Phóng viên (PV): Năm 2019 đi qua, Hà Giang là địa phương có nhiều thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Đồng chí là người ở địa phương khác do trên điều động đến công tác, cảm nhận của đồng chí về những thành tựu trong phát triển KT-XH của Hà Giang năm 2019 là gì?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ đi trước, lại nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp, kết hợp của các địa phương, năm nay Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt nghị quyết do Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, có một số thành tựu nổi bật, như: Kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng khá 6%, thu ngân sách nhà nước vượt 15,6% chỉ tiêu Trung ương giao, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, tiềm năng lợi thế một số ngành lĩnh vực được phát huy, như: Du lịch, kinh tế biên mậu, các tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư tạo điểm nhấn cho Hà Giang, như: Vingroup đã đầu tư xây dựng trung tâm thương mại-khách sạn 5 sao tại TP Hà Giang, khu resort cao cấp tại Cao nguyên đá Đồng Văn; Tập đoàn TH Truemilk đầu tư trang trại nuôi bò sữa và tiến tới xây dựng nhà máy sữa tại Hà Giang để xuất khẩu sang Trung Quốc. Các tập đoàn kinh tế lớn khác, như: FLC, Sungroup cũng đã khảo sát nghiên cứu để đầu tư vào Hà Giang.
|
|
Cột cờ Lũng Cú (ảnh Thắng Quang) |
Xác định những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, như: Mật ong bạc hà, trà Shan tuyết, cam sành Hàm Yên... bước đầu được đưa vào các trung tâm siêu thị Vinmart. Đến nay đã tiêu thụ được hơn 5.000 tấn cam… Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hà Giang những năm qua chính là chuỗi sự kiện trong Tuần lễ du lịch “Qua những miền di sản”: Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội “Hoa tam giác mạch”... Hoạt động du lịch phát triển cả về chất lượng và quy mô. Năm 2019, Hà Giang đã đón 1,6 triệu lượt khách du lịch, vượt chỉ tiêu 400.000 lượt khách. Giá trị từ du lịch tăng so với năm ngoái xấp xỉ 40%. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Những kết quả đó sẽ tạo nên những động lực mới để đột phá và tăng tốc trong những năm tới đây.
PV: Vậy, những tồn tại và thách thức trước mắt để Hà Giang phát triển, đạt những mục tiêu lớn của nhiệm kỳ 2015-2020?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Tồn tại, thách thức chính là những hạn chế, như: Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; tiến độ lập quy hoạch, giải ngân các nguồn vốn còn chậm; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, xây dựng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao; công tác giáo dục-đào tạo, giải quyết việc làm còn bất cập. Chất lượng xây dựng Đảng, nhất là chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn hạn chế; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa được phát huy; công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức… Đây thực sự là những vấn đề mà các cấp, các ngành Hà Giang cần nỗ lực khắc phục triệt để, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2020. Muốn phát triển thì điều quan trọng nhất của Hà Giang hiện nay là phải đầu tư cho kết nối giao thông giữa các vùng di sản. Tỉnh đã làm việc với các bộ, ngành để sớm khởi công đường cao tốc Hà Giang với Hà Nội-Lào Cai, có được con đường đó thì sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Giang về Hà Nội xuống hơn một giờ đồng hồ.
PV: Khi nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, điều đồng chí quan tâm nhất là gì?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Tôi quan tâm rất nhiều vấn đề. Làm sao để công tác xây dựng Đảng xứng đáng với vai trò then chốt, phát triển kinh tế xứng đáng với nhiệm vụ trung tâm, phát triển văn hóa xứng với vai trò nền tảng của đời sống xã hội. Rồi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh... Hà Giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, xấp xỉ 30%. Kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất chưa khép kín theo mô hình VietGap, do đó điều mà tôi ưu tiên là lo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa bằng chất lượng sản phẩm. Ngoài việc hình thành các vùng cây đặc sản như chè, cam, mật ong... thì hướng ra trong thời gian tới sẽ là các trung tâm nuôi bò sữa phục vụ cho nhà máy chế biến sữa xuất khẩu sang Trung Quốc theo hiệp định mà hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết.
Để phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã, đang và sẽ đẩy mạnh chương trình làm đường giao thông nông thôn từ Quỹ “Một triệu tấn xi măng” để kết nối các miền quê. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng 1.200 ngôi nhà tình nghĩa tặng đồng bào còn khó khăn ở các vùng biên ải với tư duy: “Mỗi hộ dân là một cột mốc bảo vệ chủ quyền nơi biên cương”. Năm qua, tỉnh đã trích từ nguồn ngân sách 70 tỷ đồng để xây dựng các trạm cung cấp nước sạch theo công nghệ của Đức cho các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn… Nói chung, là tỉnh nghèo, vị trí địa lý trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Tỉnh ủy Hà Giang phải tiến hành đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, mà trước hết là đổi mới chính phương thức lãnh đạo.
PV: Bước sang năm mới 2020, ưu tiên và quyết tâm của đồng chí là gì?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Chúng tôi đã bàn và thống nhất cao trong Tỉnh ủy những việc sẽ làm và phải làm bằng được, đó là: Tiếp tục đổi mới toàn diện, thay đổi tư duy, dám đối mặt với thử thách và vượt qua thử thách, ưu tiên hàng đầu là đột phá vào các khâu trong công tác cải cách hành chính, đề cao vai trò vị trí người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản trở sự phát triển chung của tỉnh. Tóm gọn lại là đột phá vào thái độ phục vụ của cơ quan công quyền.
PV: Tâm trạng của đồng chí ra sao, khi nhận nhiệm vụ tại địa phương đang vướng vào nhiều vụ việc như Hà Giang, cụ thể như vụ việc tiêu cực gian lận trong thi cử, xâm phạm các di sản văn hóa ở Mã Pì Lèng, việc xây dựng khu tâm linh Lũng Cú...?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Là đảng viên, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình, luôn phục tùng sự phân công của tổ chức, coi đây là sự tin cậy, giao nhiệm vụ của Trung ương, của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Về các vụ việc, với trách nhiệm người đứng đầu, tôi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn và tìm ra hướng khắc phục. Theo quan điểm của tôi, cần có cách nhìn khách quan và có lộ trình, bước đi trong xử lý theo hướng đạt lý và thấu tình. Tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để giải quyết và khắc phục. Sự việc ở Mã Pì Lèng, ở Lũng Cú đã và đang được giải quyết theo hướng đúng luật, bảo vệ di sản và có lợi nhất cho người dân địa phương.
PV: Đồng chí kỳ vọng gì về Hà Giang trong thời gian tới?
Đồng chí Đặng Quốc Khánh: Như tôi đã nói, Hà Giang là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có những di sản văn hóa mà giá trị không chỉ mang tầm vóc quốc gia mà còn mang tầm vóc quốc tế như: Các lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, chợ tình Khau Vai, lễ hội hoa tam giác mạch, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn... Trong tâm khảm của đồng bào và chiến sĩ cả nước luôn có hình ảnh lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú-nơi địa đầu của Tổ quốc. Hà Giang có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi yên nghỉ thiêng liêng của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Được lên Hà Giang sống và cống hiến, tôi thấm thía lời dạy của cha ông về dựng nước và giữ nước. Tôi tìm đọc nhiều hơn những áng văn thơ, những lời chỉ bảo của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và đặc biệt là của Bác Hồ kính yêu… Điều tôi luôn trăn trở là làm sao cùng với tập thể Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Giang lên tầm cao mới, trước mắt là hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, phấn đấu năm 2020 đạt mốc tăng trưởng GDP 8%. Bộ mặt đô thị của TP Hà Giang phải xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn; bộ mặt nông thôn mới Hà Giang sẽ đổi thay với những vùng cây chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Tôi hy vọng Hà Giang sẽ là nơi, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, ai đến Hà Giang cũng thấy hài lòng và yêu mến như lời trong bài hát “Về thăm Hà Giang” của nhạc sĩ Thanh Phúc: “Đây Hà Giang mến yêu của tôi…”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Tiến Phú (thực hiện)