An cư, cùng nhau đuổi cái đói, cái nghèo  

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Công an xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở bản Huổi Hốc nằm trên một quả đồi. Chào đón chúng tôi là những người dân bản đủ già-trẻ, gái-trai, tập trung trong căn nhà của hộ dân được hỗ trợ theo Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

leftcenterrightdel
Những con đường dốc núi, lầy lội bùn đất là thử thách không nhỏ đối với cán bộ, chiến sĩ công an xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Các hộ gia đình tại bản Huổi Hốc vốn trước đây quen sống di cư tự do, phá rừng làm nương, gây tổn hại tới các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nhận hỗ trợ theo Đề án 79, nay họ đã có được mái nhà vững chãi che mưa, che nắng nên yên tâm định cư, sinh sống tại bản. Anh Mùa A Páo, sinh năm 1974, người dân tộc Mông, di cư từ huyện Phong Thổ (Lai Châu) tới Mường Nhé từ năm 2005. Gia đình anh nằm trong dòng người di cư ồ ạt từ các tỉnh lân cận như Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái... vào Mường Nhé do ở đây đất đai màu mỡ, đất rộng, người thưa, nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm và tìm kế sinh nhai. Mùa A Páo có 5 đứa con, ở bản Nậm Pố 1, dù còn khó khăn nhưng nhờ cố gắng làm nương, làm rẫy cũng tạm đủ ăn, đủ mặc. “Được công an quan tâm, hỗ trợ cho có cái nhà ở bảo đảm; lại được cấp cả thẻ bảo hiểm y tế, điện, nước sạch đầy đủ rồi”, Mùa A Páo mộc mạc nói. Anh cho biết thêm, các cán bộ “giáo dục cho dân mình tốt”, còn tới động viên gia đình cố gắng lao động, cho con cái đến trường, không để đi lang thang. Giờ gia đình anh và bà con dân bản chỉ sống theo lý của dân tộc mình, làm theo pháp luật, không để bị lôi kéo.

Thực trạng di cư tự do trước đây đã đặt Mường Nhé trước những thách thức an ninh, đặc biệt là các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo nhân dân di cư tham gia các hoạt động gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Nhưng đó là câu chuyện của mấy năm về trước, còn giờ đây, tình trạng di cư đã được kiểm soát và hạn chế tối đa. Ở Mường Nhé, ngoài những hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống theo Đề án 79, rất nhiều căn nhà mới được xây dựng cho người dân nghèo theo chủ trương của Bộ Công an từ nguồn vốn xã hội hóa, góp phần hạn chế tình trạng di dân tự do, phá rừng làm nương. Quả là một con số đáng chú ý khi chương trình hỗ trợ của Bộ Công an trong chưa đầy 3 tháng (từ tháng 6-2020) đã được hoàn thành 100% ở huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, đồng nghĩa với 100% số hộ nghèo ở đây được nhận những căn nhà tình nghĩa. Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, để xây dựng được căn nhà hỗ trợ người nghèo ở Mường Nhé không hề đơn giản, nhưng với quyết tâm “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, 1.149 căn nhà ở Mường Nhé đã được hoàn thành với sự chung tay, góp sức của chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn.

Công an xã chính quy “4 cùng” với dân bản

Hàng nghìn căn nhà nghĩa tình đã góp phần mang lại diện mạo mới cho một trong những huyện nghèo nhất cả nước như Mường Nhé. Nhưng trên hết, dưới mỗi mái nhà là sự bình yên, cuộc sống an cư, dù chưa hẳn đã đuổi được cái đói, cái nghèo, nhưng tương lai không còn bất định như trước đây. Đến nhà chị Lò Thị Quyết ở xã Mường Nhé, thấy những bao gạo chất đầy góc nhà, lại có cả bếp ga, mắt chị ánh lên niềm vui khi trao đổi với chúng tôi: “Giờ ở nhà mới yên tâm ngủ ngon hơn, không sợ nhà dột, nhà đổ khi trời mưa bão nữa rồi. Con tôi bảo không muốn ở nhà cũ nữa vì sợ và bẩn lắm”. Nhiều hộ dân được nhận nhà tình nghĩa ở đây đã viết thư tay gửi bác Bộ trưởng Bộ Công an để cảm ơn.

Theo Đại úy Phạm Văn Mạnh, Phó trưởng công an xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, do địa bàn xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Si La, Hà Nhì, Mông... nên yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an ở địa bàn đều phải thông thạo ít nhất một thứ tiếng của bà con dân tộc thiểu số và biết một phần những ngôn ngữ dân tộc khác, nhất là hiểu biết phong tục, tập quán và văn hóa của mỗi dân tộc. Hằng năm, UBND huyện Mường Nhé đều có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Mông cho cán bộ, công chức trên địa bàn. Huyện chỉ đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Mông và cấp chứng chỉ cho người học. Những cán bộ, chiến sĩ công an xã “4 cùng”-cùng ăn, cùng ở, cùng làm và nói cùng ngôn ngữ với bà con dân bản ngày càng giành được tình cảm yêu mến và tin tưởng của bà con. Di chuyển từ điểm cực tây A Pa Chải, thuộc địa phận xã Sín Thầu về trụ sở công an xã, Thiếu tá Lý Xú Tư, Trưởng công an xã kể, có lúc các anh còn ở lại bản giúp dân gặt lúa, trồng cây, sinh hoạt văn hóa cùng bà con để hai bên hiểu nhau, thuận lợi cho công việc nắm bắt thông tin, tìm hiểu tình hình địa bàn. Ngồi sau xe máy của Thiếu tá Lý Xú Tư mà tôi không khỏi hồi hộp, vì dù là đường giao thông chính nhưng trơn trượt, bùn bắn lên tận đầu, thi thoảng lại có đám đất đá sạt lở từ trên núi vì những trận mưa lớn. Cái khó chung ở Mường Nhé là đường sá đi lại khó khăn, có những điểm bản ở xa, không thể đi xe, phải cuốc bộ đến với bà con khi cần. Công việc của công an xã chính quy phải kiêm nhiệm nhiều, vừa bảo đảm an ninh trật tự, làm công tác nhân, hộ khẩu, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, không tham gia tệ nạn xã hội, tuần tra thường xuyên kết hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn như biên phòng, kiểm lâm. Công việc bận rộn, hầu như không có ngày nghỉ. Có khi chỉ là mâu thuẫn xô xát trong gia đình, có người ăn lá ngón tự tử, bà con cũng gọi cán bộ công an xã tới xử lý... Có những đồng chí nhà ở TP Điện Biên nhưng vài ba tháng mới về thăm vợ con một lần, nhưng ai nấy đều vui vẻ vì nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cho dân bản không thể thiếu vắng các cán bộ địa bàn nhiệt tình, năng nổ như các anh. “Dân có tin thì mới tìm tới đông, mới gọi nhờ đến mình. Nên anh em chúng tôi, dù có 5 người mà phải quản lý địa bàn phức tạp về an ninh và trật tự như Chung Chải, luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng úy Nguyễn Văn Long chia sẻ. 

Không kể nhiều về công việc, Đại úy Phạm Văn Mạnh bày tỏ: “Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ của công an xã tại một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự như xã Chung Chải cũng phải như nhiệm vụ của công an huyện thu nhỏ”. Quả thật, “trăm nghe không bằng một thấy”, đến với Mường Nhé mới thấy thêm khâm phục những cán bộ công an xã gắn bó với mảnh đất này từ khi còn là công an về cắm xã, tăng cường về cơ sở cho đến khi trở thành công an xã chính quy như hiện nay. Tính sơ sơ có người cũng trên dưới chục năm sống và làm việc ở dải đất biên cương này, như Trung tá Thào A Hù, Trưởng công an xã Chung Chải. Anh tâm sự: “Gắn bó với mảnh đất bao la núi rừng này không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì cái tình, cái nghĩa với bà con dân bản yêu quý mình”.

leftcenterrightdel
Ấm áp tình quân dân ở bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Thượng úy Nguyễn Văn Long, khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi, vừa trở về sau chuyến đi nắm địa bàn, hồ hởi nói: “Bà con dân bản không chỉ tìm đến nhờ hỗ trợ làm thủ tục hành chính, đăng ký nhân, hộ khẩu ngày một đông mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”. Ông Lò Văn Vanh ở bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, vui vẻ nói: “Có cán bộ Lý A Tung đó, đến gặp dân là chào hỏi niềm nở, tình cảm lắm, nói tiếng Mông cũng giỏi. Người già ở bản đều ưng cái bụng bác Trưởng công an xã mà”. Ông bộc bạch thêm: “Các cán bộ công an giỏi tiếng Mông, phối hợp tốt với địa chính, tư pháp giải thích cho bà con hiểu nên xử lý nhanh chóng một số vụ tranh chấp đất đai”. Ông còn kể ở bản ông, ma túy gần như bị đẩy lui vì người dân nghe lời khuyên của công an xã, hiểu được tác hại của ma túy nên tình nguyện đi cai, người chưa nghiện thì tránh xa. Giờ bà con yên tâm, tập trung lao động sản xuất, không lo sợ ma túy nữa.

Những dòng họ bình yên  

Chị Lý Thị Dủ, từng là nạn nhân của nạn buôn người ở bản Huổi Hốc, kể đến giờ vẫn còn sợ khi biết mình suýt bị bán sang Trung Quốc. May nhờ các cán bộ ở Đồn công an Quảng Lâm ở Mường Nhé chặn bắt được hai đối tượng lừa đảo nên chị mới được trở về với gia đình. Sau khi trở về địa phương, được sự quan tâm, giáo dục của chính quyền địa phương và các đồng chí công an xã, chị đã biết các thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người nên giờ chỉ tập trung làm ăn, không nghe luận điệu dụ dỗ của bọn người xấu nói rằng sang bên kia biên giới sẽ được sung sướng và có việc làm. Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện, đến nay, tình trạng buôn bán người trên địa bàn huyện đã giảm. Từ năm 2018 đến nay, Mường Nhé không phát hiện, xử lý vụ việc nào về tội phạm mua bán người.

Ở huyện Mường Nhé đã và đang xây dựng các mô hình an ninh hiệu quả, thiết thực, thu hút sự tham gia của bà con dân bản, điển hình là mô hình an ninh theo dòng họ nhằm tận dụng tối đa vai trò của các thành viên trong dòng họ trong việc tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Dòng họ tham gia mô hình an ninh sẽ có quy ước mà các thành viên phải thực hiện, trong đó quy định rõ mọi thành viên phải hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng công an huyện Mường Nhé cho biết, Mường Nhé vừa thành lập mô hình “Dòng họ Khoàng bình yên” ở xã Mường Toong và thời gian tới sẽ thiết lập mô hình tương tự ở các xã khác nhằm thúc đẩy Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân tại địa bàn trọng yếu. Ngoài ra, mô hình “Cụm liên kết an ninh” cũng đang được Công an huyện Mường Nhé chuẩn bị xây dựng, liên kết với huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu nhằm tạo sự liên kết, thế trận an ninh vững chắc trong bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh.

Rời những bản làng yên ả ở Mường Nhé, chia tay các cán bộ, chiến sĩ công an và chào tạm biệt những người dân bản hồn hậu vẫn còn chưa hết vẻ lam lũ ra về, chúng tôi đều thầm mong sẽ được một lần quay trở lại để chứng kiến những đổi thay và vẻ đẹp yên bình ở vùng đất phên giậu biên cương của Tổ quốc.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH - PHẠM KIÊN