QĐND - Trao đổi cùng chúng tôi, Đại tá Trịnh Văn Quyết, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã dành nhiều thời gian nói về thế trận lòng dân và sức mạnh đại đoàn kết của lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Phóng viên (PV): Nhiều năm qua, rà phá bom, mìn, vật cản đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Theo đồng chí, cái được lớn nhất của công tác này là gì?

Đại tá Trịnh Văn Quyết-Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Giang.

Đại tá Trịnh Văn Quyết: Bộ CHQS tỉnh Hà Giang những năm qua đã triển khai Chương trình 120 của Chính phủ về rà phá bom, mìn, vật cản. Trung bình một năm có khoảng 300ha được rà phá bom, mìn. Để thực hiện khối lượng công việc trên, có nhiều đơn vị tham gia, như Sư đoàn 316, Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2), Đại đội 19 công binh (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang). Các đơn vị tập trung rà phá vào những khu vực trọng điểm, có nhiều bom, mìn, cũng là nơi dân cần đất để canh tác. Năm 2013, kế hoạch của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang là rà phá bom, mìn, vật cản trên diện tích 300ha.

Bên cạnh đó, Hà Giang có đề xuất rà phá bom, mìn trên diện tích 10.000ha theo Chương trình 504. Đề xuất đã được Bộ Quốc phòng cho phép khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công. Đây là chương trình lớn, đòi hỏi sự đầu tư chu đáo cả về vật chất và con người. Nếu làm tốt Chương trình 504, sẽ giúp giải phóng đất đai, di giãn dân ra biên giới.

Ở Hà Giang, nếu dân có thêm đất để canh tác rất đáng quý. Đất ở vùng biên hồi sinh sau khi được rà phá bom, mìn, vật cản, người dân vô cùng cảm ơn bộ đội. Tôi nghĩ, giúp dân phát triển kinh tế, di giãn ra vùng biên sẽ góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

PV: Với đặc thù là một tỉnh biên giới, nơi có Cột cờ Lũng Cú-điểm cực Bắc của Tổ quốc-Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã có những cách làm sáng tạo nào để liên tục đạt được nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác dân vận, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Văn Quyết: Dù công tác ở đâu thì việc gắn kết giữa bộ đội và nhân dân, chính quyền địa phương rất quan trọng. Bộ đội phải vận động nhân dân tin, thấy việc làm của mình tốt, có ý nghĩa thì các gia đình mới di dân, chuyển đổi cuộc sống, chuyển nhà ra vùng biên. Tôi hay nhắc anh em, cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở, khi vận động nhân dân không gì bằng hành động cụ thể. Từ làm đường giao thông nông thôn cho đến dựng nhà, phòng, chống bão, lũ lụt, cứu giúp người gặp nạn… mình là Bộ đội Cụ Hồ thì nên là người đầu tiên giúp dân. Bộ đội gắn kết với dân quân, nhân dân sẽ tạo nên nét đẹp văn hóa, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, cường độ lao động được nâng cao, tạo ra hiệu quả tốt về mọi mặt.

Bộ CHQS tỉnh Hà Giang nhận thức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này theo phương châm: “Trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”, với định hướng: Hướng về cơ sở, lấy chi bộ làm hạt nhân tổ chức thực hiện, nhấn mạnh nội dung “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về các vấn đề, như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, sửa đổi lối làm việc và thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Cán bộ, chiến sĩ có học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tốt thì công tác dân vận cũng đạt được hiệu quả cao hơn.

Đi công tác, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thường để ý, lắng nghe ý kiến của nhân dân sống quanh các đơn vị. Chúng tôi “mát gan mát ruột” khi nghe người dân ngợi khen những công việc bộ đội thuộc Bộ CHQS tỉnh nhà làm được. Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313, 314, Đại đội 19 công binh… đi đến đâu cũng được dân quý. Tôi cũng vừa xuống kiểm tra đột xuất Đại đội 19 công binh. Từ xưa tới nay, đại đội này chưa có vi phạm kỷ luật, đại đội trưởng, Trung tá Vũ Hồng Mạnh nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua. Đó là vì ở đại đội này, cán bộ, chiến sĩ như anh em một nhà, đại đội đi đến đâu cũng biết cách “bám chắc” vào dân để làm tốt công tác dân vận. Đại đội 19 công binh đang rà phá bom, mìn, vật nổ ở thôn Tả Mù Cán, bản Tả Ngải Tủng (xã Xín Mần-huyện Xín Mần), chính quyền xã vừa nhờ anh em đại đội mấy bữa nữa hợp sức làm đường đại đoàn kết. Trăm nghe không bằng một thấy, nếu có điều kiện, nhà báo nên tới thăm Đại đội 19 công binh để cảm nhận được công việc rà phá bom, mìn, vật nổ vất vả, nặng nề nhưng không kém phần vinh quang mà cán bộ, chiến sĩ đại đội đang ngày đêm thực hiện.

PV: Bộ CHQS tỉnh Hà Giang có hai Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313, 314, vậy chiến lược lâu dài về phát triển kinh tế, giúp dân của Bộ CHQS tỉnh là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Văn Quyết: Hai Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 và 314 vừa qua có triển khai một số dự án như đường giao thông, kênh mương phục vụ cho việc tưới tiêu trên địa bàn đóng quân, mang lại hiệu quả thiết thực. Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 đã hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng thảo quả cho 322 hộ/358ha, trị giá 358 triệu đồng, đến nay đã phát triển được 1.159ha, trong đó có 700ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 350 tấn/năm. Đoàn cũng giúp dân nâng diện tích chè từ 120ha (năm 2005) đến nay đã tăng lên gần 680ha. Ngoài ra, đoàn còn vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá bống, nuôi dê, nuôi lợn đen. Hiện 100% diện tích đất trồng lúa, ngô đã được bà con trồng lúa lai và ngô lai cho năng suất cao.

Trong khi đó, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 314 đang tập trung vào thực hiện mới 3 dự án thủy lợi tại huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, 1 dự án xây dựng 132 bể nước tại các xã trong vùng dự án với số tiền gần 6 tỷ đồng. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 314 thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, đội, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn các thôn, bản. Đôn đốc các đội, nhân dân kiểm tra và chăm sóc trồng dặm 25ha rừng…

Hai Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313, 314 đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Tỉnh ủy Hà Giang trong chương trình làm việc với Ban Bí thư có đề nghị mở rộng đoàn kinh tế, để góp phần cùng cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng khu kinh tế-quốc phòng Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên thực sự trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa-xã hội, vững vàng về thế trận quốc phòng-an ninh trên vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Để tìm kiếm, xác định vật nổ, bom mìn, một trong những công đoạn mà các chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phải thực hiện là dò và xử lý tín hiệu đến độ sâu 7cm, sau đó tiến hành dò bằng máy đến độ sâu 30cm dưới mặt đất. Ảnh: Thu Hiền

Để giúp dân phát triển kinh tế thì có nhiều hình thức, chiến lược lâu dài. Hiện lực lượng vũ trang tỉnh tập trung vào rà phá bom, mìn, vật cản. Nếu giải quyết được 10.000ha thì sẽ có nhiều đất để di giãn dân, nhân dân có thêm đất nông nghiệp. Hà Giang là tỉnh biên giới, nếu làm được đường tuần tra biên giới và đường vành đai biên giới thì sẽ có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Lực lượng vũ trang tỉnh góp công, góp sức trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Lực lượng vũ trang khi góp công sức xây dựng nông thôn mới, phải có khả năng, đủ điều kiện để tham gia sao cho có hiệu quả. Trong xây dựng nông thôn mới, mỗi ban chỉ huy quân sự huyện phải chịu trách nhiệm giúp cho 1 xã.

PV: Đâu là cái được khi 195/195 xã trong tỉnh có chi bộ quân sự, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Văn Quyết: Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía bắc và tây có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 277,5km. Phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía tây và tây nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Địa hình tỉnh Hà Giang phức tạp, đi lại vất vả, đời sống nhân dân khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Ngoài việc tham mưu nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh luôn đề cao việc xây dựng quan hệ quân dân, để nhân dân tin Đảng, tin quân đội, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc. Bên cạnh việc giúp dân, BCHQS tỉnh phối hợp cùng cấp ủy địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Có gắn bó mật thiết với nhân dân thì mới phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ủy, xây dựng 195/195 xã có chi bộ quân sự. Tỉnh ủy Hà Giang vừa tiến hành sơ kết 1 năm việc thành lập chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn, đã được cấp ủy địa phương đánh giá cao. Việc thành lập chi bộ quân sự đã góp phần tăng cường vai trò và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở. Các chi bộ quân sự đã kết hợp được giữa nhiệm vụ chính trị trọng tâm với các nhiệm vụ khác, gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng cho nhân dân, lực lượng vũ trang các cấp, các ngành ở cơ sở tốt hơn. Chất lượng hoạt động của ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được nâng lên; công tác xây dựng, củng cố huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng dự bị động viên nhiều nơi có chuyển biến tích cực; công tác tuyển quân bảo đảm hơn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trong những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, chiến sĩ LLVT Hà Giang tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và quyên góp ủng hộ các loại quỹ do quân đội phát động được hơn 6 tỷ 756 triệu đồng; ủng hộ được hơn 6.700 bộ quần áo; tìm kiếm và quy tập 30 mộ liệt sĩ; giải quyết chế độ chính sách cho 10.033 đối tượng theo các Quyết định 47, 290, 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ; tu sửa 58 nghĩa trang liệt sĩ; xây 26 nhà tình nghĩa; 7 nhà đồng đội trị giá hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân xây mới và sửa 54 nhà văn hóa thôn, bản tổng trị giá hơn 1 tỷ 565 triệu đồng; tham gia giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa hơn 51.350 ngày công lao động. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, LLVT tỉnh đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại cơ sở; trực tiếp tham gia phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

ĐÔNG HÀ - ĐÌNH HÙNG (thực hiện)