QĐND - “Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III, Hà Nội -2012” đã thu hút 11 đoàn múa rối đến từ 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Lào, Ai Cập, I-xra-en, Thái Lan, Phi-líp-pin, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam là các đoàn múa rối nghệ thuật đến từ Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh, Đoàn Múa rối Đắc Lắc.

Sau 6 ngày liên tục biểu diễn, “Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III, Hà Nội -2012” đã kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế và công chúng Thủ đô. Nhân dịp này, Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng ban chỉ đạo Liên hoan.

Phóng viên (PV): So với hai lần trước, “Liên hoan Múa rối quốc tế Hà Nội” lần này đã tạo được những khác biệt gì, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên. Ảnh: Thúy Nga

Ông Vương Duy Biên: Năm 2008, lần đầu tiên chúng ta khai phá, tổ chức thành công một festival rối. Qua lần thứ hai, rồi đến lần này, là một sự tiếp nối mang tính chất định kỳ, giống như các liên hoan rối quốc tế, mình đã tạo được một thương hiệu. Bạn bè thế giới đã biết đến Việt Nam có một liên hoan múa rối. Mình làm như thế để dần dần xây dựng một thương hiệu festival của Hà Nội, cũng như một số thành phố nổi tiếng trên thế giới như ở Pháp, Tây Ban Nha.

PV: Về chương trình, liên hoan lần này có thể hiện được những điều mới, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Nói chung, nghệ thuật luôn luôn đổi mới, mỗi lần các nghệ sĩ đều mang đến những tác phẩm mới. Liên hoan lần này có cả cái mới, cả cái cũ. Cái mới là một đơn vị nghệ thuật ở Hà Tĩnh, mới được thành lập và lần đầu tiên tham dự. Một đơn vị nữa, tuy không mới nhưng rất cố gắng là Đắc Lắc, xa xôi thế mà lần nào cũng dự.

PV: Còn sự đổi mới ở chương trình của ông? (Tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III, đạo diễn Vương Duy Biên tham dự với tác phẩm “Giai điệu ký ức” dàn dựng cho Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng -PV)

Ông Vương Duy Biên: Về cá nhân nghệ sĩ, tôi muốn đưa ra một tác phẩm có diện mạo khác trước.

Tôi cho rằng, nét đẹp và ấn tượng của nghệ thuật biểu diễn cũng là vẻ đẹp khi người ta mở màn nhung ra. Cái gì khoe với khán giả đều là đẹp. Từ cái đó, tôi nghĩ, cái đẹp của mình, trong múa rối, chính là cái đẹp chuyển động. Tạo hình từ tư thế này sang tư thế khác, rồi phối hợp với ánh sáng, với âm nhạc, đó là thứ nghệ thuật sắp đặt ở dạng chuyển động có tiết tấu, có giai điệu. Nghệ thuật múa rối rất gần với nghệ thuật tạo hình, đặc biệt trong điêu khắc. Điêu khắc động trên thế giới đã có. Giờ mình làm nhiều hơn ở chỗ, điêu khắc động nhưng có giai điệu, có tiết tấu. Và hơn nữa, chất liệu được sử dụng rất phong phú. Ví dụ, tôi dùng cả vải để dùng trong điêu khắc. Rồi từ các chất liệu thô thể hiện sự sang trọng, chứ không phải cứ vật liệu đắt tiền mới thể hiện sự sang trọng. Đó là quan điểm của tôi! Đó cũng là một tìm tòi!

PV: Qua 3 festival vừa qua, chúng ta có đặt ra vấn đề bảo tồn nghệ thuật múa rối, đặc biệt rối truyền thống, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Thực ra, khi đã hội nhập quốc tế thì chúng ta phải có một tiêu chí chung. Bảo tồn là việc của nước mình, còn đi liên hoan rối quốc tế là hội nhập, là ngang bằng, bình đẳng, là mình phải theo kịp cái nhịp của thế giới. Còn bảo tồn mình lại có cuộc chơi riêng của mình.

PV: Qua 3 festival, rối Việt Nam đã học hỏi được gì từ thế giới, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Về mặt học thuật, trong nghệ thuật, mình học là học cái thần thái, quan niệm và học tính tương tác, tính cộng đồng để làm thế nào cho nghệ thuật múa rối ra xã hội nhiều hơn, rộng hơn. ở châu âu nói chung, có lẽ do kinh tế phát triển, múa rối cũng rất phát triển. ở mình, người ta đang tập trung vào kinh tế, còn nếu là nghệ thuật thì là ca múa nhạc. Múa rối hiện nay bị xã hội đánh giá khá khiêm tốn. Vì thế, mình muốn tìm hiểu cách để múa rối tồn tại, phát triển trong xã hội và mô hình của nó. ở quốc tế, mô hình hoạt động của nghệ thuật múa rối rất linh hoạt, một gia đình, một nhóm bạn bè đã có thể chơi. Múa rối có cái hay là không bị rào cản về ngôn ngữ. Vì thế, đoàn múa rối có khi chỉ gồm 1-2 người có thể đi lưu diễn khắp thế giới. Trong khi đó, ở mình phải đoàn, có nhà hát, có thiết chế.

Vậy thì cách tồn tại như thế nào, cách thức biểu diễn như thế nào để múa rối vẫn đạt được một trình độ nghệ thuật nhất định mà lại sống được với xã hội. Tôi cho là cách tổ chức, cũng như cách chơi của họ gắn với cuộc sống, làm người ta có cảm giác các nghệ sĩ vừa sống, vừa làm nghệ thuật rất thanh thản, không gay gắt như mình.

Một đoàn múa rối có cần thiết phải cồng kềnh, phải đông? Tất nhiên, đông cũng có cái hiệu quả của nó nhất là khi cần những tác phẩm lớn. Tuy nhiên, để đi sâu vào công chúng và tồn tại một cách thanh thản, nhẹ nhàng thì cần có nhiều cách, nhiều phương thức, mô hình để phát triển, để từ đó thấy rằng, nghệ thuật múa rối rất đa dạng. Các nghệ sĩ ở ta cần tự tin để có những nhóm, những cá nhân nghệ sĩ có thể phát huy nghệ thuật múa rối.

PV: Trên thực tế, về mặt mô hình, dường như chúng ta mới học được về mặt khái niệm chứ chưa ứng dụng được vào thực tế, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Đã có một số nghệ sĩ tìm tòi, đã thử. Tuy nhiên, có một số lý do. Một là, còn thiếu các nhà tài trợ tâm huyết với lĩnh vực này. ở nước ngoài, nghệ sĩ rối sống bằng tài trợ. ở ta đã bắt đầu xuất hiện tài trợ nhưng mới ở lĩnh vực bóng đá, cho những show diễn ca múa nhạc. Các nhà tài trợ có lẽ nên tìm hiểu lĩnh vực nghệ thuật rối vì phát triển nghệ thuật này có lợi cho đất nước, có lợi cho giáo dục thiếu niên, nhi đồng, những công dân tương lai.

Mặt khác, các nghệ sĩ cũng cần tự tin, khám phá, sáng tạo để hấp dẫn các nhà tài trợ, để đồng hành với họ ra xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Trang thực hiện