Trước sự xâm nhập của các trào lưu âm nhạc “nhảm”, “rẻ tiền”, có nguy cơ đầu độc, ảnh hưởng xấu tới thanh niên, trong đó có bộ đội trẻ, đã đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của nhạc sĩ quân đội trong giai đoạn hiện nay, đó là làm sao để tạo ra những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có ý nghĩa tuyên truyền, hướng người nghe tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Trung tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phạm Anh Thông, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xung quanh chủ đề này.

leftcenterrightdel
Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông.

Phóng viên (PV): Đầu tiên xin chúc mừng đồng chí vừa đoạt giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020”. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về tác phẩm đoạt giải này?

Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông: Tôi rất vui và xúc động khi ca khúc “Tình Bác chắp cánh con bay” của tôi đoạt giải thưởng vinh dự này. Đây không phải ca khúc đầu tiên tôi viết về Bác, nhưng đây là tác phẩm tôi có nhiều cảm xúc khi sáng tác. Lâu nay, tôi vẫn muốn viết một ca khúc về Bác Hồ với những người lính không quân và cũng có nhiều câu chuyện khiến tôi ấp ủ để sáng tác. Quân chủng PK-KQ có bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Át làm tôi rất ấn tượng, đó là bức ảnh Bác Hồ bắt tay phi công Nguyễn Văn Cốc (sau này là Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân), người đã bắn rơi 9 máy bay địch và câu chuyện về lời chúc “Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho không quân có nhiều Cốc hơn nữa” năm 1969. Lời của Bác vừa có ý nghĩa khích lệ, động viên, cũng là một nhiệm vụ mà Bác giao cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ. Dù chỉ được nghe kể lại nhưng tôi cũng thấy vô cùng xúc động.

Năm 2016, trong một lần đoàn đi biểu diễn ở Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, sau khi xong chương trình, tôi có ngồi giao lưu với các phi công trẻ. Họ tâm sự rằng họ tự hào được khoác trên mình bộ quân phục, bản thân và gia đình được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, dù công việc huấn luyện gian nan, nhiệm vụ có khó khăn ra sao thì họ cũng luôn sẵn sàng, nguyện hy sinh vì Tổ quốc... Với những người lính trẻ măng ngoài 20 tuổi ấy, trong khi bạn cùng trang lứa với họ có thể đang có biết bao niềm vui hưởng thụ, cơ hội ngoài xã hội thì họ lại mang trong mình một bản lĩnh, lý tưởng cao đẹp vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh bản thân vì lý tưởng ấy. Tôi thật sự xúc động và khâm phục họ. Tôi nghĩ mình phải viết gì đó, đơn giản, ý nghĩa về những chiến sĩ canh trời, về tình cảm của cán bộ, chiến sĩ PK-KQ với Bác Hồ và những ca từ cứ thế xuất hiện: “Yêu sao màu áo xanh canh trời, những người lính ngày đêm gìn giữ cho yên bình đất nước thân yêu/ Luôn ghi lời Bác trong tim, nâng cánh con bay trên bầu trời Tổ quốc...”, “Mãi luôn thầm nhớ lời hứa linh thiêng gìn giữ núi sông này...”.

PV: Là một nhạc sĩ-chiến sĩ, đồng chí nghĩ trách nhiệm của nhạc sĩ quân đội hiện nay như thế nào?

Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông: Thật tự hào khi các nhạc sĩ quân đội thế hệ trước đã góp phần vào sự phát triển âm nhạc nước nhà với các tên tuổi và tác phẩm đi cùng năm tháng. Tôi nghĩ trách nhiệm của nhạc sĩ nói chung và nhạc sĩ quân đội nói riêng trong thời bình cũng rất lớn. Âm nhạc không chỉ giúp cho con người có đời sống văn hóa-tinh thần phong phú mà thông qua âm nhạc, cần lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng con người tới cái chân-thiện-mỹ. Hiện nay vẫn còn nhiều tác phẩm mà giai điệu thì bắt chước toàn bộ nhạc nước ngoài, ca từ nghe dễ dãi, ủy mị... đang tiếp cận giới trẻ dễ dàng. Trong quân đội lại có nhiều chiến sĩ trẻ, tôi nghĩ các nhạc sĩ trong quân đội, trong đó có tôi cần có trách nhiệm trong việc định hướng cho bộ đội qua các tác phẩm âm nhạc. Trước hết là định hướng về nghệ thuật để bộ đội được nghe, yêu thích âm nhạc chính thống. Thứ hai là định hướng, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, làm cho bộ đội thêm hiểu và thêm yêu quê hương, đất nước, quân đội, có lý tưởng cao đẹp. Muốn làm được vậy, bản thân nhạc sĩ phải luôn trau dồi, học hỏi, nghiên cứu để sáng tác những tác phẩm cập nhật được hơi thở âm nhạc đương đại nhưng không được dễ dãi, rẻ tiền, sao chép. Nhạc sĩ cũng phải dấn thân, hiểu đời sống bộ đội, đặc thù các quân binh chủng, văn hóa các vùng miền để các sáng tác gần gũi, dễ đi vào lòng cán bộ, chiến sĩ. Các sáng tác phải mang những nội dung tư tưởng tốt, khơi gợi niềm tự hào cho các thế hệ nhưng cũng không thể quá nhiều triết lý, hay như một bản nghị quyết mà cần làm sao cho bộ đội dễ nghe, dễ hát, dễ nhớ, có thể thường xuyên sử dụng trong các buổi sinh hoạt ở đơn vị. Nếu nhạc sĩ làm tốt những điều đó thì âm nhạc sẽ làm công tác tuyên truyền rất hiệu quả.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân tham gia Festival Âm nhạc Quốc tế Hạ Long, năm 2020. Ảnh: THÀNH TRUNG

PV: Vậy hình ảnh bộ đội thời bình được đồng chí khai thác như thế nào trong các sáng tác của mình?

Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông: Tôi viết nhiều về đề tài người lính, đặc biệt để phục vụ nhiệm vụ trực tiếp của đoàn nên tôi có nhiều sáng tác về người lính ra-đa, tên lửa, không quân... nói về lý tưởng cao đẹp, sự hy sinh, tình yêu chiến sĩ, tình cảm quân dân... Năm 2018, tôi viết ca khúc “Nơi ấy tình yêu bắt đầu” nói về tình yêu người lính tình nguyện Việt Nam với cô gái Campuchia. Ca khúc này đoạt giải A thể loại âm nhạc trong Cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật về “Tình đoàn kết chiến đấu 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia”. Mới đây, tôi viết bài “Nơi bình yên” có nội dung nói về một nơi bình yên ở quê nhà mà người lính PK-KQ luôn nhớ về. Đó là gia đình, nơi có vợ con, bố mẹ, có góc sân rợp bóng cây, ban công đầy hoa, có ngõ nhỏ, triền đê đầy gió... Nơi bình yên ấy cũng là đại diện cho hậu phương của tất cả những người lính. Nghĩ về nó giúp người lính vững tâm hơn trước những gian nan, vất vả. Nhớ về nó, người lính luôn tự nhủ phải làm tất cả để bảo vệ nơi bình yên... Tôi thấy thực sự có rất nhiều đề tài hay xung quanh người lính, chỉ sợ mình khai thác không xuể, chỉ sợ mình không đủ sức viết. Tôi muốn hình ảnh người lính thời bình trong các tác phẩm của tôi là những điều bình dị, gần gũi nhất, là cuộc sống thường nhật với nhiệm vụ, lý tưởng và cả gia đình, tình yêu đôi lứa.

PV: Để có những sáng tác như vậy, chắc chắn nhạc sĩ phải đến với bộ đội, hiểu đời sống của bộ đội?

Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông: Mỗi năm, Đoàn Văn công PK-KQ phục vụ biểu diễn 110-120 buổi ở các đơn vị trong quân chủng, tới cả các chốt, trạm khắp cả nước. Có rất nhiều đơn vị ở nơi xa, địa hình hiểm trở, khó đi. Tôi nhớ có lần đi biểu diễn tại trạm ra-đa ở Sơn La. Buổi tối biểu diễn nhưng đoàn phải triển khai công việc từ 13 giờ vì đến 15 giờ, mây mù đã kín không gian, không nhìn rõ mặt người. Thậm chí thiết bị máy móc có thể bị hỏng vì độ ẩm cao nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục công việc vì ở các đơn vị xa xôi như vậy, rất lâu mới có văn công đến. Xong việc, anh em văn công và các chiến sĩ lại ngồi giao lưu, hát mộc cùng nhau tới đêm. Rồi có lần đến biểu diễn ở trạm tên lửa, xe của đoàn không thể vào đơn vị, nghệ sĩ phải lên xe tải có bánh chuyên dụng mới tới được đơn vị... Tôi vẫn nghĩ, chúng tôi đến với anh em ở các đơn vị không phải chỉ là hát cho anh em nghe mà mỗi chuyến đi giống như đến thăm những người thân, đến để chia sẻ, để lắng nghe, để hiểu. Vì vậy qua những lần như thế, chúng tôi càng hiểu hơn được nhiệm vụ, đời sống, những khó khăn, mong mỏi của bộ đội. Với riêng tôi, đó cũng là cảm hứng, chất liệu để tôi sáng tác.

PV: Như đồng chí chia sẻ, hiện nay, giới trẻ dễ bị hấp dẫn bởi các thể loại âm nhạc “nhảm”. Vậy theo đồng chí, làm sao để các ca khúc mang nội dung, tư tưởng tốt được bộ đội trẻ đón nhận?

Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông: Các đoàn văn công chuyên nghiệp như chúng tôi có điều kiện đi biểu diễn thường xuyên ở các đơn vị trên toàn quốc, vì vậy, những sáng tác có nội dung định hướng, tuyên truyền, viết về bộ đội là rất cần thiết. Nó không chỉ cho bộ đội hát và nghe mà còn là điểm tựa tinh thần, niềm tự hào của những người lính, cũng như giúp người dân hiểu hơn về những khó khăn, gian nan của người chiến sĩ. Ngoài những ca khúc truyền thống, bộ đội cũng rất cần những bài hát mới mang hơi thở hiện đại, theo dòng chảy âm nhạc thế giới. Chúng tôi cũng có sáng tác và biểu diễn cả những bài hát thể loại rap, hip hop với nội dung phù hợp để đáp ứng thị hiếu của bộ đội trẻ.

Bên cạnh đó, đoàn cũng chủ trương tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ tham gia các cuộc thi, sự kiện, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống để xây dựng hình ảnh, tên tuổi. Khi đến biểu diễn tại các đơn vị, hình ảnh các nghệ sĩ quen thuộc, nổi tiếng cũng tạo được sự hấp dẫn với chiến sĩ. Qua đó, cùng với việc trình diễn các tác phẩm có nội dung tốt, tôi nghĩ điều này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực và là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với bộ đội, nhất là bộ đội trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

HOÀNG DƯƠNG (thực hiện)