QĐND - Mỗi buổi sáng, Thượng úy Nguyễn Hùng Tráng, trợ lý tăng gia của Phòng Hậu cần-Học viện Lục quân đều mở cửa nhà điều hành để kiểm tra hệ thống cấp nước, phân bón cho khu vườn rộng 1,5ha, sau đó theo dõi, ghi chép tình hình sinh trưởng của các loại rau, củ, quả. Thông thường, để duy trì một vườn tăng gia có diện tích tương đương, mỗi ngày phải có hàng chục nhân công làm cỏ, bón phân, tưới nước... Nhưng ở đây, mọi việc đều do Thượng úy Nguyễn Hùng Tráng đảm nhiệm và anh cũng chỉ cần kiểm tra và... ấn nút!

Cán bộ, chiến sĩ Học viện Lục quân thu hoạch cà chua trồng bằng phương pháp công nghệ cao.

 

Đến khu tăng gia công nghệ cao của Học viện Lục quân, chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi phương thức canh tác khoa học và năng suất, chất lượng vượt trội của các loại sản phẩm tại đây. Khu nhà kính hiện có 16 loại rau, củ, quả, mỗi loại được trồng thành từng vạt và được quy hoạch, bố trí khoa học, đẹp mắt. Điều thú vị là khu vườn giống như một “vườn treo”, quá trình canh tác không sử dụng đất, tất cả các loại rau, củ được trồng trên các giá thể. Dù chỉ được trồng trong những túi ni-lông nhỏ nhưng những cây cà chua, dưa chuột, ớt chuông… rất mập mạp, trĩu trịt. Như hiểu được băn khoăn của khách, Thượng úy Nguyễn Hùng Tráng nhổ từ gốc cây lên một chiếc kim truyền nhỏ và dài bằng que hương, giải thích:

- Thực ra bí quyết nằm ở chiếc kim nhỏ bé này. Giá thể chỉ có tác dụng là điểm tựa cho bộ rễ bám vào. Nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cây đã được cung cấp thông qua kim truyền đấu nối với hệ thống ống trải đều khắp khu vườn và vận hành tự động bởi hệ thống máy bơm đặt tại nhà điều hành.

Để có khu tăng gia như hiện nay, bên cạnh đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, vật liệu… học viện đã huy động khoảng 1.200 ngày công lao động của bộ đội để san mặt bằng, dựng nhà kính, đóng giàn, chuẩn bị giá thể, lắp đặt máy bơm và hệ thống tưới tự động. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng quy cách cũng như vật liệu để làm khá đơn giản. Nhà kính có khung bằng sắt và cây lồ ô, mái vòm cao 4,5m phủ màng ni-lông trong, xung quanh được che chắn bởi màng ni-lông và lưới nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, sâu bệnh. Hiện nay tại Đà Lạt, nhà nông hầu hết sử dụng kiểu nhà kính này để trồng các loại rau, hoa. Giá thể để trồng các loại rau củ được làm xơ dừa hoặc vỏ trấu đã qua xử lý sau đó được nhồi vào các túi ni-lông hoặc khay gỗ. Giàn đặt các chậu giá thể cũng được đóng bằng các loại tre, gỗ. Nhà điều hành có bồn chứa hỗn hợp gồm nước và các loại phân bón hòa tan, từ đây nguồn dinh dưỡng cần thiết sẽ được bơm bằng máy bơm tự động qua hệ thống ống và kim truyền để cung cấp cho cây. Chi phí xây dựng vườn tăng gia công nghệ cao kiểu này tốn khoảng 44.000 đồng/m2. Trung tá QNCN Lưu Đức Thảo, một cán bộ tham gia dự án cho biết.

- Khi mới bắt tay vào thực hiện, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được sự tư vấn và hướng dẫn của các kỹ sư Công ty Việt Fram có trụ sở số 12C Phan Chu Trinh-TP Đà Lạt, đến nay đơn vị đã nắm được toàn bộ quy trình kỹ thuật và có thể tự triển khai những dự án tiếp theo.

Về ý tưởng xây dựng mô hình tăng gia kiểu mới, Thiếu tướng Trần Xuân Ninh, Giám đốc Học viện Lục quân cho biết: “Với mong muốn tạo bước đột phá trong công tác tăng gia sản xuất và bảo đảm nguồn thực phẩm tươi, sạch, an toàn phục vụ bộ đội, tháng 9-2012, Học viện quyết định triển khai khu tăng gia tập trung công nghệ cao. Đến nay, kết quả mô hình đã khẳng định chủ trương của Ban Giám đốc là đúng đắn”.  

Thực tế cho thấy, mô hình tăng gia công nghệ cao đạt hiệu quả vượt trội về mọi mặt, đó là: Tiết kiệm tối đa nhân công chăm sóc, (vì không phải làm cỏ, bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ sâu...); giúp giảm 35% lượng phân bón; 50% lượng nước, tăng năng suất lên gấp 1,5 lần so với phương pháp canh tác thông thường, rút ngắn chu kỳ thu hoạch rau củ; sản phẩm có mẫu mã đẹp, sạch, an toàn đối với sức khỏe bộ đội. Ví dụ với cây rau xà lách, nếu trồng trên đất ở môi trường tự nhiên thì từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch phải mất 45 ngày nhưng ở đây thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ mất 25 ngày. Một kỹ sư của Công ty Việt Fram cho biết thêm: Do được sản xuất bằng công nghệ sạch nên giá các loại nông sản khi bán ra thị trường luôn cao gấp 4 đến 5 lần so với các rau, củ thông thường. Chẳng hạn như quả cà chua, nếu trồng ở môi trường tự nhiên chỉ bán được 6000 đồng/kg, nhưng trồng trong nhà kính sẽ được các siêu thị hàng đầu tại TP Nha Trang và TP Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg.

Hiện nay, việc ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành xu hướng chủ đạo. Những năm qua, hoạt động tăng gia sản xuất tại các đơn vị quân đội chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, khí hậu, chi phí đầu tư lớn, phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, kết quả từ mô hình của Học viện Lục quân đã gợi mở hướng đi mới nhiều triển vọng cho hoạt động tăng gia sản xuất của các đơn vị quân đội.

Đặc biệt, mô hình tăng gia công nghệ cao còn là sự lựa chọn rất thích hợp cho những đơn vị đóng quân nơi biển, đảo, đô thị, thiếu đất tăng gia hoặc các đơn vị đóng quân ở vùng đất cằn cỗi. Một số cán bộ thực hiện dự án ở đây cũng cho biết: Để thực hiện thành công mô hình thì quá trình triển khai cần chú trọng một số giải pháp. Trước hết, phải mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất; nắm chắc quy trình kỹ thuật, mỗi đơn vị căn cứ vào điều kiện, khả năng để xây dựng diện tích nhà kính phù hợp; nên lựa chọn các loại rau, củ phù hợp điều kiện khí hậu vùng miền; thường xuyên theo dõi, kiểm tra để có sự điều chỉnh lượng nước và phân bón cho phù hợp với từng chu kỳ sinh trưởng và nhu cầu phát triển của từng loại rau củ…

Thượng úy Nguyễn Hùng Tráng khẳng định: “Trong xây dựng mô hình tăng gia công nghệ cao, khó nhất vẫn là quy trình kỹ thuật. Về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu các đơn vị bạn có nhu cầu”. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Học viện Lục quân đã cho kết quả tốt, đầu tư ít, giá rẻ, hiệu quả cao, thân thiện môi trường, bảo đảm sản phẩm sạch phục vụ tốt đời sống bộ đội.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG