuyến thăm đó, tháng 9-2017, đoàn 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát dẫn đầu, đã có chuyến thăm thành phố San Diego, Mỹ. Cuộc hội ngộ lịch sử lần thứ hai đó có chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải”. Trong cuộc gặp gỡ này, Marshall L.Michel III và Nguyễn Văn Bảy đã gặp nhau.

Ông Nguyễn Nam Liên, Cơ trưởng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam-Vietnam Airlines, Hiệu trưởng Trường Phi công bay Việt, là người đi cùng trong chuyến thăm đó. Ông được các cựu phi công Mỹ chú ý đến bởi cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía” mà mình đồng tác giả.

Dẫn đoàn khách đến thăm quê phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Nguyễn Nam Liên trò chuyện: Cuộc gặp gỡ tháng 9-2017 là cơ hội cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam gặp lại các phi công của ta và đúng như tên gọi của nó, ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp gỡ là khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Cuộc gặp gỡ không chỉ đơn thuần là sự gặp mặt giữa các cựu phi công mà đằng sau nó là tình bạn. Họ hiểu nhau nhiều hơn qua cuộc sống đời thường. Sau cuộc gặp gỡ ấy, kết quả là nhiều cựu phi công Mỹ trở lại Việt Nam để gặp những người từng tham chiến. Trường hợp cuộc gặp gỡ của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy và Marshall L.Michel III là một ví dụ.

Miền quê mộc mạc

Năm 1990, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân), nghỉ hưu. Ông rời TP Hồ Chí Minh cùng vợ về xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để nuôi cá, nuôi heo, trồng cây... Vài năm trở lại đây, vùng quê Tân Phú Đông đô thị hóa, ông giao lại nhà cho con gái, cùng vợ trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để được sống với nghề nông, cần mẫn lao động làm kinh tế, tích cực tham gia công tác địa phương, vận động bà con đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới. Dù là "phi công huyền thoại" nhưng người dân ở đây đã quen thuộc với hình ảnh một lão nông chân chất, giản dị. Về nơi miệt vườn này thấy cảnh dân nghèo chưa có điện, đèn dầu tù mù, ông vận động các doanh nghiệp, bà con góp tiền xin chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê.

leftcenterrightdel
Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy và cựu phi công Marshall L.Michelll (nắm tay) trên con đường mòn nhỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Bảy.

Với Marshall L.Michel III, đây là lần đầu tiên ông tới thăm quê phi công Nguyễn Văn Bảy. Tại căn nhà nhỏ ở miền quê mộc mạc, họ cùng thăm ao cá, vườn cây, trải nghiệm cầu khỉ, cùng ngồi ăn trái cây và những món "cây nhà lá vườn" đặc trưng của miền quê sông nước... Lần gặp này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với hai cựu phi công.

Ông Marshall Michel III chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ rằng một phi công huyền thoại như thế lại sống ở miền quê mộc mạc. Nhưng khu vực nông thôn này thật đẹp, tĩnh lặng và tuyệt vời, rất ấn tượng đối với tôi. Tôi cũng nghĩ rằng, khi mọi thứ đã kết thúc thì chúng tôi cần gần lại bên nhau để hiểu nhau hơn. Khi chúng tôi rút khỏi Việt Nam là những người lính thì giờ đã đến lúc chúng tôi quay lại như những người bạn. Cảm xúc của mọi người Mỹ đến Việt Nam đều rất là ấn tượng, nhiều người Mỹ đến đây không những một lần mà rất nhiều lần. Tôi tin rằng, các mối quan hệ đó ngày càng đẹp và tình cảm hơn, đặc biệt là khi chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ”.

leftcenterrightdel
Hai cựu phi công trò chuyện và thưởng thức món ăn đặc trưng miền sông nước.

Về những câu chuyện khi còn tham chiến tại Việt Nam, Marshall L.Michel III chia sẻ: “Ông Bảy là một con người rất anh hùng, dũng cảm; một người lính có tài năng đặc biệt trong không chiến. Chúng tôi nghĩ rằng đã rất may mắn khi ông Bảy không tham gia không chiến từ năm 1967, bởi nếu ông tiếp tục ngắm bắn trên không thì ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi bốc cháy hơn nữa”.

Marshall L.Michel III còn được độc giả biết đến là một trong những tác giả có những nghiên cứu sâu sắc về cuộc chiến trên không ở Việt Nam. Ông mong muốn có thêm tư liệu để có một cuốn sách mới cho độc giả thế giới hiểu thêm về cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam. Đó là một trong những lý do mà ông sang Việt Nam lần này. Ông cũng mong muốn cùng nhóm tác giả của cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía” hợp tác sâu rộng để có thêm các ấn phẩm mới về lịch sử của một lực lượng không quân nhỏ bé, mới thành lập nhưng đã tạo nên những chiến công hiển hách ngày ấy...

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG