Quảng Ninh, một trong những địa phương “tuyến đầu” chống “giặc dịch” đang giành được kết quả tích cực. Trong những ngày nóng bỏng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Văn Long, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

leftcenterrightdel
Đại tá Lê Văn Long, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phòng, chống dịch Covid-19.

Phóng viên (PV): Được biết, thời gian qua, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, LLVT tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị đồng chí cho biết việc triển khai công tác đó như thế nào và kết quả đạt được?

Đại tá Lê Văn Long: Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa-nơi khởi phát và có số người nhiễm, tử vong đến nay lớn nhất thế giới vì dịch Covid-19. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có số lượng công dân Trung Quốc làm việc, khách du lịch trong và ngoài nước lớn. Quảng Ninh còn có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nơi được giao là điểm tiếp nhận các chuyến bay chở công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch để thực hiện các biện pháp cách ly… nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Từ tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trên, Bộ CHQS tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, đặc biệt là tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân khu 3, UBND tỉnh tiếp nhận, vận chuyển công dân từ thành phố Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn về khu cách ly tập trung tại các đơn vị quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3.

Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Bộ CHQS tỉnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, cơ chế lây lan và cách phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thành lập các tổ, đội cơ động, tổ vệ sinh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho địa phương phòng, chống dịch. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo ban CHQS các huyện trên tuyến biên giới cả đất liền và trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức lập những chốt tuần tra, canh gác tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới. Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức 19 điểm cách ly, với 1.664 giường… Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thời điểm này, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận gần 3.000 công dân, đưa về các địa điểm cách ly theo kế hoạch của trên. Riêng tại Trường Quân sự tỉnh đã tiếp nhận, cách ly hơn 400 công dân, trong đó đã có hơn 200 công dân hoàn thành thời gian cách ly trở về địa phương. Quá trình cách ly, LLVT tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp y tế, hỗ trợ suất ăn miễn phí, các nhu yếu phẩm, sách, báo, ti vi, internet… phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.

PV: Trước những diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19, phương án tiếp theo đề phòng các tình huống xấu của LLVT tỉnh là gì?

Đại tá Lê Văn Long: Các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 đã được Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị theo 5 cấp độ của dịch. Đến khi nắm bắt thông tin về những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động rà soát toàn bộ kế hoạch, kịch bản, bổ sung các phương án phòng, chống dịch trong LLVT tỉnh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương biện pháp khoanh vùng, cách ly, tiêu độc, khử trùng các khu vực có người nhiễm bệnh. Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Trong tình huống xấu nhất, tức là dịch ở cấp độ 5 với hơn 3.000 người mắc, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ổn định tâm lý bộ đội, nhân dân, không để hoảng loạn dẫn đến lây nhiễm chéo trong các khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Quân khu 3 và tỉnh, huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch; triển khai lực lượng quân y cơ động xuống địa bàn xảy ra dịch bệnh tiến hành theo dõi, cách ly những người có biểu hiện nhiễm bệnh; sẵn sàng chuyển tuyến những trường hợp nặng; tổ chức phun thuốc khử trùng, tẩy uế, xử lý triệt để ổ dịch. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các bệnh viện triển khai khu khám bệnh riêng dành cho người nghi nhiễm và khu cách ly đặc biệt; thường xuyên củng cố lực lượng, bổ sung vật chất, phương tiện, trang bị để sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tiếp theo.

PV: Từ tình hình thực tiễn của công tác phòng, chống dịch tại địa phương thời gian qua, đồng chí có thể nêu những kinh nghiệm gì?

Đại tá Lê Văn Long: Mỗi địa phương có một đặc điểm riêng nên công tác phòng, chống dịch phải căn cứ vào đặc điểm đó để triển khai phù hợp... Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 của LLVT tỉnh Quảng Ninh, tôi xin khái quát một số vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, thường xuyên giáo dục, xây dựng quyết tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ trong phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi xác định, để phòng dịch tốt, điều cốt lõi nhất là tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và quyết tâm trong phòng, chống dịch của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng phục vụ công dân cách ly... Thông qua đó, kịp thời khích lệ mỗi cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, các sở, ban, ngành địa phương trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong việc đưa đón, tiếp nhận công dân thực hiện cách ly tại địa phương. Công tác phòng, chống dịch bệnh không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, một tổ chức nhất định, mà nó đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và các lực lượng.

Thứ ba, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, huy động mọi nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, bám sát sự hướng dẫn của cấp trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm quy trình y tế về phòng, chống dịch bệnh. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, cùng các chỉ thị của Quân khu 3, tỉnh Quảng Ninh, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã ban hành chỉ thị, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành lập sở chỉ huy phía trước để trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống dịch; kiện toàn ban chỉ đạo do đồng chí Phó chỉ huy trưởng làm trưởng ban, thành lập các tổ cơ động, đội công tác, đội tuần tra kiểm soát, chuẩn bị khu cách ly tập trung, 100% đơn vị dựng các lều bạt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống mới; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan.

leftcenterrightdel
Kiểm tra nhiệt độ cho nhân dân tại khu vực cách ly của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: HUỲNH CHÍ THIỆN

Thứ tư, tập trung nâng cao năng lực y tế bảo đảm thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh thông thường, phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Dịch Covid-19 rất dễ lây lan, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh luôn làm đúng nguyên tắc được ngành y tế hướng dẫn, kiên nhẫn hoàn thành từng khâu, xử lý kịp thời nhiều tình huống phát sinh, bảo đảm an toàn, không để bị lây nhiễm chéo. Trong đó, luôn chú trọng công tác tập huấn không chỉ cho lực lượng quân y mà còn cho 100% cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ. Đến nay, LLVT tỉnh đã xây dựng được lực lượng quân y đông đảo, bao gồm lực lượng quân y chuyên trách làm lực lượng nòng cốt và “mỗi cán bộ, chiến sĩ đều trở thành một chiến sĩ quân y trong trận chiến chống giặc Covid-19”...

PV: Đồng chí có thể nêu những dự báo của mình qua đợt thực hiện phòng, chống dịch này để LLVT địa phương tiếp tục ứng phó tốt trước những tình huống an ninh phi truyền thống như Covid-19?

Đại tá Lê Văn Long: Covid-19 là một thách thức an ninh phi truyền thống mà nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có kế hoạch phản ứng kịp thời rất dễ dẫn đến bất ổn xã hội. Những năm qua, LLVT tỉnh Quảng Ninh thường xuyên diễn tập, lên kế hoạch ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Vậy nên, khi được giao nhiệm vụ là một trong các địa phương tiếp nhận người từ vùng dịch trở về cách ly, chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần xung kích đi đầu.

Thông qua kết quả và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án, kế hoạch, hoàn thiện các kịch bản trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong tương lai như thế này đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ xem xét lại cơ chế phối hợp và kể cả hệ thống các văn bản chỉ đạo, từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới để xây dựng các kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chúng tôi sẽ đưa các nội dung này vào chương trình huấn luyện thường xuyên cho các đối tượng, tổ chức tập huấn để nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như các kỹ năng, kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Chúng tôi đang nỗ lực dập dịch! Xin đồng bào cả nước yên tâm, tin tưởng vào LLVT tỉnh Quảng Ninh-đơn vị hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TUẤN TRỊNH (thực hiện)