Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967/8-8-2017), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN về mối quan hệ hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN cũng như định hướng phát triển của hiệp hội.

Phóng viên (PV): Tròn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã vượt qua vô vàn trở ngại, thách thức, trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Ông có thể phác thảo những nét chính của tiến trình này?

Ông Lê Lương Minh: ASEAN thành lập năm 1967. Ban đầu, mối quan tâm của ASEAN chủ yếu là vấn đề hợp tác an ninh. Hợp tác về kinh tế thực sự chỉ bắt đầu từ thập niên 1970, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1990 với việc ký kết hiệp định về Khu vực Tự do hóa thương mại ASEAN. Năm 2007 đánh dấu một sự kiện quan trọng. Đó là các lãnh đạo cấp cao của ASEAN thông qua lộ trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Từ đó đến nay, trong chưa đến 10 năm, hợp tác kinh tế trong ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thứ nhất, ASEAN đã cơ bản loại bỏ tất cả các dòng thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc ASEAN. Chỉ còn một số dòng đặc biệt mà một số nước thành viên mới như Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam được duy trì đến năm 2018. Đến năm 2018, cơ bản tất cả các dòng thuế đối với thương mại nội khối sẽ được xóa bỏ. Hiện ASEAN là khu vực có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do. ASEAN hiện cũng đã và đang thương lượng hiệp định đối tác kinh tế với nhiều nền kinh tế trên thế giới như thảo luận với Ca-na-đa về một hiệp định tự do hóa thương mại, với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện xu hướng bảo hộ mậu dịch, ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế mở. Điều đó sẽ mở ra những cơ hội lớn không chỉ đối với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ASEAN mà đối với cả các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN. 
Trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN vẫn cao hơn bình quân phát triển của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân. Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính.

Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực-RCEP và ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó, đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn. 

PV: Bên cạnh những thành tựu luôn tồn tại những thách thức. Theo ông, ở hiện tại, ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Ông Lê Lương Minh: Mặc dù đã được thành lập cách đây 50 năm, nhưng quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN chưa lâu. Vì vậy, khi ASEAN chính thức công bố sự ra đời của AEC vào năm 2015, chúng ta mới thực hiện được khoảng 95% biện pháp để thực hiện lộ trình. Vẫn còn những biện pháp cần được thực hiện. Hiện tại, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN vẫn còn lớn. GDP bình quân của nước giàu nhất trong khu vực cao gấp 43 lần nước nghèo nhất. Đây cũng là một thách thức đối với ASEAN trên lộ trình xây dựng phát triển. Thách thức thứ hai là dù AEC cơ bản xóa bỏ tất cả các dòng thuế thương mại hàng hóa, nhưng vẫn còn những rào cản phi thuế quan. Điều này cần loại trừ để trong ASEAN có không gian cho phát triển thương mại. Thách thức thứ ba là sự hiểu biết của người dân, của các doanh nghiệp ASEAN và các doanh nghiệp đang làm ăn hoặc mong muốn làm ăn với ASEAN còn chưa đồng nhất. Thứ tư, ASEAN tiếp tục chính sách dựa trên ý nghĩa khu vực mở, tức là ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, trong khi trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch. Đặc biệt, xu hướng này lại xuất hiện ở một số nền kinh tế lớn. Điều đó đi ngược lại chính sách của ASEAN.

leftcenterrightdel
Cộng đồng Kinh tế ASEAN ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại. Ảnh: Đăng Huy 
PV: Khoảng cách giữa các nước thành viên là một trong những thách thức lớn đối với thành công của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Xin ông cho biết những thành tựu của ASEAN trong việc đối phó với thách thức này?

Ông Lê Lương Minh: ASEAN cùng các đối tác của mình và các thể chế tài chính khu vực và toàn cầu chú trọng đặc biệt đến vấn đề thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên. Các vấn đề về phát triển đồng đều và thu hẹp khoảng cách phát triển luôn được ưu tiên trong chương trình nghị sự xây dựng Cộng đồng ASEAN. Năm 2014, Ngân hàng Thế giới và ASEAN đã tiến hành một nghiên cứu về các thành tựu phát triển trên khắp 10 nước ASEAN và công bố báo cáo “Thu hẹp khoảng cách phát triển: Đánh giá sự phát triển đồng đều của ASEAN năm 2014”. Theo báo cáo, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm khoảng cách phát triển giữa các nước từ năm 1997. Các chỉ số kinh tế cho thấy nền kinh tế của Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam nhìn chung đã tăng trưởng nhanh hơn so với các nước ASEAN khác. Qua đó, thu hẹp cách biệt trong thu nhập bình quân đầu người. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm hơn 60% trên toàn ASEAN. Tỷ lệ đến trường của học sinh tiểu học cũng đã tăng ở hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể. Hơn 70% người dân Cam-pu-chia và Lào được tiếp cận với nước sạch, so với con số 40% năm 1998.

Mặc dù có tiến bộ nhưng khoảng cách phát triển trong khu vực vẫn còn lớn ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi cam kết tiếp theo của tất cả các thành viên ASEAN.

PV: Ở phạm vi toàn cầu, theo ông, vị trí trung tâm của ASEAN được thể hiện ra sao trong giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu?

Ông Lê Lương Minh: Chính trong các lĩnh vực xây dựng thể chế khu vực và đặt ra các chuẩn mực thì vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện rõ ràng nhất và được ghi nhận rộng rãi. ASEAN là thành viên sáng lập và nòng cốt của các cơ chế và tiến trình khác nhau hình thành nên cấu trúc khu vực hiện nay ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có các quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cơ chế ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Các cơ chế này tạo diễn đàn cần thiết để các cường quốc và các nước khác trong khu vực cùng tham gia vào đối thoại và hợp tác chính trị, an ninh về các vấn đề có chung lợi ích và cùng quan tâm.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra những tuyên bố liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu ở hầu hết các hội nghị cấp cao gần đây. Qua những tuyên bố đó, các nhà lãnh đạo bày tỏ nhận thức, quan điểm và mong muốn của ASEAN hướng tới một giải pháp toàn cầu cho thách thức về biến đổi khí hậu và quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN thích ứng tốt với biến đổi khí hậu thông qua hành động khu vực và quốc gia.

PV: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần làm gì để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập ASEAN?

Ông Lê Lương Minh: Để tận dụng các cơ hội, vượt thách thức, trước tiên, các doanh nghiệp cần phải hiểu được cơ hội là gì, thách thức là gì?

Trong 10 năm qua (từ năm 2006 đến 2016), tỷ lệ GDP của Việt Nam trong ASEAN đã tăng 2 lần, từ chỉ có khoảng 3,5% lên hơn 7%. Điều đó cho thấy việc tham gia vào ASEAN đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế. Rồi tỷ lệ thương mại nội khối ASEAN-Việt Nam cũng tăng hơn 10 lần. Đầu tư nội khối của các nước ASEAN vào Việt Nam tăng 120%. Kết nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng chặt chẽ hơn không chỉ về hạ tầng, thể chế, con người… Tất cả những điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

PHƯƠNG TRANG (thực hiện)