Phóng viên (PV): Hệ thống trường nghề của chúng ta khá đông đảo, ông đánh giá thế nào về tay nghề của lực lượng lao động này?
TS Phạm Xuân Khánh: Theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước cho thấy: Sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản tốt, chăm chỉ học tập, rèn luyện, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn vận hành của công ty, vận hành, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh. Tuy nhiên, tinh thần, ý thức, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp không được đánh giá cao, không tích cực sử dụng kỹ thuật cơ bản hoặc giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ, năng lực làm việc tập thể thấp.
Nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhìn rộng hơn, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, thợ lành nghề; khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế; trình độ ngoại ngữ, tin học của hầu hết người lao động còn rất thấp; tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn bất cập; tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm qua.
PV: Điều đó hẳn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế nói chung, kinh tế doanh nghiệp nói riêng?
TS Phạm Xuân Khánh: Thực trạng này dẫn đến một việc khá quan trọng là trong khi nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam đã và sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp.
PV: Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Song dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Phạm Xuân Khánh: Phải khẳng định đây là cơ hội để phát triển kinh tế. Chúng ta có thể thu hút đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; khoa học-công nghệ với nhiều công nghệ mới; xuất nhập khẩu với đa dạng mặt hàng; doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm, sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển… sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng lên, giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.
Đối với GDNN, cũng tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ; có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài. Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, văn bằng, chứng chỉ được công nhận ở các nước trong khu vực và thế giới và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
    |
 |
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành |
Bên cạnh những cơ hội lớn để phát triển thì hội nhập đồng thời cũng mang đến những khó khăn, thách thức rất lớn cho chúng ta như tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực cao do di chuyển lao động trong khu vực sẽ tạo nên cạnh tranh lành mạnh nhưng gay gắt. Nhân lực có trình độ cao trong khu vực ASEAN sẽ tự do di chuyển đến Việt Nam do chúng ta đang thiếu hụt lực lượng lao động này, dẫn đến vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, chúng ta dần mất đi lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và chi phí lao động thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế-xã hội.
PV: Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động như thế nào?
TS Phạm Xuân Khánh: Dưới tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế và lấy đi việc làm của con người. Các yêu cầu về kỹ năng của người lao động sẽ tăng cao. Khi ấy, người lao động nếu không nâng cao năng lực, kỹ năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất thì sẽ bị loại khỏi thị trường nhanh chóng. Đồng thời, do sự phát sinh thêm rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc tự động (thí dụ nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo)… đòi hỏi danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải đổi mới, cập nhật liên tục để đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.
PV: Thưa tiến sĩ, về căn bản, trước mắt cần phải đào tạo lao động theo hướng nào?
TS Phạm Xuân Khánh: Cần tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
PV: Thưa ông, chúng ta đã có chính sách gì để có thể ứng phó nhanh khi cơ cấu lao động thay đổi?
TS Phạm Xuân Khánh: Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong chỉ thị đã nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ: Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động. Một trong những giải pháp Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
PV: Cụ thể về công tác GDNN phải có những đột phá gì, thưa tiến sĩ?
TS Phạm Xuân Khánh: Chúng ta cần thay đổi toàn diện. Thứ nhất, cần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý-chìa khóa trong mọi hoạt động của các cơ sở GDNN.
Thứ hai, đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh. Mô hình quản lý nhà trường hiện nay tương đối cồng kềnh, hiệu quả không cao, khó đáp ứng được với yêu cầu phát triển. Quản trị nhà trường cần thay đổi mô hình đào tạo theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo đảm tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Trong đó, hệ thống CNTT được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động trong nhà trường (từ lãnh đạo đến sinh viên). Dạy học chuyển sang ý tưởng, sáng tạo và áp dụng công nghệ. Người học thực hiện quá trình học tập trên lớp hoặc ngay tại nhà, thông qua các thiết bị không dây, chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập, có thể gọi là “trường di động, lớp học online”. Người dạy - người học và người học - người học chia sẻ, tương tác với nhau một cách liên tục và linh hoạt, triển khai bài giảng điện tử, thư viện số, chuyển các dữ liệu truyền thống sang dữ liệu số trên máy tính. Áp dụng công nghệ IoTs
(Internet of Things) để kết nối người học, phụ huynh, giáo viên, giúp nắm bắt các thông tin kịp thời như: Điểm, lịch học, các thông báo…; đáp ứng yêu cầu đào tạo mở, linh hoạt, theo nhu cầu người học.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào. Thứ tư, tăng cường gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Thứ năm, tiếp tục chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành, nghề theo chuẩn, theo hướng thiết bị công nghệ cao vừa phục vụ đào tạo vừa phục vụ nghiên cứu, sản xuất. Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, coi việc nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nhà trường. Tiếp theo chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN.
PV: Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!
VĂN HỌC (thực hiện)