Ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xung quanh câu chuyện này.

Khó khăn lẫn thách thức

Phóng viên (PV): Việt Nam là đất nước sở hữu kho tàng DSVH quý giá, với số lượng lớn, phong phú về loại hình, phân bổ ở khắp mọi miền đất nước. Điều đó đặt ra những vấn đề gì cho công tác bảo tồn di sản, thưa ông?

Ông Đặng Khánh Ngọc: Theo số liệu của Cục DSVH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê, xếp hạng, trong đó hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.591 di tích cấp quốc gia, 123 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 DSVH và thiên nhiên thế giới; DSVH phi vật thể đã kiểm kê là 70.000, trong đó, có 416 di sản quốc gia; 14 di sản được UNESCO ghi danh (13 đại diện của nhân loại và 1 cần bảo vệ khẩn cấp).

leftcenterrightdel

Đại Nội Huế nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG 

Đặc điểm của DSVH Việt Nam là có số lượng lớn, địa bàn phân bố rộng; đa dạng về chủng loại, loại hình (DSVH, di sản thiên nhiên, di sản hỗn hợp); đa dạng về sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng, sở hữu tư nhân). Điều đó cũng tạo nên những khó khăn trong việc bảo tồn DSVH, nhất là hệ thống văn bản pháp lý chưa theo kịp thực tiễn và chưa bao phủ hết sự đa dạng các trường hợp, tình huống xảy ra trong thực tế. Các cơ chế dành cho ưu tiên chưa thật sự rõ ràng; cơ sở lý luận, lý thuyết về bảo tồn di sản cần thiết để dẫn hướng, làm cơ sở định hướng thực hiện còn ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong quá trình nghiên cứu xây dựng định hướng can thiệp bảo tồn di sản; công cụ cơ sở như: Quy trình thực hiện; tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật; đơn giá cho các công tác đặc thù, đơn giá vật tư chuyên ngành... Cùng với đó, nguồn nhân lực chuyên môn mỏng, thiếu về số lượng, thiếu các chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên sâu; kinh phí đầu tư cho bảo tồn DSVH còn thấp khi so sánh với các ngành khác và thường bị dàn trải do đó không thể hiện rõ hiệu quả của các ưu tiên.

PV: Ngoài những khó khăn trên, dễ nhận thấy rằng quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng kéo theo những tác động có nguy cơ làm mai một, hư hại DSVH, nhưng để hài hòa được mối quan hệ này không dễ, thưa ông?

Ông Đặng Khánh Ngọc: Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu rất đáng kể trong bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Việc khai thác các giá trị của di sản cũng được thực hiện hiệu quả, thể hiện cụ thể qua các con số đóng góp gián tiếp vào ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa. Và nguy cơ có thể dẫn đến hai thái cực trong nhìn nhận, đánh giá hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.

Thứ nhất, di sản được bảo tồn nhưng không phát huy được giá trị (kinh tế), tức là xu hướng cực đoan quan điểm bảo tồn nguyên trạng, không làm biến dạng, thay đổi hiện trạng của di sản. Với quan điểm, nguyên tắc này thì việc khai thác và phát huy giá trị của di sản, nếu chỉ được nhìn nhận đánh giá bằng hiệu quả kinh tế đơn thuần, là rất khó đạt được. Thái cực thứ hai là khai thác tốt giá trị kinh tế nhưng làm mất mát, sai lệch các giá trị của DSVH. Xu thế thường thấy là vận dụng khai thác tối đa giá trị kinh tế nguồn lực, tài nguyên nhân văn của di sản để phát triển kinh tế-xã hội, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Đây là một xu thế nguy hiểm, dẫn đến những nguy cơ làm mất mát, bóp méo giá trị của DSVH. Có thể kể đến trào lưu hoành tráng hóa di sản, tạo “điểm nhấn” để thu hút, tìm kiếm lợi nhuận kinh tế, hay là tình trạng lạm dụng, khai thác cạn kiệt di sản.

Yêu cầu cốt yếu hiện nay là cân bằng hai vế của bài toán bảo tồn, gìn giữ các giá trị và khai thác tiềm năng, phát huy giá trị của di sản vào cuộc sống nhằm đạt được mục tiêu kép vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trên thực tế, đây là một yêu cầu thường trực, luôn luôn có tính thời sự trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Hai quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản luôn gắn liền với nhau, hỗ trợ, bổ sung và cũng thường xuyên tạo ra những mâu thuẫn, khó để đạt được sự cân bằng. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay thì nhiệm vụ cân bằng hai quá trình này càng nhiều thách thức, nhất là khi được đánh giá từ khía cạnh “vật chất”. Đánh giá hiệu quả phát huy giá trị của di sản trong đời sống xã hội không thể nào chỉ là việc đong đếm bằng các thước đo với thang đo là các con số có gắn một mệnh giá cụ thể. Giá trị thu được từ phát huy di sản hoàn toàn có thể ở dạng “phi vật thể”. Cho tới nay, chỉ có một số trường hợp di sản tại nước ta dường như gần chạm tới sự cân bằng.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

PV: Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng, là giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển ở nhiều lĩnh vực. Với lĩnh vực DSVH, quá trình này được hiểu và thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Khánh Ngọc: Cần hiểu về số hóa di sản là công việc tạo lập cơ sở dữ liệu gồm thông tin, hình ảnh và số liệu của DSVH sang dạng kỹ thuật số dựa trên nền tảng của công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin, nhằm bảo vệ bền vững và phát huy lâu dài giá trị của di sản. Đây là một cách thức thực hiện trong một công đoạn của quy trình chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về DSVH. Là bước phát triển quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dựa trên ứng dụng các thành tựu, kết quả công nghệ và kỹ thuật của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Số hóa và thực hiện chuyển đổi số để hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tập trung về DSVH của quốc gia phục vụ quản lý, khai thác và phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hiệu quả việc chuyển đổi số vào công cuộc bảo tồn DSVH, cần phải có bước kết nối giữa sản phẩm công nghệ (dữ liệu số hóa) với các nhu cầu ứng dụng đầu ra khác nhau. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên gia công nghệ và các nhà chuyên môn về bảo tồn di sản, triển khai đào tạo, phối hợp thực hiện và chuyển giao.

PV: Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Ông Đặng Khánh Ngọc: Theo tôi, thời gian qua là giai đoạn thực hiện các công tác thử nghiệm để đánh giá những ưu-nhược điểm kỹ thuật, những khó khăn-thuận lợi của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực DSVH, qua đó xem xét tính khả thi trong lựa chọn công nghệ như các điều kiện vận hành, thao tác, phát triển, tính kinh tế...

Dịch Covid-19 đã đưa đến những tác động cụ thể làm chậm quá trình thực hiện chuyển đổi số, như là: Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch gây nên khó khăn trong phối hợp triển khai thực hiện; các quy định về cách ly, hạn chế lưu thông, đi lại giữa các khu vực, địa phương... nên có thời gian hầu như không thể triển khai; việc ưu tiên kinh phí cho phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế nên nguồn lực cho văn hóa, di sản có thể bị cắt giảm, không ưu tiên...; làm kéo dài thời gian thao tác, thực hiện tổng hợp đánh giá kết quả thử nghiệm. Nhưng dịch bệnh cũng là yếu tố làm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở một số đơn vị như là một giải pháp, hướng đi sáng tạo để khai thác di sản, thu hút khách tham quan, du lịch và đã mang lại những hiệu quả nhất định, giúp đưa ra những đánh giá, kinh nghiệm nhất định cho quá trình triển khai thực hiện thời gian tới.

PV: Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực DSVH, như mục tiêu Chương trình số hóa DSVH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Ông Đặng Khánh Ngọc: Nội dung thực hiện và các giải pháp thực hiện đã được ghi rõ trong Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 2-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình số hóa DSVH Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng sẽ cần tập trung thực hiện theo thứ tự ưu tiên những giải pháp trước mắt sau:

leftcenterrightdel
Ông Đặng Khánh Ngọc. Ảnh do NVCC 

Trước hết về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật cần xây dựng, hoàn thiện và ban hành nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ, chia sẻ và khai thác hệ thống.

Tiến hành điều tra khảo sát các cơ sở lưu trữ tư liệu/dữ liệu về DSVH gồm các thư viện, viện nghiên cứu, bảo tàng và các kho dữ liệu tại từng địa phương... để thu thập số liệu tổng thể làm cơ sở xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện chương trình số hóa DSVH; với các nội dung thực hiện là: Điều tra số liệu về quy mô, số lượng, khối lượng, số loại... dữ liệu; khảo sát nền tảng kỹ thuật công nghệ của hạ tầng lưu trữ, bảo quản dữ liệu; đánh giá mức độ ứng dụng kỹ thuật công nghệ, cấp độ số hóa dữ liệu; khảo sát đánh giá trình độ, mức độ sẵn sàng của nhân lực quản lý, vận hành và khai thác hệ thống lưu trữ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện số hóa DSVH bằng cách tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ DSVH, tập huấn kỹ năng thực hiện công tác số hóa... chuẩn bị sẵn sàng nhân lực đủ năng lực triển khai công tác hỗ trợ và thực hiện số hóa, chuyển đổi số DSVH.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế, nhất là với các đối tác là tổ chức, cá nhân mạnh về nguồn lực, giàu kinh nghiệm chuyển đổi số DSVH nhằm tranh thủ các nguồn lực, sự giúp đỡ, hỗ trợ, phổ biến kinh nghiệm trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, chuyển giao công nghệ. Liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ trong đào tạo, nâng cao năng lực nhằm nhanh chóng sẵn sàng làm chủ kỹ thuật trong chuyển giao, tiếp nhận công nghệ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)