Làm sao phát huy những nguồn lực văn hóa của Thủ đô để rồng thiêng được cất cánh?... Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” do Thành ủy, UBND TP Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2020). Chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa về chủ đề này.

TS NGUYỄN VĂN PHONG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:

“Vườn ươm” sáng tạo

Việc thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô, điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục của Thủ đô; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. Việc Hà Nội xác định sự sáng tạo từ góc độ thiết kế ở trung tâm của sự phát triển bền vừng, dự báo đây là đòn bẩy để Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Trưng bày "Sắc màu mùa thu" tại phố cổ Phùng Hưng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2019).

Cơ hội để Hà Nội trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới, trước tiên, cần nhận thức rõ Hà Nội đã không hề “ngủ quên” trên những giá trị truyền thống-như cách ví von của một chuyên gia văn hóa sáng tạo người Đức cho rằng, Hà Nội là: “Dragon is sleeping” (Rồng đang ngủ) mà đã và đang tiếp tục sáng tạo, đổi mới. Nếu như năm 1954, Hà Nội chỉ có 152km2, nhưng qua bốn lần điều chỉnh địa giới và bảy lần quy hoạch thì đến nay Thủ đô đã mở rộng 3.344km2. Chính sự mở rộng như vậy đã mag lại Hà Nội bản sắc mới, mở rộng thêm nguồn lực quan trọng cho phát triển đặc biệt là tái thiết đô thị và gia cường nguồn lực văn hóa khi văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng tạo nên những giá trị văn hóa, dòng sinh khí mới đưa Thủ đô cất cánh.

 Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống và giá trị hiện đại để tạo hình ảnh và diện mạo mới cho chính mình. Hiện nay, Hà Nội được bạn bè quốc tế biết là một thành phố thanh lịch, văn minh, trẻ trung, hiện đại và giàu sáng tạo, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế. Người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Nhận diện được đặc tính, phẩm chất cơ bản này của văn hóa và con người Hà Nội trong truyền thống và hiện đại, đặc biệt trong những lúc khó khăn, thử thách sẽ có ý nghĩa tích cực để chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” của Thủ đô, tạo sức thuyết phục, thu hút đối với bạn bè quốc tế.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:

Giữ gìn đặc trưng riêng của người Hà Nội

Một đặc trưng rất quan trọng của văn hóa Hà Nội, đây là nơi kết hợp giữa những giá trị văn hóa đã định hình với những giá trị, hiện tượng mới đang ngày càng xuất hiện-vừa phong phú, hấp dẫn, vừa có phần hỗn tạp và thiếu quy hoạch. Bên cạnh khu phố cổ đang mọc lên những nhà cao tầng hiện đại. Gần ngay đền Trấn Quốc là một tòa nhà khách sạn đồ sộ được xếp hạng đẳng cấp quốc tế. Những khu đô thị mới với một quần thể hàng trăm nhà chung cư cao cấp lần lượt ra đời mà cách đó không xa là khối các nhà ống, các khu tập thể lâu đời đã xập xệ... Đẹp và xấu, hiện đại xen kẽ thô sơ, cũ kỹ...

Tất cả những di sản, công trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật của Hà Nội từ hơn một ngàn năm nay đã trực tiếp nuôi dưỡng, phát triển và định hình nhân cách con người được sống, làm việc trong không gian văn hóa Hà Nội. Các nhà văn hóa, nhà Hà Nội học đã dày công nghiên cứu đặc trưng người Hà Nội và dù có những ý kiến khác nhau, song hầu như đều nhắc đến một đặc điểm nổi trội nhất của người Tràng An là thanh lịch. Đó là một đặc trưng đã hình thành trong quá trình lịch sử và trở thành một yêu cầu đối với những người sống trong không gian văn hóa Hà Nội. Vì vậy, không nên nghĩ rằng, đặc trưng đó là sự tự nhiên mà có trong mọi người Hà Nội. Phải làm cho văn hóa Hà Nội-cả truyền thống và hiện đại-thẩm sâu vào mọi mặt của đời sống người Hà Nội mới có thể phát huy, giữ gìn và phát triển đặc trưng riêng có đó của người Hà Nội. Có nghĩa là, Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng, và đó chính là tài nguyên tinh thần cho sự phát triển Hà Nội. Đó là tài nguyên hiếm, rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có như ở Hà Nội. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai?

Trí thức là lực lượng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình văn hóa từ sản xuất, sáng tạo đến truyền bá và nhận định hiệu quả của văn hóa đối với người tiếp nhận. Hà Nội là nơi hội tụ đông đảo nhất tinh hoa đó. Khai thông nguồn lực văn hóa chính là năng lực khai thác, phát huy các nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa để họ trở thành người đồng hành với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp tạo ra các sản phẩm văn hóa, là người tư vấn, phản biện... Hà Nội nên tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Nên coi phát huy sức mạnh văn hóa là một đột phá chiến lược trong sự phát triển của mình.

PGS, TS VŨ VĂN PHÚC, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản:

Thu hút, trọng dụng nhân tài

Ngay trong lần khắc bia Tiến sĩ đầu tiên của khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Đại hảo năm thứ ba (1442) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”... Như vậy, từ xa xưa cha ông ta đã chăm lo “việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất, quan trọng nhất”.

Hà Nội là Thủ đô, muốn phát triển nhanh và bền vững, thì công việc quyết định nhất cho phát triển là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Thứ nhất, Hà Nội rất cần xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược về  phát hiện, bồi dưỡng, thu hút trọng dụng nhân tài. Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô tạo ra môi trường tốt nhất (môi trường về pháp lý, về xã hội, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, điều kiện về chế độ chính sách...) nhằm bảo đảm phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo, bảo vệ, phát triển nhân tài cho Hà Nội-xứng đáng là Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến. Thứ ba, các nhân tài cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng của họ, để họ khẳng định mình và tiếp tục rèn luyện phấn đấu, trưởng thành. Tập trung trọng dụng ưu đãi để xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng trên các lĩnh vực. Thứ tư, tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh xứng đáng những cống hiến của các nhân tài cho dân, cho nước, cho Thủ đô yêu dấu. Có chính sách tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài dựa trên hiệu quả công việc mà họ cống hiến cho đất nước. Việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, tạo điều kiện thăng tiến trong công việc cho nhân tài phải dựa trên hiệu quả công việc chứ không dựa trên thâm niên hay tuổi tác... Cần có chính sách thu hút và sử dụng hợp lý nhân tài cả trong và ngoài nước, thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam ở các nước trở về phục vụ Thủ đô dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, cũng cần có “nghệ thuật” thu hút, trọng dụng nhân tài. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng nhân tài cần phải hợp lý”, dùng đúng tài năng thì thành công, dùng sai tài năng thì hỏng việc”...

Ông MICHAEL CROFT, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam:

Hãy để rồng thiêng được cất cánh

Tôi đã tới Việt Nam được 3 năm và bắt đầu hành trình học hỏi đầy thú vị trong vai trò là Trưởng đại diện của UNESCO-một giai đoạn chuyển đổi có dấu ấn từ chính sự năng động của quốc gia Việt Nam. Một trong những câu chuyện luôn được nhắc tới kể từ khi tôi đặt chân đến đất nước của các bạn và cho đến bây giờ vẫn còn được nói tới chính là câu chuyện về sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

... Phát triển bền vững là mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và cả cộng đồng, nên đòi hỏi tiêu chuẩn cao từ các đối tác trong lĩnh vực phát triển như UNESCO-một tổ chức có thể đưa ra những khuyến nghị kịp thời và sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam có môi trường thuận lợi để thảo luận về những vấn đề này, vậy nên tôi đã nhận ra rằng nội tại đất nước của các bạn đã là một nguồn minh chứng trả lời cho những câu hỏi trên. Chính những kinh nghiệm của Việt Nam đã cho chúng ta thấy rằng cơ hội xuất hiện khi chúng ta nhìn nhận về phát triển dưới lăng kính của văn hóa. Và cũng bởi lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta thấy-có thể tôi sẽ không thể lột tả được đầy đủ-rằng văn hóa và phát triển không phải là những kẻ thù mà lại là những người bạn của nhau. Đây cũng chính là phương hướng được thể hiện tại Chiến lược quốc gia của chúng tôi tại Việt Nam “đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển", điều này càng rõ nét khi Hà Nội gia nhập thành công Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hồi cuối năm 2019. Điểm mạnh của Hà Nội chính là một thành phố đầy cảm hứng, đại diện cho sự khao khát thay đổi...

MINH THÀNH (lược ghi)