Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen. Tâm nguyện của ông là: Khi nào còn đủ sức khỏe thì còn tiếp tục cống hiến cho các hoạt động của bảo tàng...

Phóng viên (PV): Nguyên do nào ông quyết định thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày với hơn 4.000 hiện vật?

Ông Lâm Văn Bảng: Năm 1966, tôi vào Nam và tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, miền Đông Nam Bộ. Ở chiến trường, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh anh dũng và trực tiếp an táng nhiều đồng đội. Năm 1968, tôi bị thương nặng, bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc. Trong tù, bị tra tấn dã man như thời trung cổ, nhưng cái đó không ám ảnh bằng việc chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, những người có niềm tin, lý tưởng sắt đá, trung thành tuyệt đối với Đảng, tin tưởng vào ngày toàn thắng. Còn sống và được trở về, tôi nghĩ phải làm việc gì đó để báo cáo với Đảng, với nhân dân, với quân đội rằng những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đã kiên trung, bất khuất và trung thành vô hạn đối với Đảng và Tổ quốc. Ý thứ hai là chúng tôi muốn từ những hiện vật này có thể truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; đồng thời muốn nhắc nhở mọi người rằng có biết bao chiến sĩ đã hy sinh xương máu để đổi lại hòa bình hôm nay. Chúng tôi muốn tri ân các anh hùng liệt sĩ, và cũng hy vọng có thể làm vơi đi những đau khổ, mất mát của thân nhân đồng đội. Và còn một mục tiêu nữa, đây là nơi cất giữ những bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ địch.

Ông Lâm Văn Bảng trực tiếp giới thiệu với khách tham quan về bảo tàng. Ảnh: Bích Đỗ

PV: Kể từ khi được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ra quyết định thành lập bảo tàng tư nhân vào năm 2006, những điều mà ông mong muốn, tâm huyết đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lâm Văn Bảng: Trong những hiện vật chúng tôi đang trưng bày có cả hiện vật từ thời chống Pháp, thanh niên xung phong, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, xuyên suốt từ Côn Đảo đến Phú Quốc, Phú Tài, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Cần Thơ. Chúng tôi muốn thể hiện một điều rằng, các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do của chúng ta là chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân, chiến tranh toàn diện. Từ người già, phụ nữ đến trẻ em đều tham gia, và đều có thể bị bắt, bị tù đày.

Trong hoạt động bảo tàng, chúng tôi có ưu thế là người trong cuộc. Tôi tin là những người từng trải qua thực tế chiến tranh mà nói về chiến tranh, những người từng bị giam cầm, tra tấn nói về nhà tù của địch chắc chắn giàu cảm xúc, có sức thuyết phục. Và đó là điều mà chúng tôi thực hiện thường xuyên. Cùng với việc trưng bày các hiện vật, tùy theo từng chủ đề, chúng tôi mời các đồng đội từng ở trong hoàn cảnh cụ thể ấy đến nói chuyện. Không chỉ hoạt động tại bảo tàng mà chúng tôi còn đi đến nhiều nơi, thực hiện những cuộc triển lãm, kể chuyện lưu động.

PV: Ông cũng từng bị địch bắt, phải ngồi tù, chịu tra tấn. Những năm tháng ấy đối với ông như thế nào ạ?

Ông Lâm Văn Bảng: Tôi bị giam ở trại giam tù binh Phú Quốc 4 năm 8 tháng 7 ngày. Trong suốt thời gian ấy, chịu đòn roi tra tấn của địch, có lúc tôi cảm tưởng mình không vượt qua nổi “thần chết”. Có câu chuyện ám ảnh tôi đến tận bây giờ, và có lẽ mãi đến sau này. Thời gian tôi nằm ở nhà thương Cộng Hòa, nói là nhà thương nhưng xung quanh là song sắt hết. Cơm ăn, nước uống cũng đưa qua song sắt. Nằm đấy, nghe bên kia bức tường những đồng đội bị thương ở sọ não rên vô thức suốt ngày đêm. Rồi có một trận mưa to, tắc cống, chuột bò lên, nó cắn đồng đội mình. Tiếng rên cứ lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn. Rồi có một thời gian, cứ trông thấy người mặc áo trắng là tôi lại sởn da gà. Cũng là lúc tôi nằm nhà thương, vết thương ở chân, đáng lẽ hằng ngày thay băng y tá phải dấp nước rồi bóc băng ra. Nhưng đây không, nó là kẻ thù của mình mà, nó lấy cái panh gắp rồi giật phắt, máu phun ra. Rồi cũng cái panh ấy, nó gắp bông, chọc vào vết thương. Tôi phải kéo áo lên cắn chặt, chảy nước mắt vì đau. Mục đích của kẻ địch chỉ là khiến mình vì đau quá, không chịu nổi mà khuất phục thôi. Nhưng chúng tôi lúc nào cũng giữ bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng. Thân xác đau nhưng niềm tin vẫn vững vàng.

PV: Ở trong nhà tù của địch, ông có từng sợ điều gì không?

Ông Lâm Văn Bảng: Điều mà chúng tôi sợ nhất là mình không đủ can đảm, bản lĩnh để chịu những đòn roi tra tấn của địch. Sợ là mình làm hoen ố nhân phẩm của mình. Xét cho cùng, ai chẳng sợ chết. Nhưng cái chết nó phải vinh quang. Nếu hy sinh, phải hy sinh trong danh dự. Xác định được như thế rồi thì không sợ chết nữa, sẵn sàng đương đầu với kẻ địch. Và cái sợ nữa là sợ đồng đội mất niềm tin vào mình. Anh ra bị kẻ địch đánh đau, nhưng vẫn giữ được khí tiết, về đồng đội vẫn quan tâm chăm sóc. Nhưng khi bị đánh mà anh nói sơ hở một chút thôi, ví dụ, trong này có tổ chức đảng, thì về anh em không tin mình nữa. Mà như thế sống không bằng chết. Chúng tôi ở phân khu B2. Trong phân khu B2 có gần 1.000 chiến sĩ. Chúng tôi đã đào những đường hầm suốt hai, ba tháng trời, đưa lên hàng chục khối đất, thế mà không bị lộ, là bởi vì gần 1.000 con người có cùng một suy nghĩ, hành động như nhau.

PV: Nhắc đến chuyện đào hầm vượt ngục, có lẽ đó là một trong những hành động đặc biệt nhất mà kẻ địch dù có kìm kẹp tàn khốc thế nào cũng không thể hình dung được. Việc đào hầm vượt ngục diễn ra thế nào, bao nhiêu đất như thế ta đổ đi đâu, thưa ông?

Ông Lâm Văn Bảng: Bộ đội ta thông minh lắm. Ta đào theo lối chuột đào, nó đùn ra rất ít. Đất vốn xốp mà. Đào đến đâu ta nén lại đến đó. Ngoài ra, trước khi đào, mình nói với giám thị cho đào một hố đi tiểu. Ngăn cái hố đó thành hai tầng. Mỗi khi anh em điểm danh về thì đứng xung quanh hố giả vờ đi tiểu nhưng thực chất là túm tay thả người xuống đào. Đào đến đâu nén đất đến đó, đồng thời mang ra chỗ đi tiểu đó. Mỗi hố tiểu rộng 2m, dài 3m, sâu 2m. Đất vẫn còn dư thì đào thêm một ngách vào trong phòng để đổ đất. Ngoài ra, mỗi khi đi điểm danh thì mỗi người lại mang theo một túi đất nhỏ, ra đến nơi điểm danh thì đổ xuống xoa lẫn với cát phi tang. Ở trong nhà tù, lúc nào cũng nuôi khát vọng tự do, độc lập, mục tiêu là giữ gìn phẩm chất cách mạng và tìm mọi cách để vượt ngục.

PV: Khi đào xong hầm rồi thì những ai sẽ là người được ra ngoài trước ạ?

Ông Lâm Văn Bảng: Vượt ngục là nhiệm vụ chứ, đâu phải thích ra thì ra. Những đồng chí đào hầm thì không được ra, vì anh có kinh nghiệm rồi, anh phải ở lại để đào tiếp. Ưu tiên số một là các đồng chí lãnh đạo, thứ hai là các đồng chí đặc công vì họ khỏe, dễ thoát. Những ai có đủ điều kiện để chiến đấu sau khi ra ngoài thì được ưu tiên trước nhất. Trong nhà tù, kỷ luật rất nghiêm, thực sự là kỷ luật sắt. Vào những ngày tuyệt thực, tất cả nằm như chết. Những đồng chí khỏe nằm trước phòng, ngay cửa ra vào. Nhà tôn chỉ có hai cửa thôi, những đồng chí khỏe nằm đó, nếu địch đàn áp thì xông ra khống chế. Con người ta khi tuyệt thực 5-7 ngày, không một hạt muối, hạt cơm, một ngụm nước thì kỷ luật là rất quan trọng. Giữa sống-chết chỉ cần một người không chịu được thì cuộc đấu tranh sẽ thất bại. Mà thất bại thì kẻ địch tàn phá ghê gớm.

PV: Được sống và trở về đời thường, được thực hiện ước nguyện là thành lập một bảo tàng, điều gì đến nay ông vẫn còn day dứt?

Ông Lâm Văn Bảng: Đồng đội tôi hy sinh ở Phú Quốc cũng như các nhà tù khác nhiều lắm. Riêng Phú Quốc có khoảng 4.000 liệt sĩ, đến nay mới tìm được hơn 2.000 hài cốt.

Về phía bảo tàng, còn sống ngày nào tôi còn làm việc ngày đó. Tuy nhiên, nay tôi cũng cao tuổi rồi, tôi chỉ trăn trở làm sao giữ được những hiện vật này lâu dài vì chúng đều là vô giá. Ví dụ lá cờ Đảng vẽ bằng máu chỉ ở đây có, hay là những cái răng của anh em tù binh bị chúng đục, những cái roi cá đuối, những bài thơ gốc, làm cách nào để giữ? Mỗi năm chúng tôi được thành phố hỗ trợ 250 triệu đồng, thực tế không đủ cho chi phí các loại. Cũng phải gói ghém thôi. 12 anh chị em làm việc theo 3 ca ở đây đều là thiện nguyện. Tôi thấy có lỗi với anh chị em. Tôi cũng thấy có lỗi với khách đến tham quan. Những hôm trời nắng nóng, có bao nhiêu chăn bông tôi cho tấp hết lên mái nhà, phun nước lên, nhưng cũng không ăn thua. Bao nhiêu con người, già có, trẻ có, đứng nghe chúng tôi kể chuyện, thực sự không cam lòng.

Tôi làm việc này để tri ân với đồng đội nhưng cũng có lỗi với gia đình vì tâm huyết của tôi quá lớn, chi phí thiếu mình phải lo chứ. Chúng tôi không bán vé. Những hiện vật ở đây ẩn hiện linh hồn của đồng đội tôi cả, không bao giờ tôi có thể bán vé thu tiền khách đến tham quan.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THANH AM (thực hiện)