Không có mức giá nào cho tranh minh họa
Phóng viên (PV): Thời gian gần đây ngày càng có nhiều cuốn sách được đầu tư công phu, in bản đặc biệt giới hạn với những minh họa cũng được đầu tư của các họa sĩ. Hình như Lê Thiết Cương cũng là họa sĩ khá “chịu khó” tham gia minh họa sách?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Thực ra việc này không mới. Trong lịch sử xuất bản Việt Nam đã có truyền thống làm sách đẹp và có minh họa của các họa sĩ tên tuổi từ rất lâu rồi nhưng bị đứt đoạn thời gian khá dài. Cuốn “Kiều” song ngữ Việt-Pháp, phần tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, năm 1979 do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm minh hoạ, họa sĩ Nguyễn Tiến Trung thiết kế mỹ thuật. Hay “Hề chèo” năm 1977 của Hà Văn Cầu do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bìa và minh họa trang trong. Tập bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” năm 1972 của Nguyễn Tuân do Văn Cao vẽ bìa, Bùi Xuân Phái minh họa màu... Giai đoạn trước khó khăn hơn nhưng chúng ta vẫn làm sách đẹp, vẫn có nhiều họa sĩ tên tuổi Việt Nam thời Mỹ thuật Đông Dương tham gia minh họa.
Rất tiếc khi một khoảng thời gian dài ít người quan tâm đến minh họa và làm sách đẹp. Cho đến gần đây, các công ty sách làm những bản sách đẹp, bản giới hạn, thường gọi là sách S100, S200... và họ mời họa sĩ hợp tác chứ không chỉ là trình bày vài minh họa nữa. Thành công có lẽ phải kể đến Đông A với hàng loạt bản đặc biệt có minh họa của nhiều họa sĩ, được đầu tư công phu. Hầu hết đều nhanh chóng hết trên thị trường, hoặc còn thì cũng có giá đắt hơn giá bìa rất nhiều.
Tôi vốn quan tâm và chơi sách đẹp từ lâu, cũng vẽ minh họa từ cách đây hơn 20 năm rồi. Có khi được đặt hàng, có khi tôi thấy hay nên đề xuất tham gia, cũng có lúc tôi chủ động làm theo ý thích của mình.
PV: Tranh của anh bán giá hàng chục nghìn USD từ lâu. Tranh minh họa của anh có giá bao nhiêu? Minh họa sách với anh có lẽ không phải vì tiền. Bởi yêu thích, đam mê chăng?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ví dụ cuốn “Bố già”, tôi được trả 5 triệu đồng cho minh họa màu chân dung Bố già trên giấy khổ A3. Nhưng sau đó đơn vị làm sách bán đấu giá bức tranh, và tôi được thêm 10 triệu đồng nữa. Nhưng bìa và minh họa cho bộ 4 cuốn sách của Đỗ Bích Thúy thì tôi lại tặng, không lấy tiền. Giá của minh họa rất khó định, nó không có mức giá nào cả.
Quả thực tôi thích việc minh họa. Tôi thấy mình cần cảm ơn tác giả vì đã cho cơ hội để tôi biết thêm những cái hay, cái đẹp của văn thơ. Có khi, tôi thấy làm sách, minh họa là nhu cầu, việc cần làm. Hiện tại tôi đang làm cuốn sách đặc biệt và triển lãm của tôi mang tên “Vẽ Kiều”. Có lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều, opera Kiều, điện ảnh, sân khấu Kiều, không lý gì mà không có sách bản đặc biệt "Truyện Kiều". Tôi dự kiến in 100 bản đặc biệt, không chỉ là giấy đẹp mà trong đó có 20 tranh tôi vẽ, sau đó sẽ triển lãm những tranh đó.
    |
 |
Minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương trong sách "Bố già" bản đặc biệt. |
Tả thực hay tả ý?
PV: Với anh, yếu tố nào làm nên một minh họa hay?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Để minh họa đẹp cho truyện ngắn, thơ, tản văn hay tiểu thuyết có rất nhiều yếu tố nhưng theo tôi đầu tiên họa sĩ phải là một độc giả đặc biệt. Mà tôi quan niệm không phải ai đọc sách cũng là độc giả. Phải là người có năng lực cảm thụ văn chương, thi ca hơn người khác, thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm, sau đó phải phân tích được vì sao nó hay, đẹp.
Và một yếu tố quan trọng nữa là họa sĩ phải có quan niệm thế nào là minh họa thì mới cầm bút vẽ được. Có người sẽ minh họa theo nghĩa đen, tả thực, tức là đọc thấy thế nào thì minh họa thế ấy. Họa sĩ Lê Văn Đệ khi minh họa cho câu “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên” đã vẽ cảnh Kiều đang tắm. Tôi thì không chọn cách ấy. Những câu thơ như “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, đến nay tôi chưa thấy ai minh họa cả. Và nếu lời thơ thế nào vẽ theo như thế thì sẽ không minh họa được. Thúy Kiều bạc mệnh. Nhưng Nguyễn Du văn võ song toàn sinh ra trong thời loạn “Lê đã mạt mà Nguyễn thì sơ”, khiến những người như ông luôn rơi vào thế kẹt bởi chữ trung. Tôi hiểu rằng Nguyễn Du viết câu đó không chỉ cho Thúy Kiều mà còn là cho những người tài, đẹp trên thế gian, trong đó có mình. Vậy nên minh họa cho câu thơ, tôi đã vẽ chân dung Nguyễn Du lồng trong chân dung Thúy Kiều. Tất nhiên không phải lúc nào, tác phẩm nào cũng phù hợp với cách tả ý, hư cấu của tôi. Chẳng hạn có đơn vị đặt tôi minh họa cho cuốn “Việc làng”. Tôi đã từ chối vì thấy không hợp phong cách của tôi, cuốn này minh họa lối tả thực sẽ hay và phù hợp hơn.
PV: Và minh họa thế nào để không chi phối trí tưởng tượng của người đọc bởi cái nhìn của họa sĩ, thưa anh?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Minh họa hãy làm những điều mà câu văn, câu thơ của tác giả không nói ra, những ý tứ nằm dưới câu chữ ấy.
"Nếu có kiếp sau, tôi sẽ chọn nghề văn chương"
PV: Hiểu minh họa theo cách của anh thì có lẽ họa sĩ cũng không khác nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học là mấy?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Giống như người ta nói, ai mắc bệnh gì thì tự nhiên như là bác sĩ chuyên bệnh đó. Tôi có anh bạn bị đau nửa đầu mãn tính, anh ấy có thể nói về chứng đau nửa đầu chi tiết, cặn kẽ, điều trị ra sao, thuốc nào mới ra... Khi bạn đắm đuối vào lĩnh vực nào thì tự nhiên sẽ chọn về nó.
PV: Vậy là anh nhận mình đắm đuối với văn chương? Tôi nhớ trong buổi ra mắt sách của tác giả Đỗ Bích Thúy, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nói, anh xứng đáng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi thấy đúng quá đấy chứ! (Cười). Tính ra tôi làm bìa, minh họa sách cho nhiều nhà văn, nhà thơ lắm rồi. Tôi nhận mình là người đồng hành với tác giả để tạo nên những tác phẩm hay hơn, đẹp hơn. Tôi quan niệm mình đang phổ họa, thể hiện những tác phẩm bằng hội họa. Nếu có kiếp sau, chắc tôi sẽ chọn nghề gì đó về văn chương.
    |
 |
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhà văn và họa sĩ, tác phẩm và minh họa
PV: Có người nói minh họa như một thứ gia vị cho tác phẩm. Là một họa sĩ, anh thấy đó là gia vị hay là một tác phẩm hội họa độc lập, ở vị trí ngang hàng?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nói là gia vị cũng rất hay. Trên đời không ai ăn toàn gia vị cả nhưng nếu thiếu thì không thành món ngon. Minh họa ở trong tác phẩm nào đó thì giống như là ga khởi hành, còn đích đến phải là một tác phẩm hội họa. Và nếu đạt được đến đích thì minh họa đó trở thành tác phẩm độc lập. Nhưng bạn đọc câu thơ viết về Hồ Gươm, có cảm hứng và vẽ cảnh Hồ Gươm khác với việc bạn đứng trước hồ, cảm xúc và vẽ. Minh họa vừa là tác phẩm độc lập nhưng phải xuất phát từ “ga” là bài thơ. Và vẽ trên cảm hứng bài thơ thì vẫn phải có sự liên kết với bài thơ.
PV: Tôi nhìn ra rằng việc kết hợp tác giả và họa sĩ để tạo ra những ấn phẩm chất lượng là một cách để thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản cũng như văn hóa đọc nước ta hiện nay. Anh có thấy vậy?
Họa sĩ Lê Thiết Cương: Rõ ràng là thế. Vừa rồi một bạn độc giả đặt mua mấy chục cuốn sách bản đặc biệt của Đỗ Bích Thúy. Chúng ta có tiền mua sách đẹp thì cũng là bình thường. Nhưng nếu ai đó mua số lượng lớn về để bán lại có lãi thì họ đang kỳ vọng vào thị trường sách đẹp và kích thích thị trường sách phát triển. Tôi rất thích suy nghĩ như vậy nên dù không quen biết nhưng tôi đã tặng bạn ấy một bức tranh bìa sách.
Ở những giai đoạn đất nước khó khăn mà ta vẫn có những sách bản đặc biệt, sách đẹp, có sự tham gia của các danh họa. Ngày nay có điều kiện hơn, công nghệ, giấy đều tốt, nếu chúng ta phát triển được thì cũng là một cách tôn vinh sách, tôn vinh văn chương, thi ca. Nhà sách bán được sách, họa sĩ có thêm tiền nếu mang đấu giá tranh minh họa, lại tạo được một sân chơi rất hay cho người có thú sưu tầm tranh, chơi sách đẹp.
PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG THU (thực hiện)