Quỹ công lập như “tài khoản mồi”
Phóng viên (PV): Ông có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có Quỹ Hỗ trợ VHNT ở mỗi quốc gia?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT là một mô hình phổ biến trên thế giới. Trước hết, nói về quỹ công lập ở cấp quốc gia. Quỹ công lập ra đời gắn liền với sự chuyển dịch của mô hình quản trị của nhà nước hiện đại, trong đó phát triển văn hóa được coi là một trách nhiệm của nhà nước. Việc phát triển văn hóa theo các định hướng lâu dài, cho dù đó là mục tiêu đa dạng hóa văn hóa (đa dạng hóa cách thức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động văn hóa, đa dạng hóa cách tiếp cận văn hóa…) hay dân chủ hóa văn hóa (bảo đảm mọi người dân thuộc mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia quá trình sáng tạo, phân phối và hưởng thụ văn hóa) và phúc lợi văn hóa… đều cần đến nền tảng vững chắc về tài chính. Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT do đó được thành lập tại nhiều quốc gia để không chỉ hỗ trợ các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa (tài trợ các dự án sáng tạo) mà còn hướng tới việc hỗ trợ công chúng (xây dựng các thiết chế văn hóa và phát triển các dự án giáo dục nghệ thuật…). Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia vốn theo đuổi mô hình “không can thiệp” trong chính sách quản lý văn hóa, tức là nhà nước không xây dựng bất cứ chiến lược hay chính sách văn hóa nào ở cấp quốc gia, không có bất cứ cơ quan quản lý văn hóa nào ở cấp liên bang… vẫn thành lập Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Arts) từ năm 1965 như một công cụ để bảo đảm việc tạo điều kiện tốt nhất về tài chính cho sự phát triển VHNT, hướng tới mục tiêu đa dạng văn hóa. Ở một số quốc gia như Anh và Pháp, các quỹ quốc gia được thành lập để bảo đảm nguồn hỗ trợ tài chính của nhà nước cho một số lĩnh vực ưu tiên như nghệ thuật cổ điển, di sản, hỗ trợ tiếp cận văn hóa cho các nhóm yếu thế…
Bên cạnh việc tồn tại của Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT ở cấp quốc gia với nguồn tài chính được phân bổ từ ngân sách của nhà nước, việc hỗ trợ và phát triển VHNT ở nhiều quốc gia còn dựa rất nhiều vào các quỹ tư nhân. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, ngân sách của Quỹ Nghệ thuật Quốc gia vào năm 2015 là 146.021.000USD và được dùng để trao cho 2.300 khoản tài trợ. Trong khi đó, cùng năm này, 1.000 quỹ tư nhân đã đóng góp khoảng 2,5 tỷ USD cho 19.635 khoản tài trợ VHNT. Yếu tố lịch sử của nhiều nước phương Tây với truyền thống bảo trợ tư nhân cho VHNT đã xuất hiện từ rất lâu, trước khi có nhận thức về trách nhiệm công của nhà nước đối với sự phát triển của văn hóa ở cấp quốc gia. Nhưng thực tế hiện nay, vai trò của quỹ quốc gia phát triển VHNT đang có sự chuyển dịch quan trọng. Quan niệm về trách nhiệm bao cấp của nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa đang ngày càng mất đi, thay vào đó là vai trò tạo điều kiện, tạo ra môi trường tốt nhất để đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho văn hóa. Các quỹ công lập chủ yếu đóng vai trò như những khoản “tài trợ mồi” để thu hút thêm nhiều hơn nữa các đóng góp từ khu vực tư nhân và các tổ chức dân sự. Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình về cách sử dụng nguồn tài trợ từ quỹ công lập để phát triển các khoản đầu tư dựa trên quan hệ đối tác công-tư giữa Bộ VHTTDL của Hàn Quốc với các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn.
Cơ chế khuyến khích tài trợ tư nhân chưa hấp dẫn
PV: Việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT có được cho là giải pháp dài hơi đối với VHNT của Việt Nam, thưa ông?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Sự hiện diện của mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT là một phần quan trọng trong hệ thống chính sách văn hóa nhằm bảo đảm việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính, hướng tới các mục tiêu phát triển văn hóa lâu dài. Với Việt Nam, việc chúng ta luôn đề cao vai trò của VHNT đối với sự phát triển của đất nước cũng đòi hỏi cần xây dựng một quỹ tài trợ cho VHNT để bảo đảm vai trò dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Dù rằng trên thực tế, chúng ta đã từng có thử nghiệm mô hình quỹ văn hóa và chưa thực sự thành công. Bên cạnh đó, hằng năm, các hội văn học nghệ thuật vẫn được cấp một khoản tiền nhất định để định hướng phát triển hoạt động của mình. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay và những thay đổi trong tư duy quản lý có thể là cơ hội tốt để chúng ta suy nghĩ nhiều hơn đến việc ra đời một quỹ hỗ trợ phát triển VHNT, để khắc phục mô hình quỹ đã từng thử nghiệm, cũng như tài trợ chưa thực sự hiệu quả cho VHNT thông qua các hội nghề nghiệp.
PV: Vậy việc thành lập quỹ phải đối mặt với khó khăn gì và nên tháo gỡ vướng mắc này như thế nào?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trong bối cảnh Việt Nam, việc chuyển đổi cơ chế quản lý văn hóa và xây dựng những mục tiêu văn hóa gắn với phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là bối cảnh quan trọng trong việc hoạch định và thực thi chính sách văn hóa ở nước ta; trong đó có vấn đề huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động VHNT. Khi chúng ta đã có những thay đổi quan trọng về cơ chế huy động tài chính với chủ trương xã hội hóa và những chuyển dịch quan trọng trong bản thân các cơ quan VHNT theo hướng chủ động và tự chủ, việc xây dựng một hệ thống tài chính cho văn hóa vừa đa dạng vừa bài bản vẫn còn nhiều thách thức.
Thách thức thứ nhất chính là nhận thức về vai trò bao cấp của nhà nước còn nặng nề. Khi nói về quỹ phát triển văn hóa, hầu hết mọi người đều nghĩ đến vai trò duy nhất là nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, với những khó khăn hiện tại (cũng như xu hướng chung trên thế giới), việc cắt giảm ngân sách công dành cho văn hóa đang là một thực tế không thể chối bỏ. Khó khăn tiếp nữa là việc ngay cả khi có thể thành lập một quỹ quốc gia với nguồn tài chính được huy động từ ngân sách nhà nước, một khó khăn khác sẽ nảy sinh trong cơ chế xét duyệt và phân bổ tài trợ. Ai là người có thẩm quyền phân bổ nguồn tài trợ từ quỹ này, các tiêu chí đánh giá ra sao và cơ chế giám sát được thực thi như thế nào? Đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch lao động-việc làm hiện nay, nhiều nghệ sĩ đang chuyển dần sang mô hình làm việc tự do, và do đó, liệu họ có gặp khó khăn trong việc xác minh tư cách pháp nhân để tiếp cận nguồn tài trợ từ nhà nước hay không? Vấn đề nữa, đối với việc thành lập quỹ tư nhân, các cơ chế khuyến khích tài trợ tư nhân cho VHNT còn chưa hấp dẫn.
Phân bổ tài chính minh bạch
PV: Tại thời điểm này, liệu có thể trông chờ nhiều vào việc thành lập quỹ không khi mà Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch… được quyết định từ khá lâu mà không thể thành lập, không thể hoạt động. Làm thế nào để Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT thoát khỏi lối mòn này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT là một định hướng mang tính thực tiễn và cần thiết ở Việt Nam. Nếu được sẽ là một “cú huých” cho VHNT. Tuy vậy, việc thành lập và vận hành quỹ như trên đã trình bày, đòi hỏi một hệ thống đồng bộ; hay nói theo cách khác là một môi trường mà trong đó nhà nước, các tổ chức VHNT, công chúng và các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia vào các quyết định của việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn tài chính cho phát triển VHNT.
Để tránh lặp lại những sai sót đã từng xảy ra, nhà nước cần thay đổi tư duy trong việc quản lý quỹ liên quan đến VHNT. Nhà nước nên tạo ra một cơ chế hấp dẫn để khuyến khích sự đầu tư của tư nhân, xây dựng quỹ văn hóa dựa trên cơ sở đối tác công-tư thay vì trông chờ hoàn toàn vào bao cấp của nhà nước. Cùng với đó, việc thực thi cơ chế tuyển chọn, đánh giá và phân bổ tài chính minh bạch với sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ và các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn cũng đóng vai trò quan trọng trong điều hành hoạt động của mô hình quỹ văn hóa.
Với những giải pháp trên, tôi hy vọng rằng Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT sẽ đem lại những động lực mới cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trong bối cảnh “thiết lập trạng thái bình thường mới” sau dịch Covid-19, Viện VHNT Việt Nam đã đề xuất tới các cơ quan chức năng có các chính sách hỗ trợ cho VHNT. Cụ thể: Tạm dừng áp dụng tự chủ 10% trong năm 2020-2021 cho các đơn vị sự nghiệp VHNT truyền thống; tạm dừng lộ trình tự chủ toàn bộ trong năm 2020 với các đơn vị sự nghiệp VHNT và các cơ sở đào tạo VHNT. Miễn thuế doanh thu trong năm 2020 cho mọi đơn vị sự nghiệp VHNT; giảm 50% thuế doanh thu trong năm 2021 để các đơn vị này có thể bù lại tổn thất nặng nề do dịch gây ra; giảm 50% số tiền các đơn vị thu được từ hoạt động bán vé tham quan, biểu diễn, rạp chiếu phim... |
HÀ CHÂU (thực hiện)