Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, sinh ra và lớn lên tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông là con liệt sĩ, gia đình có 7 người thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh Mỹ-ngụy càn quét, tàn sát đồng bào; năm 14 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Thanh Tuấn đã “nhảy núi” đi tìm bộ đội, rồi trở thành Đội trưởng Đội Biệt động quận Nhì, TP Đà Nẵng, đóng góp nhiều chiến công vẻ vang giải phóng quê hương.

Lúc mới nhập ngũ, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn đã được giao nhiệm vụ đi kể những điều mắt thấy tai nghe về tội ác của kẻ thù cho bộ đội nghe. Sau giải phóng, anh lại được giao nhiệm vụ lên lớp giáo dục chính trị cho gần 1.000 ngụy quân, ngụy quyền. Trải qua nhiều cương vị như Trưởng phòng Tuyên huấn rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn gắn bó với nghề tuyên huấn. Sau khi nghỉ hưu, ông được Bộ Thông tin và Truyền thông mời làm báo cáo viên đi nói chuyện về chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta trên hơn 50 tỉnh, thành phố. Đồng thời, với trách nhiệm của người đảng viên, ông đã tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái về lịch sử...

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: THÀNH DUY

Nhân dịp 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã có cuộc trò chuyện với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, là người có bề dày công tác trong ngành tuyên huấn quân đội, đồng chí có suy nghĩ gì về việc phản ánh, khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên báo chí, văn học-nghệ thuật hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi công tác trong ngành tuyên huấn chính thức từ năm 1987, còn trước đó là cán bộ quân sự song lại tham gia giảng dạy chính trị cho nhiều đối tượng. Âu cũng là cái duyên như vậy. Cuộc đời quân ngũ của tôi gắn bó với ngành và cũng yêu mến cái nghề truyền lửa nhiệt tình cách mạng cho người khác.

Thế cho nên với tôi, chất Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành máu thịt của mình và tôi luôn mong muốn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một phẩm chất cao quý không chỉ cho người chiến sĩ mà còn cho thế hệ trẻ được học tập, noi theo. Có thể nói, đó là phẩm chất của con người mới dưới chế độ XHCN của chúng ta, đó là con người có lòng yêu nước thiết tha, yêu dân sâu đậm, có trách nhiệm cao và sự sẵn sàng hy sinh cho dân, cho nước, vượt qua những khó khăn của đời thường và cả những khi thử thách khốc liệt nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho... Hình ảnh người chiến sĩ hôm nay hiên ngang bảo vệ chủ quyền biển, đảo, dầm mình trong mưa bão bảo vệ cuộc sống của nhân dân, không một chút đắn đo khi gặp tội phạm và chấp nhận mọi khó khăn để giữ vững chủ quyền biên cương Tổ quốc... là những hình ảnh rất đẹp.

Thời gian qua, hình ảnh người chiến sĩ-Bộ đội Cụ Hồ được phản ánh khá sinh động trên báo chí, nhưng hình tượng người chiến sĩ hôm nay chưa được khắc họa sâu đậm trong văn học-nghệ thuật. Là người yêu mến quân đội, tôi thật sự trăn trở với thực trạng này, phải chăng, cái tốt của con người mới, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa đủ sức tỏa sáng trong văn học-nghệ thuật hay vì chúng ta đang chạy theo cơ chế thị trường, chạy theo thị hiếu bình thường, thậm chí là tầm thường mà sao nhãng chức năng giáo dục, chưa đầu tư cho văn học-nghệ thuật hướng tới cái cao thượng, cái tốt đẹp để định hướng phát triển xã hội.

PV: Theo Trung tướng, đâu là những phẩm chất cần thiết mà quân nhân nhất định phải có trong tình hình hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng, những phẩm chất cần có của quân nhân trong giai đoạn hiện nay nên kế thừa những phẩm chất của người chiến sĩ thời chiến và được bổ sung những tiêu chí mới phát triển hơn, yêu cầu cao hơn, đó là: Phải có lòng yêu nước, yêu chế độ mà chúng ta đang phục vụ. Để xây dựng được phẩm chất này hiện nay khó hơn trước nhiều lần, trước đây là hoàn cảnh nước mất nhà tan, kẻ thù xâm lược, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, còn ngày nay, với cơ chế thị trường thì đầu tiên là lợi ích cho mình, cho gia đình mình rồi mới nói đến xã hội, Tổ quốc; do đó, công tác xây dựng phẩm chất quân nhân cần được các đơn vị làm nhiều hơn, mạnh hơn và đòi hỏi tính nêu gương cao nhất của đội ngũ cán bộ, chỉ huy, đây là việc không dễ dàng, song không thể không làm.

Tiếp đó phải xây dựng cho được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là bộ đội của dân, do dân và vì dân. Quân đội ta ngày nay được nhân dân quý trọng chính là còn giữ được phẩm chất tốt đẹp này, “kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ, sẵn sàng cứu giúp dân khi khó khăn, tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn...”. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong những lúc như vậy. Cần phải chú trọng xây dựng phẩm chất kỷ luật của quân đội trong mỗi quân nhân, nhất là yếu tố tự giác, nghiêm minh; nêu gương trong tập thể quân nhân. Cần phê phán hiện tượng quan cách, cho mình đứng trên mọi người, nêu gương xấu cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, đã là kỷ luật quân đội thì ai cũng bình đẳng như ai. Ngày xưa đã có câu: “Thiên tử phạm tội cũng xử phạt như thứ dân, không ai đứng ngoài quân pháp”. Vì lẽ đó, quân đội cách mạng không để xảy ra tình trạng cấp trên có đặc quyền làm khác cấp dưới, cán bộ làm khác chiến sĩ. Phẩm chất mới của quân nhân trong tình hình hiện nay là phải học tập, nắm bắt khoa học, kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị ngày càng hiện đại của quân đội, phải không ngừng tiếp thu khoa học tiên tiến của thế giới, sáng tạo ra những vũ khí trang bị phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng phẩm chất làm nên sức mạnh của người chiến sĩ chính là khâu đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt. Tuy đây không phải là phẩm chất mới, song trong tình hình hiện nay lại không dễ dàng, vì chiến sĩ chúng ta xuất thân từ rất nhiều thành phần, mặt trái cơ chế thị trường có sự tác động nên tính công bằng, bình đẳng về vật chất có sự khác nhau và nó là sự cản trở rất lớn đến việc xây dựng đoàn kết, thống nhất trong từng tập thể. Điều này đòi hỏi ở người lãnh đạo, chỉ huy phải có trình độ tổ chức cao, biết hy sinh vì tập thể, là trung tâm gắn kết các thành viên trong tập thể.

leftcenterrightdel
Quân y Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào Khmer. Ảnh: HÀ QUỐC THÁI

PV: Được biết sau khi nghỉ hưu, Trung tướng đã tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất tích cực và hiệu quả, Trung tướng có thể chia sẻ về vấn đề này với bạn đọc Báo QĐND Cuối tuần?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Về vấn đề này, tôi xin nói là tôi cũng như bao đồng chí khác, thấy trong xã hội có những biểu hiện trái với quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, những vấn đề liên quan đến sự chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì tham gia đấu tranh để góp phần nhỏ của mình vào sự nghiệp chung nhằm bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Tôi nghĩ, đã là cán bộ, đảng viên, nếu đã biết thì phải làm và làm hết trách nhiệm của mình, còn hiệu quả thì cũng chỉ là bước đầu, vì quy luật của đấu tranh với các biểu hiện sai trái, lệch lạc là lâu dài, phức tạp, quyết liệt và không một lúc nào có thể cho rằng đã thành công. Chúng ta biết từ khi Chủ nghĩa Mác xuất hiện thì những người làm cách mạng đã phải liên tục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình.

Đây là mặt trận cam go, đầy thử thách, kinh nghiệm đầu tiên là phải kiên định vững vàng, phải chấp nhận thiệt thòi, dám đấu tranh đến cùng vì lý tưởng, sự nghiệp của Đảng; thứ hai là phải có nhận thức đúng đắn, biết phân biệt đúng-sai, muốn vậy, phải nắm vững những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề cơ bản của chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nắm chắc tình hình thực tiễn xã hội, sự việc, hiện tượng. Thứ ba, phải có phương pháp mềm dẻo, phân biệt sự khác nhau giữa đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội, trở cờ với những quan điểm, cách nhìn sai trái trong nội bộ ta, với nội bộ là trao đổi, phân tích làm rõ đúng-sai, không quy chụp đấu tố cá nhân con người; và cuối cùng, đấu tranh phải có sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phải xin ý kiến tổ chức, lắng nghe sự chỉ đạo và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của tổ chức...

PV: Nhân ngày 22-12, Trung tướng có điều gì muốn tâm sự với các bạn trẻ trong quân đội?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Là người vào bộ đội khi mới 14 tuổi, tôi luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là quân đội đã nuôi dưỡng, giáo dục tôi trưởng thành. Tôi chỉ mong các bạn trẻ khi đã là chiến sĩ thì luôn nuôi trong mình ý chí tiến thủ, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập để không ngừng tiến bộ, dù chỉ hai năm hay cả cuộc đời thì quân đội luôn là trường học lớn cho tuổi trẻ phấn đấu tiến bộ. Thứ hai, hãy xác định quân đội là môi trường thử thách cao nhất trong cuộc sống của tuổi trẻ, vì thử thách cao nên đòi hỏi kỷ luật phải là kỷ luật sắt, tự giác và nghiêm minh, khi đã tự giác thì sẽ cho ta một phong cách sống giản dị, một phương pháp làm việc khoa học, một kinh nghiệm thực tiễn quý để tiếp tục cống hiến cho quân đội hay khi trở về cuộc sống xã hội đều giúp ta vững vàng vượt qua khó khăn để trưởng thành và làm nên sự nghiệp; một người chiến sĩ mai sau có thể trở thành một vị tướng và cũng có thể chỉ là một công dân, song, ta có quyền tự hào mình đã làm tròn trách nhiệm với gia đình, xã hội, Tổ quốc và nhân dân, mình tự đánh giá mình đã luôn vượt lên chính mình để làm tròn nghĩa vụ. Chúc các bạn trẻ mãi xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới!

PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

HỒNG HẢI (thực hiện)